Thái Lan, vương quốc của những bãi biển đẹp đến mê hoặc lòng người, với những món ăn ngon, dồi dào tôm cá. Ngành xuất khẩu hải sản Thái Lan mỗi năm mang về cho đất nước hàng tỷ đô la. Nhưng đằng sau những nét đẹp có vẻ thanh bình đó là mồ hôi, là nước mắt, là máu và đôi khi cả tính mạng của những lao động di dân, những người đóng góp không nhỏ cho sự thịnh vượng của đất nước.
Thái Lan : Vương quốc của nạn buôn người và ngược đãi lao động nước ngoài |
« Tôi muốn về nhà. Mọi thứ chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi làm việc như là nô lệ. Ai cũng bị mắc nợ hết, tôi thậm chí không hiểu vì sao tôi bị mắc nợ. Chúng tôi làm việc trên chiếc thuyền này từ 3-4 năm nay. Chúng tôi muốn đào thoát bằng đường biển. Nhưng chúng tôi quá mệt mỏi ! »
Một lao động nước ngoài xin ẩn danh, làm việc trên một tầu đánh cá cho một hãng khai thác hải sản Thái Lan, có lời than thở như thế trong một phóng sự điều tra gây sốc có tiêu đề « Thailand’s Seafood Slaves » (tạm dịch là Nô lệ ngành hải sản Thái Lan), do Quỹ Công lý Môi trường (Environmental Justice Foundation – EJF ) thực hiện năm 2015.
Cam Bốt, Lào, Miến Điện : Nguồn cung ứng « nô lệ »
Sáu năm sau cuộc phóng sự điều tra, bất chấp những cam kết từ chính quyền Bangkok, nạn buôn người và ngược đãi lao động nhập cư ở Thái Lan không mấy gì được cải thiện và còn trở nên tồi tệ hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đến mức, đầu tháng 7/2021, bản « Báo cáo về nạn buôn người » (TIP – Trafficking in Persons) do bộ Ngoại Giao Mỹ công bố mỗi năm đã giáng hạng Thái Lan từ cấp 2 xuống bậc nằm trong danh sách theo dõi cấp 2.
Xin giải thích rõ là, bảng xếp hạng của TIP phân chia thành 4 bậc :
Cấp 1 dành cho tất cả những nước nào tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực tối thiểu được quy định trong đạo luật ban hành năm 2000 về việc bảo vệ các nạn nhân của nạn buôn người (TVPA).
Cấp 2 là những nước chưa tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực tối thiểu đó nhưng có những nỗ lực để thực hiện.
Danh sách theo dõi cấp 2 bao gồm các quốc gia chưa thực hiện đủ TVPA nhưng có nỗ lực để thực hiện, nhưng vẫn bị xếp vào danh sách này là do số nạn nhân vẫn còn nhiều hay tăng đáng kể, hoặc không cho thấy có những cải thiện so với năm trước.
Cấp 3 đương nhiên là những chính phủ nào không tuân thủ TVPA và cũng không có những nỗ lực quan trọng nào để cải thiện…
Các tác giả của báo cáo TIP 2021 chỉ trích chính phủ Thái Lan bất lực trong cuộc chiến chống tình trạng lao động cưỡng bức mà các lao động di dân phải hứng chịu trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Thái Lan, đặc biệt là ngành đánh bắt cá xa bờ.
Theo quan sát từ Văn phòng Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) chi nhánh tại Thái Lan, di dân lao động chủ yếu đến từ Cam Bốt, Lào và Miến Điện. Những lao động này, không được ký hợp đồng, phải làm việc từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày, 7 ngày trên 7. Không chỉ thiếu ăn, thiếu nước, thiếu thuốc men, họ còn phải chịu cảnh hành hạ thể xác, như lời kể của một ngư dân, đã chạy thoát được, với Quỹ Công lý Môi trường.
