Ngày 19/11/2021. Giờ cơm chiều, gia đình ông Vương nhắc nhở nhau: tối nay nhớ tới giờ cùng nhau tắt đèn tưởng niệm đồng bào mất trong cơn đại dịch vừa qua.
Lê Học Lãnh Vân - Lễ tưởng niệm đồng bào mất vì dịch COVID-19 |
Nghe nói lúc 8 giờ rưỡi có thả hoa đăng trên dòng Bến Nghé, cha con ông rủ nhau ra bến Vân Đồn, lên tầng cao toà nhà Sài Gòn Royal – Tresor ở góc đường Bến Vân Đồn – Nguyễn Trường Tộ ngó thành phố tắt đèn tưởng niệm. Tối nay Mẹ ở nhà tắt đèn đúng giờ nha, hai cha con đi đây!
Chờ từ tám giờ rưỡi tới chín giờ mười lăm, không có tắt đèn. Thành phố vẫn sáng trưng khiến những chiếc hoa đăng thả ra thấy nhạt nhoà. Có lẽ cũng do số hoa đăng quá ít so với dòng Bến Nghé. Một chị bạn người Huế đứng bên nói tưởng hoa đăng chật đỏ mặt kênh Bến Nghé như ngoài Huế chứ thả như này thấy lạc lõng quá! Số người tham dự cũng không đông, hay thiên hạ còn sợ COVID? Một người khác nói kênh Nhiêu Lộc gần nhiều chùa hơn, chắc người ta thả trên kênh Nhiêu Lộc nhiều hơn.
Lầu cao chỉ có vài người. Nói chuyện, nhắc những người đã mất, những chuyến xe chở nhiều quan tài cùng lúc, những người mất bó bao ny-lông thảy lên xe… những chuyện này cha con ông Vương từng nghe mà thấy trái tim còn thắt lại!
Đêm nay, xin được lặng im!
– Người mất đã mất rồi. Tưởng Niệm để làm gì, có cứu được ai đâu?
– Tổ chức tưởng niệm là có tiến bộ rồi. Xưa giờ có những thảm hoạ chết cũng chục ngàn người có ai nghĩ tới tưởng niệm hay quốc tang đâu…
Trong những luồng dư luận đa chiều về tưởng niệm, ông Vương chỉ thấy lòng mình như nước sông trôi. Mang mác trên sông tiếng hò mang theo tấm lòng. Cần một tấm lòng! À, thì ra tiếng hò và tấm lòng Con Bảy Đưa Đò của Sơn Nam cứ chìm khuất trong lòng từ hơn nửa thế kỷ trước. Tấm lòng thì Gió Cuốn Đi, cuốn đi hết thành vô số hạt bụi mầm rãi khắp nhân gian. Mỗi hạt bụi rơi xuống một trong muôn ức tấm lòng, nầy mầm, sinh sôi…
Lễ Tưởng Niệm dành cho người Mất hay người Còn? Quan niệm thông thường của người Việt là để linh hồn người Mất có nơi nương tựa và tâm hồn người Còn yên ổn.
Người Mất người Còn có xa nhau không? Không nghĩ tới những lập luận tâm linh, những luận bàn khoa học về sóng về hạt, ông Vương thường cảm nhận sự gần gũi hai thế giới Mất, Còn. Là người gắn bó với cuộc sống trần gian, không tin những điều mê tín, đôi khi tâm thức chập chờn giữa thực và ảo, ông cảm nhận một sự lưu truyền từ thế hệ trước đã Mất sang thế hệ Còn. Không phải sự lưu truyền về lý tưởng, về đạo đức giềng mối, kinh nghiệm sống, sự lưu truyền được ông cảm nhận như sự giao thoa giữa hai thế giới!
Giờ đây, đứng trên lầu cao ba mươi bốn tầng ngó xuống lòng kênh Bến Nghé, ông Vương thấy gió mát rượi đẩy những đốm đỏ thật nhỏ lung linh mặt sông. Những đốm nhỏ trôi ngược về thượng nguồn chứng tỏ triều sông Sài Gòn đang cao. Buổi Tưởng Niệm này có sẽ là chỉ dấu một cuộc cùng trở về nguồn tâm linh và truyền thống ông cha? Sau cuộc biển dâu chia lìa quá khốc liệt, người Việt chắc đang nhìn lại tình đồng bào và nguồn cội để trở về nhau? Xin cùng nhau góp sức vào công cuộc khó nhọc và thiêng liêng này, xin bỏ qua những bất đồng nhỏ nhặt để hướng về tương lai đồng bào không phân biệt, tổ quốc chung tương lai, các thành phần dân tộc bình đẳng xúm xít dưới mái nhà chung…
Cuộc chuyển biến xã hội nào cũng cần thời gian, sự thảo luận nào cũng cần kiên nhẫn và lắng nghe. Cũng ba trăm năm khai phá mới được Miền Nam trù phú này.
