Campuchia vừa trả tự do cho 26 nhà hoạt động về chính trị, môi trường và thanh niên từng bị cáo buộc kích động chống lại chính phủ. Động thái này được các nhóm nhân quyền cho là một bước đi tích cực nhưng cũng lưu ý rằng còn nhiều người khác vẫn bị giam giữ.
Tin tức thế giới ngày Thứ năm 18 tháng 11 năm 2021 |
Thủ tướng Hun Sen, người đã nắm quyền cai trị Campuchia trong 36 năm, hiện đối diện với những lời kêu gọi rằng chính quyền của ông phải cải thiện hồ sơ nhân quyền trước thềm hội nghị thượng đỉnh Á-Âu mà Campuchia là chủ nhà trong tháng này.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp xác nhận về việc trả tự do cho các nhà hoạt động đã bị bỏ tù, song vị này phủ nhận chuyện đã có áp lực quốc tế và nói rằng họ được trả tự do một phần là để giảm bớt tình trạng quá tải trong các nhà tù.
"Đây là một thủ tục tòa án bình thường, tòa án không chú ý đến việc đó có phải là nhà hoạt động hay không", Chin Malin nói với Reuters hôm thứ Tư 17/11.
Ông này nói thêm: “Đây là một hoạt động nhằm giúp giải quyết các trường hợp bị mắc kẹt tại các tòa án và giảm số tù nhân trong các nhà tù đông đúc”.
Trong số những người được thả từ ngày 5 đến 12/11/2021, có các thành viên của nhóm bảo vệ môi trường Mother Nature Cambodia, các nhà hoạt động của đảng đối lập và lãnh đạo công đoàn Rong Chhun, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết. Nhưng các tội danh quy cho họ vẫn chưa bị xóa bỏ.
Brad Adams, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói: “Việc trả tự do cho 26 tù nhân chính trị bị giam giữ sai trái là tin tốt lành, nhưng không có gì ngăn cản chính quyền Campuchia lại bắt giữ họ bất cứ lúc nào”.
60 tù nhân chính trị khác vẫn bị giam giữ, nhóm nhân quyền cho biết.
Bà Naly Pilorge, giám đốc nhóm nhân quyền địa phương LICADHO, nói: "Chúng tôi kêu gọi chính phủ trả tự do vô điều kiện cho các nhà hoạt động về chính trị và thanh niên khác vì lẽ ra họ không bao giờ đáng bị bỏ tù cả, chỉ vì họ nêu lên các vấn đề quan trọng về môi trường hoặc pháp quyền ở Campuchia".
Mỹ thêm Nga vào danh sách « các nước cần quan tâm đặc biệt » về tự do tôn giáo
Hoa Kỳ hôm qua, 17/11/2021, thông báo đã thêm Nga vào « danh sách đen » các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo.
Thông cáo báo chí ngày hôm qua của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nêu ra danh sách « cần quan tâm đặc biệt về quyền tự do tôn giáo » dựa vào các phân tích trong báo cáo thường niên của bộ Ngoại Giao Mỹ. Ông Blinken khẳng định Hoa Kỳ « sẽ không né tránh các cam kết ủng hộ tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng » cho tất cả mọi người và ở mọi quốc gia. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính quyền vẫn đe dọa, tống giam, thậm chí là giết người chỉ vì họ quyết định sống với niềm tin của họ.
Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ, trong báo cáo thường niên công bố cuối tháng 04/2021, đã khuyến nghị đưa Nga vào « danh sách đen » vì đã thực hiện một chính sách theo chủ nghĩa cực đoan để hạn chế các « hoạt động ôn hòa của các nhóm tôn giáo thiểu số ».
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ đặc biệt đề cập đến việc bắt giữ những tín đồ Nhân Chứng Giê-Hô-Va. Họ đã bị chính quyền tra tấn, tống giam và chiếm đoạt tài sản vì đức tin tôn giáo mà Matxcơva cho là cực đoan và cần phải nghiêm cấm.
Vụ việc diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Nga trong nhiều hồ sơ quốc tế. Cụ thể là trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ đã cảnh báo Nga về các hoạt động quân sự ở biên giới Ukraina, hoặc về sự "ảnh hưởng" của nước này với Belarus trong cuộc khủng hoảng di cư ở cửa ngõ Liên minh châu Âu. Hoa Kỳ cũng lên án mạnh mẽ vụ Nga bắn tên lửa phá vệ tinh gây « nguy hiểm và thiếu trách nhiệm ».
