Trong trận đấu của thế kỷ 21 này, tàu ngầm đóng một vai trò khác, mang tính quyết định hơn nữa : Răn đe nguyên tử tối hậu. Một cường quốc sẽ bất khả xâm phạm nếu có được khả năng « tấn công nguyên tử lần hai » - như các chuyên gia nói. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi đã bị phủ đầu bằng vũ khí nguyên tử, vẫn có khả năng giáng trả khiến kẻ thù tan chảy.
Dưới đáy Biển Đông, nơi diễn ra chiến tranh lạnh giữa Bắc Kinh và Washington (2) |
Nếu Trung Quốc có được năng lực này thì có thể xâm lăng Đài Loan khi nào thích, mà không sợ vũ khí hạt nhân của Washington. Tổng thống Mỹ nào dám chấp nhận nguy cơ New York hay Los Angeles bị phá hủy để bảo vệ Đài Bắc, thủ đô đảo quốc rất được Bắc Kinh thèm muốn ?
Các tàu ngầm phóng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử (SNLE) là công cụ tối hậu của « cuộc tấn công thứ hai » này. Tuy vậy phải hội đủ hai điều kiện : đủ im lặng và vô hình khi lặn để không bị nhận ra, tầm bắn của hỏa tiễn đủ để phóng đến lãnh thổ kẻ thù. Hai điều kiện mà dường như các SNLE của Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được.
Theo bộ phận nghiên cứu của Quốc hội, Hoa Kỳ sở hữu 14 SNLE còn Trung Quốc có 6 chiếc, tất cả đều thuộc lớp Tấn (Jin) type 094. Chỉ có điều, nếu các tàu ngầm Mỹ đặc biệt vô hình và có thể tấn công bất kỳ nơi nào trên Trái Đất, các tàu ngầm « Jin » Trung Quốc thô sơ hơn rất nhiều. Đa số các chuyên gia đều nhận xét những tàu ngầm này rất ồn, và 12 hỏa tiễn mà chúng mang theo không thể bắn đến một mục tiêu xa hơn 7.000 kilomet.
Chuyên gia Pháp Eric Genevelle cho rằng nhờ những sửa đổi mới đây theo lệnh Tập Cận Bình, tầm bắn đã đạt 8.500 kilomet. Nhưng ngay cả như vậy cũng không đủ. Nếu chỉ tuần tra trên Biển Đông, khu vực được Bắc Kinh kiểm soát tốt nhất, những chiếc « Jin » có thể tấn công được căn cứ Mỹ Guam và có thể một phần Alaska, chứ không phải đa số lãnh thổ Hoa Kỳ.
Để trở nên đe dọa thực sự, các tàu ngầm này phải di chuyển nhiều ngàn cây số kể từ điểm xuất phát – một căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Phải vượt qua « chuỗi đảo thứ nhất », theo cách gọi của các nhà chiến lược Trung Quốc, tức rào cản tự nhiên do Nhật Bản, Đài Loan và Philippines hợp thành, chia cách Biển Đông với Thái Bình Dương. Đó là lý do khiến các eo biển mang tên lạ lẫm giúp vượt ra khơi xa lại có ý nghĩa chiến lược như thế.
Để kiểm soát các hành lang trên biển này, Hoa Kỳ và các đồng minh đã triển khai một loạt các thiết bị đầy ấn tượng. Theo nhà địa lý François-Xavier Bonnet, Hải quân Mỹ đã được Philippines đồng ý cho bố trí dọc theo eo biển Palawan hệ thống ăng-ten khổng lồ có thể phát hiện những SNLE đi qua. Báo cáo của think tank Mỹ Hudson Institute công bố vào tháng Chín cho biết người Mỹ cũng đã đặt dưới đáy hành lang này các mạng lưới nghe lén gồm thiết bị siêu âm và cáp quang.
Và còn có những con « Sói biển » tuần tra xung quanh các eo biển trên. Theo Su Ziyun, giám đốc Viện Chiến lược Quân sự ở Đài Loan, các tàu ngầm tấn công mà Mỹ sẽ giao cho Úc đáp ứng được nhiệm vụ kiểm soát « eo biển Ba Sĩ và vùng biển sâu quanh đảo Sulawesi của Indonesia ». Yao Cheng, cựu trung tá hải quân Trung Quốc nay là nhà ly khai cũng chia sẻ quan điểm : « Với vị trí địa lý của mình, Úc đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến nhằm ngăn cản tàu ngầm Trung Quốc đi qua chuỗi đảo thứ nhất để ra được Thái Bình Dương ».
Để khả năng « tấn công lần hai » không còn lệ thuộc vào các eo biển này, Tập Cận Bình hồi tháng 3/2021 đã ra lệnh cho quân đội phải « đẩy nhanh việc hình thành quá trình xây dựng năng lực răn đe chiến lược tiên tiến ». Nói cách khác, sản xuất nhanh hơn dự kiến một thế hệ SNLE mới, lớp Đường (Tang) type 096.
Im lặng hơn và mang theo các hỏa tiễn tầm xa 11.000 kilomet, các tàu ngầm nguyên tử này vẫn chưa ra khỏi Biển Đông. Chúng chỉ cần tuần tra trong những vùng nguy hiểm, vùng biển sâu thẳm với những bãi cạn và rạn san hô bao quanh một phần quần đảo Trường Sa. Từ đại bản doanh với độ sâu trên 2.500 mét, các tàu ngầm này có thể đe dọa toàn bộ lục địa Mỹ, sẽ được đưa vào hoạt động vào khoảng 2030. Như vậy không có gì ngăn được Tập Cận Bình thực hiện giấc mơ tấn công Đài Loan.
Không có nhận xét nào