Header Ads

  • Breaking News

    Trương Văn Dân – Trần Hoài Thư và những vết thương không ngừng rướm máu

    Trong văn học Việt Nam có rất nhiều người yêu văn chương nhưng có lẽ hiếm ai dám xem văn chương là lẽ sống và dành trọn đời mình để đi đến tận cùng của đam mê, ngoài việc viết còn tự nhận lãnh trách nhiệm để gìn giữ phần của một nền văn hóa không cho chìm vào quên lãng như nhà văn Trần Hoài Thư.

    Trương Văn Dân – Trần Hoài Thư và những vết thương không ngừng rướm máu

    Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi còn sống và làm việc ở Ý, tôi “biết” THT qua tạp chí Văn học xuất bản ở California. Tình cờ đọc một bút ký của ông nên đã làm tôi để ý. “Không thể ngờ một ngày tôi lại có mặt giữa ba ngọn tháp buồn thiên cổ để cảm nhận thế nào là dấu vết của Điêu tàn trong thơ Chế Lan Viên. Có lẽ tôi may mắn hơn nhà thơ họ Chế, bởi vì ông chỉ nhìn bóng tháp mà làm thơ, còn tôi, tôi sống với tháp, tôi ngủ trong lòng tháp, tôi được tháp che chở bảo bọc suốt gần bốn năm dài.”

    Trong bài viết ông cho biết hậu cứ của đơn thám kích của mình nằm trên đồi Bà Gi, còn gọi là đồi Tháp Bánh Ít. Trên đỉnh có ba ngọn tháp Chàm, nơi mà thời học trung học ở Quy Nhơn tôi và các bạn thường chạy xe máy lên chơi.

    Đang sống ở xa bỗng bắt gặp một người nói về quê hương mình, tự nhiên trong lòng tôi phát sinh cảm tình và trong những số Văn Học tôi thường tìm đọc các bài viết của ông, tuy đề tài về chiến trông không phải là sở thích của mình. Biết giải thích thế nào, có thể xem đó như cách “tha hương ngộ cố tri” mà chỉ ngộ qua tâm tình của những trang viết.

    Mãi hơn 30 năm sau, vào mùa thu 2015, cùng các bạn Quán Văn sang Mỹ, tôi mới có dịp gặp ông. Thời gian chỉ vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ mà trò chuyện như đã quen từ lâu lắm.

    Có thể nói là Trần Hoài Thư không sinh ra dưới một ngôi sao sáng: cuộc đời ông thiếu may mắn, khó khăn từ khi niên thiếu, suốt đời lính trôi nổi cho đến những năm tháng định cư ở nước ngoài. Sức khoẻ, công việc hoàn cảnh gia đình đều như không thuận theo ông và có lẽ những yếu tố tâm lý này nên ông cầm lấy bút, “trú” vào văn chương để xem nó như một phương pháp trị liệu để có thêm sức sống hầu vượt qua số phận nghiệt ngã chăng?

    Thất lạc cha ngay khi còn quá nhỏ, Trần Hoài Thư theo mẹ đến Nha Trang sống thời thơ ấu rất đỗi cơ cực. Ông từng bán hàng rong ở các bến xe, phải đi bộ mỗi ngày 20 cây số để đến trường. Mãi đến khi gặp lại thân phụ từ Bắc di cư vào thì mới theo học tại Quốc Học, Đại Học Huế, rồi trở vào Nam học Khoa Học Sài Gòn.

    Thời gian quân ngũ, cuộc sống cận kề giữa biên giới tử sinh, Trần Hoài Thư bị trúng đạn hai lần. Và khi chiến tranh chấm dứt, sau “cải tạo” ông phải bán cà rem dạo một thời gian trước khi vượt biển vào năm 1980.

    Thừa hưởng một cái tên Trần Quý Sách do cha mẹ đặt nhà văn còn chọn cho mình một bút danh như một sự hoà nhập Trần Hoài Thư. Tên và hiệu đã vận cuộc đời ông dính liền với chữ nghĩa, sách báo.

