Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 15 tháng 11 năm 2021

    Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức một buổi lễ tại Nhà Trắng vào ngày 15/11 để ký thành luật dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la được sự ủng hộ của lưỡng đảng vốn cuối cùng cũng đã được Quốc hội thông qua sau nhiều tháng đàm phán.

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 15 tháng 11 năm 2021

    Đạo luật này mở đường cho chi tiêu ồ ạt trên khắp đất nước để giải quyết tình trạng cầu đường đổ nát, cải thiện đường sắt và mở rộng giao thông công cộng.

    Tòa Bạch Ốc cho biết buổi ký kết này sẽ có mặt các thống đốc và thị trưởng từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như các lãnh đạo nghiệp đoàn và công ty.

    Dự luật sẽ dành hàng tỷ đô la để giải quyết những lỗ hổng trong việc truy cập internet băng thông rộng, nhất là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, khu vực nông thôn và các cộng đồng sắc tộc.

    Ngoài ra còn có các chương trình củng cố lưới điện của quốc gia, cũng như hệ thống cấp nước và nước thải. Các sân bay cũng sẽ được nâng cấp, và ngân sách sẽ được phân bổ để xây dựng các trạm sạc xe điện và mua sắm xe điện và xe hỗn hợp để đưa rước học sinh.

    Nhà Trắng hôm 14/11 tuyên bố chọn cựu Thị trưởng New Orleans Mitch Landrieu để giám sát kế hoạch cơ sở hạ tầng.

    Ông Biden và một số bộ trưởng trong nội các của ông đã tổ chức các sự kiện để nhấn mạnh những lợi ích của gói hạ tầng cơ sở này. Sau khi ký dự luật hôm 15/11, ông dự kiến sẽ đến bang New Hampshire để thăm một cây cầu trong danh sách rất cần duy tu. Vào ngày 17/11, ông dự kiến sẽ dự một sự kiện tại một nhà máy xe điện ở Michigan.

    Hoa Kỳ tiếp tục tặng vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam qua cơ chế COVAX


    Hoa Kỳ mới đây đã chuyển giao thêm cho Việt Nam thêm 2.873.520 liều vắc xin Pfizer-BioNTech thông qua cơ chế chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX.

    Theo thông tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ, 1.316.250 liều đã tới Hà Nội vào ngày 6 tháng 11 và 1.557.270 liều đã tới Thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày 7 và 8 tháng 11.

    Cơ quan ngoại giao này cho biết rằng đây là lần thứ bảy Hoa Kỳ trao tặng vắc-xin cho Việt Nam, nâng tổng số vắc xin COVID-19 Hoa Kỳ tặng Việt Nam tới nay lên hơn 15 triệu liều.

    “Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tự hào hợp tác cùng Việt Nam nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19”, đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội viết trên trang web của cơ quan này hôm 8/11, nói thêm rằng “Hoa Kỳ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 30,2 triệu đô la nhằm ứng phó với COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu”.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết rằng tiếp nối hoạt động hợp tác và đầu tư lâu dài của Hoa Kỳ vào cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam, phía Mỹ “đã hỗ trợ mọi trụ cột thiết yếu nhằm giúp một quốc gia ứng phó với dịch bệnh”, bao gồm các khóa đào tạo trực tuyến dành cho hàng nghìn nhân viên y tế, công nghệ giải trình tự gen giúp Việt Nam phát hiện các biến thể của vi rút, cung cấp thiết bị xét nghiệm và thiết bị bảo quản vắc-xin cũng như các thiết bị thiết yếu cho bệnh nhân như máy thở, máy làm giàu oxy và bình oxy lỏng.

    Cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội nói: “Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19”.

    Theo Đại sứ quán Mỹ, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, dựa trên nền tảng là mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia và nguồn hỗ trợ của Hoa Kỳ trị giá gần 1 tỷ USD trong những năm qua nhằm giúp Việt Nam phát triển hạ tầng y tế.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam giữa tháng trước đăng một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam (VNA), đưa tin rằng Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hôm 12/10 gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, “cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ vắc-xin, thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế để Việt Nam ứng phó đại dịch COVID-19”.

    Ngoài ra, theo VNA, ông Phúc cũng “mong Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19”.

    Hoa Kỳ tháng trước đã bàn giao cho Bộ Y tế Việt Nam 36 tủ lạnh âm sâu tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) nhằm hỗ trợ Việt Nam lưu trữ vắc-xin COVID-19.

