Sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, Tập tiến hành cải cách quân đội Trung Quốc, xóa bỏ cấu trúc quân khu từ thời Mao Trạch Đông, vốn biến mỗi quân khu thành một lãnh địa, tái cấu trúc quân đội theo binh chủng, phát triển theo định hướng ứng dụng công nghệ cao.
Nguyễn Lương Hải Khôi - Trung Quốc Mộng của Tập Cận Bình: Phần 2 - Cải cách quân đội |
Quân đội Trung Quốc trở thành động lực cho công nghệ cao của Trung Quốc phát triển, đầu tư và can dự vào các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước cũng như nước ngoài. Việc tái cấu trúc quân đội của Tập Cận Bình cũng gắn liền với chiến lược “Made in China 2025”. Điều này khiến Hoa Kỳ lo lắng và hai năm trở lại đây tiến hành hàng loạt các biện pháp chế tài để ngăn chặn quân đội Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao từ Mỹ.
Ở Mỹ, hai khối Dân chủ và Cộng hòa chia rẽ trầm trọng nhưng vẫn thống nhất với nhau gần như tuyệt đối khi nhìn vào mối nguy Trung Quốc mà các cải cách của Tập Cận Bình tạo ra. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng công bố báo cáo tháng 9 năm 2020 khẳng định quân đội Trung Quốc vượt Mỹ ở một số lĩnh vực. (1)
Tổ chức quân đội kiểu Mao Trạch Đông: cồng kềnh, tham nhũng, cát cứ
Trước 2016, quân đội Trung Quốc tổ chức theo cách thiết kế từ thời Mao Trạch Đông, theo đó, Bộ Quốc phòng có quyền lực lớn, trực tiếp nắm các quân đoàn chủ lực, các binh chủng (lục quân, hải quân, không quân…), nắm các quân khu được chia theo vùng địa lý, thông qua các cục và tổng cục trực thuộc. Việt Nam cho đến nay vẫn đang tổ chức quân đội theo cấu trúc này.
Cấu trúc này có thể giúp giành lợi thế trong chiến lược “chiến tranh nhân dân" và “trường kỳ chiến" (trường kỳ kháng chiến), khi các loại vũ khí và binh chủng như máy bay, pháo binh, xe tăng, tàu chiến… còn được sử dụng một cách rời rạc.
Nhưng ngày nay, công nghệ cao bùng nổ và đi sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ xe hơi tự lái đến ngôi nhà thông minh, và quân sự cũng không ngoại lệ. Công nghệ cao giúp có thể điều phối chỉ huy tác chiến một cách liên hợp giữa các binh chủng và các loại vũ khí khác nhau một cách đồng thời trên quy mô lớn.
Tuy vậy, cách tổ chức hệ thống quân đội kiểu cũ, từ thời Mao Trạch Đông đến 2016, ngăn cản sự phát triển của mô hình chỉ huy liên hợp dựa trên công nghệ cao nói trên của quân đội Trung Quốc. Trong hệ thống cũ, các tổng cục, quân chủng, binh chủng có quy mô lớn, cồng kềnh, bị quan liên hoá, vận hành dựa vào tâm lý “truyền thống vẻ vang", trở nên bảo thủ và chống lại các thay đổi. Việc trao toàn bộ sự nghiệp kinh tài của quân đội vào “Cục Hậu cần" khiến nó trở thành trung tâm tham nhũng. Đó có thể là lí do vì sao Tập Cận Bình đã chọn Cục Hậu cần của Bộ Quốc phòng Trung Quốc làm chiến địa chính trong cuộc chiến “đả hổ", tiêu biểu là diệt hổ Cốc Tuấn Sơn.
Trước 2016, Trung Quốc đã không thể đặt hải quân vào vị trí trung tâm của quân đội, bất chấp một thực tế là họ không có các địch thủ chủ yếu nào trên đất liền. Nếu coi Hoa Kỳ là đối thủ cạnh tranh, hải quân, không quân, tên lửa, vũ trụ mới là lực lượng chủ chốt. Tuy vậy, lãnh đạo quân đội chủ yếu do lục quân nắm giữ, tiếp tục tiến cử và đưa người vào các vị trí chủ chốt theo các mối quan hệ trong lục quân. Tư duy lục quân thời đó chiếm ưu thế trong quân đội.
