Lục Tỉnh là tên cũ của vùng Đồng Nai Cửu Long (ĐN-CL). Năm 1831 Vua Minh Mạng đổi tên các “trấn” thành “tỉnh” và địa danh “Nam Kỳ Lục Tỉnh” từ đó mà có. Địa danh nầy bao gồm phần đất từ phía Nam của Bình Thuận cho đến hết vùng Cà Mau. Lục Tỉnh hay Sáu Tỉnh lúc đó gồm Biên Hòa, Gia Định Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. (Tên tuổi của Ông Phan Thanh Giản đã gắn liền với lịch sử “Sáu Tỉnh” nầy khi Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, dưới triều vua Tự Đức.
Ts. Nguyễn Hữu Phước - Nhớ Sài Gòn Qua Ca Dao |
Khi Pháp chiếm tất cả Lục Tỉnh và sau nhiều năm bình định xong, năm 1899 Toàn Quyền Paul Doumer ký sắc lệnh chia “Lục Tỉnh” thành 20 tỉnh (theo tác giả Phú Điền), và ít lâu sau tách rời Cấp (Vũng Tàu) ra khỏi Bà Rịa thành một tỉnh riêng. Tình trạng 21 tỉnh của Miền Đồng Nai Cửu Long kéo dài cho đến hết năm 1975. Để dễ nhớ, ai đó đã đặt tên tắt cho 21 tỉnh đó:
Gia - Châu - Hà - Rạch - Trà - Sa - Bến
Long - Tân - Sóc - Thủ - Tây - Biên - Mỹ
Bà - Chợ - Vĩnh - Gò - Cần - Bạc - Cấp
(Gia Định, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Trà Vinh, Sa Đéc, Bến Tre, Long Xuyên, Tân An, Sóc Trăng, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Biên Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Gò Công, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cấp (Vũng Tàu ngày nay, xưa có tên Pháp là Cap Saint Jacques).
Lẽ dĩ nhiên sau khi Pháp rút khỏi VN vào 1955, và dưới thời VN Cộng Hòa, cũng như sau 1975, ranh giới của một số tỉnh, và một số địa danh đã có nhiều thay đổi.
Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho
Đồng Nai, Bến Nghé, Nhà Bè, Thủ Thiêm
Sài Gòn niềm nhớ không tên
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như dòng sông nước cuộn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng
Ta nhủ thầm em có nhớ không?
Sài Gòn ơi! Đâu những ngày khi thành phố xôn xao
Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào
Sang đời tươi thắm vạn sắc màu
Nay còn gì đâu?
Ai ra đi nhớ hàng me già
Thu công viên hoa vàng tượng đá
Thôi hết rồi mộng ước xa xôi
2
Theo dòng đời trôi.
Sài Gòn ơi! Đâu những ngày mưa mùa khoác đi
Đâu cuội hoa quán nhặt đêm về
Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly.
Sài Gòn ơi! Thôi hết rồi những ngày hát bên nhau
Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu. . ..
Nguyễn Đình Toàn
Bài thơ trên là một phần trong bài “Sài Gòn niềm nhớ không tên” của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, được phổ nhạc (phần 2 ở cuối bài). Tôi chép lại từ tiếng ca trong CD, để nói lên sự mong nhớ Sài Gòn (không biết chấm câu, xuống hàng v.v. có đúng như bài thơ không, xin lỗi vậy.)
Chợ Sài Gòn Hay Chợ Bến Thành
Theo học giả Vương Hồng Sển, Chợ Sài Gòn hay là Chợ Bến Thành nầy được bắt đầu xây cất năm 1912 và khánh thành năm 1914. Vì Chợ ở gần bến sông Sài Gòn và cũng gần thành Sài Gòn xưa kia, nên được gọi là Chợ Bến Thành. Cũng theo Ông VHS, khi Chúa Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn, chiếm lại được vùng Sài Gòn - Gia Định (1790), Ông cho xây một thành lũy theo cách vẽ kiến trúc của người Pháp, và đặt tên là Quy Thành. Đến năm 1935, vua Minh Mạng ra lệnh phá bỏ Quy Thành và cho xây lại một thành khác với tên “Thành Sài Gòn”. Năm 1859,
Pháp tấn công, và chiếm được Thành Sài Gòn. Không bao lâu, Pháp ra lệnh san bằng thành nầy. Sau đó Pháp lại cho xây một nơi để đồn trú quân viễn chinh có tên là Caserne du Onzième Regiment de l’Infanterie Colonial (Trại Bộ Binh Thuộc Địa đội thứ mười một). Thành nầy có tên tắt rất phổ thông thời Pháp thuộc là Thành “11è R.I.C” (đọc là Onzième RIC).
