Một chiếc tàu chở dầu treo cờ Việt Nam và có địa chỉ đăng ký tại Hà Nội bị Iran bắt giữ vào cuối tháng trước đang làm dấy lên một vụ tranh cãi giữa Tehran và Washington.
Bình Phương - Mỹ và Iran tranh cãi vụ bắt giữ tàu dầu Việt Nam |
Truyền thông nhà nước Iran hôm Thứ Tư 3 Tháng Mười Một đưa tin quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran đã ngăn chặn thành công một nỗ lực của một chiến hạm Mỹ nhằm “đánh cắp” một tàu chở đầy dầu của Iran khi nó đi qua Vịnh Oman. Bản tin không đề cập cụ thể về thời gian xảy ra sự việc mà chủ yếu tố cáo hành động “gây hấn” của quân đội Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu với đài CBS News, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết đã xảy ra một sự cố hồi tuần trước khi hai tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ theo dõi một tàu dầu treo cờ Việt Nam bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bắt giữ, nhưng phía Hoa Kỳ không cố gắng can thiệp hoặc chiếm giữ hàng hóa.
Các video được chiếu trên các đài truyền hình nhà nước Iran dường như cho thấy sắp xảy ra đụng độ. Một đoạn video cho thấy có hai chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ ở gần một tàu chở dầu lớn và các tàu quân sự nhỏ hơn của Iran. Trong một đoạn clip, có thể thấy lực lượng Iran chĩa súng vào một chiến hạm Mỹ, được xác định là tàu USS The Sullivans, một khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke thuộc Hạm đội 5 đóng ở vùng Vịnh Ba Tư.
Truyền hình nhà nước Iran đã công bố đoạn phim cho thấy một máy bay không người lái giám sát của Iran đang theo dõi một tàu chở dầu khổng lồ màu đỏ ở Vịnh Oman. Lính biệt kích Iran được trang bị vũ khí mạnh đã từ máy bay trực thăng đổ bộ xuống sàn tàu dầu, trong lúc các tàu cao tốc nhỏ vây quanh và một tàu tuần dương hai thân của Iran tuần tra gần đó. Con tàu dầu sau đó bị lực lượng quân đội Iran chiếm giữ và đưa về hải phận Iran.
Truyền hình Iran không đưa tin về tình trạng và thành phần thủy thủ đoàn của con tàu. Nhưng qua hình ảnh, các quan sát viên nhận ra đây là tàu MV Sothys, chủ sở hữu đăng ký cuối cùng của con tàu là Công ty Vận tải Xăng dầu OPEC, một công ty có địa chỉ tại Hà Nội.
Hãng tin AP phân tích dữ liệu theo dõi tàu biển từ MarineTraffic.com cho thấy con tàu vẫn ở ngoài khơi cảng Bandar Abbas ở phía Nam của Iran hôm Thứ Ba. Một bức ảnh vệ tinh từ Planet Labs Inc. cũng cho thấy con tàu ở ngoài khơi Bandar Abbas trong những ngày gần đây.
Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran năm 2015, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với nước này, ngăn chặn việc bán dầu của Iran. Các chiến hạm Mỹ thường chặn và tịch thu các chuyến hàng dầu của Iran để thực thi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong khi đó chính phủ Iran tuyên bố sẽ khôi phục hoạt động xuất cảng dầu của mình bất chấp các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ mà nước này coi là bất hợp pháp.
Tàu MV Sothys của Việt Nam đã nhiều lần bị cáo buộc tiếp tay với việc xuất cảng dầu của Iran. Hôm 11 Tháng Mười, tổ chức United Against a Nuclear Iran – một nhóm vận động cấm vận Iran có trụ sở tại New York – đã gửi thư cho Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết phân tích các bức ảnh vệ tinh của họ cho thấy hồi Tháng Sáu, tàu Sothys đã nhận chuyển dầu từ tàu sang tàu từ một tàu chở dầu có tên Oman Pride.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xác định tàu Oman Pride được sử dụng để vận chuyển dầu của Iran để thu ngoại tệ cho quân đội Iran. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Iran vẫn bán dầu cho khu vực Đông Á mà không xác định một quốc gia cụ thể.
