Header Ads

  • Breaking News

    Nạn nhân tôn giáo kêu gọi Quốc hội Mỹ chế tài Việt Nam

    Các nạn nhân bị đàn áp về tôn giáo ở Việt Nam kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam để gây áp lực buộc Hà Nội cải thiện tự do tôn giáo trong một buổi trình bày tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hôm 17/11 qua hình thức trực tuyến.

    Nạn nhân tôn giáo kêu gọi Quốc hội Mỹ chế tài Việt Nam

    Buổi trình bày do Tổ chức Gia đình Phật tử trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở Mỹ tổ chức đã nghe câu chuyện của các nhân chứng bị đàn áp tôn giáo, từ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành cho đến Cao Đài và phát biểu của một số vị dân biểu cũng như Thượng nghị sỹ Mỹ.

    Mục đích của buổi trình bày là kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam, tức dự luật HR 3001, do dân biểu Chris Smith thuộc tiểu bang New Jersey đưa ra hồi tháng 5/2021 nhằm trừng phát các quan chức Việt Nam góp phần vào việc vi phạm có hệ thống các quyền con người được quốc tế thừa nhận, trong đó có quyền tự do tôn giáo.


    Tại buổi trình bày, các vị chức sắc ở cả trong và ngoài nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức bị cấm đoán ở Việt Nam, đã mô tả tình trạng Giáo hội bị sách nhiễu và ngăn cấm.

    Từ Houston, Texas, Hòa thượng Thích Huyền Việt, chủ tịch Văn phòng 2 Viện Hóa đạo đồng thời là chủ tịch văn phòng điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ, cho biết vào ngày 27/5 năm nay, Hòa thượng Thích Nhật Ban, Viện trưởng Viện Hóa đạo đồng thời là trụ trì chùa Ba La Mật, tỉnh Đồng Nai, đã bị công an đến làm việc yêu cầu rút lại thông điệp Năm Mới mà chính quyền cho là ‘phản động’. Trước đó, vào cuối năm 2020, Hòa thượng Viện trưởng cũng đã bị chính quyền Đồng Nai không cho ra Huế chủ trì Đại lễ Trai đàn Chẩn tế.

    “Chùa Ba La Mật bị hạn chế khách đến viếng thăm và không được phép tu sửa trong nhiều năm,” Hòa thượng Thích Huyền Việt nói và cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị ngăn cấm làm từ thiện ở trong nước.

    Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ ‘làm tất cả để ủng hộ Dự luật HR 3001’ và ‘đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo’.

    Hòa thượng Thích Thiện Minh, một trong những tù nhân tôn giáo bị cầm tù lâu nhất ở Việt Nam trong suốt 26 năm, khẳng định ‘tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam không có dấu hiệu tiến bộ’ và chỉ ra việc Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ bị cô lập suốt mấy mươi năm cho đến ngày viên tịch, thậm chí lễ tang và lễ trà tỳ (tức hỏa thiêu) còn bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phá rối và làm khó dễ.

    Từ chùa Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Hòa thượng trụ trì Thích Vĩnh Phước, thành viên Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Hội đồng Liên Tôn Việt Nam, cho biết các tổ chức tôn giáo độc lập không chịu vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ‘bị đàn áp khốc liệt’

    Ông chỉ ra việc chùa Phước Bửu bị công an đặt camera theo dõi người ra vào, không cho tiến hành xây dựng cổng Tam Quan. Ngoài ra Nhà nước còn lợi dụng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tức giáo hội quốc doanh) để tranh chấp đất đai với các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông nói thêm.

    Huynh trưởng Gia đình Phật tử Trần Văn Thường, cũng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ngôi chùa Pháp Biên mà ông cùng khoảng 50 cư sỹ cùng nhau xây dựng vào năm 1999 đã bị chính quyền buộc phải bàn giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Do chống đối, nên chính quyền đã ‘điều động công an, quân đội và xe cơ giới đến phá chùa thành đống gạch vụn’.

    “Con trai tôi còn bị công an bắt cóc, tùy tiện giam giữ và còn bị gây áp lực lên Sở làm phải sa thải,” ông Thường cho biết.

    Công giáo và Tin Lành

    Làm chứng tại buổi trình bày thông qua một người đại diện, Linh mục Nguyễn Văn Lý, một trong những tù nhân tôn giáo nổi bật nhất ở Việt Nam, đã dẫn chứng các sự vụ mà ông cho rằng Công giáo bị chính quyền đàn áp.

    Chẳng hạn như Đan viện Thiên An ở Huế bị ‘côn đồ do công an sai khiến giật sập tượng Chúa ba lần’, bị đốt đồi thông, bị ngăn không cho khách khứa đến thăm. Các tu sỹ của đan viện còn ‘bị côn đồ đánh đến bất tỉnh’ trong khi Viện trưởng là Linh mục Anton Nguyễn Văn Đức sau khi sang Pháp đã bị chính quyền cấm không cho về nước.

