Loạt bài này là kết quả của cuộc nghiên cứu về ba chính đảng quốc gia –Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đại Việt Duy Dân Đảng, trong giai đoạn 1945-1954, qua một số chứng nhân –lãnh đạo, cán bộ hay đảng viên đã tham dự trực tiếp hay gián tiếp vào chính trị Việt Nam trong giai đoạn ấy. Danh từ học thuật gọi là lịch sử nói (oral history).
Gs. Nguyễn Mạnh Hùng - Đảng phái quốc gia Việt Nam, 1945-1954 – Lời kể của nhân chứng |
Những người được phỏng vấn là những người hoặc có quen biết với người phỏng vấn hoặc do một số bạn chung giới thiệu. Những người được phỏng vấn không được chọn lựa theo phương thức khoa học kinh điển (scientific sampling), vì những người hiểu biết về giai đoạn chúng tôi muốn tìm hiểu còn lại chẳng có bao nhiêu. Chúng tôi cố gắng phỏng vấn được càng nhiều người càng tốt, nhất là những nhân vật lãnh đạo chính đảng, bắt đầu từ các bạn thân rồi, qua sự giới thiệu, lan dần ra những người khác. Một số người ở những châu lục khác chúng tôi không có phương tiện tiếp xúc, trừ khi họ có dịp sang thăm nước Mỹ. Số lượng người phỏng vấn thuộc mỗi đảng khác nhau vì nó tùy thuộc ba yếu tố: nơi cư ngụ của người được phỏng vấn (chúng tôi không có phương tiện phỏng vấn người ở ngoài Hoa Kỳ trừ trường hợp người đó có mặt ơ Hoa Kỳ khi đi công tác, thăm gia đinh, bạn bè hay đồng chí cũ), những người hiểu biết về giai đoạn nghiên cứu (1945-1954), và những người đồng ý cho chúng tôi phỏng vấn (Vũ Khắc Khoan là người duy nhất từ chối và đề nghị Nghiêm Xuân Hồng).
Cách xưng hô với các vị đó tùy hoàn cảnh và tùy mức độ quen biết của tôi, và hoàn toàn với tinh thần trọng thị. Có người tôi gọi bằng “bác” vì người ấy là cha của bạn tôi, như Cung Thúc Vấn. Có người tôi gọi bằng “cụ” vì lúc ấy ai cũng gọi cụ bằng “cụ,” như Linh Quang Viên. Có người tôi gọi là “cậu,” vì đó là cách chúng tôi xưng hô vơi khi còn đi học, như Nguyễn Văn Canh. Có người tôi gọi bằng “ông,” dù tuy quen thân với nhau, nhưng chỉ quen sau khi tôi du học ở Mỹ về, như Phạm Văn Liễu. Lúc mới gặp, có người gọi tôi là “ông” và tôi cũng gọi lại họ là ông, rồi cứ quen như thế. Có người tôi gọi là “anh” và tôi gọi lại là anh, Đôi khi có người con dùng chữ Pháp, như “toi” và “moi” khi xưng hô nói với tôi.
Dưới sự bảo trợ của Social Science Research Council (Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã Hội) của Mỹ, tôi được nghỉ dạy học môt lục cá nguyệt để bắt đầu liên lạc với những người được phỏng vấn hoắc do quen biết cá nhân hoặc được bạn bè giới thiệu, tiện người nào thì phỏng vấn người ấy. Trong số những người phỏng vấn có những nhân vật được coi là các lãnh tụ đảng, như Hà Thúc Ký, Nguyễn Tôn Hoàn, Bùi Diễm, Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Văn Canh; hoặc những đảng viên có thành tích đăc biêt như Đào Nhật Tiên, Phạm Văn Liễu, Đinh Văn Đệ, Phạm Quân; hoặc những thành viên gia đình của lãnh tụ, như Đỗ Đình Tuân và Trương Thị Thỉnh …
Cho đến cuối năm 1986 chúng tôi hoàn tất được 66 cuốn băng ghi âm, mỗi cuốn dài 60 phút, đánh dấu từ VP-NMH-A001 đến VP-NMH-A066. Thêm vào đó, với sự cho đồng ý của sử gia Lê Mạnh Hùng, chúng tôi được phép ghi lại và công bố cuộc phỏng vấn của anh với Nguyễn Đình Tú, đánh số từ VP-LMH-A067 đến VP-LMH-A072, và cuộc phỏng vấn Trần Kim Phượng do cả hai chúng tôi (Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Mạnh Hùng) cùng thực hiện, đánh số VP-NMH-NMH/LMH-A073. Trong năm 2021, tôi có dịp phỏng vấn thêm hai nhân vật quan trọng của đảng Duy Dân, là Đoàn Viết Hoạt, thu âm vào MP3, đánh số VP-NMH-074, và Trịnh Đình Thắng, đánh số VP-NMH-075.
