Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày thứ Bảy cảm ơn các nhà báo đã giúp phanh phui những vụ bê bối giáo sĩ xâm hại tình dục mà Giáo hội Công giáo La Mã lúc đầu đã tim cách che đậy.
Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 14 tháng 11 năm 2021 |
Đức Giáo hoàng ca ngợi điều mà ông gọi là "sứ mệnh" của báo chí và nói rằng điều thiết yếu là các nhà báo phải bước ra khỏi tòa soạn và khám phá những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài để chống lại những thông tin sai lạc thường thấy trên mạng.
"(Tôi) cảm ơn các bạn vì những gì các bạn đã nói với chúng tôi về những điều sai trái trong Giáo hội, vì đã giúp chúng tôi không ém nhẹm, và vì tiếng nói mà các bạn đã trao cho các nạn nhân bị xâm hại," Đức Giáo hoàng nói.
Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu tại buổi lễ vinh danh hai nhà báo kỳ cựu - Philip Pullella của Reuters và Valentina Alazraki của Noticieros Televisa của Mexico - vì sự nghiệp lâu dài của họ tường trình về Vatican.
Những vụ bê bối xâm hại tình dục lên mặt báo vào năm 2002, khi nhật báo The Boston Globe của Mỹ viết một loạt bài vạch trần những vụ giáo sĩ xâm hại trẻ vị thành niên và văn hóa bưng bít rộng khắp trong Giáo hội.
Kể từ đó, các vụ bê bối đã làm chấn động Giáo hội ở nhiều quốc gia, gần đây nhất là Pháp, nơi một cuộc điều tra lớn vào tháng 10 phát hiện các giáo sĩ Pháp đã xâm hại tình dục hơn 200.000 trẻ em trong 70 năm qua.
Những người chỉ trích cáo buộc Phanxicô phản ứng quá chậm chạp về các vụ bê bối sau khi ông trở thành Giáo hoàng vào năm 2013 và tin lời của các giáo sĩ đồng đạo của ông thay vì tin lời các nạn nhân bị xâm hại.
Nhưng vào năm 2018, ông cố gắng giải quyết những sai lầm trong quá khứ, công khai thừa nhận ông đã sai về một trường hợp ở Chile và thề rằng Giáo hội sẽ không bao giờ tìm cách che đậy hành vi sai trái như vậy nữa. Năm 2019, ông kêu gọi một "cuộc chiến toàn lực" chống lại một tội ác cần được "xóa sổ khỏi mặt địa cầu."
Ngày thứ Bảy, Đức Giáo hoàng nói rằng các nhà báo có sứ mệnh "giải thích thế giới, làm cho nó bớt mù mờ hơn, làm cho những người sống trong thế giới bớt sợ hãi nó hơn."
Để làm được điều đó, ông nói các nhà báo cần phải "thoát khỏi sự chuyên chế" của việc luôn luôn ở trên mạng. "Không phải tất cả mọi thứ đều có thể được kể qua email, điện thoại, hay màn hình,” ông nói.
Tin tặc đột nhập hệ thống email của FBI, phát tán cảnh báo giả
Các tin tặc đã xâm nhập hệ thống thư điện tử (email) của Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào Thứ Bảy và gửi hàng chục nghìn thư cảnh báo về một cuộc tấn công mạng có thể xảy ra.
Theo cơ quan FBI và các chuyên gia bảo mật, các email giả mạo dường như được gửi đi từ một địa chỉ email hợp pháp của FBI, kết thúc bằng @ic.fbi.gov.
Mặc dù thiết bị điện toán bị tin tặc xâm nhập “đã được nhanh chóng đưa ra khỏi mạng trực tuyến, ngay sau khi phát hiện vấn đề nhưng đây là một tình huống đang diễn ra,” tuyên bố của FBI cho biết.
Trên tài khoản Twitter của mình, tổ chức chuyên theo dõi mối đe dọa điện toán Spamhaus Project nói tin tặc đã gửi hàng chục nghìn email cảnh báo về khả năng tấn công mạng.