Cuộc tái cấu trúc lực lượng quân sự năm 2016 của Tập cũng nâng vai trò của Quân uỷ Trung ương lên một vị thế chưa từng có. Quân uỷ Trung ương của Đảng Cộng sản trước đây chủ yếu chỉ nắm vấn đề tư tưởng, tuyên truyền, quyết định các vấn đề nhân sự và chính sách quân sự trong đảng, phê duyệt các chủ trương, các định hướng lớn, chứ không can dự vào các vấn đề chiến tranh cụ thể như chỉ huy tác chiến.
Từ 2016, tổ chức này trực tiếp chỉ huy cảnh sát vũ trang, 5 chiến khu (quân khu /vùng chiến thuật), trực tiếp chỉ huy các quân chủng (hải lục không quân, tên lửa, chi viện chiến lược, hỗ trợ chiến lược), thông qua 15 bộ chuyên trách trực thuộc, trong đó quan trọng nhất là Bộ Tham mưu Liên hợp (联合参谋部).
Với cấu trúc này, quân đội Trung Quốc được tổ chức thành một tháp 3 tầng, trên đỉnh chóp là Quân uỷ Trung ương, lớp giữa các binh chủng và cuối cùng là các đơn vị tác chiến. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng như Bộ Tổng tham mưu của Bộ này, vốn có quyền lực lớn trong lực lượng vũ trang theo cách tổ chức từ thời Mao, đã bị giảm thiểu về mặt chức năng. Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành một đảng chính trị trực tiếp kiểm soát lực lượng vũ trang. Bộ Quốc phòng Trung Quốc có lẽ từ nay sẽ đảm trách “ngoại giao quốc phòng" là chính.
Công nghệ cao và Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp
Trong cấu trúc mới của quân đội Trung Quốc, có một yếu tố cốt lõi, hiện diện trong cả 3 tầng cấu trúc, là “Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp" (联合作战指挥中心). Chức năng của nó là sử dụng công nghệ cao để chỉ huy toàn diện không gian tác chiến một cách liên hợp từ trên không, trên bộ đến trên biển, dưới mặt biển và vũ trụ, từ các chiến khu trong lãnh thổ Trung Quốc đến các chiến trường bên ngoài, điều động đồng thời với tốc độ cao các binh chủng khác nhau tham gia vào tiến công và phòng thủ.
Phương tiện và cách tổ chức mới này mô phỏng cách tổ chức quân đội của Hoa Kỳ nhưng với hình thức khác, “phù hợp" với nền chính trị Trung Quốc. Nó không thể thực hiện được trong cấu trúc quân sự kiểu cũ thời Mao Trạch Đông tồn tại ở Trung Quốc đến 2016.
Nguồn gốc của tư duy chiến tranh mới của Tập Cận Bình bắt nguồn từ chính Hoa Kỳ, vốn kế thừa từ lý thuyết quân sự của Liên Xô trong thế chiến thứ hai, và được cách mạng hóa trong thời đại công nghệ cao.
Tác chiến hiệp đồng các loại binh chủng khác nhau đã trở nên phổ biến từ thời thế chiến thứ 2 trong Hồng quân Liên Xô với lý thuyết quân sự “tác chiến chiều sâu" (Deep operation) của Nguyên soái Mikhail Tukhachevsky, một nạn nhân của Stalin, giúp Liên Xô đảo ngược thế cờ trước phát xít Đức (2).
Nguyên lý tổng quát của “tác chiến chiều sâu" là huy động đồng thời nhiều binh chủng khác nhau, thực hiện đồng thời nhiều chiến dịch khác nhau, trên nhiều mặt trận và hướng tấn công hay phòng thủ khác nhau, kết hợp đồng thời cả các lực lượng chính trị - xã hội khác nhau ở nhiều môi trường khác nhau, trên cơ sở tính toán toàn diện các yếu tố kinh tế, xã hội, dân cư, địa lý... để giành chiến thắng chung cuộc.
Nguyên lý này chấm dứt tư duy chiến tranh chỉ chú ý vào từng binh chủng, giành phần thắng ở từng chiến địa trước đó. Vì vậy, nó có thể chấp nhận thua trong những trận đánh cụ thể, nhưng giành chiến thắng trong cả cuộc chiến.
Trong chiến tranh Việt Nam, tư duy “tác chiến chiều sâu" này được Miền Bắc Việt Nam ứng dụng triệt để, tổ chức cuộc chiến khác biệt với tư duy tác chiến của Hoa Kỳ và Miền Nam Việt Nam, vốn chỉ tập trung vào từng binh chủng cụ thể, từng chiến địa nhất định, dựa trên sự đầu tư mạnh mẽ vào vũ khí để giành thế áp đảo về hoả lực.