Thượng đỉnh Bắc Mỹ diễn ra tại Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng những người đồng cấp Mexico và Canada, Andrés Manuel López Obrador và Justin Trudeau, sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng vào thứ Năm. Đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo ba nước kể từ năm 2016, và ba nhà lãnh đạo sẽ có rất nhiều điều để nói. Đặc biệt có hai chủ đề nóng: người di cư và quan hệ kinh tế.
Mỹ và Mexico đang đối phó với cuộc khủng hoảng ở biên giới chung của họ. Hàng nghìn người Trung Mỹ đã đổ về đây sau khi chạy trốn khỏi đất nước mình. Vì tình hình trong nước bất lợi, Mỹ đang quay lưng với người di cư, đẩy gánh nặng sang cho Mexico.
Hội nhập kinh tế là một chủ đề nóng khác. USMCA — thỏa thuận thương mại có hiệu lực từ năm ngoái để thay thế NAFTA nhiều khiếm khuyết — và nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút chuỗi cung ứng sẽ là một lợi ích cho khu vực, đặc biệt là Mexico. Nhưng USMCA có các quy định nghiêm ngặt về lao động và phân phối chuỗi cung ứng. Và quan trọng là các chính sách của ông López Obrador đang ngăn cản doanh nghiệp đầu tư.
Covid-19 nghiêm trọng trở lại ở Đức
Số ca covid đạt kỉ lục, các phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, chợ Giáng sinh bị hủy bỏ: tháng 11 năm 2021 ở Đức trông khá giống với tháng 11 năm 2020. Vào thứ Năm, các lãnh đạo liên bang và tiểu bang sẽ gặp nhau để bàn cách đối phó trong khi quốc hội tranh luận về những thay đổi lập pháp. Khả năng cao sẽ có thêm hạn chế đối với người chưa tiêm chủng, thêm quy định tại nơi làm việc, và thậm chí là tiêm chủng bắt buộc đối với một số ngành nghề.
Nguyên nhân do đâu? Đức là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở Tây Âu. Nhưng hiệu quả vắc-xin suy giảm và việc triển khai tiêm liều bổ sung chậm chạp có thể mới là nguyên nhân chính. Sự thiếu vắng lãnh đạo chính trị — ba đảng vẫn đang đàm phán về một chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử tháng 9 — cũng góp phần. Song tình hình covid-19 của Đức vẫn là ít nghiêm trọng hơn một số nước khác ở châu Âu. Với số ca nhiễm cao gấp ba lần Đức, Áo đã áp đặt phong tỏa đối với những người chưa tiêm chủng.
Hệ thống trường mầm non của Mỹ gặp thách thức
Đại dịch đã ảnh hưởng đến ngành chăm sóc trẻ em ở Mỹ: doanh thu năm ngoái giảm 12% so với 2019, xuống còn 42,2 tỷ đô la. Nhu cầu bốc hơi vì trẻ em phải ở nhà. Nguồn cung cũng vậy: các trung tâm phải đóng cửa vì thiếu lao động và vì để đảm bảo các biện pháp an toàn với covid thì rất tốn kém. Nhà cung cấp lớn nhất KinderCare, vừa lên sàn New York vào thứ Năm với mức định giá gần 3 tỷ đô la, đã chứng kiến số học sinh tại các trung tâm của họ giảm xuống 47% vào năm ngoái.
Dịch vụ giữ trẻ dưới 5 tuổi vốn đã khó khăn từ trước đại dịch. Trẻ nhỏ cần được giám sát nhiều hơn, và do đó tỷ lệ trẻ em trên nhân viên phải thấp. Hầu hết các gia đình lao động có gửi con đến các trung tâm giữ trẻ đều phải trả phí hơn 7% tổng thu nhập của họ. Trợ cấp của nhà nước cũng ít, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận của trẻ em nghèo.
Tổng thống Joe Biden muốn thay đổi điều đó. Dự luật chi tiêu xã hội của ông, sẽ được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội trong những tuần tới, đảm bảo tất cả trẻ em ba và bốn tuổi được đi học mẫu giáo, đồng thời tăng mạnh trợ cấp cho dịch vụ chăm sóc trẻ. Để có một hệ thống chăm sóc trẻ em mạch lạc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Nhưng nó sẽ giúp trẻ em phát triển và khuyến khích bình đẳng giới.