Một bản sao của email được Spamhaus đăng trên Twitter có dòng tiêu đề “Khẩn cấp: Tác nhân đe dọa trong các hệ thống” và có vẻ như kết thúc bằng một chữ ký từ Bộ An ninh Nội địa. Tuy nhiên, FBI là một cơ quan của Bộ Tư pháp.
Bloomberg là hãng tin đầu tiên đưa tin về vụ việc này hôm Thứ Bảy 13 Tháng Mười Một.
Cơ quan FBI và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng đều biết về sự việc này.
(theo Reuters)
Hoa Kỳ - CDC: Không có ghi nhận nào về người có miễn dịch tự nhiên lây truyền COVID-19
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) cho biết họ không có ghi nhận nào về việc những người có khả năng miễn dịch tự nhiên lây truyền virus gây ra COVID-19.
Trong mùa thu, một luật sư thay mặt cho Informed Consent Action Network (tạm dịch: Mạng lưới Hành động Chấp thuận Sau khi được giải thích tường tận) đã yêu cầu cơ quan y tế liên bang này cung cấp các tài liệu “phản ánh bất kỳ trường hợp được ghi nhận nào về một cá nhân: (1) chưa bao giờ chích vaccine COVID-19; (2) bị mắc COVID-19 một lần, khỏi bệnh, và sau đó bị nhiễm lại; và (3) đã truyền SARS-CoV-2 cho người khác khi bị tái nhiễm.”
SARS-CoV-2 là tên gọi khác của virus Trung Cộng, gây ra COVID-19.
Những người phục hồi sau khi mắc COVID-19 còn được gọi là những người có khả năng miễn dịch tự nhiên.
Trong một phản hồi ngày 05/11 được công bố trong tuần này, CDC cho biết họ không có bất kỳ tài liệu nào liên quan đến yêu cầu trên.
CDC xác nhận với The Epoch Times rằng Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của họ đã không tìm thấy bất kỳ ghi nhận nào đáp ứng yêu cầu trên.
Cơ quan này đã từ chối cho biết liệu có bất kỳ trường hợp được ghi nhận nào đã được tìm thấy trong khoảng thời gian từ ngày 05/11 đến ngày 12/11 hay không, chỉ hướng dẫn The Epoch Times gửi Yêu cầu về Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) cho thông tin đó, và chúng tôi đã làm vậy.
“Quý vị sẽ cho rằng nếu CDC sẽ bóp nghẹt các quyền dân sự và cá nhân của những người có khả năng miễn dịch tự nhiên bằng cách đuổi họ khỏi trường học, sa thải, giải ngũ, và tệ hơn, CDC sẽ có bằng chứng về ít nhất một ví dụ về một cá nhân chưa chích ngừa có khả năng miễn dịch tự nhiên mà đã truyền virus COVID-19 cho một cá nhân khác. Nếu quý vị nghĩ như vậy thì quý vị đã nhầm,” ông Aaron Siri, luật sư yêu cầu các tài liệu thay mặt cho mạng lưới trên, cho biết trong một bài đăng trên blog.
Tiết lộ của CDC đã thu hút phản hồi từ một số chuyên gia y tế, trong đó có Tiến sĩ Marty Makary của Johns Hopkins. Ông Makary cho hay, điều này nhấn mạnh dữ liệu mà cơ quan này đã công bố về những người đã khỏi bệnh là ít ỏi như thế nào.
Ông Makary kêu gọi CDC cung bố dữ liệu công khai về bất kỳ trường hợp tái nhiễm nào dẫn đến nhập viện hoặc tử vong, cùng với thông tin về việc người bệnh nhân tái nhiễm đó có hay không các bệnh đi kèm. “CDC nên minh bạch dữ liệu về khả năng miễn dịch tự nhiên. Nhưng thay vào đó, chúng ta nhận được rất ít thông tin từ các yêu cầu FOIA như cái này,” ông viết trên Twitter.
CDC đặt ra ít quy tắc bắt buộc nhưng hướng dẫn của họ đã được chứng minh là có ảnh hưởng to lớn trong đại dịch COVID-19. Hầu như tất cả các quan chức áp đặt lệnh bắt buộc chích vaccine COVID-19 đều bỏ qua lựa chọn để người dân từ chối chích ngừa nếu họ có thể chứng minh họ đã nhiễm COVID-19 rồi khỏi bệnh, với nhiều quan chức viện dẫn CDC.