Gs Phan Tấn Tài cũng có sưu tầm một đoạn lịch sử rất đặc biệt liên quan đến Chợ Bến Thành . Chúng tôi xin phép trích nguyên văn đoạn tài liệu trên để hiểu rõ câu ca dao:
Mười giờ tàu lại Bến Thành,
Xúp lê vội thổi bộ hành lao xao.
“Chợ Bến Thành có trên bến sông thành Phiên An (thành Gia Định), tức sông Sài Gòn, nằm giữa cột cờ Thủ Ngữ và rạch Sa Ngư (đường kinh Lấp, boulevard Charner, đại lộ Nguyễn Huệ).
Trong những năm binh biến vì loạn Lê Văn Khôi 1832-35 chợ Bến Thành bị tàn phá rất nhiều. Sau khi chiến thắng đại đồn Chí Hòa, người Pháp muốn dời chợ Bến Thành về nơi khác nên mướn kẻ nặc danh đốt chợ Bến Thành.
Và năm 1870 họ dời chợ này về địa điểm mới là hai bờ rạch Sa Ngư. Đây là địa điểm thứ hai của chợ Bến Thành. Vào thời này đã có tàu đò (nói tới chợ Bến Thành ở vị trí thứ 2 ông Lý Nhân Phan Thứ Lang viết: .... Các tay cai tổng, hương chức, điền chủ từ lục tỉnh đi ghe thuyền, tàu đò lên thành phố chơi hay mua sắm đồ đều tới khu chợ Bến Thành này ...).
Nhưng chỉ mấy năm sau, chợ Bến Thành lại dời một lần nữa, thụt vào sau bờ kinh lấp không bao xa, đó là chợ Bến Thành cũ hay chợ Sài Gòn cũ, là địa điểm thứ ba của chợ Bến Thành, chợ phải dời để lấp con rạch xây đường Kinh Lấp (đường Charner, bây giờ là đại lộ Nguyễn Huệ). Cho đến nay người Sài gòn còn gọi địa điểm thứ 3 này là “chợ cũ“. Chợ Bến Thành hay chợ Sài Gòn ngày nay là địa điểm thứ tư của chợ này (xây cất 1912-1914) và nếu năm 1972 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thiếu tiền, ta đã có chợ Bến Thành thứ năm theo đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng.
Như vậy, bến tàu chợ Bến Thành chỉ hoạt động trong một thời gian “ít năm” kể từ 1870 cho tới khi lấp rạch Sa Ngư mà thôi, tức giữa 1870 và 1880. Vì người Nam không gọi xe lửa là tàu và vì luật lệ Pháp không cho phép gắn soufflet trên xe lửa nên bài ca dao trên nói tới còi tàu của những năm chợ Bến Thành tồn tại ở vị trí thứ 2, quãng 40 năm trước khi có đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho (1913).”
Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ,
Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu;
Lấy em anh đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em!
Chợ Bến Thành dời đổi
Người sao khỏi hợp tan
Xa gần giữ nghĩa tào khang
Chớ tham quyền quý, phụ phàng nghĩa xưa.
Có câu khác cùng ý trên:
(Chợ Bến Thành dời đổi,
Người sao khỏi hợp tan.
Xa gần giữ nghĩa tào khang,
Chớ ham nơi quyền quý mà đá vàng xa nhau).
Một Số Câu Ca Dao Liên Quan Đến Sài Gòn Và Các Vùng Lân Cận
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.
Có người khác truyền miệng câu trên về đèn như sau:
Đèn nào cao cho bằng đèn Sở Thượng,*
Nghĩa nào nặng cho bằng nghĩa trượng phu
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.
*Theo Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1) thì Sở Thượng là: “Tên sông làm ranh thiên nhiên giữa Cam Bốt và VN, ở bìa Đồng Tháp Mười”.
Hoặc:
Trúc mọc bờ ao kêu là trúc thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa,
(Mỹ = Mỹ Tho, tên một tỉnh ở phía Nam Sài Gòn).