    Phát biểu tại lễ tiếp nhận, theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường “bày tỏ cảm ơn sâu sắc và đánh giá rất cao sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho Việt Nam thời gian qua, bao gồm cả vắc-xin và tủ lạnh bảo quản chuyên dụng, đây là những vật tư mà phía Việt Nam đang rất cần”.

    Theo đại sứ quán Mỹ, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về COVID-⁠19 vào ngày 22 tháng 9, Tổng thống Hoa Kỳ đã công bố cam kết cung cấp thêm 500 triệu liều vắc xin Pfizer cho 92 quốc gia và nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới và Liên minh châu Phi, nâng tổng số cam kết của Hoa Kỳ lên hơn 1,1 tỷ liều cho toàn thế giới, và cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước tiếp nhận nhiều vắc xin nhất từ nguồn này.

    Cơ quan ngoại giao này cho biết thêm rằng trên toàn thế giới, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 200 triệu liều vắc xin COVID-19 cho hơn 100 quốc gia và nền kinh tế, và sẽ tiếp tục trao tặng thêm vắc-xin trên toàn cầu khi có thêm nguồn cung.

    “Chúng tôi cũng đang hợp tác với các nhà sản xuất vắc xin của Hoa Kỳ nhằm tăng nguồn cung cho toàn thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác nhằm mở rộng năng lực sản xuất vaccine trên toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch này”, đại sứ quán Mỹ nói trong thông cáo.

    Người Cuba biểu tình rộng khắp

    Mặc áo sơ mi trắng, không đeo ba lô hay túi xách, nắm tay nhau tạo thành chuỗi người và ghi hình càng nhiều càng tốt. Đây là một số lời khuyên mà các nhà hoạt động Cuba chia sẻ trước cuộc tuần hành toàn quốc vào thứ Hai nhằm thúc đẩy tự do và thay đổi dân sự. Nó được tổ chức bởi Archipiélago, một nhóm dân chủ được thành lập trực tuyến trong vòng vài tuần của biểu tình hồi 11 tháng 7. Vào hôm đó, hàng nghìn người Cuba đã xuống đường phản đối chế độ đàn áp của họ, trong một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay trên đảo kể từ năm 1959. Hàng trăm người bị bắt và nhiều người bị bỏ tù hoặc mất tích.

    Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã chỉ trích cuộc tuần hành là “một phần trong chiến lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm tiêu diệt cách mạng.” Chế độ đã cảnh báo mọi người phải ở nhà. Kết nối internet của các nhà hoạt động bị cắt và chính quyền bắt đầu bắt giữ tràn lan. Họ thậm chí triển khai lực lượng vũ trang. Rõ ràng là chế độ lo người dân Cuba không còn sợ họ nữa.

    Căng thẳng leo thang ở Bosnia & Herzegovina khi người Serb muốn li khai

    Bosnia & Herzegovina là chủ đề thảo luận khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU họp vào thứ Hai. Cần có những quyết định cứng rắn, nhưng có lẽ không thực hiện được. Milorad Dodik, thủ lĩnh người Serb ở Bosnia, muốn tách Republika Srpska, nơi có đa số người Serb, ra khỏi hầu hết các cơ quan nhà nước, bao gồm cả quân đội. Nói cách khác là ly khai.

    Nếu ông làm vậy, 600 binh sĩ EU đóng tại nước này sẽ không thể ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ nào có thể nổ ra. Không như năm 1992, thời điểm cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 3 năm giữa các nhóm sắc tộc ở Bosnia nổ ra, lần này người Bosniak (người Hồi giáo Bosnia) cũng sẵn sàng đổ máu không kém người Serb và người Croatia. Các lực lượng cảnh sát khác nhau của đất nước có thể trong một chớp mắt trở thành lực lượng quân sự. EU có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ hiếu chiến bằng cách đưa quân tiếp viện và đặt quân đội Mỹ cũng như NATO gần đó vào tình trạng báo động. Họ cũng sẽ cảnh báo Nga, nước ủng hộ ông Dodik, rằng phương Tây muốn gìn giữ hòa bình ở Balkan.