    Tình yêu và gia đình của ông cũng đến từ những trang văn. Vợ ông, nhũ danh Nguyễn Ngọc Yến, trước 1975 là một viên chức của Viện Đại học Cần Thơ, là người thích đọc sách và mê văn ông nên được nhà văn Nguyễn Lệ Uyên giới thiệu để hai người gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng. Một “đám cưới nhà binh” đơn giản nhưng có hiện diện của bạn bè và nhiều văn nghệ sĩ.

    Văn chương đã mang lại cho hai người rất nhiều đồng cảm, có nhiều hạnh phúc nhưng cũng nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi xế chiều.

    Sau khi qua Mỹ, Trần Hoài Thư học lại đại học, làm công việc kỹ thuật để mưu sinh nhưng ông vẫn viết. Và viết nhiều hơn như để níu kéo những ký ức khi phải sống rời quê hương. Nhà văn Đỗ Trường khi viết về ông đã nhận xét : “Ông viết cho mình, viết cho đồng đội, cho quê hương. Mỗi trang sách, bài thơ của ông như những đường kim sợi chỉ, vá lại linh hồn cho bao người đã bị rách nát trong chiến tranh, và trong những ngày trốn chạy lưu vong.”

    Năm 2004 Trần Hoài Thư nghỉ hưu non và chính thức thực hiện giấc mơ làm báo, làm nhà xuất bản với lối in ấn, phát hành theo cung cách riêng của mình. Tất cả đều do vợ chồng ông bằng phương pháp thủ công, nhưng có thể nói Trần Hoài Thư là người đi tiên phong trong kỹ thuật POD / Print On Demand trong lãnh vực sách báo tiếng Việt ở hải ngoại.

    Thư Quán bản thảo là một tạp chí không định kỳ và nhà xuất bản Thư Ấn Quán đã được ra đời như thế.

    Có thể nói Trần Hoài Thư là người đã có công sưu tầm những mảnh vỡ văn chương miền Nam (1954 – 1975) bị thất tán sau khi chiến tranh chấm dứt. Từng bước, ông, chị Yến và các bạn đã bỏ nhiều công lao khôi phục lại nền văn chương tuy “bị đốt” nhưng “sách có thể cháy mà chữ thì không thể cháy”. Một công việc vô cùng khó khăn, kiên nhẫn và tốn kém rất nhiều thời gian để phục hồi.

    Công việc đang tiến hành được vài năm thì vào tháng 12/2012 người bạn đời của ông bị tai biến mạch máu não (stroke). Sau đó chị còn bị một trận stroke thứ hai, rồi thứ ba, đến tháng 05/2015 thì chị Yến không còn có ở nhà mà cần phải được chăm sóc 7/24 trong một viện điều dưỡng (nursing home).

    Còn lại một mình, THT bơ vơ vì chị Yến là một cộng tác viên đắc lực: “Yến giúp tôi lái xe khi đi xa trong những lần tới Thư viện Đại học Cornell, rồi đóng bằng chỉ những cuốn sách dày cả ngàn trang, hay phụ với tôi khiêng những thùng giấy tôi mua với giá rẻ. Yến giúp tôi viết địa chỉ, bỏ sách báo vào phong bì, dán tem, hay nhắc tôi về những sơ xuất. Khi một người hỏi order một cuốn sách, Yến luôn luôn nói là tặng, đừng lấy tiền. Tâm Yến là tâm Phật. Mất Yến là mất cả cánh tay phải, tôi như hết chỗ vịn.”

