Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, TS.BS. Nguyễn Minh Quân bị bắt và khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
“Cái chết” của những nhân tài ngành y-vì sao thiên nga gãy cánh? |
Kết quả điều tra vụ án xác định: ông Quân và giám đốc một Công ty TNHH đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Vụ án này khiến người quan tâm phải liên hệ ngay với hai vụ án tương tự trước đó nhưng xảy ra ở miền Bắc.
Mới cách đây ít ngày, vào 21/10/2021, GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng bị bắt về cùng một hành vi như với ông Nguyễn Minh Quân. Hành vi được cho là “nâng giá vật tư, hóa chất, thiết bị y tế” xảy ra với ông Tuấn khi ông giữ chức Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Cũng chỉ mới cách đây gần một năm, một tài năng khác của ngành y là PGS.TS. Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội đã bị kết án 10 năm tù cùng về hành vi như trên.
Và cũng giống hệt nhau, ba người này đều là những cá nhân xuất sắc trong ngành y, từng tạo nên những hiện tượng trong ngành.
Ông Tuấn được mệnh danh là Tuấn “tim”, ý chỉ bàn tay vàng trong điều trị và can thiệp các căn bệnh về tim.
Ông Quân là một tài năng hiếm có trong điều hành, quản lý bệnh viện.
Sự lột xác kinh người của một “bệnh viện kính chuyển”
Báo Tuổi Trẻ ngày 08/11/2021 viết: “Ông Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1973) được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức (nay là Bệnh viện TP Thủ Đức) từ năm 2007 khi mới 34 tuổi. Ông Quân được đánh giá là người có đóng góp lớn trong việc đưa Bệnh viện TP Thủ Đức trở thành một “hiện tượng của ngành y tế”.
Chỉ sau hai năm làm giám đốc, bệnh viện được nâng cấp từ hạng 3 lên hạng 2. Sáu năm sau (2015), bệnh viện trở thành đơn vị tuyến quận/huyện duy nhất cả nước được xếp hạng 1. Lúc bấy giờ, bệnh viện được xếp vào nhóm 10 bệnh viện hàng đầu của TP.HCM về chất lượng điều trị, là bệnh viện quận mổ tim hở đầu tiên cả nước. Năm 2019, Bệnh viện TP Thủ Đức TP.HCM tiếp tục trở thành bệnh viện quận đầu tiên cả nước được giao nhiệm vụ “chỉ đạo tuyến”.
Ngoài nhiệm vụ "chỉ đạo tuyến", Bệnh viện TP Thủ Đức còn được Bộ Y tế cho phép thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh/thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Trung - Tây Nguyên.”
Những thông tin trên là sự thực.
Trước thời điểm ông Nguyễn Minh Quân về làm giám đốc, bệnh viện Thủ Đức chỉ là một bệnh viện cấp quận nhỏ bé, hẻo lánh, nghèo nàn. Vào những năm 200x, có ai nghĩ ở ngay Sài Gòn phồn hoa mà sân của một bệnh viện vẫn là cái sân đất, chưa hề được xây xi măng không?
Vậy mà chỉ ít năm sau, mặc dù theo xếp hạng của ngành y tế vẫn là bệnh viện tuyến huyện, nhưng thực chất nó đã vượt qua cả bệnh viện cấp khu vực cùng mang tên Thủ Đức ở gần đó cũng như vượt qua vô số bệnh viện cấp tỉnh khác về quy mô và chất lượng điều trị.
Năm 2019, Bệnh viện TP Thủ Đức là bệnh viện cấp quận huyện (TP Thủ Đức trực thuộc TP HCM nên vẫn là đơn vị hành chính cấp quận huyện) đầu tiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến.
Chỉ đạo tuyến nôm na là thực hiện các công việc đàn anh với các đàn em, bao gồm ba mảng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật.
Cụ thể, tuyến trên được thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ trong khám, chữa bệnh; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới, hướng dẫn và tạo điều kiện cho tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh-chữa bệnh, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi có yêu cầu… (theo Quyết định 4026 ngày 20/10/2010 của Bộ Y tế).
