Ở Việt Nam, nhà chức trách có tâm lý nếu thúc đẩy xã hội dân sự độc lập, sẽ dẫn tới sự đối lập với chính quyền.
Hương Giang - Xã hội dân sự cần “độc lập” |
Nếu nhìn vẻ ngoài, thì các tổ chức xã hội dân sự nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung, thì ở Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể như công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân, tôn giáo…, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ…
Mặt khác có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung.
Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận, thì xã hội dân sự độc lập vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng.
Theo kết quả nhận dạng ban đầu, xã hội dân sự tại Việt Nam có cấu trúc rất rộng, nhưng không sâu, tức là người dân thường là thành viên một tổ chức nào đó như phụ nữ, thanh niên, hội nghề nghiệp… của xã hội dân sự, nhưng tính tự nguyện còn thấp.
Trong khi đó, môi trường để xã hội dân sự – khoan nói “độc lập” hay “lệ thuộc. phụ thuộc” – hoạt động đã được thúc đẩy trên văn bản, nhưng trên thực tế yếu tố khích lệ phát huy sự tham gia của xã hội dân sự trong công cuộc phát triển còn yếu. Điều này khiến tác động của xã hội dân sự đến xã hội còn yếu, tuy các giá trị xã hội dân sự được đánh giá là ở mức độ tương đối cao.
Vận hành theo luật, đừng tiếp tục cảm tính chính trị nữa
Như vậy, xem ra để tránh đôi co, cần thiết một khung pháp lý cho tổ chức xã hội dân sự độc lập, vì nếu vẫn như lâu nay thì chính quyền có thể mạnh tay trấn áp khi cảm thấy các hoạt động của xã hội dân sự độc lập nằm ngoài hệ thống trở nên vướng víu, gây phiền toái cho chế độ.
Ngoài ra tính hiệu quả của các hoạt động xã hội dân sự độc lập cũng bị hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin đến với dư luận trong nước, một khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, bảo vệ cho xã hội dân sự độc lập.
Vậy thì khung pháp lý ấy nếu được xây dựng, khi ấy trước tiên cần thay đổi lối nghĩ nặng nề ‘thù địch’ của nhóm từ ngữ cáo buộc về “diễn biến hòa bình”.
Một định nghĩa tạm gọi là ‘trung tính’, rằng để có xã hội lành mạnh, công thức là “Xã hội = Nhà nước + Xã hội dân sự”.
Ở những quốc gia mà nhà nước được trao cho quyền lực quá lớn, thì xã hội dân sự sẽ biến dạng và trở thành đối tượng bất hợp pháp. Phải khẳng định rằng xã hội dân sự là một không gian sống tất yếu của con người. Vì thế, việc không thừa nhận xã hội dân sự ở một số quốc gia chậm phát triển đã gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng.
Nói đến xã hội dân sự là nói đến nhân quyền, còn nói đến xã hội công dân là nói đến dân quyền.
Xã hội dân sự là xã hội mà ở đó nhân quyền thống trị, còn dân quyền là mảnh đất chung nhau giữa con người tự nhiên với con người xã hội. Dân quyền là cơ sở của việc hình thành nhà nước. Sau khi làm nghĩa vụ công dân thì con người mới có quyền đòi hỏi quyền làm chủ nhà nước, tức là quyền tạo ra nhà nước. Quyền tạo ra, cải tạo và cấu trúc lại nhà nước là quyền công dân, là kết quả của việc thực thi các nghĩa vụ công dân.
Có ý kiến, nếu như chính trị lấn át đời sống trí tuệ, chính trị trở thành yếu tố chỉ huy vô điều kiện đời sống trí tuệ, thì thực chất con người đã phá vỡ khả năng kiểm soát tốc độ để tìm kiếm các giới hạn của sự cân bằng. Cho nên, khi con người đi tìm một tỷ lệ hợp lý giữa phát triển và tự nhiên, thì đấy chính là đi tìm tỷ trọng của nhà nước chính trị, nhà nước ở quy mô nào thì còn giữ được đời sống dân sự.
Đời sống dân sự là cách thể hiện tập trung nhất của cái gọi là thái độ đi tìm sự cân bằng của con người. Xã hội dân sự là công cụ mà con người duy trì trạng thái bình tĩnh, trạng thái cân bằng trong quá trình phát triển.
Vậy thì vì sao lại cần thêm “độc lập” cho “xã hội dân sự”?
Nôm na, xã hội dân sự, ở đó nhân quyền thống trị. Mà nhân quyền thì luôn được hiểu co giãn tùy vào mục đích của chính trị. Nếu xã hội dân sự không có được tính độc lập, mà lại phụ thuộc vào nhóm quyền lực chính trị nào đó, thay vì chỉ phải tuân thủ pháp luật, thì đó là tai họa của độc đoán/ độc tài được ẩn dưới chiếc mặt nạ có tên “xã hội dân sự”.
Thay lời kết
Con người, dù là người lao động bình thường hay một nhà lãnh đạo cấp cao, thậm chí cả tầng lớp hoạt động chính trị chuyên nghiệp, sau công việc, bao giờ cũng là sự trở về với cuộc sống dân sự bình thường của mình.
Đời sống dân sự là nơi năng lực và phẩm hạnh của con người được tái tạo lại hàng ngày sau một chu trình làm việc, tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều ấy, và chính vì gán vào cho nhà nước quá nhiều công việc nên con người đã vô tình co xã hội dân sự của mình.
Ở đây, xin phép nhấn mạnh đến một đối tượng “nhạy cảm” là nhà chính trị và những nhà quản lý hoạt động nhà nước. Bởi nhà nước cũng bao gồm những con người, cũng có những lúc họ rời khỏi địa vị của người cầm quyền. Cùng với lý thuyết về nhiệm kỳ thì mọi người đều trở thành dân, cho nên, phải có một xã hội dân sự để nhà chính trị quay trở về làm người bình thường.
Nếu không có một xã hội dân sự đủ hợp pháp, không có một cơ sở tạo ra nguồn sống hợp pháp cho họ thì họ quay về đâu, và rất có thể khi ấy lại phải bất đắc dĩ trở thành những con rối của ai đó chốn hậu trường…
Vậy thì hợp pháp là gì? Theo từ điển Hán – Việt, hợp pháp là tính từ thể hiện sự phù hợp, đúng đắn với quy định của pháp luật. Và theo cách hiểu đó, bên cạnh chuyện xã hội dân sự, xem ra còn lắm điều để luận bàn về tính hợp pháp từ Hiến định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” ghi tại Điều 4.3.
Không có nhận xét nào