Theo truyền thông Iran, tàu MV Sothys bị Hải quân Hoa Kỳ bắt, sau đó đặc nhiệm Iran giải cứu và đưa về cảng trong khi các quan chức Mỹ nói Iran đã bắt giữ con tàu mà phía Mỹ không can thiệp hôm 24 Tháng Mười vừa qua.
Sự việc xảy ra đã mười ngày nhưng hôm nay Thứ Tư 3 Tháng Mười Một phía Iran mới công khai thông tin, cùng với lời ca ngợi của các nhà lãnh đạo Iran dành cho quân đội nước này, nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Iran thực hiện cái gọi là cuộc Cách mạng Hồi giáo, chiếm Đại sứ quán Hoa Kỳ năm 1979 và gây căng thẳng với Mỹ từ đó đến nay. Đây cũng là động tác được cho là gây thêm sức ép cho cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sắp được nối lại vào cuối tháng này.
Việc Iran bắt giữ tàu Sothys cũng là vụ mới nhất trong một chuỗi các vụ đánh cướp tàu dầu và các vụ nổ làm rung chuyển Vịnh Oman, nằm gần eo biển Hormuz, cửa hẹp ra vào Vịnh Ba Tư, nơi có 1/5 tổng số dầu của thế giới đi qua.
Bình luận thông tin của Iran về sự cố tàu Sothys, ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói “Đó là một tuyên bố không có thật. Vụ bắt giữ duy nhất là do Iran thực hiện”. Ông từ chối nêu quốc tịch của con tàu bị bắt giữ mà cho rằng việc thảo luận về số phận của nó là tùy thuộc vào quốc gia sở hữu.
Các quan chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Việt Nam đàm phán với Iran về vụ tàu nghi chở dầu lậu bị Iran bắt giữ
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/11 cho biết Chính phủ Việt Nam đang có đàm phán với Iran về vụ một tàu chở dầu của Việt Nam bị phía Iran bắt giữ từ hôm 24/10 vừa qua.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, tại họp báo thường kỳ ở Hà Nội, cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin tàu MV Sothys cùng 26 thuyền viên bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Đại sứ quán Iran tại Hà Nội.
“Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cũng đã làm việc ngay với các cơ quan chức năng Iran để xác minh thông tin sớm giải quyết sự việc, đảm bảo an toàn và đối xử nhân đạo với các công dân Việt Nam’' - bà Hằng nói.
Cũng theo người Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, vào ngày 27/10, thuyền trưởng tàu MV Sothys đã nói chuyện với Đại sứ quán Việt Nam tại Iran và cho biết toàn bộ 26 thuyền viên Việt Nam được đối xử tốt, tình trạng sức khoẻ bình thường.
Hôm 3/11, hãng tin AP của Mỹ trích lời hai giới chức Mỹ giấu tên cho biết, truyền hình Nhà nước Iran đã cho chiếu những đoạn video và nói rằng Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran đã giải cứu thành công một tàu chở dầu của Iran bị Hải quân Mỹ bắt giữ và đưa tàu về lại Iran
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby được AP trích lời đã bác bỏ thông tin này và cho biết chính Iran đã bắt giữ tàu chở dầu của Việt Nam ở Vịnh Oman.
Người phát ngôn John Kirby đồng thời cũng lên án vụ bắt giữ tàu, gọi đây là hành động vi phạm luật quốc tế, và phá hoại quyền tự do hàng hải và lưu thông thương mại.
Theo AP, Hải quân Hoa Kỳ lúc đó chỉ theo dõi vụ bắt giữ mà không can thiệp.
Tàu Sothys của Công ty Vận tải Xăng dầu OPEC có địa chỉ tại Hà Nội đã bị United Against a Nuclear Iran, một nhóm vận động ở New York, giám sát. Nhóm này hôm 11/10 vừa qua đã liên hệ với Cơ quan Hàng hải Việt Nam và cho biết nhóm đã phân tích các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu Sothys đã tiếp nhận dầu từ một tàu chở dầu khác có tên Oman Pride.
Bộ Tài chính Mỹ đã xác định tàu Oman Pride đã chở dầu lậu của Iran để lấy tiền cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng. Dầu này sau đó được bán ở Đông Á.
Hiện Iran đang bị Mỹ cấm vận sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rút khỏi thoả thuận hạt nhân với nước này hồi năm 2018.
Không có nhận xét nào