Đến lượt châu Phi vỡ mộng về Trung Quốc. Bắc Kinh nói đến « một thời đại mới » với Lục Địa Đen trước ngày khai mạc Diễn Đàn Hợp Tác Trung-Phi (FOCAC) tại Senegal, nhưng giới quan sát e rằng diễn đàn Dakar trong hai ngày 29 và 30/11/2021 đang khép lại giai đoạn 20 năm Trung Quốc tung hoành tại châu Phi.
Trung Quốc và Châu Phi, tuần trăng mật đã qua |
Một dấu hiệu báo trước điều đó là đối thoại giữa Trung Quốc và châu Phi lần này chỉ ở cấp bộ trưởng, chứ không phải là thượng đỉnh quy tụ các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ như trước đây. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc diễn văn khai mạc diễn đàn từ xa, qua cầu truyền hình.
Cuộc họp ở Dakar, thủ đô Senegal, diễn ra vào lúc Bắc Kinh vừa dứt khoát từ chối đàm phán lại với phái đoàn Uganda về hợp đồng cho vay tín dụng 207 triệu đô la đáo hạn. Hệ quả kèm theo là rất có thể Uganda phải nhượng phi trường lớn nhất trên toàn quốc cho chủ nợ là ngân hàng EximBank củaTrung Quốc.
Theo báo Le Monde trên mạng ngày 28/11/2021, Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại số 1 của châu Phi, có khoảng từ 3 đến 4.000 công ty tại châu lục này và trên dưới 6.000 công ty châu Phi nhưng đứng đằng sau là một người Hoa làm chủ. Cộng đồng người lao động từ Hoa Lục sang châu Phi ước tính lên tới một triệu người. Tuy nhiên có nhiều lý do khiến châu Phi thất vọng về đối tác châu Á này.
Thứ nhất là thất vọng về những hứa hẹn của Trung Quốc khi đặt bút ký hợp đồng bạc triệu, bạc tỷ với châu Phi rằng đó là những dự án « có lợi cho cả đôi bên ». Nhưng sau hai thập niên Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Lục Địa Đen, nền công nghiệp tại các quốc gia từng là thuộc địa cũ của phương Tây vẫn không cất cánh, cơ sở hạ tầng vẫn tồi tệ.
Một Trung Quốc không mạnh dạn đầu tư như những gì đã cam kết qua mỗi thượng đỉnh hay mỗi chuyến công du của một lãnh đạo Bắc Kinh. Mặt khác, những khoản mang tiếng là trợ cấp phát triển nhưng trên thực tế là những khoản cho vay có lãi. Giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh càng nồng thắm với Lục Địa Đen, thì châu Phi càng mang nợ. Trong giai đoạn 2000-2019, Trung Quốc cho châu Phi vay khoảng 153 tỉ đô la và Angola chiếm tới 30% trong tổng số nợ này. Theo thống kê của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ( IMF) tổng nợ công của châu Phi trong giai đoạn 2008-2019 đã tăng lên gấp đôi mà trong đó Trung Quốc là « yếu tố then chốt ».
Trên đài RFI, nhà báo Adama Gaye và cũng là tác giả nhiều cuốn sách về quan hệ Trung-Phi ghi nhận, Trung Quốc chơi trò đổi trác, đem khả năng tài trợ các cơ sở hạ tầng ra để chiêu dụ, để thu về nguyên liệu và khoán sản. Thế nhưng theo nhà quan sát này, tới nay, « phần lớn những dự án xây dựng của Trung Quốc vẫn chưa thấy đâu nhưng châu Phi đã phải thanh toán cho chủ nợ ».
Thất vọng thứ nhì liên quan đến trao đổi mậu dịch. Trong giai đoạn 2000-2020 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều đã được nhân lên gấp 20 lần, đang từ 10 tỷ đô la lên đến 200 tỷ nhưng cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Bắc Kinh, bất lợi cho châu Phi.
Lý do thứ ba khiến châu Phi bất mãn với đối tác Trung Quốc là ông khổng lồ châu Á này hiện nguyên hình là một cái máy hút nguyên liệu của cả một châu lục giàu tài nguyên này. Các dự án đầu tư gần như chủ yếu nhắm vào những lĩnh vực « mang tính chiến lược » cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc. Để đạt mục đích Trung Quốc sẵn sàng dùng tiền « gõ đúng cửa ».
Một điều tra gần đây do nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, từ Bloomberg của Mỹ đến Mediapart của Pháp… tiết lộ một tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất của Trung Quốc đã tung ra không biết bao nhiêu là tiền để có được « hợp đồng thế kỷ » với nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo và những khoản hàng chục triệu đô la đã được rót vào túi một số « trung gian » thân cận với chính quyền của tổng thống Kabila … Người dân Congo không được hưởng lợi gì từ "dự án thế kỷ "đó .
Nhìn từ phía Bắc Kinh, cũng không chắc Trung Quốc còn mặn mà với châu Phi như hai thập niên về trước. Đành rằng Trung Quốc vẫn cần khoáng sản và tài nguyên của châu lục này để phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp. Song như phân tích của giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, Thierry Pairault, một trong những động lực thúc đẩy Bắc Kinh dùng đồng tiền lôi kéo châu Phi vào vòng ảnh hưởng nhằm « sử dụng các quốc gia này như một công cụ của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế ».
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã khá thành công trên phương diện này và đã đủ lớn mạnh để tự hỏi rằng, Bắc Kinh có cần nỗ lực mua chuộc sự ủng hộ của những đối tác châu Phi nữa hay không. Cùng lúc thì Trung Quốc ý thức được rằng công luận tại châu Phi tuy vẫn cần vốn đầu tư Trung Quốc nhưng không còn dễ dãi với ông khổng lồ châu Á này như xưa.
Người lao động châu Phi càng lúc càng bất mãn vì bị chủ Trung Quốc ngược đãi hay bị « bóc lột như nô lệ ». Paul Nantulya thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Châu Phi lưu ý : đã đến lúc ngay cả giới lãnh đạo châu Phi không thể tiếp tục làm ngơ trước những bất bình trong xã hội liên quan đến Trung Quốc.
Cuối cùng Bắc Kinh có một nhược điểm lớn : Giới lãnh đạo châu Phi bắt đầu thấy rõ Trung Quốc chỉ đồng ý mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại, kinh tế, đầu tư với những quốc gia khác trên thế giới, nhưng không thể trông cậy vào ông khổng lồ châu Á này về mặt an ninh. Trong khi đó, vế an ninh, chống khủng bố ngày càng thách thức nhiều nước Phi châu.
Điển hình là Senegal nước chủ nhà Diễn Đàn Hợp Tác Trung-Phi lần này đã kêu gọi Bắc Kinh hỗ trợ chống khủng bố trong vùng sa mạc Sahel. Dakar trước giờ khai mạc hội nghị tuyên bố « thương mại và an ninh » là hai trọng tâm của hội nghị FOCAC 2021. Không chắc Trung Quốc sẵn sàng hưởng ứng quan điểm này của Senegal.
Không có nhận xét nào