    Mấy tháng sau khi chị Yến được đưa vào viện điều dưỡng thì mấy anh em trong tập san Quán Văn qua Mỹ. Sau khi gặp gỡ các bạn bè và văn hữu ở Califonia chúng tôi bay qua Virginia để thăm hoạ sĩ Đinh Cường và các bạn ở miền Đông Hoa Kỳ. Trong thời gian chỉ mươi ngày nhưng vợ chồng nhà văn Nguyễn Minh Nữu đã tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm rất nhiều nơi: những 7 tiểu bang ờ miền Đông. Một ngày chủ nhật, vợ chồng Nguyễn Minh Nữu – Kim Mai.. còn thay phiên nhau lái xe đưa đoàn gồm nhà văn Nguyên Minh, nhà thơ Đoàn văn Khánh và vợ chồng tôi – Elena đi thăm thành phố New York. Đi từ sáng sớm đến nửa đêm. Trên đường đi chúng tôi có ghé lại New Jersey để thăm nhà văn Trần Hoài Thư.

    Chuyến ghé thăm Trần Hoài Thư đầy kịch tính, buồn, lo âu và có nhiều cảm xúc.

    Ngày trước đó Nguyễn Minh Nữu đã gọi điện và báo cho anh Thư là chúng tôi sẽ đến thăm và hẹn nhau là sẽ gặp tại nhà vào khoảng 10 sáng ngày hôm sau. Nhưng hôm đó chị Kim Mai khởi hành sớm, mới hơn 9h là chúng tôi đã có mặt trước sân nhà. Dù đã gọi báo là đến sớm hơn, nhưng không liên lạc được. Đến nơi, thấy có một chiếc xe đậu trước sân nhà lòng chúng tôi khấp khởi mừng thầm. Mấy năm trước Nguyên Minh đã từng đến và ở lại đây vài hôm với bạn, nhưng gọi cửa, không ai trả lời. Gọi điện không bắt máy.

    Lúc này trời vào thu, không gian vắng lặng và lá vàng rơi ngập trước sân. Nữu cho biết là ở vùng này chỉ có gia đình anh Thư, ngoài ra không có gia đình người Việt nào khác. Anh chị Thư có một con trai là bác sĩ nhưng đang làm việc ở xa, đi xe phải mất 3, 4 tiếng. Trời se se lạnh, mấy anh em đứng chờ ngoài sân. Cứ 5 phút là gọi nhưng không liên lạc được.

    Từ sốt ruột đến lo lắng. Tôi nhìn thấy có mấy quyển sách tiếng Việt trên chiếc đang đậu. Vậy nếu anh Thư không dùng xe thì chắc không đi xa, tuy cũng có thể dùng xe ai khác? Nhưng sao gọi mà anh không bắt máy?

    Tất cả những câu hỏi đưa ra đều không có lời đáp. Nguyên Minh sốt ruột, ra vườn sau, nhìn lên nhà, gọi, rồi đến bấm chuông cửa. Thử đẩy, thì cửa mở, không khoá. Bước vào. Gọi. lên phòng ngủ trên lầu. Xuống tầng hầm để máy in, vừa đi vừa gọi bạn. Căn nhà trống.

    Anh Nữu bấm máy. Vẫn không liên lạc được. Anh bảo Nguyên Minh, anh đừng vào, đứng đây đông, lỡ hàng xóm gọi cảnh sát thì phiền. Giờ mình lên xe đi một vòng thị trấn rồi lát quay lại.

    Khi quay lại vẫn không thấy ai. Lúc này chúng tôi lo lắng thật sự. Đứng ngoài sân, đường vắng, những chiếc lá vàng rơi trên tấm thảm lá dày trên nền đất, gió lay xào xạc càng buồn thêm. Chờ. Gọi. Nhìn quanh mong ngóng. Không có tín hiệu gì, cả đoàn không biết tính thế nào, đi hay ở, thì ngay lúc ấy thấy có một chiếc xe chạy tới. Căng mắt nhìn… và khi xe dừng lại thì thấy người lái là anh Thư.

    Anh Nguyên Minh lao tới ôm chầm lấy bạn. Hai người bạn 60 năm được gặp lại nhau. Chúng tôi đứng quanh, mắt ai cũng rơm rớm vì xúc động.

