Nói tới bệnh cúm, người ta thường có thái độ chấp nhận coi đó như một sự thật bất di bất dịch của cuộc sống mùa đông tại khu vực Bắc Mỹ. Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ và nhìn sâu hơn chút nữa, đây không chỉ là căn bệnh bình thường mà nó còn là một tai họa cho xã hội. Mỗi năm, tính trung bình chỉ riêng tại Hoa Kỳ, nó khiến gây bệnh cho khoảng 30 triệu người và lấy đi hơn 30,000 nhân mạng. Người già, người nghèo và người da màu tất cả đều có trong danh sách những người bị thiệt mạng vì cúm. Theo một số ước tính, mức thiệt hại kinh tế hàng năm do căn bệnh này gây ra lên tới gần $90 tỷ. Đó là những con số thống kê khiến ai nhìn vào cũng phải rùng mình khiếp sợ.
Huy Lâm - Cúm và Covid |
Ngoại trừ năm ngoái, tình hình lại khác hẳn. Trong khoảng thời gian của mùa cúm 2020-21, Hoa Kỳ chỉ ghi nhận có 2,000 trường hợp mắc bệnh cúm, 17,000 lần ít hơn so với con số 35 triệu trường hợp mắc bệnh của mùa cúm trước đó. Mùa cúm 2019-20 đã gây thiệt mạng cho 199 trẻ em; mùa cúm trước chỉ có một em duy nhất bị thiệt mạng, gần như con số không, là một điều kỳ diệu chưa từng xảy ra trước đó.
Hiện tượng lạ lùng nói trên, ta có thể nói hơi ngược đời là “nhờ” trận đại dịch. Chính con vi khuẩn corona có thể đã đóng một phần vai trò quét gần sạch bệnh cúm năm ngoái – là vì con số khá đông người nhiễm corona có thể đã tạo ra phản ứng miễn dịch chung và phản ứng miễn dịch này cũng đã bảo vệ con số đông đó chống lại bệnh cúm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà dịch tễ học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những hành vi thay đổi khi mọi người cùng thực hiện các biện pháp an toàn sức khoẻ để làm chậm sự lây lan của con vi khuẩn corona: che mặt, giữ khoảng cách, học từ xa (không phải đến lớp), làm việc tại nhà (không phải vào sở), giới hạn tụ tập đông người bên trong nhà. Mặc dù việc thực hiện các biện pháp an toàn không được đồng nhất nhưng đã giúp ngăn chặn sự lây lan vi khuẩn corona và đồng thời đã hầu như tiêu diệt hoàn toàn bệnh cúm. Mục đích chính là cố làm giảm con số trường hợp nhiễm corona và kết quả là đã dập tắt được bệnh cúm trong năm.
Đây là một trong vài điều may mắn hiếm hoi xảy ra trong một mùa đông ngoài ra toàn là những khắc nghiệt, trong đó các trường hợp nhiễm Covid và tử vong tăng lên tới mức cao nhất từ trước đến nay tại Hoa Kỳ. Điều an ủi là người ta đã không phải đối mặt với cả hai căn bệnh ác nghiệt tấn công cùng một lúc. Sự chiến thắng bất ngờ đối với căn bệnh cúm cũng đã xác định một điều rằng con người có khả năng tránh để không bị chết một cách vô lý vì căn bệnh này. Nay mùa cúm lại về và nếu như ta không làm gì cả – nghĩa là chấp nhận để bệnh cúm trở lại hoành hành và có thể lấy đi khoảng 30,000 nhân mạng mà không cố thử làm một điều gì đó để có thể cứu được một ít trong số những nhân mạng đó – thì đây quả là một sự tắc trách về mặt đạo đức. Vậy ta phải làm gì đây? Những biện pháp an toàn nào cần được giữ lại và biện pháp nào cần bỏ đi?
Một điều cần nói trước là chẳng ai muốn quay trở lại với biện pháp đóng cửa mỗi năm một lần như thế, cũng như giới hạn di chuyển đây đó và tụ tập đông người trong nhà. Tuy nhiên vẫn có những biện pháp hạn chế khác ta có thể áp dụng và đã chứng minh mang lại hiệu quả trong thời gian đại dịch lên cao vừa qua.
Theo đề nghị của một số chuyên gia y tế công cộng, khi các đợt bùng phát địa phương trở nên nghiêm trọng, trường học và sở làm có thể tạm đóng cửa, học và làm việc từ nhà một hoặc hai tuần để làm chậm lại quá trình lây truyền bệnh cúm. Trước khi biện pháp đóng cửa được thực hiện, người dân có thể theo dõi các trường hợp cúm trong khu vực của họ – cũng như cách người ta theo dõi con số trường hợp nhiễm Covid trong thời gian hai năm qua – và tự điều chỉnh các sinh hoạt trong cuộc sống cá nhân sao cho phù hợp với tình hình bệnh ở chung quanh.