Các quan chức trên khắp đất nước đã kêu gọi người dân chích ngừa bằng cách tuyên bố rằng hành động đó sẽ bảo vệ những người xung quanh họ.
“Chích vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người xung quanh quý vị, đặc biệt là khi biến thể Delta dễ lây lan hơn đang lan tràn khắp đất nước,” Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, cho biết trong một tuyên bố hồi hè, nhưng ngay sau đó bà lại nói các vaccine “không còn có thể ngăn chặn sự lây truyền” trong một lần xuất hiện trên truyền hình.
Hơn 100 nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ tương tự hoặc vượt trội hơn so với vaccine, trong đó có một nghiên cứu thực tế của Israel. Nhưng các quan chức CDC đã thúc đẩy hai nghiên cứu của riêng họ để lập luận rằng ngay cả những người có khả năng miễn dịch tự nhiên cũng nên chích ngừa. Họ khẳng định khả năng miễn dịch tự nhiên không được chứng minh là lâu bền như khả năng miễn dịch đến từ chích ngừa.
Các chuyên gia đang chia rẽ về vấn đề này. Một số người đồng ý với CDC; số khác thì nói rằng những người có khả năng miễn dịch tự nhiên nên chích hoặc cân nhắc chích một mũi vaccine; nhưng cũng có người khuyến nghị hầu hết hoặc tất cả những ai có khả năng miễn dịch tự nhiên không nên chích ngừa.
CDC đã nói trong một thông báo vắn tắt được công bố hồi đầu tháng này rằng khả năng miễn dịch tự nhiên và vaccine cung cấp sự bảo vệ trong ít nhất sáu tháng. Họ không nói gì về việc sự lây nhiễm [do người có khả năng miễn dịch tự nhiên gây ra] trong bản thông báo đó.
Trung Quốc phát điên vì TSMC của Đài Loan chuyển giao dữ liệu chip cho Mỹ
Nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, TSMC của Đài Loan, đã bị Trung Quốc chỉ trích vì quyết định tuân thủ yêu cầu cung cấp thông tin của Hoa Kỳ. Những chỉ trích, đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, xuất phát từ lo ngại rằng Mỹ có thể sử dụng những thông tin này để trừng phạt Bắc Kinh.
Theo Tech Wire Asia, sự tức giận của Bắc Kinh xảy ra bất chấp việc nhà sản xuất chip Đài Loan nói rằng họ sẽ không “tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng cho chính phủ Hoa Kỳ”.
TSMC của Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co) hiện được cho là công ty quan trọng nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Công ty cũng cho biết trong một tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ “đáp ứng” yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về việc tìm kiếm thông tin từ các công ty chip trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Yêu cầu của Mỹ cũng bao gồm các nhà sản xuất chip khác như Samsung Electronics của Hàn Quốc và Intel của Hoa Kỳ.
Theo SCMP, hiện vẫn chưa rõ các thông tin cụ thể mà TSMC sẽ cung cấp cho Mỹ. Tuy nhiên, công ty cho biết họ sẽ không tiết lộ “thông tin bí mật” của khách hàng và “sẽ không làm tổn hại đến quyền lợi của khách hàng và cổ đông của chúng tôi”.
Theo chính phủ Mỹ, yêu cầu của họ nhằm giải quyết tận gốc tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp những đảm bảo nói trên, người Trung Quốc vẫn chưa nguôi ngoai.
Theo SCMP, Xi Chen, một thành viên ủy ban học thuật tại Viện Hợp tác và Hiểu biết Toàn cầu của Đại học Bắc Kinh, cho rằng dữ liệu có thể “có khả năng giúp Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc một cách chính xác hơn”.
Cho đến nay, thị trường bán dẫn ở Trung Quốc đang là lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 35% thị phần toàn cầu, vượt qua Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và thậm chí cả Đài Loan, nơi có nhà sản xuất TSMC.