Sau chiến tranh Việt Nam, tư duy chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ đã chuyển trọng tâm chú ý sang “tác chiến chiều sâu" (3). Hoa Kỳ đã học hỏi từ những thất bại trong chiến tranh Việt Nam một cách nghiêm túc. Ngày nay, Hoa Kỳ đã làm cho phương thức “hiệp đồng binh chủng" bằng cách huy động đồng thời nhưng riêng lẻ các yếu tố “binh chủng", “quân chủng" thời thế chiến thứ hai của Liên Xô trở nên lạc hậu. Ba thập niên trở lại đây, là nơi khởi nguồn của các công nghệ cao chủ chốt, Hoa Kỳ đã phát triển nguyên lý “tác chiến chiều sâu” ở mức độ “liên hợp" tất cả các thành tố của chiến tranh, đến mức độ có thể gọi là “cách mạng". Hoa Kỳ là nơi đầu tiên xây dựng lý thuyết “tác chiến liên hợp” (integrated operation) từ 1991 và ứng dụng ngay trong chiến tranh Vùng Vịnh với Iraq.
“Tác chiến liên hợp” với nòng cốt là công nghệ cao, giúp từng hành động tác chiến ở từng chiến địa cụ thể, của từng đơn vị cấp chiến thuật, cũng mang tính tổng thể cao, gắn bó chặt chẽ với toàn bộ cục diện cuộc chiến. Năm 1991, trong chiến tranh Vùng Vịnh, các đơn vị tăng thiết giáp của Mỹ có thể trực tiếp huy động không quân để tập kích lực lượng tăng thiết giáp Iraq trên một chiến địa cụ thể, còn mình gần như chỉ dọn dẹp chiến trường sau đó. Ngày nay, một chiếc máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ có thể tác chiến liên hợp ở cấp độ có thể phóng tên lửa từ các F-35 khác, hoặc từ các chiến hạm trên biển để hỗ trợ, trong khi trung tâm chỉ huy vẫn kiểm soát được toàn bộ cục diện.
“Tác chiến liên hợp" do đó không chỉ nằm ở trung tâm chỉ huy mà còn diễn ra ở ngay từng lực lượng tác chiến ở cấp chiến thuật (từng lực lượng tác chiến cụ thể, đáp ứng yêu cầu cụ thể ở một chiến địa cụ thể). Hình thức chiến tranh này chỉ có thể vận hành trên cơ sở công nghệ Internet of Things (internet vạn vật), kết nối đồng thời toàn bộ các yếu tố trong hệ thống để có thể chỉ huy thống nhất.
Chỉ huy liên hợp trong báo chí và vai trò của “dư luận chiến"
Tổ chức “trung tâm chỉ huy chỉ huy tác chiến liên hợp" không chỉ tồn tại trong lực lượng quân sự Trung Quốc mà ngay cả tờ báo “Giải phóng quân báo" (PLA Daily), cơ quan truyền thông quân sự lớn nhất của PLA, cũng tổ chức một bộ phận là “Trung tâm chỉ huy truyền thông tích hợp", có chức năng tương tự “trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp” của các đơn vị vũ trang.
“Trung tâm chỉ huy truyền thông tích hợp" của “Giải phóng quân báo" có năng lực điều động phóng viên, biên tập viên một cách tổng hợp và thống nhất, theo nguyên tắc liên bộ phận, liên phương tiện, liên khu vực và liên ngành.
Lãnh đạo tờ báo có thể định vị trên bản đồ điện tử tại “Trung tâm chỉ huy truyền thông tích hợp" vị trí tác nghiệp của tất cả các phóng viên, biên tập viên của tờ báo bất kỳ lúc nào. Khả năng này giúp việc lấy tin, xử lý thông tin, xây dựng kịch bản tuyên truyền và truyền tin một cách tổng hợp trên địa bàn chiến trường phức tạp trở nên dễ dàng.
Điều này đặc biệt quan trọng cho cuộc chiến “dư luận chiến" của Trung Quốc trong thời bình lẫn thời chiến.
