Du khách Hàn Quốc đến chờ lấy hành lý tại sân bay quốc tế Phú Quốc vào ngày 20 tháng 11 năm 2021. Đây là chuyến bay thí điểm chương trình Hộ chiếu vaccine của Việt Nam
Người Việt Nam ở nước ngoài phải 'vượt biên' về nước qua ngả Campuchia? |
Nhiều công dân Việt Nam hoặc thân nhân của họ đang ở nước ngoài muốn về thăm người thân, du lịch nhưng vì chi phí cho các tuyến đi thẳng quá đắt đỏ, nhiều người phải về qua đường Campuchia.
Ngọc Minh, một người lao động ở Thái Lan kể với BBC News Tiếng Việt hôm 23/11 cô rất muốn về Việt Nam ăn Tết Nguyên Đán nhưng được báo giá trọn gói vé máy bay và cách ly tại khách sạn tầm 45 triệu VND:
"Tôi vẫn cần quay lại Thái Lan để làm việc nên tính tiền nhà vẫn phải trả ở Thái, tiền máy bay, tiền xét nghiệm khi quay lại Thái Lan, chi phí tổng cộng có thể lên đến 80 triệu VND."
Bộ GTVT mới đây công bố kế hoạch thực hiện 3 giai đoạn mở cửa lại đường bay quốc tế trong năm 2022 trong đó giai đoạn một (từ tháng 11 tới cuối tháng 12), sát với dịp Tết Nguyên Đán.
Theo đó, Việt Nam vẫn áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ hai liều vaccine, 14 ngày đối với người chưa tiêm vaccine.
Hành khách cũng cần có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
'Giải cứu hay thương mại đều siêu đắt'
Bên cạnh đó, các chuyến bay hồi hương lẫn thương mại từ các nước châu Âu, châu Á khá ít nên chi phí các chuyến này được người Việt Nam ở nước ngoài mô tả là "cao ngất ngưỡng" hay "giá trên trời".
Trong khi đó, sau ngày 15/11, Campuchia đón khách du lịch đã tiêm đủ hai liều vaccine mà không phải bị cách ly 14 ngày. Nước này yêu cầu giấy chứng nhận vaccine, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid bằng PCR 72 giờ đồng hồ trước khi nhập cảnh và kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại cửa khẩu.
Chính vì vậy, nhiều người đã mách nước cách về Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán với giá cả phải chăng qua đường Campuchia.
Rẻ gấp 3-4 lần và hợp pháp
Trên Facebook nhóm có tên "Tự về Việt Nam qua đường Campuchia", nhiều người chỉ cách về Việt Nam từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á. Ví dụ như bạn từ Mỹ về Việt Nam với mức tầm 30 triệu VND, thay vì phải tốn 100-120 triệu VND như thông thường. Theo đó, một người chia sẻ kinh nghiệm đã đặt chuyến bay từ Los Angeles đến Phompenh (Campuchia) với giá giao động tầm 15 triệu VND.
Sau đó, người này đi xe từ sân bay tới cửa khẩu Mộc Bài, rồi chọn hình thức cách ly ở doanh trại quân đội không tốn phí hoặc khách sạn do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Tây Ninh chỉ định.
Đối với lựa chọn cách ly tại khách sạn, BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với một vài khách sạn ở Tây Ninh và được báo giá phòng dành cho một khách trước thuế dao động tầm 1,5 triệu VND/ngày và 2,4 triệu VND/ngày cho hai khách.
Đáng lưu ý, người nhập cảnh phải đặt 9 ngày chứ không phải 7 ngày.
"Khách hàng phải xét nghiệm hai lần Covid bằng phương pháp PCR với giá 1 triệu VND/lần trước và sau thời hạn cách ly. Với xét nghiệm PCR, khách phải chờ thêm một ngày mới có kết quả nên tổng cộng là phải đặt khách sạn 9 đêm 10 ngày thì mới đúng quy định." nhân viên khách sạn giải thích.
Thêm vào đó, nhân viên này cũng dặn dò: "Thông thường, thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế và xét nghiệm nhanh ở cửa khẩu rất lâu nên dù từ sân bay Phnom Penh tới cửa khẩu tầm 1 giờ chiều nhưng tới 9-10 giờ tối mới tới khách sạn. Vì vậy anh chị nên đem theo đồ ăn nếu không sẽ mệt và đói. Tiền xe từ cửa khẩu tới khách sạn là do cán bộ thu chứ không phải khách sạn, giá dao động từ 800 - 1 triệu đồng."
Để giữ phòng, khách cũng cần đặt cọc trước 50% sau khi xác nhận dịch vụ và gửi hộ chiếu lẫn phiếu chứng nhận đã tiêm đủ vaccine để khách sạn đăng ký thông tin với Sở y tế.
Nhân viên này cũng xác nhận rằng, khoảng một tuần trở lại đây, người Việt Nam từ các nước châu Âu hay Mỹ về nhiều hơn, trước đó chỉ có chủ yếu người Việt Nam từ Campuchia về bằng hình thức này.