Anh đi đâu anh cũng nhớ ghé thăm nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em
(Các câu trên còn được truyền miệng dưới nhiều dạng khác nhau:
“Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa,
Viết thơ thăm hết nội nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em”
Hay là:
Cách một dòng sông kêu là cách thủy;
hoặc: Cách một bờ ao . . .
(Dạng nào dùng cũng hay và chẳng thay đổi nội dung của ý chánh là “nhớ thăm em.”)
Những câu Ca Dao do Cố Giáo Sư Vương Hồng Sển ghi chép [(Trong quyển Sài Gòn Năm Xưa (3) còn có một số các câu sau đây: (câu nào không có trong sách VHS, là do tôi ghi lại từ các bạn già, hoặc từ sách khác, và dùng chữ nghiêng (italic) để phân biệt.)]
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
(Có người đọc là: Đố ai ve được cô lái đò Thủ Thiêm.
Ngày đi trăm hoa hẹn hò,
Ngày về vắng bóng con đò Thủ-Thiêm!(3bis)
Thủ Thiêm là địa danh danh phía bên kia sông Sài Gòn, đối diện với Bến Bạch Đằng). Chỉ sự phồn thịnh hàng đầu của Sài Gòn và Mỹ Tho ngày xưa, có câu:
Trên Sài-Gòn, dưới Mỹ-Tho,
Đâu đâu thiên hạ cũng nhường cho.
Về cột cờ Thủ Ngữ ở ven sông Sài Gòn:
Gia Tân* nền tạm thuở xưa,
Ngày nay có dựng cột cờ gần bên.
Về chuyện được đi xa khỏi Sài Gòn bằng ghe, (ghe có mũi sơn đỏ)
Sài Gòn mũi đỏ, Gia Định* xúp lê,
Giã hiền thê ở lại lấy chồng
Thuyền anh ra cửa như rồng lên mây.
Về chuyện làm ăn phải đi xa, cách biệt:
Chợ Sài Gòn cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi mom
Giã em ở lại vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.
(Hoặc: Anh về ngoài nớ, khó còn ra vô)
((Tác giả câu ca dao trên dùng chữ “xi mom” thay vì “xi măng” (Pháp: cement) có lẽ cho có vần với câu kế.))
*Gia Tân, địa danh xưa, nơi có cột cờ Thủ Ngữ, ở bến Chương Dương, sông Sài Gòn. Gia Định lúc xưa là tên của một trong sáu tỉnh của miền ĐN-CL. Diện tích của tỉnh Gia Định lúc đó lớn hơn diện tích của tỉnh Gia Định thời 1954-75 rất nhiều. Ngày nay tên Gia Định hoàn toàn biến mất trên bản đồ. Rạch Giá, xưa là tên của một tỉnh. Liên hệ đến địa danh Gia Định, có câu hò sau đây
Phái nữ lên tiếng trước:
Nghe anh làu thông lịch sử,
Em xin hỏi thử đất Nam-Trung:
Hỏi ai Gia-Định tam hùng,
Mà ai trọn nghĩa thủy chung một lòng ? (3bis)
Phái nam liền đáp lại:
Ông Tánh, Ông Nhân, cùng Ông Huỳnh Đức,
Ba Ông hết sức phò nước một lòng
Nổi danh Gia-Định tam hùng.
Trọn nghĩa thủy chung có Ông Võ Tánh,
Tài cao sức mạnh,trọn nghĩa quyên sinh,
Bước lên lầu bát giác thiêu mình như không! (3bis)
Vài Câu Ca Dao Khác
Còn một vài câu hát sau đây liên hệ đến địa danh Sài Gòn và vùng lân cận:
Trầu Sài Gòn xé ra nửa lá,
Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi
Buồn tình gá nghĩa mà chơi,
Hay là anh quyết ở đời với em.
(Gò Vấp: địa danh không xa Sài Gòn)
Hoặc:
Anh ngồi quạt quán Bến Thành,
Nghe em có chốn anh đành quăng om (om trà Huế)
Anh ngồi quạt quán Bà Hom,
Hành khách chẳng có, đá om quăng lò .