Viêc nghe băng ghi âm rồi viết lại, một việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, chưa kịp bắt đầu thì xảy ra một số sự cố bất ngờ khiến công việc bị bỏ giở. Khoảng 10 năm trước đây, một số anh em trẻ ở California khởi sự nghe và viết lại. Sau chép lại được hai cuộc phỏng vấn một số nhân thuộc đảng Đại Việt, như Phạm Văn Liễu và Trương Thị Thỉnh thì việc ấy bị ngưng vì thiếu nhân lực. Mãi gân đây, năm 2020, một nhà hảo tâm anh Ngô Văn, thỏa thuận tài trợ cho Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ-Việt thuộc trường Đại Học Oregon để nhờ người nghe và viết lại toàn thể nhưng băng ghi âm ấy thì công việc được tiếp tục.
Lịch sử nói hay lịch sử ghi âm thướng có một số đặc điểm sau đây. Thư nhất, nó là những phản ứng sống động, tức thời, không tô điểm, không suy nghĩ đắn đo (spontaneous) cho những câu hỏi không báo trước, cho nên nó tương đối thật hơn. Thư hai, nó bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan của người được phỏng vấn và sư phai nhạt của trí nhớ vê nhưng sư kiên xây ra từ lâu trong quá khứ. Người trả lời có thể quên hay nhớ lầm, hay chỉ nhớ những gì minh muôn nhớ (selective memory). Thư ba, văn hóa Việt Nam thường khiến người ta dè dặt không muốn gây đụng chạm.
Ngoài ra, văn nói –những câu trả lời trực diện, không có dịp suy nghĩ– khác hẳn văn viết. Nó có nhiều chỗ thừa, nhiều chữ “thì, là, mà”, có những chữ phải để sau thì lại nói trước, như “hỏi xin” thay vì xin hỏi, đôi khi có những chỗ vô nghĩa hay không ăn khớp nhau vì ngươi nói nhảy từ một ý nghĩ này sang một ý nghĩ khác. Đôi khi, những người được phỏng vấn còn có những phát biểu mâu thuẫn với nhau và với chính mình.
Thêm vào đó, hầu hết những cuốn băng ghi âm này được thực hiện từ 35 năm trước đây cho nên nhiều chỗ rất khó nghe, nhất là tên người, địa danh, và những đoạn nói tiếng Pháp hay tiếng Anh. Đôi khi cả hai thứ tiếng trong một câu. Người được phỏng vấn thường nói lớn lúc đầu câu, đến cuối câu thì nói nhỏ hẳn nhiều khi không nghe rõ nữa, và có khi nói nhanh và nuốt chữ. Mỗi cuốn băng được ít nhất ba người nghe đi nghe lại: người đầu tiên nghe và ghi lại, sau đó là Tiến Sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi, và cuối cùng là tôi. Có những chỗ nghe lạ tai hoặc nghe không ra, chúng tôi ghi lai theo đúng điều nghe thây và kèm theo nhiều dấu chấm (…) hoặc dấu hỏi (?) để người nghiên cứu, nếu muốn, có thể nghe lại và phối kiểm.
Chúng tôi tôn trọng người được phỏng vấn và không làm việc phối kiểm tính xác thực (fact check) của các tuyên bố của họ. Chúng tôi cố hết sức tra cứu và nghe đi nghe lại nhiều lần để viết lại cho đúng lời của người được phỏng vấn. Tuy nhiên lỗi lầm là điều khó tránh, chúng tôi mong được độc giả lượng tình và bổ khuyết.
Mỗi cuộc phỏng vấn được bắt đầu bằng một bản tóm lược những ý chính, nhưng giành lại những chi tiết cho người đọc tự khám phá qua toàn văn cuộc phỏng vấn. Đọc phỏng vấn, độc giả đôi khi có thể có cảm giác ngạc nhiên lý thú, hoặc bực bội, nghi ngờ, hoặc một tổng hợp những cảm giác ấy.
Thoạt đầu, những băng ghi âm đó được trù liệu lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội sau khi dự án hoàn tất. Trong khi chờ đợi chuyển ngữ và viết báo cáo, các băng ghi âm được lưu trữ tại The Indochina Institute, George Mason University. Năm 2007, khi The Indochina Institute đóng cửa, các băng ghi âm này cùng toàn bộ tài liệu của Indochina Institute được chuyển cho The Vietnam Center and Sam Johnson Vietnam Archive, Texas Tech University, và được phân loại và xếp dưới hạng mục “Nguyen Manh Hung Collection.”
Năm 2020, The U.S.-Vietnam Center, University of Oregon quyết định thuê người nghe và ghi lại các băng ghi âm ấy, thi Trung Tâm cũng tồn trữ một bộ những bản sao của bộ băng ghi âm ấy. Trung Tâm cũng dự định sẽ tuần tư công bố bản ghi chép các băng ghi âm trên trang nhà của Trung Tâm.