    Cựu công chúa Nhật sang Mỹ với người chồng thường dân


    Một Công chúa Nhật Bản đã từ bỏ địa vị hoàng gia để kết hôn với người yêu bình dân đã đến New York vào Chủ Nhật, 14 Tháng Mười Một, khi cặp đôi theo đuổi hạnh phúc như một cặp vợ chồng mới cưới và bỏ lại phía sau một quốc gia đã chỉ trích sự lãng mạn của họ.

    Sự ra đi của Mako Komuro – cựu Công chúa Mako – và Kei Komuro, cả hai đều 30 tuổi, được các đài truyền hình lớn của Nhật Bản đưa tin trực tiếp, cho thấy họ lên máy bay giữa một loạt các ánh chớp camera tại sân bay Haneda ở Tokyo.

    Kei Komuro, tốt nghiệp trường luật Đại học Fordham, có một công việc tại một công ty luật ở New York. Anh ta vẫn chưa vượt qua kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề của mình, một thông tin khác mà truyền thông địa phương đã sử dụng để tấn công anh ta, mặc dù thông thường, luật sư tập sự nào cũng sẽ đậu sau nhiều lần thi.

    “Tôi yêu Mako,” anh nói với các phóng viên vào tháng trước sau khi đăng ký kết hôn ở Tokyo. Họ làm như vậy mà không tổ chức tiệc cưới hay bất kỳ nghi thức ăn mừng thông thường nào khác.

    “Tôi muốn sống cuộc sống duy nhất mà tôi có với người tôi yêu,” anh nói.

    Mặc dù Nhật Bản hiện đại về nhiều mặt, nhưng các giá trị về quan hệ gia đình và địa vị của phụ nữ thường bị coi là cổ hủ, bắt nguồn từ các tập tục phong kiến.

    Những quan điểm như vậy đã được nhấn mạnh trong phản ứng của công chúng đối với cuộc hôn nhân. Một số người Nhật cảm thấy họ có tiếng nói trong những vấn đề như vậy vì tiền đóng thuế hỗ trợ hệ thống gia đình hoàng gia.

    Các công chúa khác đã kết hôn với thường dân và rời cung điện. Nhưng Mako là người đầu tiên thu hút sự phản đối kịch liệt của công chúng, bao gồm cả phản ứng dữ dội trên mạng xã hội và trên các tờ báo lá cải địa phương.

    Nhiều suy đoán từ việc liệu vợ chồng này có đủ khả năng sống ở Manhattan hay không, hay Kei Komuro kiếm được bao nhiêu tiền, và liệu cựu công chúa có chịu hỗ trợ tài chính cho chồng mình hay không.

    Mako là cháu gái của Nhật hoàng Naruhito, người cũng đã kết hôn với một thường dân, Masako. Masako thường đau khổ về tinh thần trong cuộc sống chật chội, quy củ của gia đình hoàng gia. Các phương tiện truyền thông đưa tin tiêu cực xung quanh cuộc hôn nhân của Mako đã khiến cô bị các bác sĩ cung điện mô tả vào tháng trước là một dạng rối loạn căng thẳng sang chấn.

    Cựu Nhật hoàng Akihito, cha của vị Hoàng đế hiện tại, là thành viên đầu tiên của hoàng gia kết hôn với một thường dân. Cha của ông là vị hoàng đế trong thời gian Nhật Bản chiến đấu trong Thế chiến thứ hai.

    Gia đình Nhật hoàng không nắm giữ quyền lực chính trị nhưng là biểu tượng của quốc gia, tham dự các sự kiện nghi lễ và thăm các vùng thiên tai.

    Việc Mako mất địa vị hoàng gia xuất phát từ Luật Hoàng gia, luật chỉ cho phép nam giới kế vị. Chỉ các hoàng gia nam mới có tên hộ, trong khi các thành viên hoàng gia nữ chỉ có tước vị và phải rời đi nếu họ kết hôn với thường dân.

    Mako là con gái của em trai Nhật hoàng, và người em trai 15 tuổi của cô được cho là cuối cùng sẽ trở thành hoàng đế.

    Phức tạp về cuộc hôn nhân của cựu Công chúa, được công bố vào năm 2017, là một tranh chấp tài chính liên quan đến mẹ của Kei Komuro, một vấn đề đã được giải quyết trong thời gian gần đây.

    Khi Kei Komuro trở về từ Mỹ vào Tháng Chín, cặp đôi mới được đoàn tụ lần đầu tiên sau ba năm. Họ gặp nhau khi theo học tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo mười năm trước.