Trên lý thuyết, che mặt là một trong những biện pháp can thiệp đơn giản nhất trong thời gian đại dịch và nay có thể đem áp dụng trong mùa cúm. Không như biện pháp đóng cửa hay hạn chế việc tụ tập đông người ở trong nhà, việc che mặt không làm gián đoạn những sinh hoạt trong ngày. Người ta có thể che mặt ở những nơi trong nhà có đông người tụ tập trong thời gian mùa cúm – nếu không phải tất cả mọi lúc, thì ít ra là vào những lúc khi mà con số trường hợp nhiễm cúm tăng cao. Nếu việc che mặt có thể trở thành một thói quen mới, con số trường hợp bệnh cảm lạnh và bệnh cúm chắc chắn sẽ giảm mạnh. Đó là điều lý tưởng ai cũng mong muốn.
Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới không hẳn là hoàn toàn lý tưởng và việc che mặt không chắc sẽ trở thành một thói quen của tất cả mọi người. Đòi hỏi nhiều quá có thể gây ra phản ứng ngược. Thậm chí khi các giới chức y tế yêu cầu người dân chỉ che mặt vào thời điểm khi trường hợp bệnh cúm gia tăng tại địa phương thì cũng có thể vẫn gặp phải sự chống đối của một thiểu số không nhỏ, vì lập luận của những người này là chính quyền tìm cách can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của người dân thì còn đâu là một quốc gia tự do.
Cũng theo một số chuyên gia y tế, ít ra thì các cơ quan y tế công cộng, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) nên đưa ra khuyến cáo kêu gọi mọi người nên che mặt khi có triệu chứng và đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về lợi ích chung của việc che mặt tại những nơi trong nhà có đông người để có thể làm giảm nguy cơ lây lan cúm. Nhiều người đồng ý rằng các biện pháp phòng ngừa đại dịch đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự lây truyền bệnh cúm trong năm qua.
Và đương nhiên việc chích ngừa cúm cũng cần phải được khuyến khích. Có người gọi chích ngừa là “công cụ quan trọng nhất” trong nỗ lực chống lại bệnh cúm. Trong khi thuốc chích ngừa cúm hàng năm được cho là hiệu quả bằng thuốc chủng ngừa Covid (thông thường là ở mức 50%), nhưng nhiều chuyên gia cho biết kỹ thuật bào chế thuốc ngừa cúm ngày càng tiến bộ và không bao lâu nữa sẽ đạt được hiệu quả cao như thuốc ngừa Covid.
Một điều quan trọng khác là nếu đã bị nhiễm bệnh rồi thì nên ở nhà để tránh lây bệnh cho người khác. Đây là lời khuyên được các cơ quan y tế công cộng đưa ra từ bao lâu nay và vẫn thường được nhắc nhở hàng năm. Nhưng không hiểu do ham đi làm hay vì một lý do nào đó mà có tới gần một phần tư lực lượng lao động ở Mỹ vẫn đi làm khi bị bệnh. Trong nhóm những người có thu nhập thấp nhất, tỷ lệ đó là hơn một nửa. Nhiều chuyên gia y tế kêu gọi các công ty nên có chính sách trả lương cho nhân viên bị bệnh được ở nhà nghỉ ngơi. Trong thời gian đại dịch, có nhiều công ty đã cho áp dụng chính sách cho phép nhân viên nghỉ ở nhà nếu cảm thấy có triệu chứng bệnh để tránh lây Covid cho những nhân viên khác, nhưng không có gì bảo đảm là chính sách này sẽ còn được tiếp tục sau khi đại dịch qua đi.
Cho phép người đi làm và học sinh có thể ở nhà khi bị bệnh sẽ giúp giảm thiểu sự lây lan của bệnh cúm. Nhưng chỉ riêng thay đổi về chính sách không thôi cũng sẽ không giải quyết được vấn đề một sớm một chiều. Cái khó hơn nữa là làm sao thay đổi được cái cố tật của một số đông người – đó là có nhiều người biết mình mắc bệnh nhưng vẫn cứ đi làm hoặc đi học, và chỉ khi nào bệnh nặng đến nằm liệt giường không dậy nổi thì người ta mới thôi. Đây là điều rất khó hiểu và vô hình trung làm lây bệnh sang cho người khác.
Để chống lại bệnh cúm hiện nay, tất cả những gì chúng ta cần có là chích ngừa cúm và các biện pháp ngăn chặn. Nếu muốn cứu người, thì đó là cách mà ai cũng có thể thực hành được. Một điều rõ ràng là chúng ta khó có thể lặp lại một mùa cúm vô hại như năm ngoái, nhưng nhiều chuyên gia y tế nói rằng nếu mọi người cùng thực hiện các biện pháp phòng ngừa một cách vừa phải thôi cũng có thể làm giảm tỷ lệ tử vong 25, 50, thậm chí 75 phần trăm, điều này có nghĩa là có hàng chục nghìn nhân mạng được cứu sống. Đây là những con số dựa trên lý thuyết nhưng có lẽ cũng không khác biệt bao nhiêu trên thực tế. Cho đến nay, mặc dù mùa cúm 2021–22 bắt đầu tương đối nhẹ và chưa có dấu hiệu nào tỏ ra là phải lo sợ, nhưng một số chuyên gia y tế cảnh báo nếu không cẩn thận bệnh cúm có thể quay trở lại hoành hành bất cứ lúc nào. Vậy, cách chuẩn bị tốt nhất là hãy đề phòng bằng các biện pháp an toàn nếu có thể.
Không có nhận xét nào