Header Ads

  • Breaking News

    May - Vĩnh biệt Sài Gòn

    Trước hay trong đại dịch, quyền sống và phẩm giá của công nhân vẫn luôn bị chính quyền xem nhẹ.

    May - Vĩnh biệt Sài Gòn

    Ngày đầu công ty mở cửa, kêu gọi công nhân trở lại nhà máy sau thời gian giãn cách vì dịch COVID-19, Thanh (29 tuổi) đâm đơn nghỉ việc. Cô muốn rời Sài Gòn, về quê Trà Vinh, ngay trong thời điểm thành phố tung ra nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút người lao động.

    Lẽ ra, Thanh đã cùng chồng đi xe máy về quê hồi đầu tháng Mười như hàng chục ngàn lao động khác, nhưng nếu nghỉ ngang, không làm thủ tục chấm dứt hợp đồng, cô sẽ mất trắng bảo hiểm xã hội – khoản tích góp cuối cùng sau hơn một năm lên Sài Gòn làm công nhân. Trong đơn, lý do nghỉ, Thanh viết: “Sợ chết nơi đất khách quê người”. Con số lẫn hình ảnh người chết do COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh đã ám ảnh Thanh.

    “Em sợ cả đói nữa”, cô nói với tôi một nguyên do khác thôi thúc cô rời thành phố, dù không được trình bày trong đơn nghỉ việc.

    Chồng Thanh làm thợ hồ, anh thất nghiệp từ tháng Sáu. Nhà máy gia công giày Đài Loan nơi Thanh làm việc thì đóng cửa một tháng sau đó. Công ty hỗ trợ cho người lao động hơn 1 triệu đồng/ tháng, vừa đủ để Thanh trả tiền nhà. Cặp vợ chồng trẻ không có tiền tiết kiệm, sống sót qua mùa dịch nhờ những túi gạo, chai nước tương từ các hội nhóm từ thiện. Đã không có gói hỗ trợ nào của thành phố đến với họ.

    “Ba tháng rồi em chưa ăn thịt”, Thanh kể qua điện thoại. Bữa ăn trong hơn 100 ngày phong tỏa của vợ chồng cô là “cơm trắng chan mắm hoặc nước tương”.

    “Về quê bắt ốc, hái rau ít tiền nhưng không lo đói. Em sẽ không ở lại đây.”

    Cô (cũng như nhiều đồng nghiệp khác) dứt khoát giữ nguyên lá đơn, dù công ty hứa tăng lương cho những ai quay lại làm. “Nếu hồi dịch, chính quyền có hỗ trợ thì giờ em còn nghĩ lại, chứ họ nói không à, em chờ từ tháng Bảy đến tháng Mười vẫn không thấy tiền đâu.”

    Bây giờ, dù số ca nhiễm của thành phố đã xuống thấp, nhưng Thanh sợ dịch có thể bùng lại bất cứ lúc nào. Khi ấy, liệu có ai chìa tay giúp đỡ?

    Vợ chồng cô quyết định sẽ về quê ngay khi công ty giải quyết xong hồ sơ và không hẹn ngày quay lại.

    “Em sợ đất Sài Gòn rồi”, Thanh nói.

    Cuối tháng Mười, vợ chồng Hoa (28 tuổi) đã xong thời hạn cách ly tại quê nhà Sóc Trăng. Họ đã có mặt trong dòng người tháo chạy khỏi Sài Gòn, đổ về cửa ngõ miền Tây khi thành phố vừa nới lỏng giãn cách.

    Công ty sản xuất thú bông Hàn Quốc nơi cả hai từng làm ở Sài Gòn đã hoạt động trở lại, nhưng Hoa cương quyết: “Họ thưởng 10 triệu đồng, em cũng không lên.”

    Có hai lý do khiến cô không muốn quay lại Sài Gòn: “Em không tin tưởng… Công ty đã không quan tâm, không hỗ trợ người lao động trong dịch. Còn chính quyền không lo cho dân bao nhiêu. Nghe hỗ trợ thì mừng nhưng không thấy đâu.”