(Bà Hom: địa danh gần Sài Gòn)
Thú dạo chơi ngày xưa dùng xe song mã (xe do 2 con ngựa kéo), lúc chưa có xe hơi, hay xe hơi chỉ có một số ít người giàu sử dụng:
Xe mui chiều thả xanh quanh*,
Đôi vòng Bà Chiểu, thích tình dạo chơi
Bà Chiểu: địa danh, nơi có lăng của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt hay Lăng Ông, cách
chợ Sài Gòn không xa).
[(*Xanh quanh: ghi lại y như sách, có lẽ là chữ đọc trại của chữ loanh quanh hay xung
quanh (hay chung quanh.)]
Ngoài ra cò có người chơi chữ:
Chị Hươu đi chợ Đồng Nai*,
Bước qua Bến Nghé* ngồi nhai thịt bò
Một tác giả vô danh làm câu đối lại:
Chị Xuân thả lưới mùa hè,
Đem cá “thu bè” bán giữa chợ đông
[(Hươu: thú rừng, giống hình dạng con nai; nghé: con bò còn nhỏ. Hươu, nai, nghé, bò: 4 con vật. Xuân, hè (mùa hạ), thu, đông: 4 mùa.)]
[(* Bến Nghé: Bến Nghé theo Trịnh Hoài Đức là cái bến uống nước của trâu con,do một tên rất cũ là Kompong Krabey ( bến trâu) đã được Việt hóa.Nhưng ông Đốc phủ Trần Quang Tuất (1765-1825) cho rằng nơi đây có lắm con cá sấu chúng thường kêu nghé nên gọi là Bến Nghé, Trịnh hoài Đức dịch là "Ngưu-tân". Bến Nghé là cái bến sông Saigon có tên là sông Bến Nghé, cũng có tên là Tân Bình Giang hay là Đức Giang lấy nguồn ở Ban Bót (theo Gia-định thống chí) .Còn cái rạch Bến nghé nối dài bởi kinh Tàu -hủ (Arroyo Chinois) ngày xưa có tên là Bình Dương và chỗ nó chảy ra giáp sông Bến Nghé gọi là Vàm Bến Nghé(3bis.) Bến Nghé = Đồng Nai = địa danh xưa chỉ chung vùng Sài Gòn - Gia Định, hay rộng hơn
chỉ cả miền Nam; sông Bến Nghé hay sông Đồng Nai chảy ngang qua vùng Biên Hòa - Sài Gòn.]
Câu ca dao quen thuộc, được phổ nhạc:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về (a li hò lờ).
Hoặc:
Nhà Bè nước chảy chia đôi
Ai về Gia Định cùng tôi thì về
A li hò lờ . . .
[(Nhà Bè; Nơi sông Đồng Nai giáp sông Sài gòn, cũng là tên của một quận thuộc Gia Định. Vùng nầy ngày xưa cư dân khi đến đây lập nghiệp, có cất nhiều nhà trên bè cây, (nhà nổi trên nước) làm tiệm buôn bán, vì tiện đường giao thông. Tên Nhà Bè xuất hiện từ đó.)]
Và vài câu khác trong sách đã nói:
Anh đi ghe cá trảng lườn,
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
Xay lúa giã gạo Đồng Nai,
Gạo thóc về Ngài, tấm cám về tôi.
Ngoài ra còn có câu hò:
“Thượng-thơ, Phó-Soái, Thủ-Ngữ treo cờ, (hò ơ)
Bu-don (bouillon), ôm-lết (omelette), bi-tết (beefsteak) xạc-xây ờ (sacré !)
Mũ-ni (menu) đánh đạo, bây giờ mầy bỏ tao ơ !(hớ hơ)”.
(Thượng Thơ và Phó Soái là tên của hai dinh thự / công sở ở Sài Gòn ngày xưa) Theo ông Vương Hồng Sển, câu hát trên do câu chuyện sau:
Ngày xưa có cặp vợ chồng chuyên bán các thức ăn trên đường phố Sài Gòn. Cả hai vợ chồng đều bập bẹ được một số tiếng Pháp theo kiểu tiếng bồi (tiếng không đúng văn phạm). Lúc còn nghèo, có vẻ gắn bó với nhau. Nhưng khi làm ăn kha khá lên rồi thì anh chồng bắt đầu bê bối, bỏ vợ, đi theo người khác. Chị vợ giận nên mới làm câu hò trên để phân tỏ sự tình. Những chữ trong câu là tên thức ăn (bu-don = nước lèo, nước xúp; ôm-lết = trứng quậy ra và chiên; bi-tết = thịt bò chiên, đây là chữ gốc Anh; xạc-xây = rầy rà; mũ-ni = thực đơn.
