Nhà chức trách quân quản Myanmar hôm 16/11 thông báo nhà lãnh đạo bị giam giữ Aung San Suu Kyi sẽ bị truy tố tội gian lận bầu cử và lạm dụng quyền lực, chuẩn bị cáo buộc mới khi thẩm phán ấn định ngày đưa ra phán quyết đầu tiên, theo Reuters.
Tin tức thế giới ngày Thứ ba 16 tháng 11 năm 2021 |
Bà Suu Kyi là một trong 16 người, hầu hết là các cựu ủy viên bầu cử, bị cáo buộc liên quan đến “các quy trình bầu cử, gian lận bầu cử và các hành động phi pháp”, một số trong đó có liên quan đến việc đe dọa các quan chức địa phương, theo thông báo hôm 16/11 trên truyền thông nhà nước Myanmar.
Bà Suu Kyi, người bị bắt vài giờ trước cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội, đang phải đối mặt với 11 vụ án hình sự với mức án tổng cộng tối đa hơn một 100 năm trong tù. Các cáo buộc còn bao gồm tội tham nhũng và vi phạm Đạo luật Bí mật Quốc gia.
Theo một nguồn tin am hiểu về thủ tục tố tụng, bà đã ra hầu tòa ở thủ đô Naypyitaw hôm 16/11, trong đó ngày 30/11 được ấn định để đưa ra phán quyết đầu tiên với tội danh kích động đối với bà.
Các phiên tòa xử kín và các luật sư bào chữa hiện đang là đối tượng của lệnh bịt miệng.
Vòng tranh luận cuối phiên tòa xử Aung San Suu Kyi
Vào thứ Ba, các luật sư của Aung San Suu Kyi sẽ tranh luận lần cuối trong phiên tòa xét xử bà, theo AFP. Chính quyền quân sự năm ngoái buộc tội bà Aung San Suu Kyi, cho đến thời điểm trước đảo chính là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, 11 tội danh, trong đó có tội tham nhũng và sở hữu máy bộ đàm không giấy phép. Phiên tòa kéo dài nhiều tháng qua, dù kết quả hoàn toàn có thể đoán trước.
Các tướng nói đảo chính là cần thiết vì đảng chính trị của bà Suu Kyi đã gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Các nhà quan sát độc lập nói cuộc bầu cử mà đảng của bà thắng lớn nhìn chung tự do và công bằng. Chính quyền đã hứa sẽ tổ chức bầu cử lại vào năm 2023. Bà Suu Kyi có thể sẽ bị quản thúc tại gia trong thời gian dài như các đồng minh của bà. Trước đó hai nhân vật thuộc đảng chính trị của bà đã bị kết án 75 và 90 năm tù vì tội tham nhũng vào tuần trước.
Xét xử vụ kiện chống quy định tiêm vắc-xin của Biden
Thứ Ba này một quả bóng may rủi sẽ quyết định số phận lệnh tiêm vắc-xin của Tổng thống Joe Biden. Quy định này, dự kiến có hiệu lực từ ngày 4 tháng 1, buộc các công ty với hơn 99 nhân công phải yêu cầu người của họ đi tiêm hoặc nộp kết quả xét nghiệm hàng tuần.
Tòa án Phúc thẩm số 5 đã tạm thời chặn lệnh này, viện dẫn “các vấn đề nghiêm trọng về luật pháp và hiến pháp.” Nhưng một loạt các vụ kiện tương tự trên khắp đất nước đang kích hoạt một trò chơi may rủi hiếm có. Vào năm 1988, Quốc hội đã quyết định các vụ kiện chống một quy định liên bang từ nhiều khu vực phải được hợp nhất và cùng trình lên một tòa án khu vực thông qua quay số ngẫu nhiên. Do đó, quy định khó có thể được thông qua nếu kết quả cho thấy Tòa Phúc thẩm số 5, một tòa rất bảo thủ, được chọn. Tương tự như vậy đối với Tòa Phúc thẩm số 11. Nhưng nếu tòa số 2 hoặc số 9 vốn có khuynh hướng tự do hơn được chọn, lệnh của ông Biden sẽ được thông qua.
Ấn Độ bắt đầu cấp lại thị thực cho khách du lịch nước ngoài
Khẩu hiệu du lịch cũ của chính phủ, “Incredible India” (“Ấn Độ Đáng kinh ngạc”), mang trong mình đến hai nghĩa. Với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh, thật khó tin được con số khách nước ngoài cực thấp chọn đến thăm nước này. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Ấn Độ chỉ thu hút được 5-6 triệu du khách một năm, so với 50-60 triệu của Trung Quốc. Dù vậy, bất chấp các vấn đề bạo lực và ô nhiễm, con số này đã tăng gấp đôi trong mười năm qua, đạt gần 11 triệu trong năm 2019.
Và rồi Covid-19 xuất hiện. Hồi tháng Ba, một năm sau khi cấm mọi du khách, Ấn Độ trải qua một làn sóng biến thể Delta vô cùng nặng nề mà nhiều người lo ngại sẽ làm các du khách tiềm năng lo ngại. Phải đến thứ Hai này Ấn Độ mới bắt đầu cấp lại thị thực du lịch.