    Suốt ba tháng thất nghiệp, duy nhất một lần vợ chồng cô nhận được 1,5 triệu đồng trong gói hỗ trợ đợt 1 của thành phố, nhưng số tiền ấy chỉ vừa đủ một tháng thuê trọ. May mắn hơn nhiều người, sau hơn hai năm làm công nhân, vợ chồng Hoa để dành được 1,5 chỉ vàng. Số tiền ấy cùng vài khoản vay đã giúp họ không bị đứt bữa, nhưng cũng chỉ có thể cầm hơi đến hết tháng Chín. Tháng Mười sang, họ rơi vào cảnh “cạn kiệt”, không còn sức trụ lại Sài Gòn. Về quê là cách duy nhất để sinh tồn.

    “Bọn em tới quê rồi mới thấy tổ dân phố kêu ra nhận hỗ trợ đợt 4”, Hoa kể. “Nếu tiền đó đến sớm hơn, bọn em đã ráng ở lại, chờ ngày công ty mở cửa.”

    Cô và chồng đang làm hồ sơ xin việc tại một nhà máy ở Vị Thanh (Hậu Giang). Sài Gòn đã không còn nằm trong hoạch định tương lai của gia đình nhỏ này, ngay cả khi đại dịch qua đi.

    “Em sẽ không lên lại Sài Gòn”, giọng cương quyết, Hoa nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với người viết.

    Hoa và Thanh là hai trong số các công nhân mà tôi được trò chuyện trong tháng Mười qua. Có nhiều mẫu số chung giữa họ, nhưng rõ nét nhất là sự rơi rụng niềm tin với chính quyền hiện tại. Sau tất cả những gì trải qua, Sài Gòn đã không còn là vùng đất hứa của hai cô gái cũng như của rất nhiều công nhân khác, không phải vì ở đó hết cơ hội, mà vì họ không tin rằng chính quyền có thể giúp mình trong nguy cấp.

    Đó có thể không phải là suy nghĩ điển hình, đại diện cho tiếng nói toàn thể công nhân, nhưng có một điều chắc chắn: nỗi sợ của họ là có cơ sở. Nhìn lại suốt ba tháng đỉnh dịch của Sài Gòn, hay dài hơi hơn là hơn 30 năm kể từ những đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên đổ vào Việt Nam, quyền lợi của lực lượng công nhân – tuyến đầu của nền kinh tế quốc gia – vẫn luôn là một thứ nhạt nhòa trong các chính sách.

    Tháng Bảy, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chỉ thị 16, nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân thất nghiệp. Trước đó hai tháng, hàng ngàn công nhân cũng đã bị cho nghỉ việc vì công ty thiếu đơn hàng sản xuất. Con số người nhiễm, người chết sau đó tăng vọt. Người đói cũng không ngoại lệ. Không có con số thống kê cụ thể cho những công nhân phải ăn mì gói, cơm trắng, tệ hơn nữa là bị đứt bữa nhiều ngày liền. Cũng không có thống kê số người ốm đau phải ngưng thuốc vì hết tiền điều trị và xét nghiệm COVID-19 mỗi lần đến viện. Càng không có thống kê những đứa trẻ bị cắt sữa khi cha mẹ đang phập phồng lo bị chủ trọ đuổi ra ngoài do hết tiền đóng. Những con số ấy không xuất hiện trên một báo cáo nào nhưng bạn có thể nhìn thấy những lời cầu xin tiền, gạo, thuốc, sữa dày đặc trên các nhóm Facebook; hoặc chứng thực từ những cá nhân giúp đỡ người túng đói thông qua Zalo Connect hay SOS Map.

    Những khó khăn chồng chất đã đẩy cuộc sống của công nhân lùi xa khỏi ngưỡng phúc lợi an toàn. Chỉ cần một biến cố xảy ra mà không có một tấm lưới an sinh nào hứng đỡ, mọi thứ dễ dàng sụp đổ.