Có nghĩa Bệnh viện TP Thủ Đức được cơ quan quản lý cao nhất chính thức thừa nhận là có chuyên môn cao.
Báo Sài Gòn giải phóng ngày 28/02/2019 tiết lộ một cái tên của bệnh viện quận Thủ Đức thời “tiền Nguyễn Minh Quân”.
Rất độc đáo, nó được mệnh danh là “bệnh viện kính chuyển”.
Tức gần như bệnh nhân nào vào thì được viết giấy kính chuyển bệnh nhân đó đến bệnh viện khác (vì không điều trị được)!
Chỉ vỏn vẹn sáu năm để lột xác một “bệnh viện kính chuyển” xấu hổ trở thành bệnh viện cấp quận/huyện duy nhất của cả nước được xếp hạng 1, thu hút bệnh nhân dẫn đầu TPHCM.
Tháng 7/2015, Bệnh viện TP Thủ Đức-lúc đó là bệnh viện quận Thủ Đức- cũng là bệnh viện duy nhất trong cả nước được Bộ Y tế cấp phép thí điểm thực hiện bệnh án điện tử “sau quá trình khảo sát, chọn lựa khá khắt khe”-báo Sức khỏe đời sống ngày 03/3/2017 viết. Bấy giờ, đây là bệnh viện tiên phong và duy nhất giảm thiểu tối đa giấy tờ trong khám chữa bệnh.
Báo Sài Gòn Giải phóng viết tiếp:
“Theo mô hình này, bệnh nhân giảm đáng kể thời gian chờ đợi làm thủ tục, khám bệnh, đóng tiền, xét nghiệm, X-Quang, nhận thuốc, với tổng thời gian giảm khoảng một giờ/bệnh nhân. Mô hình này cũng lược bỏ các công việc hành chính cho bác sĩ, điều dưỡng, để có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn. Hệ thống khám bệnh thông minh còn nhắc bác sĩ cho bệnh nhân xét nghiệm lại, đồng thời cũng cảnh báo khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Thông tin cảnh báo được gửi đến Phòng Tổng hợp của bệnh viện để lãnh đạo bệnh viện kiểm tra. Điều này tránh sự lạm dụng, gây tốn kém không cần thiết cho bệnh nhân. Từ mô hình này, bệnh viện cũng quản lý được chi phí điều trị, vật tư y tế đến từng sợi chỉ, từng tấm phim X-Quang.”
Xin nhắc một chút cho độc giả: quy định của Bộ Y tế về bệnh án điện tử chỉ mới chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 3/2019. Bệnh viện TP Thủ Đức đã đi trước cả nước bốn năm.
Năm 2007, bệnh viện quận Thủ Đức có 99 nhân viên với 17 bác sĩ; chỉ đủ năng lực khám chữa bệnh cho 200 bệnh nhân/ngày và 12 bệnh nhân nằm nội trú/ngày. Bệnh viện lúc đó rộng khoảng 5.000m2 nhưng gần như chỉ là cái vỏ rỗng ruột. Đến 2019, bệnh viện có 46 khoa, phòng với 1.800 cán bộ, công nhân viên, trên diện tích 14.000m2. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 6.000 lượt bệnh nhân, có 1.000 giường bệnh nội trú.
BV Quận Thủ Đức cũng tiên phong đưa kỹ thuật cao đến gần người dân bằng sáng kiến đặt phòng khám tại trạm y tế, nơi đông dân cư (nhưng xa bệnh viện), trong đó có máy chạy thận nhân tạo. Hàng ngày, bệnh viện cử bác sĩ đến 12 trạm y tế của 12 phường thuộc quận Thủ Đức để khám những bệnh thông thường và phát thuốc tại đây.
Mô hình khác là Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh; Phòng khám Đa khoa tại các phường Linh Xuân, Linh Tây và trong Khu chế xuất Linh Trung 1. Các mô hình này thu hút lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho bệnh viện quận Thủ Đức và hệ thống khám, chữa bệnh nói chung.