« Khi tôi mới đến, sự việc thật sự là rất tồi tệ. Họ chẳng khác gì như những kẻ xã hội đen. Họ tra tấn và giết ngư dân rồi ném xác xuống biển. Họ hành hạ thủy thủ đoàn bằng nhiều cách : đánh đập, đấm đá và giết chết trên đại dương. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến cảnh giết người. Rồi chúng tôi nhìn thấy những chiếc tầu mầu đỏ nằm dọc theo bến cảng. Tôi tự nghĩ là chúng tôi sẽ phải sang thuyền để làm việc. Tôi hoàn toàn hoảng sợ ».
Trả lời câu hỏi ban Pháp ngữ đài RFI, bà Géraldine Ansart, giám đốc Văn phòng IOM tại Thái Lan ghi nhận, dịch bệnh bùng phát còn làm nạn ngược đãi lao động di dân thêm trầm trọng.
« Tại Thái Lan, người ta ước tính có khoảng 4 triệu lao động nhập cư, trên thực tế chỉ có khoảng một triệu, thậm chí là chưa tới nữa, là được hưởng bảo hiểm xã hội. Số còn lại, nếu bị tai nạn hay tử nạn tại nơi làm việc, thì họ và gia đình không được hưởng một chi phí bảo hiểm nào hết.
Ở Thái Lan, có rất nhiều lao động bất hợp pháp, không có giấy tờ hợp lệ và tình trạng này còn trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vì, từ tháng 3/2020, Thái Lan chính thức đóng cửa biên giới, nhưng dòng lao động nhập cư vẫn tiếp tục đổ vào một cách trái phép.
Đương nhiên, điều đó có nghĩa, họ vẫn sẽ là nạn nhân của tình trạng bóc lột lao động, họ đến mà không được bảo vệ về một số điểm chẳng hạn như chủ thuê có thể bất lương, khai thác họ bằng cách buộc làm việc thêm nhiều giờ quá mức, tịch thu giấy tờ tùy thân.
Trong suốt nhiều đợt dịch liên tiếp, người ta đã thấy nhiều trường hợp chủ thuê, khi phát hiện những ổ dịch tại một số cơ sở, đã đuổi lao động di dân và gia đình ra khỏi nhà, để họ sống trên những chiếc thuyền bên cạnh, hay trong rừng. Bởi vì họ không muốn chi trả các khoản phí y tế như làm xét nghiệm, cách ly, hay thuốc điều trị Covid-19 ».
Đại dương bao la, đời người như mành chỉ
Vì sao hình thức lao động cưỡng bức này lại có thể hoành hành mạnh mẽ ở Thái Lan như vậy ? Ian Urbina, cố vấn đặc biệt cho chủ tịch World Maritime University, trả lời tạp chí Diplomatie (tháng 11-12/2020), cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, tài nguyên cá đang cạn kiệt đến mức các nguồn dự trữ gần bờ hầu như đã biến mất. Các thuyền đánh cá buộc phải đi xa hơn để có thể đánh bắt một lượng cá tối thiểu. Đối với các hãng đánh bắt, điều này cũng đồng nghĩa là phạm vi lợi nhuận sẽ rất là hạn hẹp.
Do vậy, để giảm chi phí, các doanh nghiệp và chủ tầu ngày càng dựa nhiều vào việc sử dụng lao động cưỡng bức, bóc lột nạn nhân của tình trạng buôn người và sử dụng hệ thống ràng buộc bằng nợ. Những lao động này đã bị đánh lừa và cưỡng ép đưa lên tầu ra khơi mà không bao giờ được trả lương. Cùng lúc này, tại những nước phát triển, người tiêu thụ tiếp tục tìm kiếm những sản phẩm rẻ nhất, kể cả các mặt hàng thủy hải sản.
Điều thứ hai, như giải thích của ông Ian Urbina, là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất. Khi phải đi xa hơn, người công nhân trên những chiếc thuyền đánh cá đó cũng bị cách xa những lực lượng an ninh và các thanh tra lao động, một trạng thái không lo sợ bị trừng phạt ngự trị ngoài khơi xa.
