Header Ads

  • Breaking News

    Có những hệ lụy gì khi Mỹ không mời Việt Nam dự Thượng đỉnh Dân chủ?

    Mỹ không mời Việt Nam tham gia hội nghị thượng định về dân chủ sắp diễn ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khi công bố danh sách các nước được mời hôm 23/11.

    Có những hệ lụy gì khi Mỹ không mời Việt Nam dự Thượng đỉnh Dân chủ?

    Sẽ có 110 nước tham gia sự kiện được tiến hành qua mạng vào hai ngày 9 và 10/12, có mục tiêu ngăn chặn tình trạng dân chủ bị thụt lùi và các quyền tự do bị suy yếu trên toàn thế giới.

    Một chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định với VOA rằng động thái của Mỹ có ‘ảnh hưởng hạn chế’ đến Việt Nam, trong khi một chuyên gia pháp lý cho rằng nó làm cho Việt Nam bị ‘bẽ bàng’ và có những tác động sâu xa, thậm chí ở tầm chiến lược.
    Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp ở Singapore; và ông Trịnh Hữu Long, hiện làm việc ở Đài Loan và quản lý hai tổ chức liên quan đến pháp lý, nói trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ với VOA rằng việc Mỹ không mời Việt Nam tham gia Thượng đỉnh Dân chủ do Mỹ chủ trì là điều được tiên liệu từ trước.

    Hai ông Hiệp và Long chỉ ra lý do là hồ sơ về dân chủ, tự do của Việt Nam còn có quá nhiều mảng tối hơn là những mảng sáng, lâu nay vẫn bị các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế và Mỹ chỉ trích.

    “Việt Nam không được coi là dân chủ, tự do theo định nghĩa của phương Tây”, tiến sĩ Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusof Ishak, nói.

    Về phần mình, ông Trịnh Hữu Long, người lâu nay hoạt động tích cực để cổ súy cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng Mỹ chưa thấy đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam có những động thái đủ để minh chứng rằng đất nước chuyển hướng trở thành nền dân chủ trong tương lai gần.

    Củng cố cho lập luận của mình, ông Long, lưu ý rằng cả Việt Nam và Congo đều được tổ chức Freedom House đánh giá là “không tự do” trong bản báo cáo “Tự do trên thế giới 2021”, với số điểm lần lượt là 19 và 20/100, nhưng Congo được Mỹ mời tham gia Thượng đỉnh Nhân quyền vì Washington nhận thấy Congo đang cải cách chính trị và có cơ hội trở thành nền dân chủ.

    Ông Long, hiện giữ chức vụ Đồng Giám đốc tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam và cũng là Tổng Biên tập Luật khoa Tạp chí, nói thêm với VOA từ Đài Loan:

    “Ít nhiều nó cũng làm Việt Nam hơi bẽ bàng. Việc không nằm trong hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về dân chủ là một chỉ dấu rõ ràng cho thế giới thấy rằng Việt Nam không nằm trong câu lạc bộ của các quốc gia dân chủ này. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của Việt Nam trên thế giới. Điều này khẳng định một lần nữa rằng Việt Nam không những là một nước độc tài mà còn chưa thể hiện rõ quyết tâm hay chỉ dấu gì trong việc cải cách chính trị để trở thành nước dân chủ cả”.

    Đây là lần đầu tiên có một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về dân chủ như thế này và đó sẽ là phép thử về lời quả quyết mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên của ông về chính sách đối ngoại hồi tháng 2.

    Khi đó, ông Biden nhấn mạnh rằng sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại vị trí lãnh đạo toàn cầu để mặt đối mặt với các thế lực chuyên quyền do Trung Quốc và Nga cầm đầu. Trong danh sách khách mời của Bộ Ngoại giao Mỹ, không có tên Trung Quốc và Nga.