Hoa Kỳ : 100,000 người tử vong mỗi năm vì dùng ma túy quá liều
Tử vong do dùng thuốc quá liều đã gia tăng trong hơn hai thập niên, tăng nhanh trong hai năm qua và theo dữ liệu mới được công bố hôm Thứ Tư, 17 Tháng Mười Một, đã tăng gần 30% trong năm gần nhất.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Joe Biden đã gọi đây là “một cột mốc bi thảm”, khi các quan chức chính quyền thúc ép Quốc Hội phải chi thêm hàng tỷ đô la để giải quyết vấn đề.
Các chuyên gia tin rằng những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do dùng ma túy quá liều, là do sự gia tăng tỷ lệ fentanyl chết người trong nguồn cung cấp ma túy bất hợp pháp và đại dịch COVID-19, khiến nhiều người sử dụng ma túy bị cô lập trong xã hội và không thể được điều trị hoặc hỗ trợ khác.
Sử dụng ma túy quá liều hiện đã vượt qua tử vong do tai nạn xe, súng và thậm chí cả bệnh cúm và viêm phổi. Tổng số người chết gần bằng với bệnh tiểu đường, nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ bảy của quốc gia.
Dựa trên dữ liệu giấy chứng tử mới nhất hiện có, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CSC) ước tính rằng 100,300 người Mỹ đã chết vì sử dụng ma túy quá liều từ Tháng Năm 2020 đến Tháng Tư 2021. Đây không phải là con số chính thức. Có thể mất nhiều tháng để các cuộc điều tra tử vong liên quan đến tử vong do ma túy trở thành cuối cùng, vì vậy cơ quan này đã đưa ra ước tính dựa trên 98,000 báo cáo mà họ đã nhận được cho đến nay.
CDC trước đây đã báo cáo rằng có khoảng 93,000 ca tử vong do dùng thuốc quá liều vào năm 2020, con số cao nhất được ghi nhận trong một năm. Robert Anderson, trưởng bộ phận thống kê tỷ lệ tử vong của CDC, cho biết con số thống kê năm 2021 có khả năng vượt qua con số 100,000.
Dữ liệu mới cho thấy nhiều trường hợp tử vong liên quan đến fentanyl bất hợp pháp, một loại thuốc phiện gây chết người cao mà cách đây 5 năm đã vượt qua heroin là loại ma túy gây ra nhiều ca tử vong do sử dụng quá liều nhất. Các đại lý đã trộn fentanyl với các loại ma túy khác – một lý do khiến số ca tử vong do methamphetamine và cocaine cũng đang tăng lên.
Anne Milgram, Quản trị viên của Cục Thực thi Dược cho biết, các băng đảng ma túy ở Mexico đang sử dụng hóa chất từ Trung Quốc để sản xuất và phân phối hàng loạt fentanyl và methamphetamine trên khắp nước Mỹ.
Năm nay, DEA đã thu giữ 12,000 pound fentanyl, một số lượng kỷ lục. Nhưng các chuyên gia y tế công cộng và thậm chí cả các quan chức cảnh sát nói rằng các biện pháp thực thi pháp luật sẽ không ngăn chặn được tệ nạn và cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt nhu cầu và ngăn ngừa tử vong.
CDC vẫn chưa thống kê con số dựa theo chủng tộc và sắc tộc của các nạn nhân sử dụng quá liều.
Số người chết ước tính đã tăng ở tất cả ngoại trừ bốn tiểu bang: Delaware, New Hampshire, New Jersey và Nam Dakota – so với cùng kỳ năm trước. Các tiểu bang có mức tăng lớn nhất là Vermont (70%), West Virginia (62%) và Kentucky (55%).
Tiến sĩ Daniel Ciccarone, chuyên gia về chính sách ma túy tại Đại học California, San Francisco, cho biết số người chết vì sử dụng ma túy quá liều sẽ còn tăng nữa, và năm 2021 sẽ là năm “rất kinh khủng.” (Theo AP)
Mỹ đầu tư hàng tỷ đô la mở rộng năng lực sản xuất vaccine COVID-19
Thông tin này được The New York Times đăng lên đầu tiên giữa lúc các nhà hoạt động xã hội đang gây áp lực buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải tăng cung cấp vaccine cho các nước nghèo, giải quyết sự bất bình đẳng đang gia tăng trong việc tiếp cận vaccine COVID-19 trên thế giới.