Rồi các chính sách bảo tồn thiên nhiên ở đại dương cũng còn rất ít, công luận cũng chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Người ta còn có xu hướng nghĩ rằng đại dương bao la, vạn vật ở đó còn khả năng tái sinh… Trong cùng cách nghĩ này, số phận những con người phải đi qua hay làm việc ở những vùng không gian rộng lớn đó dường như không được mấy xem trọng.
Vị cố vấn này, lưu ý rằng tình trạng này là chung cho toàn thế giới không chỉ riêng gì đối với Thái Lan. Tuy nhiên, tình trạng này gần như đạt đỉnh ở vùng Biển Đông, đặc biệt là Thái Lan. Một trong những nguyên nhân chính là vương quốc này thiếu hụt đến gần 50.000 ngư dân theo các số liệu năm 2014 của Liên Hiệp Quốc. Hàng chục ngàn lao động di dân, từ Cam Bốt và Miến Điện được đưa sang Thái Lan mỗi năm để bù đắp nguồn thiếu hụt triền miên. Các chủ tầu bất lương mua và bán con người như là mua bán gia súc.
Hải sản Thái Lan và những « nô lệ thế kỷ XXI »
Giờ đây bị xuống hạng, chính quyền Thái Lan tỏ ra thất vọng. Đối với Bangkok, điều đó phản ảnh là đất nước không có sự tiến bộ về vấn đề này. Theo phóng sự điều tra của Thailand’s Seafood Slaves hồi năm 2015, nạn tham nhũng trong hàng ngũ công chức Thái Lan là một trong những rào cản lớn nhất trong nỗ lực chống nạn buôn người, ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá trái phép.
Trước những chỉ trích từ Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao Thái Lan biện hộ rằng lao động di dân Cam Bốt, Lào và Miến Điện, đã được gia hạn thị thực nhập cảnh ở Thái Lan đến cuối tháng 3/2022. Quyết định này được đưa ra trong khuôn khổ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Lời giải thích này đã không thuyết phục được một đại diện của tổ chức Seafood Campaign. RFI lưu ý, nữ đại diện này xin ẩn danh khi trả lời vì những lý do an toàn.
« Lao động di dân tại Thái Lan bị tác động nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid. Họ rõ ràng không được hưởng các biện pháp bảo hiểm xã hội. Những lao động này họ bị phân biệt đối xử bởi các đạo luật : Họ không được quyền thành lập công đoàn và điều đó có nghĩa là họ không có một tiếng nói nào ở nơi làm việc và họ không có khả năng cải thiện điều kiện làm việc của mình. Điều này còn làm cho họ trở nên yếu thế hơn trước những tay săn nhân công, chủ thuê và tất cả những ai muốn bóc lột họ. »
Nạn lao động cưỡng bức ở Thái Lan chỉ là một mảng ghép rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh nạn buôn người – những « nô lệ của thế kỷ XXI » như cách gọi của nhiều tổ chức đấu tranh nhân quyền ở Thái Lan nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Thế giới có lẽ vẫn chưa quên những hình ảnh gây sốc, cảnh bán đấu giá người tại một khu chợ ở Libya, được phát sóng trên kênh truyền hình Mỹ CNN hồi tháng 11/2017. Những cảnh tượng đến từ một thời kỳ đen tối xa xưa trong lịch sử nhân loại, tưởng chừng như thể chẳng có gì thay đổi kể từ thời buôn bán nô lệ.
Cuối cùng, xin được kết thúc bài viết bằng một lời kêu gọi tha thiết từ một ngư dân khi trả lời các nhà điều tra Quỹ Công lý Môi trường : « Những gì tôi muốn nói chính là nếu quý vị có muốn mua và ăn hải sản Thái Lan, xin biết rằng những con cá đó đến bằng chi phí từ việc bóc lột người lao động. Chúng tôi phải làm việc ngày đêm, đôi khi không được chợp mắt một chút nào. Chúng tôi làm việc bất kể thời tiết ra sao. Chúng tôi đang phá hủy cuộc đời mình ».
Không có nhận xét nào