    Hai vòng tay giữ chặt không buông. Họ là hai nhà văn, tuy tên tuổi chưa hẳn lừng lẫy trên văn đàn, nhưng cái tình yêu văn chương của họ không ai sánh nổi, và tôi nghĩ, văn học sử sẽ phải nhắc đến họ và không thể phủ nhận công sức của những người đã dám sống và chết cho văn chương chữ nghĩa:

    Từ 20 năm nay, nếu ở Hải Ngoại Trần Hoài Thư đã gom góp bài vở của các tác giả để in trong Thư Quán Bản Thảo thì ở trong nước Nguyên Minh cũng đã xây dựng được Quán Văn, một tạp chí văn chương “tư nhân”, ra mắt định kỳ và quy tụ được nhiều cây bút trong và ngoài nước. Đến nay, tháng 7-2021, Quán Văn đã ra mắt được 82 số báo.

    Tuy văn học miền Nam chỉ có hai mươi năm (1954/1975) nhưng sinh ra nhiều hoa quả, tạo nên một nền văn học phong phú, đa dạng với nhiều nguồn sáng tạo, nhiều khuynh hướng.

    Trần Hoài Thư chào hỏi và mời mọi người vào nhà.

    – Ông đi đâu mà nhà mở cửa, không khoá?

    – Nghèo, trộm cũng chê mà khoá chi cho mất công. Ông cho biết là vừa đi thăm vợ, sáng nay có chút việc nên về trễ.

    Bước vào nhà, ông dắt mọi người xuống tầng hầm, nơi in ấn, đóng sách, trên các kệ, bàn có nhiều máy in đủ kích cỡ. Giấy tờ sách vở ngổn ngang, chứng tỏ từ lâu thiếu bàn tay phụ nữ. Căn nhà hai tầng, phòng khách, phòng ăn… tất cả bài trí đơn giản, đúng là trộm có vào thì cũng chẳng biết lấy gì, ngoài một rừng sách bằng tiếng việt mà họ không thể đọc.

    Ngồi trò chuyện một lát ông bảo khi các bạn từ New York về hãy quay lại đây ở một đêm nhưng ngày hôm sau Kim Mai phải làm việc nên không thể.

    Nguyên Minh đề nghị đi thăm chị Yến. Các y tá nhìn đoàn 7 người chưa kịp ngăn thì anh Thư nói bạn từ Việt Nam qua thăm nên họ vui vẻ mời vào.

    Một Nhà điều dưỡng lịch sự và đầy đủ tiện nghi. Chị Yến năm trên giường, chị nhận ra Nguyên Minh, vợ chồng Nữu, Kim Mai, và anh Thư giới thiệu tôi, Elena và anh Khánh. Với nụ cười thật hiền chị Yến nhìn chúng tôi, nói ít nhưng ánh mắt chị diễn tả hết nỗi vui mừng và cảm xúc. Suốt thời gian chị nắm tay Elena đứng bên cạnh. Sau một lát Elena bỗng sực nhớ, bảo tôi lấy trong túi xách mấy phong bánh Pía.

    Đó là món quà của Hoàng Kim Oanh, trước khi bay đã gửi tôi và dặn “Món quà của quê hương anh chịu khó mang qua để anh Nguyên Minh ăn trên máy bay và gửi tặng bạn bè mỗi người một chút lấy thảo”.

    Elena điều chỉnh cho đầu giường lên cao rồi bóc bánh mời chị Yến. Chị là người miền Nam, gặp mùi vị quê mình nên chị vui và ăn thật ngon lành. Anh Thư dặn đừng cho ăn nhiều, không tốt, để mỗi ngày ăn một chút cho chị vui lâu.