Hiện chính phủ Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch tiêm thêm liều nhắc lại (booster) cho những người Mỹ đã tiêm đủ hai mũi vaccine Pfizer hoặc Moderna trong khi người dân nhiều nước vẫn chưa được tiêm mũi vaccine thứ nhất để phòng dịch. Theo phân tích của ONE Campaign, một tổ chức vận động và viện trợ quốc tế, chỉ có 4,7% người dân sống ở các nước có thu nhập thấp được tiêm liều thuốc đầu tiên trong khi các quốc gia giàu có đã tiêm hơn 173 triệu mũi tiêm nhắc lại.
Ông Zient cho biết chính phủ đang chuẩn bị trợ giúp tài chính nhiều tỷ đô la cho các nhà sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA để họ mở rộng năng lực bào chế và sản xuất, bao gồm xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy, mua sắm thiết bị, đào tạo nhân viên v.v… nhằm mở rộng quy mô sản xuất ở trong nước để chia sẻ với thế giới.
Hiện chỉ có các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna là những nhà sản xuất vaccine duy nhất sử dụng công nghệ mRNA, nhưng ông Zient cho biết các nhà thầu phụ của những công ty này cũng sẽ được xem xét trợ giúp.
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (Biomedical Advanced Research and Development Authority – BARDA) của chính phủ đang kêu gọi các công ty dược phẩm có khả năng bào chế vaccine theo công nghệ mRNA tham gia đấu thầu khoản đầu tư của chính phủ để mở rộng quy mô sản xuất của họ.
“Mục tiêu của chương trình là mở rộng công suất hiện có, thêm một tỷ liều vaccine mỗi năm và việc tài trợ sản xuất sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022,” ông Jeff Zient cho biết.
Ông nói, việc đầu tư vào sản xuất vaccine là một phần của quan hệ đối tác công-tư nhằm giải quyết nhu cầu vaccine trong nước Mỹ và trên toàn thế giới, cũng như chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai. Ngân sách tài trợ sẽ được trả bằng nguồn tài chính trong Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ (American Rescue Plan) mà Tổng thống Biden đã ký thành luật hồi Tháng Ba.
Hôm Thứ Tư, ông Zient cũng thông báo rằng cho tới nay Hoa Kỳ đã tài trợ 250 triệu liều vaccine COVID cho các nước nghèo trên toàn cầu – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào – và đặt tiêu chia sẻ hơn 1.1 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2022. Tuy vậy, bà Ava Alkon, cán bộ nghiên cứu và chính sách cấp cao của Tổ chức Bác sĩ Không Biên Giới, nói rằng một tỷ liều thuốc được sản xuất với sự đầu tư của chính phủ Mỹ vẫn còn xa so với con số cần thiết để tiêm chủng cho thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng nhân loại cần 11 tỷ liều vaccine để vượt qua đại dịch.
Ông Zient cho biết 80% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của đại dịch. Ngoài ra, 2.6 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên vào hôm nay Thứ Tư 17 Tháng Mười Một.
Số vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp cao kỷ lục tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong tháng Mười đầu tiên của TT Biden
Dữ liệu công bố hôm thứ Hai (15/11) cho thấy số vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong tháng Mười đầu tiên của Tổng thống Joe Biden kể từ khi nhậm chức là mức cao nhất từng được ghi nhận trong tháng này.
Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) đã thực hiện 164,303 vụ bắt giữ trong tháng 10/2021.
Con số này nhỉnh hơn một chút so với ước tính sơ bộ và cao hơn 55% so với mức cao trước đó của tháng Mười.
Phần lớn những người bị bắt giữ, hay hai phần ba trong số họ là những người trưởng thành độc thân. Khoảng một phần tư là các gia đình và phần còn lại là trẻ vị thành niên không đi cùng một người lớn chịu trách nhiệm.
Các nhân viên biên phòng đã chứng kiến sự gia tăng lớn về số lượng người nhập cư bất hợp pháp cố gắng vào Hoa Kỳ một lần nữa sau khi bị trục xuất trước đó. Khoảng 30% số vụ bắt giữ là của những người mà các nhân viên biên phòng đã từng gặp ít nhất một lần trong 12 tháng trước đó.
