Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 08 tháng 11 năm 2021

    Cựu cố vấn thương mại của tổng thống Donald Trump, ông Peter Navarro, đã phát hành cuốn sách mới của mình về những tai họa của nước Mỹ, sau đó ông đã chấp nhận một phỏng vấn với Fox Business Network.

    Tin tức thế giới ngày Thứ hai 08 tháng 11 năm 2021

    Cuốn sách mới ghi lại cuộc đấu tranh của ông Navarro với giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID) Anthony Fauci, khi ông còn ở Tòa Bạch Ốc, bao gồm các cuộc thảo luận về cách khiến ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra cho Hoa Kỳ.

    Hơn 46 triệu người ở Hoa Kỳ đã bị nhiễm COVID-19, và số người chết đã vượt quá 751.000 người. Các biện pháp được thực hiện để làm chậm sự lây lan của virus đã gây ra thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ đô-la Mỹ.

    Ông Navarro nói: “Chúng tôi đang gây chiến với ĐCSTQ”.

    “Họ (ĐCSTQ) đã tấn công chúng ta bằng vũ khí sinh học và hóa học”, ông Navarro nói thêm, “Họ đang đe dọa Đài Loan; họ kiểm soát Hồng Kông; họ tiếp tục ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta. Họ là mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ, và chúng ta cần phải bắt họ nhận trách nhiệm về hành vi này”.

    Ông Navarro nói rằng để ĐCSTQ phải trả giá, trước tiên Hoa Kỳ nên loại bỏ hơn một nghìn tỷ đô-la Mỹ nợ Bắc Kinh. Tiếp theo, Hoa Kỳ nên thu giữ tất cả các tài sản thuộc sở hữu của các thành viên ĐCSTQ tại Hoa Kỳ — bao gồm cả bất động sản thương mại và nhà ở.

    Ông Navarro cũng thúc giục chính quyền ông Biden giữ nguyên các mức thuế quan từ thời ông Trump đối với Trung Quốc. Ông nói: “Cách duy nhất chúng ta có thể bảo vệ công nhân Mỹ, các công ty Mỹ và người dân Mỹ là thuế quan của Trump”.

    Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã có bài phát biểu về chính sách thương mại của Trung Quốc vào ngày 4/10. Theo đó bà hứa sẽ bắt đầu một quá trình loại trừ thuế quan có mục tiêu để xóa bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm của Trung Quốc.

    “Chúng tôi sẽ bắt đầu một quy trình loại trừ thuế quan có mục tiêu và chúng tôi sẽ bảo đảm rằng khuôn khổ thực hiện hiện tại phục vụ lợi ích kinh tế của chúng ta theo cách tốt nhất có thể”, bà nói.

    PAXLOVID™: Thuốc chữa Covid hiệu quả cao


    Thứ Sáu ngày 5/11/2021, Albert Bourla, Tổng Giám đốc Pfizer, thông báo: Cuộc chơi đã đổi chiều. Sự cố gắng của nhân loại để chống đỡ sức tàn phá của đại dịch đã thành tựu. Pfizer cho ra mắt loại thuốc ở dạng viên, uống, tiện lợi, giá vừa phải, tên là PAXLOVID™ có khả năng giảm thiểu số bệnh nhân nhiễm Sars-CoV-2 phải nằm viện hoặc tử vong tới 89%, sẽ đến tay bệnh nhân rất sớm.

    Thành phần của PAXLOVID™

    PAXLOVID™ được kết hợp bởi hai hợp chất PF-07321332 và Ritonavir. PF-07321332 nhằm mục đích ức chế sự sinh sản của virus. Nghĩa là, enzyme giúp cho virus nhân lên bị trung hòa. Virus không thể tăng lên về số lượng.

    Ritonavir (có tên khác là Novir) đã được áp dụng trong điều trị HIV từ nhiều năm nay. Đội ngũ khoa học của Pfizer đã sử dụng liều thấp ritonavir nhằm vào mục địch giảm thiểu hoặc bẻ gãy quá trình chuyển hóa của virus, giúp cho cơ thể chống đỡ với virus hiệu quả hơn.

    Kế quả thử nghiệm lâm sàng

    Nhóm 1: Gồm những người nhiễm virus có triệu chứng đã ba ngày, và được chia thành hai nhóm nhỏ hơn.

    1.1) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ thật cho kết quả 3/398 người (0.8%) phải nằm viện, không ai tử vong.