Những lời chỉ trích nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đã xuất hiện trên nhiều nền tảng truyền thông kỹ thuật số của Trung Quốc, chẳng hạn như Weibo, WeChat và nhiều trang web khác nhau.
Eric Tseng, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Isaiah Research có trụ sở tại Đài Loan cho biết: “Chúng tôi tin rằng TSMC, Samsung và các công ty bán dẫn khác có thể cung cấp thông tin tương đối thiếu nhạy cảm để đáp lại yêu cầu của chính phủ Mỹ”.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, những thông tin quan trọng liên quan đến quyền và bí mật thương mại của khách hàng, chẳng hạn như danh sách khách hàng, nội dung đơn hàng và số tiền, sẽ được giữ bí mật để duy trì sự tin tưởng lâu dài giữa TSMC và khách hàng”.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty trong nước và nước ngoài trong chuỗi giá trị chất bán dẫn “tự nguyện” cung cấp thông tin về doanh số, hàng tồn kho và chi tiết khách hàng để xác định rủi ro của chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Là nhà máy đúc đĩa bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, TSMC đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực thỏa mãn nhu cầu về chip của Trung Quốc. Trước đó, xưởng đúc Đài Loan đã tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Huawei Technologies Co. Điều này đã phá nát vị thế khổng lồ một thời của nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc.
Ngoài ra, TSMC cũng đã ngừng sản xuất chip cho Phytium Information Technology Co, một trong bảy tổ chức liên quan đến siêu máy tính của Trung Quốc được thêm vào Danh sách Thực thể của Hoa Kỳ vào tháng 4, giáng một đòn mạnh vào tham vọng theo đuổi siêu máy tính của Bắc Kinh.
Vào tháng 9 năm nay, các nhà sản xuất chip hàng đầu ở Trung Quốc đã tăng tốc nỗ lực thúc đẩy sản xuất. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu của nước này, Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở chế tạo mới sẽ trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất đất nước đối với các sản phẩm ngoài bộ nhớ.
Nhật Bản nói Mỹ cam kết phòng vệ nước này giữa căng thẳng với Trung Quốc
Tân bộ trưởng ngoại giao của Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi, ngày thứ Bảy nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cam đoan với ông trong một cuộc điện đàm rằng cam kết của Mỹ phòng vệ Nhật Bản, bao gồm các đảo nhỏ phía nam mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, là không lay chuyển.
Mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc gặp nhiều chông gai vì tranh chấp lãnh thổ liên quan một nhóm đảo do Nhật Bản quản lý ở Biển Hoa Đông, được gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc, cũng như di sản từ quá khứ xâm lược quân sự của Nhật Bản.
"Ngoại trưởng Blinken khẳng định cam kết của Mỹ phòng vệ Nhật Bản, bao gồm việc áp dụng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, là không lay chuyển," ông Hayashi nói với các phóng viên.
Điều 5 của hiệp ước nói rằng mỗi bên công nhận một cuộc tấn công vũ trang vào các vùng lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản sẽ nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của nước này, và họ sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung.
Ông Hayashi cho biết ông và ông Blinken chia sẻ quan điểm rằng hòa bình và ổn định của Eo biển Đài Loan là quan trọng.
Căng thẳng xuyên eo biển đã gia tăng trong những tháng gần đây, với việc Đài Loan từ hơn một năm qua vẫn phàn nàn về các phi vụ liên tục của không quân Trung Quốc gần hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.
Ông Hayashi và ông Blinken phản đối mạnh mẽ nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và nhất trí hợp tác chặt chẽ giữa hai nước đồng minh trong việc ứng phó với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một thông cáo bằng văn bản.
COP26 đạt thỏa thuận nửa vời về môi trường
Trễ hơn so với dự kiến 24 giờ, đêm qua 13/11/2021 khoảng 200 nước tham dự hội nghị khí hậu COP26 Glasgow-Anh Quốc thông qua « thỏa ước Glasgow ». Luân Đôn xem đây là một « bước tiến quan trọng » cho dù văn bản nói trên không bảo đảm nhiệt độ của trái đất không tăng quá 1,5 °C như mục tiêu đề ra, giới hạn việc sử dụng than đá và năng lượng hóa thạch. Tài liệu Glasgow cũng không đi kèm những biện pháp cụ thể giúp các nước nghèo đối mặt với biển đổi khí hậu.
