Header Ads

  • Breaking News

    Lê Nguyễn – Những mẩu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và cựu hoàng Duy Tân - Hết

    Những gì De Gaulle viết ra trong tập “Ký ức chiến tranh” về sau cho thấy rõ một chuyển biến quan trọng trong lập trường của người lãnh đạo mới của nước Pháp tự do sau khi Thế chiến kết thúc. Tại Việt Nam, ngày 30.8.1945, hoàng đế Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho người đại diện chính phủ lâm thời và mặt trận Việt Minh. Vì thế, có lẽ nhận thấy con bài cũ không còn tác dụng, Pháp mưu định đưa ra con bài mới, sáng giá hơn, có lập trường mềm dẻo hơn trong mối quan hệ Pháp-Việt vốn đã trải qua nhiều thăng trầm.

    Lê Nguyễn – Những mẩu chuyện về Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và cựu hoàng Duy Tân

    Người ta tự hỏi điều gì đã khiến cho cựu hoàng tin tưởng ở một giải pháp do De Gaulle nghĩ ra, khi mà nền quân chủ không còn đất sống trong một xã hội đang hừng hực khí thế đấu tranh. Có lẽ do ông nhìn thấy ở De Gaulle hình ảnh của một nhà lãnh đạo khả tín và sự hiện diện của một nước Việt Nam tự chủ trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp hay Liên bang Đông Dương là điều khả thi. 30 năm sống trên xứ người ít nhiều đã làm cho nhãn quan của ông thay đổi.

    Song chỉ 12 ngày sau cuộc gặp giữa ông với De Gaulle, ngày 26.12.1945, bi kịch đã xảy ra: cựu hoàng Duy Tân tử nạn máy bay trên vùng trời nước Cộng hòa Trung Phi, tại một địa điểm cách thủ đô Bangui 100 km. Cái chết của ông đến nay vẫn còn được xem là ẩn chứa nhiều uẩn khúc chưa được giải tỏa, nhất là khi nó xảy ra chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ giữa ông và tướng De Gaulle..

    Trước đây, một số sách báo Việt Nam viết rằng cựu hoàng là phi công trong quân đội Pháp và tai nạn xảy ra khi ông tự tay lái máy bay về thăm nhà ở đảo Réunion. Song đến năm 2001, một người con trai của ông là Claude Vĩnh San (Nguyễn Phước Bảo Vàng – 1934-2016) đã xuất bản tại Paris tác phẩm “Duy Tan, empereur d’Annam 1900-1945 – Exilé à l’ile de la Réunion ou Le destin tragique du Prince Vinh San” (Duy Tân, vị hoàng đế nước Việt Nam -1900-1945; Người bị lưu đày sang đảo Réunion – hay số phận bi thảm của ông hoàng Vĩnh San) (Paris, 2001) cho thấy nhiều chi tiết khá rõ ràng về cái chết của cựu hoàng.

    Theo tác phẩm này, không có sự liên hệ nào giữa cựu hoàng với ngành không quân Pháp và tai nạn gây ra cái chết của ông như sau:

    ” Máy bay Lockheed Lodester, kiểu C-60, tên đăng ký F.BALV, được khai thác bởi Mạng lưới các đường hàng không Pháp, tổ chức dịch vụ chính thức trong thời gian diễn ra chiến sự và sau khi chiến tranh kết thúc, đã đảm bảo việc nối liền các đường hàng không Pháp, về dân sự cũng như quân sự, trên có chở ông hoàng Vĩnh San, đã rơi vào ngày 26.12.1945 lúc 18 giờ 30. giờ GMT, gần M’BAIKI thuộc Cộng hòa Trung Phi….” (vinhsan.free.fr. acte 18)


    Những chi tiết đó cho thấy chuyến bay Lockheed Lodester trên là một chuyến vận tải hành khách thông thường và cựu hoàng Duy Tân chỉ là một trong những hành khách trên đó, chứ chưa bao giờ ông là phi công hết!

    Trước khi tác phẩm của Claude Vĩnh San ra đời, và ngay cả sau khi nó ra đời, vẫn còn tồn tại những “thuyết âm mưu” phủ lên bi kịch cuối đời của cựu hoàng Duy Tân một màn sương huyền hoặc. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng cái chết của cựu hoàng là một cuộc mưu sát vì có những thế lực không muốn ông trở về Việt Nam để nắm giữ cương vị người đứng đầu một nhà nước mới. Song gần đây, với những chi tiết khá rõ nét về tai nạn của chiếc máy bay chở khách Lockheed Lodester, khó có thể tin rằng để giết chết một người, người ta đã phải giết chết toàn bộ phi hành đoàn và hành khách trong một chuyến bay.

    Trong những tư liệu mà người viết bài này tìm được, có tờ nhật báo L’aurore (Rạng Đông) số ra ngày thứ sáu 4.1.1946 loan một bản tin vắn tắt có mấy dòng (tạm dịch): “ÔNG HOÀNG VĨNH SAN, CỰU HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM, CÓ MẶT TRÊN CHUYẾN BAY RƠI Ở BANGUI - Ông hoàng Vĩnh San từng trị vì ở Việt Nam từ năm 1907 đến năm 1916 dưới cái tên hoàng đế Duy Tân, có mặt trong số những nạn nhân của tai nạn máy bay xảy ra những ngày qua ở châu Phi, gần Bangui. Ông hoàng thuộc về quân đoàn thứ nhất của nước Pháp, trên đường trở về Réunion, nơi gia đình ông đang sinh sống”.

    Tờ France-Soir (nước Pháp buổi chiều) số ra cùng ngày 4.1.1946 đăng trang trọng chân dung cựu hoàng Duy Tân và nhiều thông tin chi tiết hơn. Bài báo có tựa đề in to và đậm nét :”ÔNG HOÀNG VĨNH SAN, CỰU HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM, NGƯỜI BẠN TRUNG THÀNH CỦA NƯỚC PHÁP, ĐÃ QUA ĐỜI”

    Nội dung bài báo nhắc qua về những năm đầu cựu hoàng sống ở Réunion, những hoạt động thường nhật, sự gắn bó của ông với lực lượng kháng chiến Pháp, và in đậm nét tiểu mục “Ông muốn bình định Đông Dương” nêu rõ mong muốn của ông hoàng nắm lại quyền hành không phải bằng vũ lực.

    Những tờ báo trên công bố sớm sủa cái chết của cựu hoàng Duy Tân, song không gợi ra một ý tưởng nào liên quan đến một “thuyết âm mưu” cả.

    Không có nhận xét nào