Vụ án VN Pharma buôn thuốc giả đang được mở rộng với việc khởi tố hình sự một thứ trưởng y tế, và… khởi tố bà chủ tịch Vimedimex ở vụ án liên quan đấu thầu đất đai.
Thới Bình - Từ việc bắt chủ tịch Vimedimex: cái sảy đang nảy cái ung? |
Ngày 3-11-2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc khởi tố ông Cường dựa trên kết quả điều tra vụ án hình sự: “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế”.
Đáng chú ý, trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, cơ quan điều tra xác định bị can Nguyễn Lê Xuân Khang là đối tượng chủ mưu, cầm đầu vụ mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh Health 2000 Canada. Tuy nhiên, ông Khang đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 16-7-2014, nên Bộ Công an truy nã quốc tế, đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp Canada dẫn độ nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin nhập cảnh.
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Lê Xuân Khang tự đến công ty cổ phần dược phẩm trung ương Codupha (Codupha), và công ty TNHH dược phẩm Vimedimex (Vimedimex con) giới thiệu là đại diện Health 2000 Canada tại Việt Nam, và cung cấp hồ sơ, giấy tờ mà sau này được xác định là giả, gồm CFS (Certificate of Free Sale – Giấy chứng nhận lưu hành tự do) của từng loại thuốc do Bộ Dịch vụ công Chính phủ Canada cấp, và GMP (Good Manufacturing Practices – Thực hành sản xuất tốt) của nhà máy sản xuất Health 2000 Canada do Bộ Y tế Canada cấp.
Để được ưu tiên mua thuốc khi có nhu cầu, ngày 25-2-2008 và 10-5-2010, hai công ty Codupha và Vimedimex lần lượt ký đơn đề nghị cấp Giấy lưu hành sản phẩm gửi đến Cục quản lý Dược cho 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.
Sau đó, ông Nguyễn Lê Xuân Khang là người đã trực tiếp thỏa thuận bán bảy loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada với gần 1.600.000 hộp thuốc tổng trị giá 4,7 triệu USD tương đương 98 tỷ đồng cho năm doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam thông qua 37 hợp đồng.
Các hợp đồng này đã ký với Health 2000 và các công ty nước ngoài đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam, cụ thể Codupha ký 9 hợp đồng, Vimedimex ký 17 hợp đồng, CPC1 ký 3 hợp đồng, Đại Nam ký 6 hợp đồng và VN Pharma ký 2 hợp đồng.
Tuy nhiên cho đến nay thì ở vụ án liên quan đến nhân vật có tên Nguyễn Lê Xuân Khang, mới công khai đưa vào tố tụng mỗi VN Pharma.
Xin dừng lại một chút với người đang giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị Vimedimex, ông Nguyễn Tiến Hùng.
Ông Nguyễn Tiến Hùng từng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị BV Pharma một thời gian dài. Số liệu ghi nhận ở thời điểm tháng 4-2021, ông Hùng là đại diện phần vốn góp 4,2% của BV Pharma tại Vimedimex.
Lý lịch trên sàn chứng khoán cho biết, ông Nguyễn Tiến Hùng sinh năm 1948, đi lên từ cán bộ Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam, nay là Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Từ năm 2006 đến tháng 9-2012, ông Nguyễn Tiến Hùng là chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vimedimex. Đến tháng 5-2010, ông Nguyễn Tiến Hùng vẫn là người đại diện vốn Nhà nước tại Vimedimex (19,49%) cùng với ông Lê Thanh Long. Tuy nhiên, đến tháng 9-2010, khi cổ phiếu của Vimedimex niêm yết trên HOSE thì vai trò đại diện vốn Nhà nước của ông Nguyễn Tiến Hùng được chuyển sang cho ông Bạch Quốc Chính.
Tại thời điểm mới niêm yết (tháng 9-2010), ngoài phần vốn Nhà nước chiếm 19,14% thì Vimedimex có 2 cổ đông lớn khác là chị gái của bà Nguyễn Thị Loan là bà Nguyễn Thị Liên sở hữu 6,79%, và vợ của ông Nguyễn Tiến Hùng là bà Đào Thị Bình chiếm 6,64% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Cổ đông lớn thứ 2 tại Vimedimex là ông Lê Xuân Tùng sinh năm 1995, nắm giữ 7,4% vốn cổ phần tại Vimedimex. Ông Lê Xuân Tùng là con ruột của bà Nguyễn Thị Loan.
Công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Vimedimex được thành lập năm 2009 có trụ sở tại 46-48 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, và được sáng lập bởi công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hồ Gươm; công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hòa Bình; công ty cổ phần BV Pharma; công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex; công ty TNHH bất động sản Vimedimex Hòa Bình.
Theo giới thiệu trên trang chủ của Vimedimex, bà Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1970), trình độ Tiến sĩ kinh tế giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Vimedimex, công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex; công ty cổ phần dược phẩm Vimedimex 2.
Những năm gần đây, Vimedimex được biết đến nhiều thông qua việc thực hiện hàng loạt dự án bất động sản ở Hà Nội với thương hiệu Vimefulland. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị này lại là nhập khẩu thuốc, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.
Báo cáo tài chính năm 2019 của công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Vimedimex hé lộ khối nợ hàng ngàn tỷ đồng.
Đơn cử, ngày 31-12-2019, nợ phải trả của công ty cổ phần tập đoàn dược phẩm Vimedimex từ 906,3 tỷ đồng đầu kỳ lên 3.841 tỷ đồng, tương đương mức tăng 323,8%. Trong đó, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn, chiếm 3.351 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn ở mức 366,2 tỷ đồng. Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh năm 2019 của tập đoàn Vimedimex cũng âm 2.787 tỷ đồng…
Không có nhận xét nào