    1.2) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ giả (placebo) thấy 27/385 người (7.0%) phải nằm viện hoặc tử vong (7 người tử vong).

    Nhóm 2: Gồm những người nhiễm virus có triệu chứng đã 5 ngày, và cũng được chia làm hai nhóm nhỏ hơn.

    2.1) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ thật cho kết quả 6/607 người (1.0%) phải nằm viện, không có tử vong.

    2.2) Nhóm sử dụng PAXLOVID™ giả (placebo) cho kết quả 41/612 người (chiếm 6.7%) phải nằm viện với 10 người chết.

    Bằng những thuật toán thống kê, Pfizer đưa ra kết luận, PAXLOVID™ có khả năng giảm số người nhiễm Sars-CoV-2 phải nằm viện, hoặc tử vong đến 89%.

    Đây chỉ là một phần nhỏ những thử nghiệm lâm sàng mà Pfizer đã thực hiện trên khắp thế giới. Pfizer đang hoàn tất hồ sơ để chuyển đến U.S Food and Drug Administration (FDA) trước Lễ Tạ Ơn (28/11/2021) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

    Albert Bourla nói đây là tin vui lớn cho nhân loại. Ông đưa ra một con số để mọi người dễ hiểu: Thay bằng 10 người nhiễm virus phải đi nằm viện, giờ đây có PAXLOVID™ giúp, chỉ còn một người phải trông cậy tới nhà thương.

    Sự khám phá ra PAXLOVID™ đúng một năm tròn kể từ ngày Pfizer tuyên bố sản xuất thành công mRNA vaccine chống Covid-19 vào 9/11/2020.

    Bourla còn nói rằng, PAXLOVID™ sẽ cứu được hàng triệu người, nhưng ông vẫn nhấn mạnh vai trò quyết định của vaccine. Tuy vậy, vaccine không hiệu qủa 100%, số người chống đối vaccine cao, gây nên tình trạng bệnh viện bị quá tải.

    Cho đến nay, chỉ có remdesivir được sử dụng điều trị corona virus, nhưng remdesivir truyền tĩnh mạnh, không thể dùng nó tại nhà.

    Đại công ty dược MERCK của Mỹ cũng vừa cho ra đời MOLNUPIRAVIR ở dạng viên bọc (con nhộng), và đang đang chờ FDA duyệt. Nhưng tác dụng của MOLNUPIRAVIR giảm thiểu số nằm viện hoặc tử vong chỉ ở mức 50%.

    Pfizer tuyên bố những tiêu chuẩn về đạo đức, an toàn, chất lượng, và công bằng trong mọi sinh phẩm của hãng. Với hơn 150 năm phát triển, Pfizer đã không mệt mỏi, không chùn bước, khám phá vươn lên trở thành đại công ty sinh dược được tin tưởng trên trái đất.

    Pfizer sẽ áp dụng giá cả hợp lý với những quốc gia có thu nhập thấp để bảo đảm sự công bằng cho mọi người trên trái đất có quyền sử dụng những sinh dược phẩm của Pfizer.

    Trung Quốc chế tạo mô hình tàu Hải quân Mỹ trong khu vực để thực hành mục tiêu tên lửa


    Quân đội Trung Quốc đã chế tạo mô hình tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ và các tàu chiến khác của Hoa Kỳ, có thể là mục tiêu huấn luyện, ở sa mạc Tân Cương, hãng tin Reuters loan tin hôm 8/11, dựa vào các hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy một ngày trước đó.

    Những bản mô phỏng này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng chống tàu sân bay, đặc biệt là chống lại Hải quân Hoa Kỳ, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh với Washington vẫn ở mức cao về vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

    Các hình ảnh vệ tinh cho thấy toàn cảnh một tàu sân bay của Mỹ và ít nhất hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã được chế tạo tại nơi có vẻ là một tổ hợp mục tiêu mới ở sa mạc Taklamakan.

    Các hình ảnh cũng cho thấy một hệ thống đường ray rộng 6 mét với một mục tiêu bằng kích cỡ tàu gắn trên đó. Các chuyên gia cho rằng hệ thống này có thể được sử dụng để mô phỏng một con tàu đang di chuyển.