    Theo ông Trịnh Hữu Long, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden muốn dùng dân chủ, nhân quyền như một trong những công cụ chiến lược để xây dựng các liên minh quan trọng trên thế giới. Do đó, ông Long cho rằng việc Việt Nam không được mời vào Thượng đỉnh Dân chủ cũng đồng nghĩa là một mất mát cho đất nước này:

    “Việc Việt Nam bỏ lỡ cơ hội này lại cho thấy Việt Nam, ít nhất cho đến thời điểm này, không được cân nhắc đến trong những lợi ích chiến lược mà Mỹ muốn dùng công cụ dân chủ, nhân quyền để khai thác. Với động thái này, Việt Nam còn xa mới có thể trở thành một nước có quan hệ chiến lược với Mỹ khi mà rõ ràng Việt Nam không chia sẻ các giá trị chung với Mỹ như vậy”.


    Khác với góc nhìn của ông Long, chuyên gia về pháp lý và là người cổ súy cho dân chủ, nhân quyền; tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế, đưa ra đánh giá với VOA rằng việc Mỹ không mời Việt Nam là điều đáng tiếc, song gây ra ảnh hưởng không đáng kể. Ông Hiệp nói thêm:

    “Việc Việt Nam vắng mặt ở hội nghị dân chủ một lần nữa cho thấy sự khác biệt giữa hai nước về hệ thống chính trị. Liệu nó có ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế của Việt Nam hay không, tôi nghĩ là có nhưng sẽ rất hạn chế vì bản thân vấn đề này không mới. Việt Nam không phải là nước dân chủ, tự do, vẫn có có một số hạn chế về nhân quyền thì điều đấy ai cũng biết rồi, nó không hoàn toàn mới”.
    Tiến sĩ Hiệp, hiện công tác tại Viện ISEAS – Yusof Ishak đặt tại Singapore, nêu ra thực tế rằng trong những năm trước, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hầu như không chỉ trích Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, và chính quyền của Tổng thống Biden kể từ khi nắm quyền đến nay cũng không có những tuyên bố nặng lời vấn đề đó của Việt Nam.

    Theo ông Hiệp, đó là vì Mỹ nhận thức được đúng mức về tầm quan trọng của Việt Nam trong những lĩnh vực chiến lược khác, cả trong quan hệ song phương lẫn ở trên bình diện khu vực. Nhà nghiên cứu này nói:

    “Quan hệ Việt-Mỹ có những khía cạnh, chiều kích khác nhau, không phụ thuộc vào vấn đề giá trị, hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển trong các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng”.

    Về chỗ đứng của Việt Nam ở cấp độ khu vực, tiến sĩ Hiệp dẫn lại những phát biểu của ông Kurt Campbell, điều phối viên về chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính quyền của ông Biden, nhìn nhận Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có thể định hình tương lai của khu vực cũng như định hình chính sách của Mỹ đối với khu vực trong tương lai. Từ đó, ông Hiệp nhận định:

    “Đó là một trong những bằng chứng cho thấy Hoa Kỳ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam cũng như vị thế, vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh của họ với Trung Quốc. Vì vậy, bất chấp việc Hoa Kỳ không mời Việt Nam dự Thượng đỉnh Dân chủ, quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phát triển trong thời gian tới”.

    Hà Nội chưa phản ứng

    VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu về phản ứng của Hà Nội đối với quyết định không mời của Washington. Tuy nhiên, cho đến thời điểm bài báo này được đăng, VOA chưa nhận được hồi đáp từ phía bộ.

    Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp dự báo rằng Việt Nam sẽ làm ngơ, không phản ứng gì, không coi đây là trở ngại trong quan hệ song phương, vốn chú trọng vào các vấn đề thực chất. Ông cho rằng cả hai bên đều có sự ngầm hiểu với nhau rằng hội nghị thượng đỉnh về dân chủ là sự kiện chỉ mang tính biểu tượng, đặc biệt là về cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga.