Kết thúc hai tuần lễ đàm phán, chủ tịch hội nghị ông Alok Sharma đã chính thức khép lại hội nghị khí hậu COP26 với « thỏa ước Glasgow » nhằm « thúc đẩy tiến trình chống biến đổi khí hậu ». Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cương vị chủ nhà hài lòng với đồng thuận vừa đạt được. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen « tin tưởng » văn bản này cho phép xây dựng một không gian « an toàn và thình vượng » trên cho nhân loại.
Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres kém lạc quan hơn khi cho rằng « quyết tâm chinh trị tập thể chưa đủ để vượt lên trên những mâu thuẫn sâu sắc » trong lúc tình hình càng lúc càng phải được giải quyết « cấp bách ».
Về thực chất, văn bản đó ba gồm những gì và vì sao bị đánh giá là một thỏa thuận nửa vời ?
Thứ nhất các bên đồng ý về mục tiêu duy trì nhiệt độ của trái đất không tăng quá 1,5°C từ nay đến cuối thế kỷ 21, và « tiếp tục nỗ lực giảm thải khí carbon » gây hiệu ứng nhà lính. Tuy nhiên các bên để ngỏ khả năng « tùy theo theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia » để đạt được mục tiêu này. Nói cách khác, chỉ tiêu 1,5°C đó không mang tính bắt buộc.
Điểm thứ nhì liên quan đến vấn đề trợ giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu : Thỏa ước Glasgow không đưa ra thêm những cam kết cụ thể ngoại trừ hứa hẹn « các bên tiếp tục đàm phán cho đến năm 2024» trong lúc cam kết về khoản trợ cấp 100 tỷ đô la cho các nền kinh tế đang phát triển kể từ năm 2020, vẫn chưa được thực hiện.
Tại Glasgow, Mỹ là một trong hai quốc gia gây ô nhiễm nhất địa cầu đã dứt khoát từ chối đàm phán về các khoản « đền bù thiệt hại » cho các nền kinh tế ít gây ô nhiễm nhưng lại là những quốc gia đầu tiên hứng chịu thiên tai do thời tiết khí hậu gây nên. Đại diện của tổ chức phi chính phủ Action Aide International, Teresa Anderson, bày tỏ « thất vọng cực độ » trước thái độ vô trách nhiệm của các nền công nghiệp phát triển gây ô nhiễn nhất trên hành tinh « đối với phần còn lại của nhân loại ».
Một điểm đáng chú ý thứ ba là bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Lào, Miến Điện và Cam Bốt từ chối ký kết vào thỏa thuận chống nạn phá rừng. Đông Nam Á chiếm 15 % diện tích rừng nhiệt đới của nhân loại. Theo nghiên cứu của tổ chức quan sát Global Forest Watch dataset, được The Diplomat trích dẫn, trong hai thập niên qua, nạn phá rừng đã cướp đi 28 % diện tích rừng của Cam Bốt. Tỷ lệ này như vậy « cao hơn cả so với nạn phá rừng tại Brazil (12%) hay Indonesia (10%) ».
Trước thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình, Washington và Bắc Kinh cảnh cáo nhau về hồ sơ Đài Loan
Một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp trực tuyến giữa hai nguyên thủ hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc, hôm qua, 13/11/2021, đã nghiêm khắc cảnh cáo lẫn nhau liên quan đến vấn đề Đài Loan.
Theo dự trù, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm thứ ba qua video vào tối thứ Hai, 15/11, theo múi giờ Mỹ, tức sáng sớm thứ Ba 16/11 ở Bắc Kinh. Hai lần trao đổi trước được thực hiện qua điện thoại.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua cho biết, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ mối « quan ngại về những áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục nhắm vào Đài Loan », khi trao đối với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị trong khuôn khổ cuộc họp trù bị.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ « hối thúc Bắc Kinh nên tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa » để giải quyết các tranh chấp với Đài Bắc « một cách hòa bình và phù hợp với những nguyện vọng cũng như là lợi ích của người dân Đài Loan ».