    Quyến luyến nhưng rồi cũng phải chia tay. Chúng tôi ôm nhau từ giã. Anh Thư tiễn chúng tôi, xe lăn bánh mà tất cả đều ngoái đầu nhìn cái dáng gầy ốm đứng vẫy cánh tay khẳng khiu, lòng ai cũng bồi hồi thương cảm. Trong lòng tôi lúc đó chợt nghĩ, có ai ngờ cái thân thể gầy gò mảnh khảnh kia lại có thể mang trong lòng mình nỗi đau nhân thế và chỉ dùng chữ nghĩa để thét gào trong câm lặng?


    Thú thật là tôi đọc văn Trần Hoài Thư không nhiều, nhưng những gì đã đọc tôi đều nhớ, nhất là những ý tưởng nhân văn. Trong lúc chiến tranh lan rộng, sống chết sát sườn, thế nhưng người lính như Trần Hoài Thư không gọi người phía bên kia là địch hay kẻ tử thù mà chỉ là những “người lính khác trận tuyến”, bị bắt buộc cầm súng . Góc nhìn này đã ảnh hưởng cậu bé mê văn là tôi lúc ấy rồi về sau cũng thường mang vào những trang viết của mình.

    Trần Hoài Thư viết chân thật, dù là viết trực diện trong chiến tranh, lúc bom rơi đạn nổ hay cả khi sống ở nơi thanh bình, lìa xa đất nước khoác áo dân sự và làm một kỹ sư. Ông nhiệt tình và say mê, yêu văn chương như chính bản thân mình.

    Viết trong thời chiến nhưng truyện của ông không kích động lòng căm thù mà chỉ hướng về trải nghiệm của người lính để thấy nỗi sợ hãi và nỗi đau của con người. Ông viết để người đọc thấy thân phận bọt bèo của con người trong cuộc chém giết vô nghĩa và tàn nhẫn, bóc trần giá trị con người và đạo đức trong một cái xã hội lộn tùng phèo:

    “Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo

    Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn

    Trần Hoài Thư đã viết như trả nợ những cái chết của đồng đội và cũng để tố cáo sự lạm quyền bọn người ăn chơi phè phỡn và tranh giành quyền lực bằng những thủ đoạn chính trị bẩn thỉu tạo nên cuộc chiến.

    Hơn ai hết, Trần Hoài Thư hiểu người lính chỉ là những nạn nhân đáng thương, bị bắt buộc lao vào giòng cuồng lưu tàn bạo. Xin được trích ở đây một đoạn văn từ “Nhật Ký Hành Quân II”:

    “ Ngày hôm đó, ngày 9-5 thì phải. Mặt trời thì gay gắt. Chỉ có mặt trời mới thấy bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề máu và mảnh lựu đạn, đít mông cũng vậy. Tôi, lần đầu tiên, niệm: “Nam mô Quan thế âm Bồ Tát, cứu nạn cứu khổ…” hàng trăm lần. Nhìn mặt trời. Cho con sống. Sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn bắn dưới chân. Tôi lộn nhào. Chạy. Chạy. Đạn rít trên đầu, tôi nhào xuống bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu ra. Tắc, bùm. Thụt đầu vào. Chạy, lăn. Tội nghiệp thân thể mày chưa, ốm yếu thế kia. Cha mẹ nâng niu thế kia, bây giờ vùng vẫy, bò, chui từng đám bụi, bò hai chân, hai tay. Bò ngửa. Bò sấp.” Khi đọc đoạn văn này trước mắt tôi như đang thấy Trần Hoài Thư đang chạy. Những câu chữ dồn dập, ngắn, gọn làm tôi như nghe được hơi thở hổn hển của anh dưới lằn tên, mũi đạn.