    Chính quyền làm gì trong khoảng thời gian này? Lần lượt ba gói an sinh được túc tắc triển khai như những chính sách rơi vãi sau một loạt quyết sách chống dịch của thành phố. Nói là “túc tắc”, “rơi vãi”, bởi so với các chỉ thị giãn cách được tung ra và thực thi một cách nhanh chóng, quyết liệt, đồng bộ từ ngõ ra đường, từ phường đến quận; thì tiền hỗ trợ vì lý do nào đó vẫn không thể đến được tay nhiều người, hoặc đến trong muộn màng (bạn có thể xem lại chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” để kiểm chứng). [1] Ra đường kiếm ăn có thể sẽ bị phạt vài triệu ngay tắp lự (và bị chửi là thiếu ý thức), nhưng ở nhà dài cổ vẫn không thấy tăm hơi tiền nhà nước, nhiều người đói quá phải đánh liều. Sự cứng rắn của các chỉ thị có thể đã ngăn không cho virus chui qua cánh cửa phòng trọ nhưng cũng đã bịt đường sống của hàng ngàn công nhân (cũng như hàng ngàn người lao động tự do khác), khi mà những chính sách cứu trợ đã không cùng song hành.

    Một cách thẳng thắn, nếu đại dịch bùng phát ở một nơi không có bề dày hoạt động từ thiện, không có nhiều cá nhân, tổ chức, hội nhóm cứu trợ như ở Sài Gòn, rất có thể nhiều người chưa kịp chết vì virus đã chết vì đói. Và đến cuối cùng, người dân cũng phải tự mình xoay xở ở cửa sinh tồn. Dòng người cả trẻ con, người già, bà bầu tháo chạy khỏi Sài Gòn trong mưa gió hồi đầu tháng Mười không đơn thuần là một cuộc hồi hương, mà đó là một cuộc trốn chạy khỏi cửa chết. Ngay cả khi ấy, đường sống của những công nhân, người lao động một lần nữa vẫn bị chặn lại, đối đầu với những quy định hẳn là được ban hành trong phòng lạnh khô ráo.

    Sẽ có người xem việc tiêm vaccine cho công nhân hồi tháng Sáu, trước cả nhiều nhóm có nguy cơ tử vong cao khi nhiễm, là một chính sách ưu tiên của thành phố. [2] Tiếc là sự ưu ái này chỉ làm lộ ra rằng, cái giá sinh mạng của công nhân được đo đếm bằng đồng tiền họ làm ra cho đất nước.

    Có thể giá trị gia tăng mà họ tạo ra rất thấp do đặc thù của nền kinh tế thâm dụng lao động, nhưng hàng triệu công nhân vẫn là nhân tố không thể thiếu đằng sau con số tăng trưởng hàng năm của Việt Nam (khu vực FDI hiện đóng góp khoảng 20% GDP, theo Niên giám thống kê 2020). [3] Chính quyền lúc đó thừa hiểu công nhân là một tài sản đặc biệt; vì vậy, bảo vệ họ khỏi virus cũng là bảo vệ nền kinh tế đang hụt hơi do COVID-19, cũng là níu kéo đồng ngoại tệ không chạy sang quốc gia khác. Thế nhưng, đến khi lực lượng này không thể tham gia sản xuất, đã không có mấy chính sách được thiết kế kịp thời nhằm hỗ trợ cho một gia đình công nhân điển hình: phòng trọ 12 mét vuông giá thuê 1 – 1,5 triệu đồng/ tháng; với những con người có mức lương cơ bản mỗi tháng chưa đầy 5 triệu đồng, không hoặc có rất ít tiền tích lũy.