Về phần mình, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Hoa Kỳ về bất kỳ hành động nào có thể được hiểu như là một sự ủng hộ « độc lập cho Đài Loan », theo như một bản tóm tắt về cuộc trao đổi do chính phủ Trung Quốc công bố.
Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo rằng « bất kỳ một sự đồng mưu hay hậu thuẫn nào dành cho các thế lực đòi "độc lập cho Đài Loan" đều làm tổn hại đến hòa bình tại khu vực eo biển Đài Loan và chỉ có thể bị đánh trả ».
Dù vậy, bộ Ngoại Giao Mỹ cũng hy vọng rằng cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày mai sẽ là « một cơ hội để cho hai lãnh đạo thảo luận làm thế nào xử lý một cách có trách nhiệm cuộc đọ sức Mỹ- Trung Quốc, đồng thời vẫn hợp tác trong các lĩnh vực mà đôi bên có cùng lợi ích ».
Hãng tin Pháp nhắc lại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Joe Biden và Tập Cận Bình diễn ra vào lúc các tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một tích tụ. Đôi bên đều có những lập trường cứng rắn trong các vấn đề trao đổi thương mại hay nhân quyền.
Việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự trong những năm gần đây xung quanh Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc vẫn xem là một tỉnh nổi loạn cần phải đưa trở về với Trung Hoa Lục địa, còn làm cho mối quan hệ Bắc Kinh – Washington thêm phần căng thẳng.
Cũng theo nhận định của AFP, nguyên thủ Mỹ không hề che giấu ý muốn gặp trực diện lãnh đạo Trung Quốc, nhưng đành chấp nhận một cuộc gặp trực tuyến với Tập Cận Bình, vốn dĩ không rời Trung Quốc từ hai năm nay với lý do dịch bệnh.
Các nhà kinh tế dự đoán: Chỉ số giá ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm sau
Theo kết quả khảo sát của hãng thông tấn quốc tế Bloomberg cho thấy, 47 nhà kinh tế dự đoán mức tăng so với cùng kỳ của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ trong quý 4 năm nay với giá trị trung bình tăng từ 5,5% một tháng trước lên 5,8%. Mà giá dầu khí toàn cầu có thể bước vào một chu kỳ siêu tăng mới, theo Sound of Hope.
Dữ liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Tư tuần này (10/11) cho thấy, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 10 năm nay cao hơn 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng giá cao nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây. Trong số đó, giá năng lượng nói chung ở Hoa so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 30%; giá nhiên liệu tăng 59%; giá thực phẩm tăng 5,3%; giá thịt, gia cầm, cá và trứng .v.v cũng đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
James Knightley, chuyên gia kinh tế thị trường quốc tế cấp cao nhất tại ING cho biết, chi phí lao động doanh nghiệp đã tăng mạnh, khiến tình hình lạm phát tiếp tục tồi tệ hơn dự kiến, hiệu ứng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng cùng với sự gia tăng liên tục và lan rộng của giá cả đã khiến các nhà kinh tế tăng tốc điều chỉnh biên độ dự báo lạm phát của Hoa Kỳ đến cuối năm tới.
Ngoài ra, sự gia tăng nhanh chóng của giá dầu khí trên toàn cầu có khả năng gây ra lạm phát cao ở Hoa Kỳ. Theo ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của công ty dầu khí Rosneft – công ty dầu khí nhà nước lớn nhất của Nga cho biết, nhu cầu dầu mỏ và và khí đốt thiên nhiên trên toàn cầu rất mạnh, cung không đủ cầu, vì vậy giá dầu khí có thể bước vào một chu kỳ siêu tăng mới.
Ông Igor Sechin nói rằng, mặc dù tiến độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu dưới tình hình dịch bệnh là không rõ ràng và dịch bệnh có thể lặp lại, nhưng nhu cầu mạnh mẽ về dầu và khí đốt vẫn thấy được rõ ràng. Điều đáng chú ý là ông Igor Sechin và các ông lớn dầu mỏ về cơ bản đều có quan điểm giống nhau về thị trường dầu mỏ.
Không có nhận xét nào