    Tuy cái chết rình rập nhưng trong tim người lính vẫn có một tình yêu lãng mạn: “Trong khi anh sống lên chết xuống cũng gọi tên em. Trong khi anh nằm trên gò mả, trong mương, trong bụi, trên võng trận, trong giao thông hào, cũng nhớ đến em (…). Anh mới hiểu không gì mạnh mẽ, cuồng nộ, si dại, như tình yêu đầu đời. Anh mới biết rằng trong một đời, có một người để mình mang theo vĩnh cửu.” (Tình Nhớ, Bách khoa, tr. 51, 53)

    Nhưng những thanh niên mang trong lòng những ước mơ êm đềm dù có may mắn sống sót thì khi bước ra cuộc chiến đã là tên thương binh già trước tuổi, với đôi mắt buồn bã vì tương lai đen tối. Tôi nhớ một truyện ngắn khác của Trần Hoài Thư, kể về một tù binh được phóng thích sau hiệp định Paris: Trong khi nhiều người xăng xái tìm xe tàu để mau về đoàn tụ với gia đình thì có một người bơ vơ, không biết đi về đâu. Anh đi thất thểu ngoài đường, thấy một ngôi nhà có đèn sáng đang tất bật chuẩn bị đón giao thừa. Anh bước vào để tìm chút hơi ấm. Nhưng khi chủ nhà hỏi: ông tìm ai thì anh ấp úng trả lời: “xin lỗi, tôi lầm nhà.”

    Chủ nhà cũng là một thương binh, hiểu chuyện, mời anh cùng đón giao thừa.

    Sau Năm 1975, ở hải ngoại như khởi đầu cho một dòng văn học mới. Chiến tranh chấm dứt nhưng có những người phải rời bỏ quê hương nên tiếng súng như vẫn còn nổ vang trong lòng họ. Nếu cầm bút thì thì những bi thảm, chia lìa, nhục nhằn, phẩn nộ… sẽ tuôn chảy theo những trang viết và những vết thương, chết chóc đã từng ám ảnh trong đời họ sẽ có dịp trổi dậy như những hoài niệm khó thể quên.

    Người lính thám kích Trần Hoài Thư đã từng mơ, khi im tiếng súng, được về Nha Trang dạy học. Nhưng thời cuộc đã không cho ông thực hiện ước nguyện. Bốn năm “đi học” như bốn nhát dao chém vào tâm hồn ông và những vết thương trong hồn không bao giờ thành sẹo.

    Có lẽ ông đã quá thơ ngây, mơ giấc mơ hai miền Bắc Nam sum họp. Mọi người sẽ ngồi lại yêu thương và tha thứ lẫn nhau.

    Nhưng ông đã lầm! và hiện thực sau đó làm tăng thêm nỗi đau và khiến ông không thể buông rời cây bút.

    Đầu năm 2020, thế giới đã trải qua với trận đại dịch, cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, các nhà điều dưỡng hay viện dưỡng lão trở thành nơi lui tới của coronavirus. Chị Yến phải nhập viện vì bị nhiễm Covid-19. Mang trong mình nhiều bệnh nền và sau 3 lần bị tai biến không ai nghĩ là chị sẽ qua khỏi. Thế nhưng chị cầm cự được. Điều đau lòng là vào tháng 06/2020 Trần Hoài Thư cũng bị tai biến. Một buổi sáng khi cầm bút viết thì nhận thấy bàn tay cầm bút khó khăn và hàng chữ run rẩy xiêu đổ. Linh cảm cho ông biết đây là một dấu hiệu bất tường. “Số phần chúng tôi coi như là mạt lộ rồi. Thôi hết rồi giấc mơ Thư Quán Bản Thảo, giấc mơ Thư Ấn Quán. Thôi hết rồi những bài văn những bài thơ theo nhịp gõ êm êm trên bàn phím. Niềm vui trong tuổi xế chiều tự nhiên bị cướp mất”.

    Căn nhà trống vắng. Vườn sau, sân trước cỏ dại mọc dày. Thư nghĩ đến con, nếu ngày xưa ba dắt con đi thì giờ là lúc “ba phải vịn con”. Con trai ông, bác sĩ Thoại dọn dẹp lại căn phòng, sắp xếp cho ba nằm trên cái giường bệnh viện có thể điều khiển cao thấp mà mẹ Yến đã bỏ lại khi vào nhà điều dưỡng .