Muốn xây dựng lại phải có những cách tiếp cận độc đáo. Du lịch y tế – đặc biệt là điều trị ung thư – có sức hấp dẫn lớn, nhất là từ các nước láng giềng. Một sân bay quốc tế mới vừa được khánh thành ở Kushinagar – nơi Đức Phật nhập niết bàn – như một lời mời gọi đến những người hành hương Đông Á. Tuy nhiên, trong khi đại dịch làm giảm lượng khách quốc tế thì nó đã thúc đẩy du lịch nội địa.
Toà Bạch Ốc bác bỏ rạn nứt giữa bà Harris và ông Biden
Toà Bạch Ốc hôm thứ Hai (ngày 15/11) đã nỗ lực để bảo vệ Phó Tổng thống Kamala Harris khỏi những lời chỉ trích của giới truyền thông, nói rằng bà là một phần quan trọng trong chính quyền.
Sự phản đối này xuất hiện sau khi một báo cáo của Đài CNN bày tỏ nghi ngờ về vị trí của phó tổng thống trong chính quyền Biden, và nói rằng, đã có những rạn nứt trong hoạt động của giữa Tổng thống và Phó Tổng thống.
CNN cho biết, các trợ lý của cánh tả đang ngày càng thất vọng với “tình trạng rối loạn và thiếu tập trung” từ Phó Tổng thống Mỹ Harris và các nhân viên của bà ấy. Cơ quan này đã phỏng vấn gần ba chục nhân viên hiện tại và trước đây của bà Harris, các quan chức chính quyền, các nhà tài trợ, cố vấn và các thành viên Đảng Dân chủ, và họ được cho là đã vẽ nên một bức tranh đáng nản lòng.
Tuần trước, tiêu đề của một tờ Los Angeles Times có nội dung: “Kamala Harris, phó tổng thống biến mất một cách đáng kinh ngạc ”.
Toà Bạch Ốc hiện thông báo rằng, bà Harris sẽ đến Columbus, tiểu bang Ohio vào thứ Sáu tới, để thúc đẩy dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ. Trong khi Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki, mô tả bà Harris là một thành viên không thể thiếu trong chính quyền.
Bà Psaki nói: “Tổng thống tin tưởng vào những lời khuyên của Phó Tổng thống”.
Hôm thứ Hai, các báo cáo cho biết bà Harris và ông Biden dường như tỏ ra thân thiết hơn.
Họ cùng nhau bước tới lễ ký kết dự luật cơ sở hạ tầng ở Toà Bạch Ốc. Bà Harris đã khen ngợi khả năng lãnh đạo của ông Biden, trong khi ông Biden cảm ơn phó tổng thống, và lưu ý bà Harris sẽ nằm trong số những người quảng bá của dự luật.
Ba Lan bắn vòi rồng vào người di cư làm loạn ở biên giới
Các lực lượng an ninh Ba Lan bắn vòi rồng vào những người di cư ném gạch đá vào họ từ bên biên giới phía Belarus.
Các lực lượng an ninh Ba Lan bắn vòi rồng vào những người di cư ném gạch đá vào họ từ bên biên giới phía Belarus, nơi hàng nghìn di dân đã tụ tập trong hỗn loạn để tìm cách vượt biên vào khối Liên hiệp châu Âu (EU), đoạn video được nhà chức trách Ba Lan đăng tải hôm 16/11 cho thấy -- theo Reuters.
Cuộc khủng hoảng đã khiến EU chuẩn bị thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus, nước bị cáo buộc âm mưu gây bất ổn cho khối EU bằng cách đẩy người di cư qua biên giới bất hợp pháp.
Đoạn video được chia sẻ bởi người phát ngôn của chính phủ Ba Lan và Bộ Quốc phòng cho thấy cuộc khủng hoảng ở biên giới ngày càng leo thang, nơi người di cư đã tập trung với số lượng ngày càng tăng bên phía Belarus trong tuần trước.
Trong video, những người di cư ném chai lọ vào binh sĩ Ba Lan, dùng các khúc gỗ và gậy để phá hàng rào biên giới.
Bộ Nội vụ cho biết một cảnh sát đã bị thương nặng do bị một vật thể ném trúng qua, đang nằm viện và bị nghi là nứt hộp sọ.
EU cho biết Belarus đang khuyến khích người di cư vượt biên để trả đũa việc EU trừng phạt Belarus vì đã đàn áp các cuộc biểu tình năm ngoái phản đối việc tái đắc cử của Tổng thống Alexander Lukashenko .
Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, nói rằng những cáo buộc cho rằng Belarus châm ngòi cho cuộc khủng hoảng biên giới như thế là “vô lý".
Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết trên Twitter rằng chính quyền Belarus đã cung cấp lựu đạn âm thanh cho người di cư để ném vào các binh sĩ và lính biên phòng Ba Lan.
Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan cho biết chính phủ đang thảo luận về việc có nên tiến hành các cuộc tham vấn chính thức về cuộc khủng hoảng với các đồng minh NATO hay không.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho một kết quả bi quan - rằng cuộc xung đột này có thể kéo dài trong nhiều tháng”, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Muller nói trong một cuộc họp báo.
Theo nhà chức trách Ba Lan, hơn 20.000 nhân viên an ninh Ba Lan từ cảnh sát, biên phòng và quân đội đang tăng cường canh gác biên giới nơi những người di cư tập trung gần một cửa khẩu tại thị trấn Kuznica của Ba Lan.
Ước tính có khoảng 4.000 người di cư đang ở gần biên giới và nhiều người nói rằng chính quyền Belarus không cho phép họ quay trở lại thủ đô Minsk của Belerus.
Không có nhận xét nào