Tuấn Anh, du học sinh từ Mỹ về Việt Nam hồi tháng 9 nói với BBC News Tiếng Việt, anh phải chi 100 triệu VND và chuyến bay của anh bị hoãn tận 4-5 lần: "Trong năm 2020, chuyến bay giải cứu từ những nước nghèo thì mới miễn phí, còn từ Mỹ về Việt Nam có giá tầm 35 triệu VND, như vậy là gấp đôi trước dịch vì chuyến khứ hồi cũng chỉ chừng đó. Sau thì hãng hàng không tăng giá, trọn gói gồm cả cách ly từ Mỹ về à 70-75 triệu VND, mà bạn phải bay tới bang mà có chuyến về nên rất nhiêu khê. Lúc này không còn gọi là chuyến bay giải cứu mà chuyển sang là hồi hương, vì nhà nước nào giải cứu công dân với chuyến bay 70-75 triệu VND như vậy."
Nhiều người Việt Nam định cư hay lao động ở các nước trên từ đầu dịch tới giờ luôn phẫn nộ vì giá cả quá đắt đỏ. Trong năm 2020, Việt Nam cũng chỉ có chuyến bay giải cứu nhưng giá vẫn rất cao, trung bình một tháng mới có một chuyến.
Mới đây đã có một chuyến bay thương mại đưa khoảng hơn 100 hành khách từ Anh về Việt Nam với giá trọn gói một chiều là 86 triệu VND.
Theo một nguồn thạo tin tại London, sẽ có ít nhất 2 chuyến bay thương mại như vậy được lên lịch cho chặng Anh - Việt Nam vào hai tuần đầu tháng 1/2022 nhằm đưa khách có nhu cầu về nước để kịp đón Tết.
Hộ chiếu 'chết' cũng về được
Trên nhóm "Người Việt Nam ở Thái Lan", nhiều người mách nhau cách đi về Việt Nam với giá rẻ, trọn gói dành cho người có "hộ chiếu sống" lần "hộ chiếu chết".
Theo đó, trong tháng 11 này, giá trọn gói cho chuyến xe từ Bangkok về đến khách sạn để cách ly ở Việt Nam và hai lần xét nghiệm PCR là 14 triệu VND với người có hộ chiếu còn hạn sử dụng. Giá này sẽ là 16 triệu đối với hộ chiếu hết hạn, hay còn gọi là "hộ chiếu chết".
Nhân viên dịch vụ xe nói với BBC News Tiếng Việt rằng trung bình trong tháng 11, mỗi tuần có khoảng 3-4 chuyến xe chở người từ Thái Lan qua Campuchia về Việt Nam.
"Bạn chỉ cần đặt trước hai ngày để chốt danh sách, điểm tập kết tại Bangkok, xe sẽ đến nhà đón và đi qua Campuchia từ 7 giờ sáng. Trên đường thì dừng chân ăn uống, nghỉ ngơi, tới khoảng 1 giờ chiều hôm sau là tới cửa khẩu Mộc Bài. Tại đây sẽ làm thủ tục nhập cảnh, khai y tế và đóng phạt nếu hộ chiếu hết hạn,"
"Theo như tôi biết thì từ đây tới Tết Nguyên Đán, không có chuyến bay nào từ Thái Lan về Việt Nam nên bà con lao động ở Thái Lan chọn đường này về là chính, vừa tiện, vừa rẻ lại hợp pháp, đúng theo quy định về dịch tễ. Chi phí thì về tới Việt Nam bên tôi mới thu, không cần đặt cọc trước và thanh toán bằng tiền Việt hay tiền Thái Lan đều được." người này nói.
Tuy nhiên, nhân viên dịch vụ xe chuyên chở cũng thông tin thêm rằng, giá về gần sát Tết Nguyên Đán có thể cao hơn, vì vậy nếu xác định về Việt Nam, phải kiểm tra lại mức giá trước khi về hai ngày.
Hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã công bố bổ sung mở cửa cho 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Theo đó, người từ các nước này đã tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh không cần cách ly từ ngày 1/11.
Gặp gỡ tại Hội nghị COP26 hôm 1/11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã bàn về việc thiết lập hành lang đi lại an toàn giữa hai nước cũng như việc công nhận hộ chiếu vaccine của mỗi nước.
Ngọc Minh hiện ở Thái Lan nhận định với BBC: "Tôi biết mình muốn về thì có thể qua đường xe đi từ Thái sang Campuchia rồi về cửa khẩu Mộc Bài, nhưng tôi cảm thấy không an tâm và rất mong Việt Nam mở cửa hoàn toàn, dỡ bỏ việc cách ly. Vì nếu mục tiêu của nhà nước là ngăn dịch thì việc người dân phải tự tìm cách lắt léo, đi vòng qua một nước nữa càng không đảm bảo an toàn cho dân. Thành ra nhà nước một mặt đang khổ, làm khó dân, một mặt tăng thêm rủi ro dịch tễ."
Ngày 20/11, Phú Quốc tổ chức đón hơn 200 du khách đến từ Hàn Quốc. Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" tại Phú Quốc nói riêng và Việt Nam nói chung và là đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc gần 2 năm ngành du lịch "đóng băng" vì Covid.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho rằng việc VN chưa cho bà con sống ở nước ngoài đã tiêm vaccine được về nước bằng các chuyến bay thương mại mà không cần cách ly là rất vô lý.
Không có nhận xét nào