    Ngoài Đan viện Thiên An, Công giáo trong nước còn bị dính vào một số vụ tranh chấp đất đai với chính quyền, Linh mục Nguyễn Văn Lý cho biết. Trong đó có Giáo xứ Tam Tòa ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảnh Bình, đã bị chính quyền sở tại phá nhà thờ tạm, tịch thu tháp chuông và phân chia lô đất 10.000 mét vuông của Giáo xứ cho các quan chức chính quyền.

    Ở Thành phố Hồ Chí Minh có vụ tranh chấp đất của Công giáo nổi bật là vụ Nhà thờ và Tu viện dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm bị cưỡng chế thu hồi đất để làm Khu đô thị mới Thủ Thiêm mặc dù đất của tu viện không nằm trong phạm vi quy hoạch, ông Lý nói qua người đại diện.

    Linh mục Lý cũng nhắc lại vụ chính quyền Quận Tân Bình cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng hồi đầu năm 2019, ‘phá hủy bàn thờ Chúa, san phẳng 200 căn nhà của 150 gia đình ngay trước thềm Tết Nguyên đán’.

    Làm chứng cho sự đàn áp của chính quyền đối với đạo Tin Lành, Mục sư Vàng Chí Minh, dân tộc Hmong, từng bị bỏ tù nhiều lần và hiện đang cùng gia đình tị nạn ở bang Minnesota, Mỹ, nói người dân sắc tộc Hmong ở các tỉnh miền núi phía Bắc ‘đã bị đàn áp từ năm 1990 cho đến nay vì theo đạo Tin Lành’.

    Ông dẫn chứng về biến cố Mường Nhé, Điện Biên hồi năm 2011 mà khi đó ‘chính quyền bôi nhọ tôn giáo chúng tôi, lên án Tin Lành là tà đạo và bỏ tù 100 người theo đạo Tin Lành’.

    “Khoảng 13.000 người Hmong đã rời bỏ làng mạc để trốn vào các tỉnh phía nam hay chạy sang các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan. Tất cả các nhà nguyện đều bị phá hủy,” ông Vàng nói.

    Về đạo Cao Đài, ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài Chân truyền đồng thời là đồng Chủ tịch Hội đồng Liên tôn Việt Nam, cũng thuật lại việc nhà cầm quyền cộng sản đã tịch thu tất cả cơ sở của Đạo Cao Đài để bàn giao cho Hội đồng Quản hạt Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, một tổ chức bình phong do Nhà nước chỉ đạo.

    “Khi các đạo hữu Cao Đài chân truyền ở một số địa phương lập bàn thờ thờ phượng Đấng Chí Tôn tại tư gia, họ đã bị công an và chính quyền tấn công công khai, gia đình họ bị cô lập và bị tước quyền,” ông Hứa Phi nói.

    Sẽ thúc đẩy thông qua HR 3001

    Phát biểu qua đoạn băng thâu sẵn, dân biểu Alan Lowenthal của địa hạt 47 tiểu bang California vốn cũng là người đồng bảo trợ cho dự luật HR 3001 cho biết dự luật này đã ‘có được sự ủng hộ lưỡng Đảng tại Hạ viện’.

    “Tôi hy vọng sẽ thấy được sự ủng hộ này ở Thượng viện để Quốc hội Mỹ có thể gửi đi một thông điệp rõ ràng và đoàn kết đến chính phủ Việt Nam rằng chúng ta đứng lên bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo,” ông nói.

    Dân biểu Lowenthal lên án Bộ trưởng Công an Tô Lâm là ‘một trong những người vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở Việt Nam’ và kêu gọi ông Lâm ‘cần phải bị Mỹ trừng phạt trong khuôn khổ Dự luật Magnitsky Toàn cầu.

    “Mặc dù Hoa Kỳ muốn có quan hệ thân cận với Việt Nam để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng chúng ta không thể nào làm ngơ trước tình trạng nhân quyền đang xấu đi tại Việt Nam,” ông nói thêm. “Đã đến lúc chúng ta phải buộc chính quyền Việt Nam chịu trách nhiệm cho hành động của mình.”

    Đồng quan điểm với đồng nghiệp Lowenthal, nữ dân biểu Cathy McMorris Rodgers thuộc Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện, nói: “Là người Mỹ, chúng ta không thể nào ngồi yên và ngó lơ những con người đang đấu tranh cho những quyền mà chúng ta trân trọng.”

    Bà kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải làm sao để chế độ Hà Nội ‘không có năng lực tài chính để đàn áp người dân’.

    Về phần mình, dân biểu Tom Tiffany của địa hạt số 7, bang Wisconsin, khẳng định rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nên tuân theo nguyên tắc ‘quyền tự do tôn giáo là quyền bất khả xâm phạm được Tạo hóa ban cho chứ không phải đặc ân do chính quyền ban phát’.

    Buổi trình bày còn có sự tham dự và phát biểu của các Thượng nghị sỹ Chuck Grassley và John Cornyn. Ngoài ra còn có sự hiện diện của văn phòng các thượng nghị sỹ khác như Raphael Warnock, Tom Carper, Pat Toomey, Mark Kelly, Rick Scott và Mark Warner.

    Không có nhận xét nào