Một khi Trung Quốc đã coi “dư luận" cũng là một phần của chiến trường, tổ chức “Trung tâm chỉ huy truyền thông tích hợp" trở thành một phần tất yếu. Vấn đề là, không chỉ những nước như Việt Nam mà ngay cả Hoa Kỳ chưa có ai biết phải xây dựng một “lực lượng truyền thông” như thế nào để đối phó được với cách tổ chức truyền thông kiểu mới này của Trung Quốc.
Trở lại “nghị quyết về lịch sử đảng" của Tập
Có thể nói, Tập Cận Bình một khi muốn hiện đại hoá quân đội Trung Quốc thì không thể không tái cấu trúc toàn bộ quân đội Trung Quốc, và muốn tái cấu trúc một lực lượng hùng mạnh, có “bề dày truyền thống” gần một thế kỷ, đã trở thành một nhóm lợi ích khổng lồ từ thời Giang Trạch Dân, thì Tập không thể không “đả hổ" trong lực lượng đó.
Khi Tập nói trong “nghị quyết về lịch sử đảng" hồi giữa tháng 11, rằng “đã giải quyết được những vấn nạn suốt thời gian dài không thể giải quyết được", thì rõ ràng Tập không hề khoác lác.
Tập thực sự đã phá vỡ cấu trúc cồng kềnh và lạc hậu của quân đội Trung Quốc có từ thời Mao, tái xây dựng nó từ chỗ được tổ chức theo các quân khu có tính cát cứ địa phương thành tổ chức theo các binh chủng, sắp xếp lại thành 3 lớp, trong đó lớp cao nhất là Quân uỷ Trung ương có thể chỉ huy đến tận các đơn vị ở cấp tác chiến chiến thuật, thông qua bộ máy “chỉ huy tác chiến liên hợp" tồn tại ở mọi cấp độ của quân đội.
Tóm lại, đúng như báo chí phương Tây đã bình luận, "Nghị quyết về Lịch sử" này là cách Tập đưa mình lên ngang hàng với Mao và Đặng (4), thậm chí, giảm vị trí của Đặng để chỉ ngang hàng với Mao mà thôi. Tập Cận Bình viết một nghị quyết về lịch sử đảng, đặt mình vào trung tâm của dòng chảy lịch sử đất nước trong thời đại mới. Người ta có thể cười Tập về điều này. Tuy vậy, đằng sau những lời lẽ đao to búa lớn của nghị quyết về lịch sử đảng này là những cải cách và tiến bộ đáng kể, đặc biệt trong tổ chức quân sự và công nghệ cao, khiến chúng ta không thể xem thường.
Nền chính trị độc đảng của Trung Quốc với việc một Đảng chính trị trực tiếp chỉ huy quân đội và được tổ chức theo mô hình hiện đại của Hoa Kỳ, do đó, càng làm cho Hoa Kỳ và các nước dân chủ trở nên lo lắng.
Dù phải đối đầu với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, chứng kiến cuộc cải cách quân sự quyết đoán chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, nhìn thấy cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc (chưa tính Đài Loan) đều lo lắng trước những bước tiến lớn của quân sự Trung Quốc, quân đội Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi nào.
Chắc hẳn trong nội bộ, quân đội Việt Nam đã có những nghiên cứu cải cách mà công chúng không được biết. Nhưng dẫu sao, đến hết 2021, quân đội Việt Nam vẫn duy trì đầy đủ các nhược điểm của quân đội Trung Quốc trước 2016, khi mà Tập Cận Bình đã bắt đầu “giải quyết được những vấn nạn suốt thời gian dài không thể giải quyết được" như “nghị quyết về lịch sử đảng" của Tập tuyên bố đầu tháng 11/2021.
(1) DOD Releases 2020 Report on Military and Security Developments Involving the People's Republic of China, 1/9/2020
(2) Jacob Kipp, Two Views of Warsaw: The Russian Civil War and Soviet Operational Art, 1920-1932, in trong: McKercher and Michael A. Hennessy (Editor), The Operational Art: Developments in the Theories of War, Praeger, 1996
(3) Richard M. Swain, Filling the Void: The Operational Art and the U.S. Army (in trong: McKercher and Michael A. Hennessy (Editor), The Operational Art: Developments in the Theories of War, Praeger, 1996, trang 148)
(4) Xem “China elevates Xi over tradition that would require him to step down”, Politico, 11/11/2021
“China passes history resolution to enshrine open-ended rule of Xi Jinping, Washington post, 11/11/2021
Không có nhận xét nào