Thêm vào còn có câu ca dao:
Bao giờ bắt được giặc Khôi,
Cho yên việc nước cho tôi đặng về.
(Lê văn Khôi nổi loạn, chống vua Minh Mạng, chiếm giữ Sài Gòn được ba năm. Sau khi Khôi chết, triều đình Huế bình định Sài Gòn. Vua Minh Mạng ra lệnh phá bỏ thành Sài Gòn (1835). Năm sau vua ra lệnh xây lại thành khác, nhỏ hơn thành trước.
Đến đây hết những câu trích từ sách Sài Gòn Năm Xưa của học giả VHS. Thêm Những Câu Ca Dao Liên Hệ Đến Địa Danh Sài Gòn Sài Gòn từ xưa đến nay, luôn là địa điểm thu hút dân các vùng khác đến để học
hoặc tìm việc làm.
Chiều nay chắc áo xa bâu
Chợ Sài Gòn anh ở, còn huyện Tổng Châu em về!
Sài Gòn thiên hạ rộn ràng
Qua đây nhớ bậu không màng cuộc chơi
Xứ nào vui bằng xứ Sài Gòn
Người đi như hội, anh còn nhớ em
Ai đem em đến Sài Thành,
Phồn hoa ai khéo dỗ dành hở em.
Đất Sài Gòn anh ở
Xứ Cần Thơ em trở lộn về
Bấy lâu sông cận biển kề
Phân chia mai trúc, dầm dề giọt châu.
Đất Sài Gòn nam thanh nữ tú
Cột cờ Thủ Ngữ cao thiệt là cao
Em thương anh vàng võ má đào
Tìm anh khắp chốn, vàng thau khó lường.
Gạo Ba Thắc trắng như bông bưởi,
Nước phông tên tiền rưỡi một đôi.
Sàigon vui lắm em ơi,
Lấy chồng về đó, một đời sướng thân.
[(Ba Thắc: địa danh ở Lục Tỉnh, sách Pháp ghi là Bassac (5), (trang 53) có 3 giải thích:
1. Vùng đất mà khi xưa, lúc còn thuộc Kampuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac (Pháp:Trans-Bassac). Vùng nầy là vùng từ Châu Đốc xuống đến Bạc Liêu.
2. Tên của chi nhánh sông Mekong (Cửu Long), có tên là Hậu Giang.
3. Tên của một trong ba cửa biển của Hậu Giang: Định An, Bassac và Trấn Di (VHS)].
Gặp em chưa kịp trao lời
Kiểng Ba Son vội đổ, rã rời đôi ta.
[(Ba son: tên xưởng đóng và sửa chữa tàu ở cạnh sông Sài Gòn. Ông Vương Hồng Sển (4) có đưa ra mấy giả thuyết về nguồn gốc của từ nầy. Trước hết có lẽ nó là tên của một người thợ (anh Ba Son).
Kế đó nó có thể bắt nguồn nơi tên “mare au poisson” (đầm hay hồ cá) mà ra vì khi xưa, có một con kinh nhỏ gần đó, có nhiều cá và người ta hay đến đó câu. Sau nầy kinh đã được lấp rồi nhưng tên Việt hóa vẫn còn tiếp tục được sử dụng.
Tiếp theo là giả thuyết nói rằng chữ ba son có nguồn từ chữ bassin (de radoub) = cái ụ tàu, vì sách xưa có ghi là người Pháp đã dùng một chi phí lớn để xây cái bassin de radoub nầy.
Sau hết, cũng theo ông Sển, thì có một nhân vật khác của Nam VN giải thích rằng chữ “ba son” là do nguyên ngữ reparation (có nghĩa sửa chữa) mà ra) Ông Vương Hồng Sển có đưa ra mấy giả thuyết về nguồn gốc của từ nầy.