Các con số trên không bao gồm những người nhập cư bất hợp pháp trốn tránh các nhân viên biên phòng. Con số đó được ước tính là khoảng 50,000, theo dữ liệu nội bộ mà The Epoch Times thu thập được.
“Ông Joe Biden tiếp tục phớt lờ cuộc khủng hoảng lịch sử mà các chính sách biên giới mở của ông ấy đã gây ra. Những con số không biết nói dối, cuộc khủng hoảng này còn lâu mới kiểm soát được,” bà Ronna McDaniel, chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa, cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã không đề cập đến một kỷ lục mới đang được thiết lập, mà thay vào đó tập trung vào việc số vụ bắt giữ giảm khoảng 22% so với tháng trước.
“Tháng Mười đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp giảm bớt các cuộc chạm trán với người di cư trái phép dọc theo biên giới Tây Nam — đặc biệt với số lượng gia đình và trẻ em không có người đi kèm giảm mạnh — và lực lượng lao động của CBP tiếp tục làm việc với các đối tác trên toàn liên bang và khắp bán cầu để ngăn chặn những kẻ buôn lậu có ý định khai thác người di cư dễ bị tổn thương vì lợi nhuận,” quyền Ủy viên CBP Troy Miller cho biết trong một tuyên bố.
Các quan chức Hoa Kỳ quả thật đã trục xuất hơn một nửa số người bị bắt theo Đề mục 42, một quyền liên bang được áp đặt trong đại dịch COVID-19 khiến việc trục xuất người nhập cư trở nên dễ dàng hơn vì lo ngại họ có thể nhiễm và lây lan dịch bệnh. Nhìn chung, 99% các vụ bắt giữ đã dẫn đến việc trục xuất theo Đề mục 42 hoặc Đề mục 8, một luật nhập cư liên bang.
Tháng Mười là tháng đầu tiên của năm tài chính 2022. Chính phủ TT Biden đã lập kỷ lục mới về số vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp trong năm tài chính 2021, và đã lập kỷ lục mới về số vụ bắt giữ nhiều nhất trong một năm theo lịch.
Các chuyên gia cho rằng việc TT Biden đảo ngược hoặc chấm dứt các chính sách thực thi nhập cư quan trọng dưới thời TT Trump đã dẫn đến sự bùng nổ nhập cư bất hợp pháp. Chính phủ TT Biden cho biết hệ thống nhập cư cần một cuộc đại tu và sẽ mất thời gian để thực hiện một sự thay đổi lớn.
CBP đang làm việc để “quản lý các cuộc chạm trán với người di cư theo cách an toàn, trật tự, và nhân văn,” ông Miller nói.
Các hành động bao gồm ngăn chặn việc sử dụng Đề mục 42 để trục xuất trẻ em nhập cư bất hợp pháp; chấm dứt chương trình “Ở lại Mexico”, chương trình buộc nhiều người xin tị nạn phải chờ ở Mexico trong khi đợi phiên điều trần tại tòa; cũng như việc ngừng xây dựng bức tường biên giới.
Một thẩm phán liên bang đã ra lệnh cho chính phủ khôi phục chính sách “Ở lại Mexico” vào đầu năm nay nhưng chính phủ cho biết Mexico đang từ chối làm như vậy, và cuối cùng họ sẽ có kế hoạch sẽ kết thúc chương trình này ngay cả khi nó được khởi động lại.
Sức ép của những người nhập cư bất hợp pháp đã khiến chính phủ bắt đầu thả hàng chục ngàn người mà không có gì ngoài một thông báo sẽ trình diện tại một văn phòng Thực thi Di trú và Hải quan trong tương lai. Xưa nay, những người nhập cư bất hợp pháp vẫn luôn nhận được thông báo ra hầu tòa nếu họ được thả vào nội địa Hoa Kỳ.
Tình trạng tồn đọng vụ án tại các tòa án di trú đang ngày càng trở nên tồi tệ. Con số này đã tăng lên gần 1.5 triệu vụ vào cuối tháng Mười, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Syracuse.
Ông Zachary Stieber phụ trách mảng tin tức Hoa Kỳ, bao gồm cả tin tức chính trị và các vụ kiện ở Hoa Kỳ. Ông bắt đầu làm việc cho The Epoch Times với vai trò là một phóng viên đưa tin về thành phố New York.