Mong rằng ước mong của mình không là lạc quan tếu, ông Vương nhìn về tương lai với tâm tình thoải mái, nhẹ nhàng…
Trên tấm pa-nô mời gọi tưởng niệm vào ngày 19/11/2021, đọc hàng chữ “LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO, CHIẾN SĨ HY SINH, TỬ VONG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19”, lòng nghe những nỗi niềm…
Nghĩa Tử là nghĩa tận. Chết là nỗi đau lớn nhất của đời người, vậy thì…
a) còn phân biệt chi Đồng Bào với Chiến Sĩ. Chiến Sĩ cũng là Đồng Bào, dùng chữ Đồng Bào thôi cũng đủ nghĩa, mà rõ tấm lòng thương xót ôm hết Đồng Bào…
b) còn phân biệt chi Hy Sinh với Tử Vong. Hy Sinh cũng là Tử Vong, dùng chữ Tử Vong thôi cũng đủ nghĩa, mà rõ tấm lòng Tưởng niệm tất cả những cái chết trong thảm nạn COVID-19.
Lại có ý rằng Hy Sinh khác với Chết thông thường. Cần vinh danh người Hy Sinh thân mình vì cộng đồng. Ý nghĩ đó có cơ sở, nhưng đây không phải là lễ Vinh Danh, đây là lễ Tưởng Niệm, Tưởng Niệm hàng chục ngàn người Chết trong cơn đau thương chung của cộng đồng. Lúc này mà còn phân biệt Chết và Hy Sinh có cho thấy trong quan điểm, trong tiềm thức thiếu lòng quảng đại không?
Lại có ý mấy trăm năm trước Nguyễn Du viết Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh cũng phân biệt văn thần, đại tướng, tiểu thư, con buôn, lính lệ, gái làng chơi…
Thực ra Nguyễn Du liệt kê tất cả những loại người khác nhau, liệt kê để rồi quy lại:
“Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu”
Ai cũng bình đẳng trong biển khổ của kiếp nhân sinh. Ai cũng bình đẳng trong buổi lập đàn giải thoát này!
Trong khi đó, dòng chữ “Lễ Tưởng Niệm Đồng Bào, Chiến Sĩ Hy Sinh, Tử Vong Trong Đại Dịch COVID-19” lại gây cho người đọc cảm nhận phân biệt. Tới hai sự Phân Biệt: phân biệt Chiến Sĩ với Đồng Bào; phân biệt Hy Sinh với Tử Vong! Không biết người viết có ý phân biệt không, nhưng sự phân biệt được cảm nhận bởi không ít người đọc tấm pa-nô.
Người viết bài này suy nghĩ rất đơn giản là nên bỏ tất cả những sự phân biệt đó cho buổi lễ Tưởng Niệm được nhân ái hơn, thấm đậm niềm thương tiếc của người sống hướng về tất cả người đã Mất. Người Mất đã gánh chịu tai hoạ cho người còn sống. Ý nghĩa của lễ Tưởng Niệm này lớn và thiêng liêng tới nỗi những phân biệt của đời thường trở nên vô nghĩa, kệch cỡm. Cho nên chỉ cần hàng chữ giản dị như thế này:
“LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO MẤT VÌ DỊCH COVID-19”
Hoặc một câu nào đó với ý nghĩa giản dị mà niềm thương tiếc sâu xa, chân thành.
Lại có người cho rằng phân tích như trên là chẻ sợi tóc làm tư. Có cần thế không? Cần chứ, có phải chẻ sợi tóc làm tám hay làm mười sáu cũng cần, cần đi sâu vào mức tinh tế để rà soát xem lòng ta đã thực trong sáng chưa hay còn điều gì vướng cợn. Ta thực lòng xót đau tất cả những cái chết, hay ta trọng cái chết này xem nhẹ cái chết kia? Ta xem tất cả công dân như nhau, hay ta xem trọng những người trong bộ máy của ta và xem nhẹ người khác? Ta thực lòng xem các thành phần trong xã hội như nhau hay ta cho rằng có một thành phần nào đó luôn đứng cao hơn những thành phần còn lại? Sự phân biệt hay sự bình đẳng giúp xã hội phát triển bền vững hơn?
Những phân tích sâu xa, tinh tế luôn giúp xã hội tiến lên thay vì giậm chân tại chỗ. Bài viết này tin vậy.
Không có nhận xét nào