Tháng 5/2020, bệnh viện quận Thủ Đức đón nhận bằng khen của UBND TPHCM trao tặng khi bệnh viện thực hiện hơn 120 ca mổ tim mà không xảy ra biến chứng, đạt tỉ lệ thành công 99%.
Là một nhân vật nổi bật của ngành y tế Việt Nam, lại ở cái đất Sài Gòn nơi mà báo chí dễ dàng lục tung mọi ngóc ngách thông tin, thế nhưng BS Nguyễn Minh Quân không phải là người quen mặt trên báo chí. Đến thời điểm này, gõ cái tên Nguyễn Minh Quân kèm chức danh vào Google thì hầu như chỉ tìm được duy nhất thông tin ông bị bắt. Nhưng vẫn có những câu chuyện lưu lại đâu đó trên internet và trong trí nhớ của không ít người.
Cây thông trên áo bảo hộ
Tỷ dụ như câu chuyện đêm giáng sinh năm ngoái tại Bệnh viện điều trị COVID Cần Giờ. Bệnh viện TP Thủ Đức vận hành nơi này, BS Quân cũng đồng thời là giám đốc.
“Toàn thể 70 công dân Việt Nam bị kẹt tại Úc gần một năm từ khi bùng dịch đã đáp chuyến bay an toàn và hoàn tất thủ tục cách ly tại bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ vào lúc 3h 00 sáng nay (24/12/2020). Một trong những công dân được về nước đã òa khóc nức nở ngay khi vừa đặt chân đến bệnh viện: “Chúng con được về nước chính là món quà giáng sinh lớn nhất đối với chúng con! Amen!”.
Chính từ câu nói này, TS.BS Nguyễn Minh Quân đã đặt làm những chiếc bánh gato, những dải ruy-băng đỏ để trang trí Noel, còn những nhân viên y tế thì vẽ những chiếc chuông nhỏ, những cây thông noel lên áo bảo hộ. Sau đó, những “ông bà Noel” áo trắng sẽ mang đến trao tay chúc mừng giáng sinh từng người tại bệnh viện.
Ông Quân nói “Với người dân cách ly, bánh sẽ được chia nhỏ, đóng hộp gửi đến phòng. Những người có bệnh nền thì bánh sẽ có tỉ lệ kem và đường riêng phù hợp nên mọi người có thể thoải mái thưởng thức. Tôi hy vọng những chiếc bánh nhỏ này có thể giúp mọi người đang ở bệnh viện cảm thấy ấm áp như đang ở nhà, hoàn thành tốt thời gian cách ly và sớm trở về với gia đình”. (trích trang Facebook của Phòng Công tác xã hội bệnh viện TP Thủ Đức ngày 24/12/2020).
Cho dù có các hoài nghi ông Quân được nâng đỡ bởi thế lực mạnh mẽ nào đó thì cũng không ai có thể phủ nhận sự xuất sắc vượt bậc của cá nhân ông. Một bệnh viện đem người đi mổ xẻ chữa bệnh dĩ nhiên phải đánh giá sự thành công trên các kết quả thực sự chứ không thể chỉ đốt pháo hoa mà lòe được ánh mắt thiên hạ.
CDC Hà Nội: Một tiền lệ đáng suy nghĩ
Ngày 24/6/2021, đại diện bên bị hại là CDC Hà Nội đã có một bài phát biểu đáng chú ý tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng”.
Bị cáo quan trọng nhất chính là Giám đốc CDC Hà Nội, PGS.TS. BS Đỗ Nhật Cảm.
Cũng thật bất ngờ là bài phát biểu này của bên bị hại lại chỉ nhằm mục đích xin giảm án cho các bị cáo.
Đoạn đầu tiên viết: “Trước khi có dịch COVID-19, việc mua sắm, trang bị máy móc, trang thiết bị y tế, các loại vật tư, sinh phẩm… phục vụ cho hoạt động phòng chống dịch cũng như hoạt động chuyên môn của đơn vị đều qua Trung tâm tư vấn đấu thầu và mua sắm tập trung của thành phố Hà Nội thực hiện, CDC Hà Nội chỉ có trách nhiệm đề xuất danh mục, sau đó được nhận máy móc, vật tư…về sử dụng.