    Chính lúc này Trần Hoài Thư còn phải đương đầu với một thực tế là những ngón tay đã không tuân theo ý chí. Điều đau khổ nào lớn hơn một nhà văn không thể viết? Cảm giác bất lực, gần như tuyệt vọng!

    “Gần như” thôi chứ ông không chịu bó tay. Phỏng theo các bài tập ở bệnh viện về cách bốc lượm, cách lắp ráp các hình nhà.. bằng carton ông tập viết trên giấy hay bấm trên màn hình chiếc iPhone. Dần dần ông cũng làm chủ được các ngón tay, tuy có vụng về nhưng thế là được, ông lại say sưa viết vì biết quỹ thời gian của mình cũng sắp cạn kiệt.

    Tập hồi ký Cảm Tạ Văn Chương đã được ông viết trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng hoàn tất trong một thời gian kỷ lục. Nó có thể là tác phẩm cuối cùng kể lại cuộc đời mà cũng giống như một bản chúc thư.

    Tôi may mắn được nhà phê bình văn học Đỗ Trường gửi tập sách này qua email, vì tình cờ trao đổi qua Facebook, anh cho biết là đang đọc Cảm Tạ Văn Chương và hỏi tôi nếu muốn sẽ gửi qua.

    Một cuộc đời đầy những khó khăn và gian khổ. Mỗi trang sách như viết từ trái tim khiến lòng tôi thực sự rung động và nhiều khi ngậm ngùi rơi vệ , xót xa và thương cảm. Đọc xong tôi càng thêm quý mến ông. Người thật sự dành trọn đời cho tình yêu văn chương.

    Đầu tháng 2/2021 chị Yến lại bị thêm lần tai biến thứ tư, phải nằm viện với các thương tật mới: bị tổn thương vùng ngôn ngữ, mất tiếng nói và thị giác suy kém. May là chị vẫn còn nghe và hiểu được người thân. Do ăn uống khó khăn nên người ta phải đưa ống G-Tube dẫn thức ăn thẳng vào bao tử.

    Dường như tất cả những đau khổ của trần gian đều đã trút xuống gia đình ông.

    Nhưng Trần Hoài Thư vẫn tiếp tục viết. Ông Trần Quý Sách vẫn luôn bám vào văn chương để thoát khỏi những nghiệt ngã của đời sống có nhiều biến cố và bi kịch, cá nhân hay gắn liền vào những thăng trầm của đất nước. Ký ức và hoài niệm luôn ám ảnh và bằng tài năng, nghị lực cùng tình yêu văn chương đã giúp ông vượt qua những bất hạnh bám theo đến những năm tháng cuối đời.

    Trong mấy trang cuối của tập hồi ký Trần Hoài Thư viết: “Thêm một lần nữa tôi phải cảm tạ văn chương. Nó đến khi tôi ngã xuống. Nó giúp tôi vịn mà đứng dậy. Nó là chiếc gậy thần, tôi chống mà đi. Cho dù bây giờ không hồi phục hẳn, nhưng tôi vẫn có thể gõ một bài thơ, post một bài viết, hay xuống hầm nhà để tự tay đóng một cuốn sách. Dù mắt mờ, bước chân xiêu đổ. Để niềm vui mọc cánh nở hoa”.

    Tôi đồng cảm với ông. Tôi cũng thường xem viết là một trị liệu pháp để con người có thể trú vào văn chương chống lại cái thực tại bất toàn và đầy bi thảm.

    Trong bài viết về chân dung, nhà phê bình văn học Đỗ Trường đã chọn cái một cái tựa rất hay: “Trần Hoài Thư, người ngồi vá lại những linh hồn” nhưng tôi muốn góp thêm một ý, ông là người ve vuốt những vết thương chưa ngừng rướm máu.

    Không có nhận xét nào