Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vào thứ Hai 15/11 khi căng thẳng giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc.
Joe Biden và Tập Cận Bình muốn gì từ Hội nghị Thượng đỉnh 15/11? |
Tuần trước, hai siêu cường trong thế cạnh tranh đã khiến nhiều người bất ngờ khi đưa ra một tuyên bố chung nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại các cuộc hội đàm ở Glasgow, Scotland.
Nhưng những quan ngại ngày càng gia tăng về một cuộc đối đầu quân sự liên quan đến vấn đề Đài Loan càng khắc họa rõ nét sự khác biệt.
Cuộc họp lần thứ 3 giữa hai vị nguyên thủ sẽ đề cập đến một số chủ đề hóc búa.
An ninh mạng, thương mại, không phổ biến vũ khí hạt nhân là những chủ đề sẽ được bàn đến, theo nguồn thạo tin về các cuộc đàm phán nói với truyền thông Mỹ.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Nhà Trắng cho biết "hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các cách quản lý có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa, cũng như các cách thức hợp tác với nhau khi lợi ích của đôi bên tương đồng".
Hai bên đã họp hai lần kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng, nhưng cả hai đều thừa nhận những va chạm trong mối quan hệ.
Viết cho Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc phi lợi nhuận vào tuần trước, ông Tập Cận Bình nói đất nước của ông sẵn sàng làm việc với Mỹ để đưa quan hệ trở lại đúng hướng. Ông nói thêm rằng hợp tác là "sự lựa chọn đúng đắn duy nhất".
Các phóng viên của chúng tôi ở Washington và Bắc Kinh đánh giá xem cuộc gặp có thể diễn tiến như thế nào.
Tổng thống Biden muốn gì?
Phùng Triệu Âm, BBC News, Washington
Kỳ vọng vào cuộc họp là không cao nhưng việc cuộc họp diễn ra, tự thân đã là một kết quả quan trọng. Cả hai bên đều có ý định hàn gắn lại mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã lao dốc trong vài năm trở lại đây.
Vấn đề Đài Loan có khả năng đứng đầu chương trình nghị sự. Biden muốn ông Tập cam kết duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan, vì Bắc Kinh ngày càng thể hiện ý chí tăng cường áp lực quân sự lên hòn đảo này. Đổi lại, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải trấn an người đồng cấp Trung Quốc rằng Mỹ không có lập trường về vấn đề chủ quyền của Đài Loan.
Cuộc gặp cũng sẽ là cơ hội để Biden thuyết phục ông Tập rằng chiến lược Trung Quốc của chính quyền Mỹ có thể là một khung vững vàng cho mối quan hệ song phương. Học thuyết Trung Quốc của Biden trước đây đã được Ngoại trưởng Antony Blinken của ông tóm tắt - "cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc".
Nhưng Bắc Kinh nói rõ rằng các vấn đề hợp tác, chẳng hạn như hành động khí hậu, không thể tách rời các điểm tranh chấp trong quan hệ ngoại giao. "Nếu ốc đảo bị bao quanh bởi sa mạc, thì sớm muộn gì 'ốc đảo' cũng sẽ bị sa mạc hóa", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng 9 cho biết.
Liệu các cuộc đàm phán có mang nước đến các "sa mạc" và dập tắt các đám cháy?
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn gì?
Robin Brant, BBC News, Thượng Hải
Đài Loan và đối thoại - hai từ tổng hợp những mối quan tâm chính của Trung Quốc khi Tập Cận Bình chuẩn bị ngồi xuống và trò chuyện qua Zoom với Tổng thống Mỹ.
Hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông Trung Quốc, với tổng thống được bầu dân chủ, có vẻ như là một vấn đề còn mù mờ đối với nhiều người bên ngoài châu Á.
Nhưng đối với Bắc Kinh, Đài Loan là một tỉnh ly khai mà họ luôn mong muốn được tái thống nhất trọn vẹn với "mẫu quốc". Tập Cận Bình nói về điều đó như một lẽ tất yếu. Ông ta biết việc phong thánh đang chờ đợi nếu ông là người làm điều đó.
Nhưng chỉ vài tuần trước, Joe Biden cam kết sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Cam kết của Mỹ đối với những gì được xem là biểu trưng của giá trị Mỹ dường như rõ ràng.
Tập Cận Bình muốn làm rõ. (Trong khi đó, chúng tôi biết từ các hình ảnh vệ tinh trong các báo cáo truyền thông gần đây rằng quân đội Trung Quốc đang sử dụng các cấu trúc có hình dạng giống tàu sân bay Mỹ để làm mục tiêu thực hành.)
Viễn cảnh về một cuộc chiến là lý do tại sao "nói chuyện" đứng đầu danh sách mong muốn của "hội nghị thượng đỉnh qua mạng".
Các mối quan hệ đang ở mức thấp - một báo cáo theo yêu cầu của Nhà Trắng do các cơ quan tình báo Mỹ thực hiện đã hai lần nhắc lại sự thiếu cởi mở của Trung Quốc trong cuộc điều tra nguồn gốc của Covid-19.
Mới tuần trước, Tổng thống Biden đã đồng ý áp thêm các hạn chế về thương mại đối với một công ty viễn thông Trung Quốc. Ông cũng đã thành công trong việc bắt đầu thiết lập lại các liên minh để thách thức sự ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Như tất cả chúng ta, Bắc Kinh cũng lưu ý dòng cuối cùng của một thông báo chính thức sau cuộc điện đàm vào tháng 9 năm ngoái, cảnh báo hai bên phải có trách nhiệm đảm bảo "cạnh tranh không dẫn đến xung đột".
Việc thiết lập lại các cơ chế đa cấp để gặp gỡ, đàm phán và đối thoại có thể đảm bảo điều đó xảy ra.
Không có nhận xét nào