    Viện Hải quân Hoa Kỳ dẫn tài liệu của công ty tình báo không gian địa lý All Source Analysis cho biết rằng tổ hợp này đã được sử dụng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

    Các chương trình tên lửa chống hạm của Trung Quốc do Lực lượng Tên lửa Quân Giải phóng Nhân dân (PLARF) giám sát. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

    Theo báo cáo thường niên mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, PLARF đã tiến hành vụ phóng đạn thật đầu tiên được xác nhận vào Biển Đông vào tháng 7/2020, bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21 vào vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Đài Loan và 4 nước Đông Nam Á.

    Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết: “Các cuộc thử nghiệm trên biển cho thấy Trung Quốc” còn lâu mới tạo ra một tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) chính xác”. “Tôi không nghĩ rằng các mục tiêu sa mạc sẽ là giai đoạn cuối cùng. Có thể chúng đang được cải tiến thêm.”

    Ông Koh nói rằng một vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm trên sa mạc sẽ không phản ánh điều kiện thực tế của môi trường biển, vốn có thể ảnh hưởng đến các cảm biến và mục tiêu, nhưng sẽ cho phép Trung Quốc thực hiện các vụ thử một cách an toàn hơn.

    Ông nói: “Cách tốt nhất để thử nghiệm nó và tránh khỏi con mắt tò mò của quân đội và cơ quan tình báo Hoa Kỳ là thực hiện chúng trong đất liền”.

    Ông nói thêm rằng các nước láng giềng, vốn đang lo ngại về việc tên lửa bắn trúng các tàu khác xung quanh mục tiêu, cũng có thể phản đối việc Trung Quốc thử nghiệm trên biển.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết vào tháng 7 năm nay rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công ở Biển Đông và cảnh báo Trung Quốc hãy ngừng các “hành vi khiêu khích”.

    Iran muốn Mỹ đảm bảo không bao giờ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân


    Hôm 8/11, Iran cho biết Hoa Kỳ nên đưa ra những đảm bảo rằng họ sẽ không từ bỏ một lần nữa thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc trên thế giới, nếu các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận thành công, theo Reuters.

    Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Hoa Kỳ, vốn bị đình trệ vào tháng 6 sau cuộc bầu cử của Tổng thống Iran theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, sẽ được nối lại vào ngày 29/11 tại Vienna để tìm cách khôi phục thỏa thuận. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hiệp định cách đây 3 năm và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

    Bày tỏ lập trường chính thức của Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết Washington phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt lên Tehran trong một quá trình có thể kiểm chứng, và “thừa nhận lỗi của mình trong việc từ bỏ hiệp định này.”

    Ông Khatibzadeh cho biết ông Ali Bagheri-Kani, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, trong tuần này với tư cách là Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị, sẽ công du tới thủ đô của ba quốc gia châu Âu có tham gia hiệp ước hạt nhân.

    Tập Cận Bình ghi tên mình vào sử đảng

    Thứ Hai này diễn ra hội nghị trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó sẽ ghi danh Tập Cận Bình như một người khổng lồ trong lịch sử đảng bên cạnh Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Cơ quan này, gồm 370 thành viên của giới tinh hoa chính trị và quân sự Trung Quốc, sẽ bỏ phiếu vào thứ Năm cho một nghị quyết lịch sử đảng.

    Trước đây chỉ mới có hai nghị quyết như vậy xuyên suốt 100 năm đảng tồn tại, vốn do Mao và Đặng đưa ra. Với động thái này, ông Tập muốn trở thành người kế vị xứng đáng của hai nhân vật giàu ảnh hưởng này, một nhà lãnh đạo sẽ giúp Trung Quốc xây dựng “tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại” vào năm 2035. Thông qua nghị quyết là một tín hiệu cho thấy quyền lực của ông trước thềm đại hội đảng năm sau, nơi ông được cho là sẽ tiếp tục nhiệm kỳ ba. Ông Tập có vẻ yên tâm về việc làm nên lịch sử trong nhiều năm tới.

    Đảng Dân chủ Mỹ chia rẽ về gói chi tiêu xã hội của Biden

    Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu hai lần vào thứ Sáu: một lần để thông qua dự luật cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden và một lần để dọn đường thông qua dự luật chi tiêu xã hội của ông vào cuối tháng này. Nó rốt cuộc trông ra sao vẫn còn là một bí ẩn.