Ngoài ra còn có vài địa danh gốc Pháp khác ở Sài Gòn: Vườn Bồ Rô, Đa Kao, Lăng tô.
a) Vườn Bồ Rô: Đây là công viên nổi tiếng của Saigon, cũng được gọi là Vườn Ông Thượng. Theo Phụng Nghi trong quyển Sài gòn Trong Mắt Tôi thì công viên nầy dưới thời Pháp thuộc có tên Parc Maurice Long và dân Pháp gọi nó là Jardin De Ville hay Công viên thành phố. Dưới thời VNCH tên chánh thức của nó là Vườn Tao Đàn. Hiện nay nó là Công Viên Văn Hóa.
Cũng theo Phụng Nghi ghi lại lời của ông Vương Hồng Sển thì chữ bồ rô trước có lẽ do nguyên ngữ préau mà ra, vì préau có nghĩa là sân có lợp nóc. Ông Sển cũng có ghi ra ý kiến của một người khác là chữ “bồ rô” có thể do chữ bureau mà ra vì các phu làm vườn cuối tháng phải lên văn phòng hay lên bureau để lãnh lương; hoặc giả Bureau là tên của ông xếp coi công viên nầy.
Dầu có nguồn từ nguyên ngữ nào, “Vườn Bồ Rô” vẫn đã là nơi có nhiều kỷ niệm của một số lớn dân Saigòn, và tên đó vẫn là một tên quen thuộc đối với những người lớn tuổi.
Đa Kao: Người Pháp viết theo âm của chữ Đất Hộ của VN; theo ông Tân Việt Điêu (3 bis) chữ Đất Hộ là chữ đọc trại của nguyên ngữ Đất Mộ (đất của lăng).
Lăng tô: Theo ông Bình Nguyên Lộc (1), ở phần Nam của Sài Gòn, vùng Khánh Hội, sát bờ sông Bến Nghé khi xưa có một làng tên An Thọ. Pháp viết là “Le An Tho”, viết tắt là l’Antho, và . . . đọc thành Lăn-Tô.)]
Cũng theo Bình Nguyên Lộc vào khoảng 1925-54:
Thuở ấy hễ cô nào ăn mặc lòe loẹt nhiều màu thì trẻ con cứ cho là đẹp. Mà có lẽ người lớn cũng thế, thế cho nên mới có bài ca điệu “Hành-Vân-Lưu-Thủy” sau đây:
Cô đội cái khăn bông hường
Xúc động (cái) lòng tôi thương.
Ông nhắc đến gái đẹp của Sài Gòn ngày xưa. Ông cũng nhắc đến câu ca dao cảnh cáo nam nhi về các bệnh mà các cô gái làng chơi có thể đang mang trong người:
Chiều chiều, cô Bảy, cô Ba,
Cô nào lịch sự: tim la*, hột xoài*.
(* tên bình dân của hai loại bệnh hoa liễu)
Những câu ca dao khác:
Ghe ai đỏ mũi xanh lườn.
Phải ghe Gia Định xuống (miệt) vườn thăm em.
Ghe anh đỏ mũi xanh lườn
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em.
Giặc Sài Gòn đánh xuống
Binh ngoài Huế đánh vô
Anh biểu em đừng đợi đừng chờ
Để anh đi lấy đầu giặc tế cờ nghĩa quân.
Muốn làm kiểng, lấy gái Sài Gòn
Muốn ăn mắm cái, lấy gái đen giòn Bạc Liêu.
Ai về Bà Điểm, Hốc Môn,
Hỏi thăm người ấy có còn hay không!
Để tôi kiếm sợi chỉ hồng,
Chờ ông Tơ bà Nguyệt kết vợ chồng đôi ta.
Câu nhớ thương và câu thề thốt của chàng trai Bến Nghé - Đồng Nai:
Anh xa em chưa đầy một tháng
Nước mắt tuôn lai láng hai mươi tám đêm ngày.
Chừng nào cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ anh mới sai lời.
Hoặc:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nghiêng chùa Châu Thới* mới sai lời nguyền.
*Châu Thới: núi Châu Thới , ở phía Bắc Sài Gòn (thuộc Biên Hòa) cao 65m, trên núi có ngôi chùa tên chùa Hội sơn được trùng tu vào đầu thế kỷ thứ 19, nhờ công đức sư Khải Long (3bis).
Chừng nào Chợ Lớn hết vôi,
Em đây hết đứng, hết ngồi với anh
Bao giờ Long Thọ* hết vôi
Đồng Nai hết nước anh thời quên em.
(*Long Thọ: địa danh gần Huế, nổi tiếng về sản xuất vôi.)