Một số mặt hàng thông thường không trong danh mục mua sắm tập trung thì cũng do Sở Y tế thẩm định kế hoạch và lựa chọn nhà thầu nên CDC HN hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế.
Từ khi dịch bùng phát, CDC Hà Nội ngoài nhiệm vụ chống dịch, còn được Sở Y tế giao nhiệm vụ mua sắm vật tư đáp ứng chống dịch, là quá sức với một đơn vị chuyên môn”.
Đoạn hai nói cụ thể về việc mua máy xét nghiệm Real Time. CDC Hà Nội bị cáo buộc đã thông đồng với bên bán máy để nâng khống giá máy này.
“Quý 1/năm 2020 (thời điểm phạm tội của các bị cáo), dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi đó, mỗi ngày trung bình có 2.000 -2.500 người từ các nước có dịch nhập cảnh về Hà Nội. Chiến lược chống dịch của Hà Nội lúc đó là XÉT NGHIỆM, TRUY VẾT, CÁCH LY, KHOANH VÙNG. Nhưng CDC Hà Nội chỉ có một dàn máy xét nghiệm Real Time, nếu máy chạy liên tục 24h/ngày và không trục trặc thì chỉ đạt công suất tối đa 250 mẫu/ ngày.
Trước sức ép phải khống chế dịch, UBND TP và Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo CDC Hà Nội nâng công suất xét nghiệm từ 250 lên 2.000 – 3.000 mẫu/ngày. Do đó cấp thiết phải bổ sung máy xét nghiệm, hóa chất, vật tư, trang bị phòng hộ....
Tuy nhiên, ngay từ khi có thông tin dịch bùng phát, các loại hàng hóa phục vụ chống dịch trở nên khan hiếm do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Các đơn vị, người dân đổ xô đi mua hàng tạo ra một thị trường hỗn loạn, mất kiểm soát. ở giai đoạn đó một hộp khẩu trang từ 50.000 đ mà có người phải mua 350.000 đ. Các thông tin về giá khá mù mờ, giá chủ yếu do người bán cung cấp. Lúc đó chưa có kênh thông tin chính thức nào từ Bộ Y tế và các bộ ngành khác niêm yết công khai về giá máy móc, trang thiết bị và các loại mặt hàng phục vụ chống dịch. Đây chính là lỗ hổng trong quản lý của các cơ quan chức năng dẫn tới việc giá cả trăm hoa đua nở, mỗi nơi mua một giá, mỗi ngày một giá. Có lẽ để khắc phục các bất cập này, mãi tới 09/9/2020 Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị, vật tư y tế của Bộ Y tế mới được khai trương, các thông tin về giá hàng hóa còn rất thiếu và dần mới được cập nhật.
Trong bối cảnh đó, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm do áp lực phải lắp đặt ngay hệ thống máy xét nghiệm trong khi không có bất kể thông tin nào về giá nên đã liên lạc với các nhà thầu để yêu cầu báo giá máy xét nghiệm. Máy xét nghiệm không phải là hàng hóa thông thường nên rất khó biết giá trị thực là bao nhiêu. Chính việc người đi mua thiếu thông tin mà các nhà thầu đã mua bán lòng vòng nhằm nâng giá bán cho CDC Hà Nội mới là bản chất của vụ án, là yếu tố có tính chất quyết định gây ra hậu quả thiệt hại cho Nhà nước, cho CDC và là khởi nguồn dẫn đến việc phạm tội và đưa các bị cáo của CDC vào vòng lao lý”.
Đại diện CDC Hà Nội nói thêm:
“Việc đề xuất, mua bổ sung máy móc, trang thiết bị, vật tư kịp thời đã giúp CDC Hà Nội triển khai tốt công tác khống chế dịch trên địa bàn thành phố, trong đó có đóng góp quan trọng của các bị cáo. Hiện tại hệ thống RT-PCR và máy tách chiết ARN/ADN vẫn đang hoạt động tốt phục vụ công tác phòng chống dịch.
