Ngoại trưởng Australia Marise Payne đang có chuyến công du bốn ngày đến bốn quốc gia Đông Nam Á. Chuyến công du này bắt đầu từ ngày 5/11 với các điểm dừng chân là Malaysia, sau đó là Campuchia - nước sẽ đóng vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm sau, tiếp đến là Việt Nam và cuối cùng là Indonesia.
Việt Nam là lựa chọn chiến lược hấp dẫn của Australia trước mối nguy Trung Quốc |
Chuyến đi thăm của bà Ngoại trưởng diễn ra sau khi ASEAN đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương với Australia lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ngày 27/10, và cũng như vậy với Trung Quốc một ngày sau, ngày 28/10.
Một số nhà quan sát cho rằng việc đạt được thỏa thuận nâng cấp quan hệ này là một thắng lợi mang tính biểu tượng đối với Canberra trong việc “đi trước Bắc Kinh một bước” để có được một thỏa thuận đầu tiên như vậy với khu vực Đông Nam Á - khu vực đang tăng trưởng năng động và trở thành đấu trường chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington.
ASEAN đang cố gắng cân bằng quan hệ với tất cả các cường quốc, cho dù, cuộc đối đầu Mỹ - Trung càng lúc càng gay gắt. Sự đối đầu này đã lan sang cả mối quan hệ Úc - Trung, khi hai quốc gia này cáo buộc lẫn nhau gây ra cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Trước mối đe doạ nhiều mặt từ Trung Quốc, Australia đã đứng về phía đồng minh truyền thống của mình là Mỹ. Mới đây, Anh, Mỹ và Úc đã thành lập liên minh AUKUS, điều này đã khiến Trung Quốc thêm tức giận.
Trên trang web chính thức, bà Ngoại trưởng cho biết chuyến đi này nhằm mục đích “thúc đẩy mối quan hệ của chúng tôi với các đối tác quan trọng, bao gồm tăng cường công việc chung của chúng tôi nhằm phục hồi kinh tế và vấn đề y tế của khu vực trước Đại dịch COVID-19.” Tuy nhiên, chuyến đi này của bà Marise Payne chắc chắn sẽ thể hiện ý muốn của Australia trong việc phát triển thị trường tại khu vực này, để thay thế thị trường Trung Quốc đã bị mất. Đồng thời, Australia muốn xoa dịu và trấn an các nước Đông Nam Á trước thoả thuận AUKUS.
Mặt khác, Australia cũng muốn tìm những sự ủng hộ từ các quốc gia này đến chiến lược an ninh của Australia. Trong đó, chắc hẳn sẽ nhắc tới vấn đề biển Đông. Trong một tuyên bố mới đây với tư cách Chủ tịch ASEAN, Brunei đã đề cập đến các vấn đề Biển Đông sau hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc. Tuyên bố có đoạn: “Một số nhà lãnh đạo ASEAN đã nêu vấn đề liên quan đến các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, bao gồm thiệt hại đối với môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Tuyên bố không nói rõ quốc gia hay dân tộc nào phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động này, song các hình ảnh vệ tinh và các nhà quan sát khu vực đều nhắm về phía Trung Quốc.
Cơ hội để nâng cao quan hệ Việt Nam - Australia
Australia vẫn đang phải chịu sự trừng phạt thương mại từ Trung Quốc, chính vì thế quốc gia này đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Việt Nam đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nỗ lực đa dạng hóa thương mại của Australia và với tư cách là một đối tác chiến lược.
Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Úc vào ngày 26/02/1973. Quan hệ giữa hai nước không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Ngày 7/9/2009, hai quốc gia đã nhất trí nâng quan hệ Việt - Úc thành “Quan hệ đối tác toàn diện”. Năm 2017, Australia và Việt Nam công bố quan hệ song phương sẽ được nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược, và vào ngày 15/03/2018, tại Canberra, Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Australia khi đó đã ký Tuyên bố chung về Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Australia và Việt Nam. Hai nước cũng dự định sẽ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023.
Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam - Australia đạt 8,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt gần 3,6 tỷ USD; nhập khẩu từ Australia đạt 4,7 tỷ USD. Trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Úc đạt 5,6 tỷ USD, tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh như bây giờ, cả Việt Nam và Australia đều cần thúc đẩy kinh tế, đặc biệt khi cả hai đều cần hồi phục kinh tế sau Đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam và Australia đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một thỏa thuận thương mại bao gồm cả Trung Quốc.
Trước sự đe doạ an ninh từ Trung Quốc, cả Việt Nam và Australia đều tìm thấy những điểm tương đồng trước mối đe doạ này. Tuy nhiên, nhận thức về Trung Quốc giữa Việt Nam và Australia có những sự khác nhau. Việt Nam cho rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc mang lại cả cơ hội và thách thức. Chính vì thế, Việt Nam chọn lựa việc áp dụng chiến lược phòng ngừa rủi ro để tối đa hóa lợi ích từ sự tham gia chặt chẽ hơn và bù đắp rủi ro bằng cách mở rộng hợp tác với các cường quốc khác. Còn về chiều ngược lại, Australia đã nhận thấy Trung Quốc từ chỗ được coi là một đối tác kinh tế có lợi đã chuyển sang một trạng thái khác, theo đó Trung Quốc đang là mối nguy hiểm cho an ninh của Australia ngày một lớn hơn.
Đối với sáng kiến AUKUS, mặc dù trong phát biểu của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam không thể hiện sự ủng hộ hay phản đối AUKUS cũng như việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhưng theo một chuyên gia thì: “Sự trung lập của Hà Nội đối với AUKUS và vấn đề mua bán tàu ngầm của Australia có lẽ nên được hiểu là sự ủng hộ ngầm chứ không phải là sự phản đối. Việt Nam, vốn bị coi là mục tiêu “cưỡng bức” của Trung Quốc, ủng hộ mạnh mẽ một trật tự dựa trên luật lệ quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phù hợp với cam kết của AUKUS.”
Mặc dù có những khác biệt về hệ thống chính trị cũng như trong đánh giá một số vấn đề an ninh, nhưng Việt Nam và Australia ngày càng gắn kết hơn về các ưu tiên chiến lược và cùng chí hướng trên nhiều phương diện. Cả hai đều có cùng quan điểm về những thách thức chiến lược mà Trung Quốc đặt ra. Cả hai quốc gia đều nhận thấy rằng vấn đề Biển Đông và sông Mekong là những vấn đề chiến lược quan trọng sống còn tới an ninh khu vực.
Chính vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng cho quan hệ hợp tác của Australia và Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến các chương trình nâng cao năng lực trong lĩnh vực biển, đó là việc nâng cao các năng lực bảo vệ biển cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam trong việc chống lại “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông. Australia có thể hợp tác với Nhật Bản và Mỹ, những quốc gia đã tham gia với Việt Nam trong loại hình hợp tác này. Ngoài ra, Australia cũng có thể tìm cách hỗ trợ phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đang chịu nhiều tác động xấu từ các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng cũng như các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ở đây.
Không có nhận xét nào