    Khi thông báo về cuộc hôn nhân của họ, cựu Công chúa, đã nói rõ lựa chọn của mình”

    “Anh ấy là người mà tôi không thể thiếu. Kết hôn là quyết định cần thiết để chúng ta sống tiếp, sống thật với trái tim mình.” (Theo AP)

    Tướng Milley: “Hoa Kỳ không thể tự bảo vệ trước hỏa tiễn siêu thanh”


    Hoa Kỳ không có khả năng tự bảo vệ mình trước sự tấn công của các hỏa tiễn siêu thanh giống với loại hỏa tiễn mà Trung Quốc phóng thử nghiệm hồi mùa Hè, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Đại tướng Mark Milley nhận định.

    Trong cuộc nói chuyện tại Đại học Duke chiều nay Thứ Sáu 12 Tháng Mười Một, Tướng Mark Milley thừa nhận lỗ hổng trong khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ mà ông là một trong những người chỉ huy cao cấp nhất; trang mạng Washington Examiner đưa tin.

    Hồi mùa Hè, Trung Quốc đã hai lần thử nghiệm “một tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân” (“a nuclear-capable hypersonic missile”) bay vòng quanh trái đất trước khi tăng tốc tới mục tiêu. Báo Anh The Financial Times là tờ báo đầu tiên đưa tin vụ thử nghiệm này hồi tháng trước, cho thấy nó thể hiện khả năng vũ trụ tiên tiến của Trung Quốc khiến tình báo Mỹ phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận, nói rằng đây không phải là một vụ thử hỏa tiễn.

    Tướng Milley nói: “Những gì họ [Trung Quốc] đã làm cách đây vài tuần là rất quan trọng về mặt quân sự và từ quan điểm thử nghiệm về mặt nghiên cứu và phát triển… Đó là một hệ thống – và tôi không thể đi sâu vào phần phân loại của nó – đó là hệ thống di chuyển với tốc độ phi thường mà không hệ thống phòng thủ nào có thể đối phó được.”

    Milley, người trước đây gọi vụ thử như là một “khoảnh khắc Sputnik”, là một trong số ít quan chức quốc phòng đã bình luận công khai về vụ thử hỏa tiễn siêu thanh và ý nghĩa của nó đối với quan hệ Mỹ-Trung. “Khoảnh khắc Sputnik” đề cập tới việc Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người, mang tên Sputnik, lên quỹ đạo trái đất năm 1957, đưa Moscow vượt lên dẫn đầu trong cuộc chạy đua không gian thời Chiến tranh Lạnh và kích hoạt một nỗ lực to lớn của Mỹ để đuổi kịp và vượt qua Liên Xô trong công cuộc thám hiểm không gian.

    Những hỏa tiễn mà ông Milley nói là “rất đáng quan tâm,” có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường; ngoài ra những tiến bộ về công nghệ hỏa tiễn của Trung Quốc cũng đáng lo ngại trong cuộc ganh đua giành lợi thế quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Tướng Milley tỏ ra quan tâm tới các ý định quân sự của Bắc Kinh và lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ “hoàn toàn ngây thơ” nếu nghĩ rằng sự phát triển của quân đội Trung Quốc là vì “mục đích hoàn toàn tốt lành”.

    Theo một báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về những tiến bộ quân sự của Trung Quốc, Trung Quốc đã đẩy nhanh việc mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Họ có thể “có tới 700 đầu đạn hạt nhân có thể phóng” trong vòng khoảng năm năm tới, và “có thể có ít nhất 1,000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, vượt quá tốc độ và quy mô mà Bộ Quốc phòng dự kiến ​​vào năm 2020”, báo cáo cho biết.

    Ngoài Tướng Milley, Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, gần đây cũng thừa nhận quân đội Trung Quốc đã tiến hành “hàng trăm” cuộc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh trong năm năm qua, trong khi Mỹ chỉ thực hiện chín cuộc thử nghiệm như vậy. Ông Hyten nói đó là lý do tại sao Bộ Quốc phòng đã nhiều lần gọi quốc gia đối địch là “một thách thức ngày càng tăng”.

    Bộ Công an Việt Nam thành lập lực lượng An ninh trên không


    Bộ Công an Việt Nam vừa thành lập phòng An ninh trên không với nhiệm vụ phòng chống khủng bố và đảm bảo an ninh trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.