Các thông tin đối chất tại tòa cho thấy nhiều bị cáo (tổng cộng có sáu bị cáo) không hề có động cơ, mục đích trục lợi. Các nhà thầu cũng đã công nhận điều đó tại tòa và đã chủ động khắc phục hậu quả nên không còn thiệt hại về kinh tế cho CDC”.
Đáng chú ý, các bị cáo (có 3/6 bị cáo là bác sĩ) có được học về quy định đấu thầu trong… ba ngày!
Nhà nước có trách nhiệm gì?
Ngày 27/5/2021, tại phiên họp thứ 56, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đặt câu hỏi: Nhà nước có trách nhiệm gì trong việc này khi không có hướng dẫn, không chỉ dẫn trường hợp nào cấp bách được chỉ định thầu?
Nêu lại chuyện của CDC Hà Nội không có nghĩa tôi muốn nói vụ của ông Nguyễn Minh Quân cũng giống như vậy. Thực tế tại các bệnh viện lớn nhỏ cũng đã có không ít vụ nâng khống giá thiết bị hoặc kê khống danh sách bệnh nhân để chiếm đoạt tiền bảo hiểm… vân vân. Nghi can, hay các phạm nhân đã có án đều là các bác sĩ giữ trọng trách tại đó.
Nhưng, một sự việc lặp đi lặp lại nhiều lần tức là có quy luật. Muốn chấm dứt, phải tìm ra và phá vỡ quy luật đó.
Tội phạm (đã xét xử hay đang bị cáo buộc) của cả ba lãnh đạo trong ngành y nói trên: ông Nguyễn Nhật Cảm (nguyên giám đốc CDC Hà Nội), ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên giám đốc bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội), ông Nguyễn Minh Quân (nguyên giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức-TP HCM) đều giống nhau.
Nhân thân họ cũng giống nhau: đều là các nhân tài ngành y.
Vậy thì phải nhắc lại câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra, cũng giống với bản chất câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn ở trên.
Đó là: Cơ chế nào tạo ra lỗ hổng (hoặc các cạm bẫy) khiến những nhà chuyên môn tài giỏi lợi dụng/hoặc bị sa chân vào đó?
Cơ chế đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất… trong ngành y được ví là một ma trận. Vậy tại sao lại khiến cho các bác sĩ tinh hoa, những chiến thần trong khám bệnh, chữa bệnh phải trở thành kẻ tay mơ trong ma trận đó?
Bị đẩy vào cuộc chiến bất cân xứng, các bác sĩ “chết” là đương nhiên.
Dĩ nhiên, nếu tham mà “chết” thì việc phải vào tù để trả giá là công bằng. Nhưng nếu vì phải phá vỡ những quy định lạc hậu, những rào cản luật lệ lỗi thời, vô lý và bất công để thực hành chuyên môn, để xây dựng và phát triển ngành y và trong quá trình đó phạm vào sai sót, thì cũng giống như “đạp rào gai diệt ác” (lời bài hát Câu hát bông sen của nhạc sĩ Thanh Trúc). Dám đạp rào gai thì luôn luôn có nguy cơ gai xiên thủng chân, bị áp xe mưng mủ. Chẳng lẽ vì mưng mủ một vết nơi lòng bàn chân mà chặt bỏ luôn cái chân?
Phải có cơ chế phù hợp để rạch ròi phạm vi công việc giữa chuyên môn, quản lý chuyên môn và quản trị hành chính-kinh doanh. Phải bảo vệ nhân tài vì cái chết của phần tài năng chuyên môn trong họ chính là thiệt hại vô cùng lớn cho bệnh nhân, cho sự tiến bộ của y tế Việt Nam và cho xã hội.
Điều này có khó khăn, có mới mẻ gì không?
Không! Cứ nhìn các bệnh viện bên tây mà học tập.
Không có nhận xét nào