Trước khi phỏng vấn, chúng tôi đã nói rõ rằng các băng ghi âm này sẽ được công bố và lưu trữ để các nhà nghiên cứu có thể tham khảo. Tất cả những người được phỏng vấn đều đồng ý, trừ ba người. Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và cụ Hoàng Tường Cung Thúc Vấn lúc ấy đặt điều kiện chỉ cho phép phổ biên 5 năm sau khi họ qua đời. Ông Vũ Văn Phấn yêu cầu chỉ phổ biến sau khi ông “thất lộc.” Bác sĩ Hoàn mất năm 2001 (19 năm). Cụ Hoàng Tường mất năm 2006 (14 năm). Ông Vũ Văn Phấn cũng qua đời năm 2012 (9 năm). Như vậy là toàn bộ các cuộc phỏng vấn được phép công bố.
Bây giờ tất cả người được phỏng vấn và còn sống đều đi vào tuổi “cổ lai hy,” nhưng thời ấy một số người còn khá trẻ. Đọc các cuộc phỏng vấn, người ta có thể thay nhưng người lớn tuổi thường –thường chứ không phải ai cũng thế– kín đáo và dè dặt hơn những người tương đối ít tuổi hơn họ, những người này ít dè dặt trong sự phê phán.
Trong tập tài liệu này, chúng tôi làm công việc ghi lại nguyên văn và tóm tắt những lời của chứng nhân. Phần còn lại là lời nói của họ, không thêm bớt, trừ việc bỏ bớt – bỏ bớt chứ không bỏ hết–những “thì, là, mà” hay những lời lặp lại (nó nó nó hay anh anh anh) không cần thiết, hoặc ghi ký hiệu nhiều chấm “…” hay hỏi “?”cho những chỗ không nghe được hay không nghe rõ.
Sau khi được chúng tôi phỏng vấn, một số nhân vật đã viết và xuất bản hồi ký của họ. Hoàng Tường có cuốn Việt Nam Đấu Tranh, 1930-1954 (Văn Khoa, 1987). Phạm Văn Liễu viết 3 tập Trả Ta Sông Núi (Văn Học, 2002-2004). Hà Thúc Ký có hồi ký Sống Còn Với Dân Tộc (Phương Nghi, 2009). Hồi ký phản ánh những dữ kiện và nhận xét mà tác giả có thời gian suy nghĩ để chọn lựa và cho phổ biến; chúng không nhất thiết phải giống hoàn toàn những dữ kiện và nhận xét họ nói trước kia trong khi được phỏng vấn.
Chúng tôi không có tham vọng viết lịch sử các đảng phái Quốc Gia trong những ngày tháng 8/1945, mà chỉ cung cấp những tài liệu thô (raw material), qua lời nói của các nhân vật liên hệ, để các nhà nghiên cứu tự mình đánh giá, bổ túc, và đào sâu thêm hầu trả lời ba câu hỏi lớn liên quan đến cuộc cách mạng tháng 8/1945. Đó là:
Tương quan lực lượng quân sự và chính trị giữa phe Quốc Gia và phe Cộng Sản trong thời gian đó? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tương quan ấy?
Về phe Quốc gia, có hay không có quyết định cướp chính quyền ngày 19/8/1945? Ai có trách nhiệm trong quyết định này và tại sao?
Việc cướp chính quyền của phe Cộng Sản có ảnh hưởng ra sao đối với các đảng phái không cộng sản và tương lai của họ?
Chúng tôi muốn tri ân những người có công trong việc xuất bản và phổ biến tập tài liệu này. Thứ nhất, Social Science Research Council đã tài trợ để dự án được khởi đầu. Thứ hai, các chứng nhân lịch sử đã vui lòng cho phép tôi phỏng vấn; không có họ thì không có bộ tài liệu này. Thứ ba, những người bỏ nhiều thời gian và công sức để nghe và ghi lại các cuốn băng ghi âm, đặc biệt anh Đỗ Trọng Xuân; không có họ thì có nhiều triển vọng bộ tài liệu này sẽ nằm mai một trong hai trung tâm nghiên cứu của University of Oregon and Texas Tech University, mà không được phổ biến rộng rãi cho các nhà nghiên cứu. Thứ tư, những người điều khiển dự án này: Giáo sư Vũ Tường và Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi. Thứ năm, các bạn bè đã khuyến khích, giới thiệu người cần phỏng vấn, cung cấp các tài liệu quý, trợ giúp kỹ thuật, và hiệu đính bản thảo, đặc biệt Nguyễn Văn Canh, Cao Thế Dung, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Thượng Hiệp, Lê Mạnh Hùng, Trần Thị Nguyệt Mai, Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Tường Thiết, và Lê Vũ. Sau hết và quan trọng không kém, nhà tài trợ Ngô Văn; không có anh thì không biết bao giờ tập tài liệu này mới được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Cuối cùng là một lời tạ lỗi với những người đã khuất vì người viết không hoàn tất được việc biên soạn tài liệu này trước khi họ từ giã cõi đời.
Việc phỏng vấn và ghi chép lại chắc chắn không khỏi có những điều sơ suất. Riêng tôi xin nhận lãnh trách nhiệm ấy và mong được độc giả và các nhà nghiên cứu lượng thứ.
Không có nhận xét nào