    Ông Trịnh Hữu Long, chuyên gia pháp lý và cũng là nhà hoạt động cổ súy cho dân chủ, nhân quyền, có nhận định tương tự:

    “Có lẽ Việt Nam sẽ chọn phương án an toàn, không nói gì, không tỏ ra giận dỗi hay phản đối gì, bởi vì cũng chẳng có gì để phản đối [cười], vì thế, tôi nghĩ họ sẽ chọn cách nói hoặc là né tránh, hoặc là an toàn”.


    Trong khi Việt Nam không được mời, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden lại mời Đài Loan tham gia Thượng đỉnh Dân chủ. Động thái này khiến Trung Quốc nổi giận. Chính quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn coi đảo Đài Loan theo thể chế dân chủ là lãnh thổ của Trung Quốc.

    Ông Trịnh Hữu Long, sống và làm việc ở Đài Loan trong 5 năm qua, cho VOA biết từ người dân cho tới các quan chức và cả báo giới Đài Loan đều đón nhận và bày tỏ phản ứng tích cực, hân hoan về việc đảo quốc này được Mỹ mời.

    Đối với họ, đó cũng là một sự công nhận về mặt quốc tế dành cho họ trong bối cảnh lâu nay Trung Quốc liên tục gây sức ép để các nước không công nhận Đài Loan và cũng thường xuyên đe dọa dùng vũ lực đánh chiếm hòn đảo, ông Long đưa ra quan sát.

    Với những tìm hiểu và trải nghiệm của mình, chuyên gia pháp lý Trịnh Hữu Long chỉ ra rằng sau 35 năm dân chủ hóa, Đài Loan gắn kết với phương Tây không chỉ về các lợi ích chiến lược như kinh tế, địa-chính trị mà cả về các giá trị, vì vậy sự gắn kết này rất sâu sắc.

    “Đây là chiến lược đối ngoại khôn ngoan và thực dụng, đồng thời cũng xây dựng lên căn tính của Đài Loan, đó là không chỉ có sự thịnh vượng mà còn có cả dân chủ và bảo vệ phẩm giá của con người”, ông Long nói.

    Với căn tính này, Đài Loan có sự tự tin và tinh thần độc lập, đồng thời ngày càng tách khỏi Trung Quốc, không có điểm chung với Trung Quốc, nước lâu nay vẫn chịu nhiều lời lên án về vi phạm nhân quyền, vẫn theo ông Long.

    Ông đưa ra quan sát rằng ở châu Á, Đài Loan là hình mẫu dân chủ hóa thành công nhất và đáng chú ý nhất để Việt Nam tham khảo, với thực tế là các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do đảng phái, tự do chính trị, tự do kinh tế trên hòn đảo được quốc tế đánh giá cao. Ông Long nói thêm:

    “Nó cho chúng ta bài học vô cùng quý giá: Một quốc gia châu Á, một quốc gia Khổng giáo, một quốc gia nhỏ, một quốc gia sống cạnh Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành một nền dân chủ, vừa thịnh vượng vừa có thể bảo tồn các giá trị truyền thống của Á Đông. Đài Loan là hình mẫu để chúng ta bác bỏ các luận điệu cho rằng các giá trị của Á Đông không phù hợp với các giá trị dân chủ của phương Tây. Đài Loan là minh chứng rằng Việt Nam hoàn toàn cũng có thể trở thành như vậy”.

    Chuyên gia pháp lý và nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền Trịnh Hữu Long nhấn mạnh rằng từ Đài Loan có thể rút ra bài học lớn nhất cho Đảng Cộng sản Việt Nam là nếu họ chủ động dân chủ hóa, họ sẽ vẫn nắm quyền lực và mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân.

    Một nước Việt Nam dân chủ cũng sẽ thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc và gia nhập vào chuỗi giá trị về dân chủ, nhân quyền toàn cầu, vẫn theo quan điểm của ông Long. “Chúng ta sẽ có thêm bạn, đồng minh”, ông nói.

    Không có nhận xét nào