    Phiên bản của Hạ viện bao gồm trường mầm non miễn phí, trợ cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em, chi tiêu lớn cho khí hậu và mở rộng Medicare, chương trình bảo hiểm y tế liên bang của Mỹ. Nếu Văn phòng Ngân sách Quốc hội, một cơ quan phi đảng phái, xác nhận nó không làm tăng thâm hụt, thì dự luật sẽ được thông qua đúng theo tỉ lệ ghế của hai đảng.

    Song những người Dân chủ tại Thượng viện lại đang soạn một phiên bản đơn giản hơn. Con số 1,75 nghìn tỷ đô la của Hạ viện thấp hơn nhiều so với mong muốn của Nhà Trắng, nhưng vẫn là quá cao đối với Joe Manchin và Kyrsten Sinema, hai thượng nghị sĩ trung dung nắm lá phiếu quyết định của đảng Dân chủ. Cả hai viện đều muốn thông qua phiên bản của họ trước Lễ Tạ ơn — một nhiệm vụ rất khó.

    Chính quyền Biden mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ kiểm soát sinh sản

    Texas hầu như cấm toàn bộ hành vi phá thai, và vào tháng 12 Tòa án Tối cao sẽ nghe tranh luận của một vụ án từ Mississippi, mà có thể dẫn đến thông qua các luật tương tự Texas ở nhiều bang hơn nữa. Vào thứ Hai, chính quyền Biden sẽ tăng cường khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản bằng cách đưa ra quy định mới về Tiêu đề X, một chương trình liên bang tạo ra cách đây hơn 50 năm để cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ kiểm soát sinh sản.

    Vào năm 2019, chính quyền Trump đưa ra một quy tắc cấm các tổ chức nhận tài trợ Tiêu đề X cung cấp dịch vụ phá thai. Kết quả là khoảng một phần ba số nhà cung cấp đã rời bỏ chương trình và số phụ nữ thực hiện các dịch vụ tránh thai giảm mạnh. Các quy tắc mới sẽ cho phép nhà cung cấp quay lại Tiêu đề X.

    Quy tắc thời Trump được mô tả như một biện pháp chống phá thai. Nhưng bằng cách giúp phụ nữ tiếp cận các biện pháp tránh thai dễ dàng hơn, quy tắc thời Biden sẽ làm giảm nhu cầu phá thai ngay từ đầu.

    Album mới của Abba được giới phê bình đón nhận


    40 năm sau album phòng thu cuối cùng của họ, Abba đã trở lại đĩa hát mới, Voyage.

    Tuy nhiên, album gồm 10 ca khúc đã gây chia rẽ ý kiến giữa các nhà phê bình.

    "Đó là Abba cổ điển, ngang bằng với họ những năm 1970," Rolling Stone tuyên bố trong một bài đánh giá bốn sao.

    Nhưng bài viết chỉ hai sao của The Guardian cảnh báo rằng Voyage là một "sự thất vọng".

    Album ra mắt hai tháng sau khi ban nhạc huyền thoại Thụy Điển phát hành hai bài hát mới đầu tiên, I Still Have Faith In You và Don't Shut Me Down.

    Jude Rogers của The Guardian cho biết "sự quyến rũ được hứa hẹn bởi hai đĩa đơn tuyệt vời của album này đã không thành sự thật".

    Ban nhạc tái hợp lần đầu tiên trong phòng thu âm vào năm 2018

    Nhưng bài của Rolling Stone khen: "Thật bất ngờ khi những người Thụy Điển này trở lại. Nhưng bất ngờ lớn hơn, ngọt ngào hơn khi họ trở lại tràn đầy sức sống âm nhạc."

    Helen Brown của The Independent đã cho Voyage năm sao và khen đây là "một album thành công".

    Nhà phê bình Ed Potton của The Times đã mô tả Voyage là "sự pha trộn rất quen thuộc giữa tình cảm trong sáng, âm nhạc thái quá và sự thờ ơ hoàn toàn với thời trang".

    "Agnetha Faltskog và Anni-Frid Lyngstad hát chính và giọng của họ, mặc dù thấp hơn một chút, vẫn nguyên sơ và cảm động."

    Neil McCormick của Telegraph cho biết Faltskog và Lyngstad "vẫn có thể hát hay", trong khi Andersson và Ulvaeus "không mất khả năng tạo ra giai điệu mượt mà".

    Andersson nói với BBC News rằng "chúng tôi không cần phải chứng minh bất cứ điều gì ở đây".

    Không có nhận xét nào