An Nhiên biên dịch
Amazon phải trả 500.000 USD để giải quyết việc không công khai các ca mắc COVID-19
Tổng chưởng lý của bang California – Rob Bonta vào thứ Hai (15 tháng 11) đã tuyên bố rằng, vì “che giấu số trường hợp mắc COVID-19” của nhân viên, vi phạm “Đạo luật quyền được biết” của bang này, do vậy gã khổng lồ điện tử Amazon đã buộc phải đồng ý trả khoản tiền dàn xếp 500.000 USD.
Quyết định lần này của tòa án California là quyết định đầu tiên theo “Đạo luật Quyền được biết” của tiểu bang có hiệu lực vào năm ngoái. Luật nhằm tăng cường sự an toàn cho người lao động bằng cách yêu cầu người sử dụng lao động thông báo kịp thời các trường hợp nhiễm virus corona cho cơ quan y tế địa phương và các thông báo khác cho nhân viên.
Văn phòng của Bonta cho biết trong một tuyên bố: “Việc Amazon không thông báo đầy đủ cho nhân viên và các cơ quan y tế địa phương về số ca nhiễm COVID-19, khiến họ cảm thấy không rõ ràng và không cách nào theo dõi sự lây lan của virus một cách hiệu quả”.
Trong tuyên bố của mình, Bonta nhấn mạnh rằng, người dân California có quyền được biết về khả năng tiếp xúc với virus corona để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng của họ. “Phán quyết này đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng các công ty cần phải tuân thủ luật quan trọng này, vì nó giúp bảo vệ tất cả chúng ta”.
Ngoài việc trả tiền dàn xếp để thực thi luật bảo vệ người tiêu dùng của California, Amazon cũng cần chấp nhận sự giám sát của các quan chức California và Văn phòng Tổng chưởng lý về việc theo dõi các thông báo ca nhiễm của họ trong khoảng thời gian một năm. Amazon cũng hứa sẽ sửa đổi hệ thống thông báo COVID-19 của mình, chấp nhận giám sát và thanh toán 500.000 đô la.
Người phát ngôn của Amazon cho biết trong một thông báo qua email rằng, công ty rất vui vì vấn đề đã được giải quyết, và “thấy rằng tổng chưởng lý nhận thấy không có vấn đề gì đáng kể với các biện pháp an toàn trong các tòa nhà của chúng tôi”.
“Đạo luật quyền được biết” của California do Lãnh đạo đảng Đa số Hạ viện là Eloise Gómez Reyes đề xuất, yêu cầu người sử dụng lao động thông báo cho nhân viên về các trường hợp nhiễm virus corona tại nơi làm việc của họ trong vòng một ngày và thông báo cho người lao động về các biện pháp bảo hộ, kế hoạch phúc lợi, khử trùng và an toàn liên quan đến đại dịch, đồng thời báo cáo cho cơ quan y tế địa phương trong vòng hai ngày.
Reyes cho biết đạo luật của bà đã được ban hành sau khi các nhà lập pháp nghe nói về việc các công nhân chưa được thông báo về việc họ có thể đã bị nhiễm bệnh. Sau đó, nhiều công ty ở California đã tuân thủ các quy định, nhưng một số công ty “phát hiện ra lỗ hổng và họ đã vô tình không tuân thủ hoặc cố tình lựa chọn không tuân thủ đạo luật này”.
Amazon sử dụng khoảng 150.000 nhân viên ở California, hầu hết là làm việc trong 100 trung tâm vận chuyển hàng hóa của công ty, đây là các nhà kho lớn được sử dụng để đóng gói và vận chuyển các đơn đặt hàng.
Trong suốt thời gian dịch bệnh, Amazon đã phải đối mặt với những lời phàn nàn và chỉ trích liên quan đến sự an toàn của người lao động. Năm ngoái, Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp California đã phạt Amazon vì vi phạm điều kiện làm việc trong các trung tâm giao hàng và phân phối.
Ngoài ra Tổng chưởng lý bang New York – Letitia James cũng đã đệ đơn kiện Amazon vào tháng 2 năm nay, cáo buộc hãng này không tuân thủ các quy định tại nơi làm việc.
Không có nhận xét nào