    Ngày 15/11, Bộ Công an Việt Nam đã công bố quyết định về việc thành lập Phòng An ninh trên không thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

    Lực lượng An ninh trên không là lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, phòng ngừa và xử lý hành vi can thiệp bất hợp pháp, đảm bảo an ninh trên chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.

    Lực lượng này sẽ nắm bắt mọi tình hình liên quan an ninh hàng không, thu thập, dự báo tình hình liên quan đến âm mưu, thủ đoạn đe dọa an ninh trên các chuyến bay hoặc hành vi khủng bố. Khi có thông tin, phòng sẽ quyết định bố trí lực lượng an ninh trên các chuyến bay.

    Lực lượng An ninh trên không còn phối hợp với tổ bay xử lý tình huống can thiệp bất hợp pháp hoặc độc lập xử lý tình huống đột xuất, bất ngờ đe dọa đến an ninh trên máy bay đang di chuyển. Khi đó, lực lượng này được phép dùng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ lực hoặc phương tiện kỹ thuật để vô hiệu hóa hành vi tấn công trên máy bay.

    Trường hợp đặc biệt, lực lượng an ninh trên không sẽ báo cáo Cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh đề xuất Cục Hàng không Việt Nam tạm hoãn các chuyến bay có nguy cơ xảy ra khủng bố hoặc hành vi đe dọa khác. Phòng cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để áp giải tội phạm từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại bằng đường hàng không.

    Theo nhận định của Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), hiện nay, công tác bảo bảo an ninh hàng không đã được nâng cao nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng. Việt Nam mặc dù chưa ghi nhận các bằng chứng về ý định thực hiện các hành vi khủng bố, tuy nhiên khu vực Đông Nam Á đang nổi lên là khu vực cung cấp nhân lực cho các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan. Các cơ quan đại diện ở Việt Nam có thể có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố quốc tế…

    Thái Lan tiếp tục biểu tình đòi cải cách chế độ quân chủ


    Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình hôm qua, Chủ Nhật 14/11/2021, phản đối quyết định của Tòa Bảo Hiến, vì cơ quan này đã coi lời kêu gọi cải cách hoàng gia đồng nghĩa với nỗ lực lật đổ chế độ quân chủ.

    Bất chấp lệnh cấm tụ tập biểu tình, hàng trăm người tập trung tại trung tâm thương mại lớn nhất của Bangkok. Với khẩu hiệu « Tòa Bảo Hiến tước quyền công dân », « cải cách không có nghĩa là lật đổ ».

    Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm thông tin:

    « Ban đầu, người biểu tình muốn đến một nơi mang tính biểu tượng là Tượng đài Dân Chủ ở khu phố cổ thủ đô Bangkok nhưng họ bị cảnh sát ngăn cản. Cuối cùng họ dồn đến trước sứ quán Đức, đất nước mà vua Rama X thường sang sống dài ngày.

    Vào cuối ngày, bắt đầu có tiếng súng nổ, theo truyền thông địa phương, ít nhất 1 người biểu tình đã bị đạn bắn thương.

    Quyết định của Tòa Bảo Hiến vào thứ Tư tuần trước đã châm lại ngòi nổ, khi cho rằng từ nay, mọi đòi hỏi của công chúng cải cách chế độ quân chủ sẽ bị coi là một ý đồ lật đổ Nhà nước. Qua việc gieo rắc nỗi sợ hãi bị trừng phạt, tòa án muốn chấm dứt phong trào đòi dân chủ đã gây náo động ở Thái Lan từ hơn một năm nay. Các nhà lãnh đạo phong trào có nguy cơ phải đối mặt với án tù chung thân. Họ quyết định đấu tranh thông qua tư pháp để chứng minh rằng yêu cầu cải cách không phải là một ý đồ xóa bỏ chế độ quân chủ. »

    Phong trào dân chủ do giới trẻ Thái Lan làm nòng cốt, bắt đầu từ năm 2020, đã kêu gọi hàng chục nghìn người xuống đường đòi cải cách, chống lại ảnh hưởng của quân đội và đòi một bản Hiến Pháp mới. Năm 2021, phong trào đã lắng xuống do đại dịch Covid-19.

    Thái Lan là một quốc gia quân chủ lập hiến kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932, nhưng quốc gia này đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự, gần đây nhất là vào năm 2014.

    Không có nhận xét nào