    Trong hơn ba thập niên sau Đổi mới, Việt Nam đã tự định vị mình là nền kinh tế dựa nhiều vào dòng vốn FDI, dùng “nhân công giá rẻ” như một thương hiệu thu hút nhà đầu tư. Đánh đổi với nền kinh tế thâm dụng lao động là sức vóc, tuổi trẻ, tương lai, phẩm giá của hàng trăm ngàn người đã bỏ lại nơi công xưởng. Công nhân gia công lắp ráp, dệt may, da giày, v.v. nếu không tăng ca sẽ không thể “đủ sống” với mức lương cơ bản như quy định hiện tại.


    Theo báo cáo của Oxfam năm 2019, 69% công nhân dệt may cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình; 28% công nhân nói rằng tiền lương không đủ để đảm bảo chi tiêu ăn uống cho gia đình trong cả tháng, trong đó 50% cho biết họ phải vay tiền để mua thức ăn; 53% không đủ khả năng điều trị khi ốm đau và có tới 94% công nhân không dám nghỉ ốm khi cần. [4]

    Đây không chỉ là thực trạng của riêng công nhân dệt may. Để có thể đảm bảo mức sống tối thiểu của bản thân và nuôi con, Hoa – công nhân dán đế giày, Thanh – công nhân may thú nhồi bông, đã không có lựa chọn nào khác ngoài “tình nguyện” lao vào tăng ca. Nhưng cũng như hơn 30% công nhân trong khảo sát của Oxfam, họ không tiết kiệm được gì từ tiền lương, ngoại trừ một khoản tiền từ bảo hiểm xã hội nếu họ mất việc.

    Hết thế hệ công nhân này đến thế hệ công nhân khác, họ đã quen nai lưng ra tự tìm cách xoay xở. Khu công nghiệp mọc lên nhưng thiếu trường mẫu giáo, thiếu lớp bán trú cho con công nhân: họ gửi con lại cho ông bà ở quê (Thanh, Hoa cũng vậy). Lương cơ bản tăng chậm so với vật giá leo thang: họ tăng ca và tiết kiệm, ở phòng trọ chật hẹp là một giải pháp lý tưởng. Kỳ kinh nguyệt không được nghỉ 30 phút như luật lao động quy định: họ im lặng và chịu đựng.

    Những khó khăn chồng chất đã đẩy cuộc sống của công nhân lùi xa khỏi ngưỡng phúc lợi an toàn. Chỉ cần một biến cố xảy ra mà không có một tấm lưới an sinh nào hứng đỡ, mọi thứ dễ dàng sụp đổ. Thể tích một giọt nước không là gì so với một ly nước, nhưng nếu liên tục nhỏ nước vào ly, hẳn sẽ đến lúc có một giọt nước tràn ly. Một con lạc đà có thể gồng gánh rất nhiều hàng hoá, nhưng khi đến sát ngưỡng chịu đựng, chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nó gục ngã. Mà COVID-19 thì đâu chỉ là cọng rơm.

    Không ai khác, hàng trăm ngàn công nhân phải hứng chịu cái giá phải trả cho một nền kinh tế đứng trên đôi chân nhân công giá rẻ. Sức lực, tương lai của họ và cả những đứa con mà họ phải chia xa khi còn chưa dứt sữa đã trở thành vật nhẹ tênh, bị hy sinh trên bàn cân kinh tế. Trước hay trong đại dịch, quyền sống và phẩm giá của công nhân vẫn luôn đi sau, thậm chí là bị bỏ rơi trong nhiều quyết sách của chính quyền.

    Khi được hỏi tại sao không viết đơn khiếu nại tiền hỗ trợ, Hoa đã thẳng thắn “mình nghèo từ bao giờ, họ [nhà nước] cho thì nhận không cho thì thôi, mình chỉ biết đi làm…”. Hơn ba thập niên qua, nhín nhịn chỗ này sang chỗ khác, từ vật chất cho tới tinh thần, các công nhân đã quen với việc tự mình vượt qua những lỗ hổng của chính sách trong cuộc mưu sinh. Vĩnh biệt Sài Gòn, bỏ lại niềm tin với chính quyền như cách họ chọn lựa bây giờ, cũng là một sự xoay xở để sống tiếp.

    Không có nhận xét nào