Header Ads

  • Breaking News

    Thượng đỉnh vì Dân chủ thế giới: Hoa Kỳ chọn địa chính trị và giá trị tự do

    Nhà báo Philippines Maria Ressa và biên tập một báo Nga, Dmitry Muratov nhận Nobel Hòa bình 2021 cho các nỗ lực vì tự do báo chí ở quê hương của họ. Thế nhưng Philippines được Joe Biden mời tới dự Thượng đỉnh Dân chủ, còn Nga thì không

    Thượng đỉnh vì Dân chủ thế giới: Hoa Kỳ chọn địa chính trị và giá trị tự do

    Danh sách quốc gia được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ (The Summit for Democracy) do Hoa Kỳ tổ chức 9-10 tháng 12 năm nay phản ánh cách nhìn của chính quyền Joe Biden về thế giới.

    Việc không có Việt Nam trong danh sách mời cũng được một số chuyên gia quốc tế nêu ra, trong khi Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Hoa Kỳ mời Đài Loan.

    Không phải lần đầu

    Dù đây không phải là thượng đỉnh quốc tế duy nhất và đầu tiên về dân chủ - đã có hội nghị liên minh dân chủ tương tự tại Copenhagen, Đan Mạch trong các năm 2019, 2020, 2021 - nhưng đây là sự kiện đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, do Hoa Kỳ chủ trì.

    Mục tiêu là của ông Biden là mời đại diện hơn 100 quốc gia đến bà về cách ngăn không cho các giá trị dân chủ, tự do "tụt dốc" trên toàn cầu.

    Nhưng việc một số quốc có chế độ độc đoán cũng được mời, như CH Dân chủ Congo (DRC), và Pakistan, làm nảy sinh cách diễn giải rằng chính quyền Biden muốn "mở rộng vòng tay" để khuyến khích dân chủ, chứ không chỉ mời các nước đã đạt tiêu chuẩn cao về thể chế dân chủ.


    Phong trào Trà Sữa tại Myanmar lấy cảm hứng từ Hong Kong và Đài Loan để đòi các quyền dân chủ

    Mặt khác, có thể địa chính trị đã góp phần định hình danh sách khách mời lần này của Hoa Kỳ.

    Danh sách "ai được mời, ai không" mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tại địa chỉ 'The Summit for Democracy' đã hôm 23/11/2021 nhanh chóng trở thành chủ đề bình luận của báo chí và giới nghiên cứu.

    Theo Reuters, việc Hoa Kỳ công khai và chính thức mời Đài Loan đến dự Thượng đỉnh đánh dấu thay đổi trong cách nhìn nhận chính quyền ở hòn đảo này, bất chấp phản ứng từ Trung Quốc.

    Còn theo đánh giá của Stephen Feldstein trên trang Carnegie Center, thì chính quyền Biden đã mời ít số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và Nam Á.


    Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, người từng được trao giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới tại Berlin (khiếm diện) hiện đang ngồi tù trong bệnh tật ở VN

    Cả vùng Nam Á và Ấn Độ Dương chỉ có bốn nước được mời: Ấn Độ, Maldives, Nepal và Pakistan.

    Ở Trung Cận Đông, chỉ có Israel và Iraq được mời.

    Vùng châu Á-Thái Bình Dương có 21 quốc gia được mời.

    Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và cả Indonesia không có tên trong danh sách, nhưng thành viên Asean là Philippines lại được mời.

    Nhà báo Philippines Maria Ressa và biên tập một tờ báo Nga, Dmitry Muratov nhận Nobel Hòa bình 2021 cho các nỗ lực vì tự do báo chí ở quê hương của họ.

    Thế nhưng Philippines, nước là đối tượng của nhiều chỉ trích về việc thiếu tự do báo chí, được TT Joe Biden mời tới dự Thượng đỉnh Dân chủ, còn Nga thì không. Nga thậm chí còn là mục tiêu của một liên minh bảo vệ dân chủ mà Hoa Kỳ chủ trương cùng các nước châu Âu.

    Vùng Hạ Sahara thuộc châu Phi có 17 nước được mời.

    Địa chính trị có vai trò quan trọng?

    Chụp lại video,

    Aung San Suu Kyi: vì sao biểu tượng hòa bình tới phiên tòa diệt chủng?

    Theo Thomas Pepinsky, viết trên trang của Viện Brookings thì "địa chính trị" đóng vai trò quan trọng.

    "Thượng đỉnh vì Dân chủ có tham vọng lớn hơn về địa chính trị (chứ không chỉ nói về giá trị). Nó phản ánh quan điểm chủ đạo của chính quyền Biden rằng tập hợp một liên minh toàn cầu của các nền dân chủ có thể chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và các hoạt động hung hăng không dừng của Nga."

    Tuy thế, tác giả này tỏ ra nghi ngờ sự thành công của mục tiêu địa chính trị mà Thượng đỉnh vì Dân chủ muốn đạt được:

    "Có các lý do tốt để nhấn mạnh đến lợi ích chung của các nền dân chủ mới, và các nền dân chủ đã định hình chắc chắn, nhưng tham vọng của Thượng đỉnh về địa chính trị chắc chắn sẽ đem lại thất vọng."

    Một trong những lý do việc pha trộn mục tiêu địa chính trị với ý thức hệ (tự do, dân chủ) khó đem lại thành công là cấu trúc an ninh vùng, liên quan đến chính Việt Nam, theo ông Pepinsky.

    Tác giả này cho rằng ông Tập Cận Bình nỗ lực xây dựng chế độ độc đoán "một lãnh đạo cứng rắn, độc đảng" ở Trung Quốc, Bắc Kinh không coi ý thức hệ là yếu tố trọng yếu trong ngoại giao, mà tỏ ra rất thực tiễn.

    "Đối thủ chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là Việt Nam, quốc gia có thể chế độc đoán một đảng hệt như Trung Quốc."

    Riêng về quan hệ Mỹ-Việt trong phạm vi nhân quyền, dân chủ, có ý kiến nói nhu cầu cạnh tranh, ngăn ngừa Trung Quốc khiến chính quyền Biden "nương nhẹ" Hà Nội về nhân quyền.

    Trả lời BBC News Tiếng Việt gần đây, Giáo sư về quan hệ quốc tế Robert Sutter, từ Elliott School of International Affairs, Đại học George Washington, Hoa Kỳ, nói rằng nhân quyền vẫn là quan tâm của chính phủ Joe Biden nhưng không muốn chủ đề này tạo trở ngại quan hệ:

    "Ông Biden và đảng Dân chủ của ông rất quan tâm đến nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, ông Biden cũng muốn mối quan hệ với Việt Nam tiến xa hơn vì họ có nhiều điểm chung. Vấn đề nhân quyền là quan trọng đối với chính quyền hiện nay nhưng nó không phải là trở ngại lớn để tăng cường quan hệ với Việt Nam." (xem thêm bài: Nhân quyền ở Việt Nam: Trò chơi Joe Biden không muốn thắng?)

    Cho đến nay, Trung Quốc không bình luận gì nhiều về Thượng đỉnh vì Dân chủ của Hoa Kỳ, ngoài việc phản đối lời mời của ông Biden gửi tới Đài Loan.

    Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao TQ cho rằng, qua việc mời Đài Loan, "một lần nữa, các hành động của Hoa Kỳ cho thấy dân chủ chỉ là vỏ bọc và là công cụ để Mỹ theo đuổi các mục tiêu địa chính trị, chia rẽ thế giới.."

    Không có nhận xét nào