Chừng nào đá nát vàng phai
Cửu long hết nước mới sai lời nguyền.
Hay là:
Chừng nào trời nọ bể hai
Bông vông* màu trắng mới phai lời thề.
[(* Vông: Một loại cây ở đồng bằng Đồng Nai – Cửu Long, có bông (hoa) màu đỏ
sậm.)]
Chừng nào cầu quây* nọ thôi quây.
Thì qua với bậu mới dứt dây cương thường.
[(Theo Bình Nguyên Lộc (1):
Con đường chạy từ Saigon xuống Phú Xuân, Nhà Bè, thì tại đầu đường, phía Saigon, là một chiếc cầu sắt, bắc ngang rạch Ông Lãnh. Cầu nầy mang tên là cầu Quây, vì mỗi ngày phải quây nó một lần để thương thuyền vùng Đồng Nai vào được tới Chợ Lớn. Cầu gồm hai phần, mỗi phần nằm ở một bờ rạch. Đúng mười hai giờ trưa thì cả hai phần đầu cầu được máy điện xoay cho nó xếp vào một bờ rạch. Vậy là cửa rạch được mở
lớn ra. Khi ông Diệm lên nắm chánh quyền thì cầu đó quá cũ, phải xây lại,. . . nhưng họ xây cầu bê-tông, không còn quay được nữa, hóa ra hàng hóa vùng Đồng Nai, phải được đưa tới Saigon bằng xe cam nhông, tiền chuyên chở nặng, tạo ra tăng giá hàng. Thuở đó dân Saigon còn sáng tác ca-dao, tức còn giống như người xưa phần nào. Và chiếc cầu quây nầy cũng đã gợi hứng cho các nhà thơ nặc danh đó”)].
Có một bạn trẻ vừa gởi đến (4-2009) câu sau đây để nói về tình trạng ngập nước bùn sình ở SG sau những cơn mưa:
Sài Gòn mưa xuống sạch đường
Đổi tên mưa xuống sình trườn khắp nơi.
Thay Lời Kết
Xin mượn phần 2 bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn thay phần kết: Sài Gòn niềm nhớ không tên:
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Mất từng con phố đổi tên đường
Khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
Ôi tình buồn như đã sống thêm.
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như trường xưa mất tuổi thiên thần
Hy vọng xa hay mộng ước gần
Nay còn gì đâu?
Ai ra đi nhớ hoài câu thề
Nơi quê hương muôn người chờ ngóng
Tôi tiếc thời âu yếm xa xưa
Bây giờ còn đâu.
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
Như hàng cây lá đỏ trong tìm
Như mộ bia đã lạnh hương nguyền
Như trời sâu đã bỏ đất liền
Còn gì đâu.
Nụ cười về trên nét môi
Hạnh phúc tôi, một góc trời
Xe ngựa trên đường phố Sài Gòn
Xe ngựa loại nầy có tên là “xe thổ mộ”
Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại
Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi
Saigon 1960’s - Đường Lê Lợi với Khách sạn Rex
Sài Gòn vào thập niên 1960’s. Xe taxi hiệu Renault (gọi là Renault cách (quatre = 4 vì
máy xe mạnh 4 mã lực, ít tốn xăng) rất thông dụng. Ngoài ra cò có xe Vespa và xe
Lambretta của Ý là 2 loại xe hai bánh, gắng máy, loại khá đắt tiền so với các loại xe gắng
máy hai bánh khác.
Phụ chú: Ba tấm hình trên đây, rất tiếc, không biết tác giả là ai , không thể ghi chú ở phần tham khảo, nhưng chúng tôi xin thành thành thật cảm tạ những tác giả. (Và cảm tạ những bằng hữu đã gởi hình đến chúng tôi qua e mail dưới dạng forward, nhưng không có xuất xứ, để gọi là góp thêm hình ảnh cho bài phong phú hơn.)
Tài liệu tham khảo
Tài liệu truyền khẩu:
1. Một số câu ca dao do các “bạn già” cung cấp.
2. Tài liệu do Tiến Sĩ Phan Tấn Tài sưu tầm và email đến chúng tôi.
Sách:
1. Bình Nguyên Lộc. ? “Sai Gòn xưa in ít” Tạp văn.
2. Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970). Việt Nam Tự Điển. Khai Trí xb., Saigon, VN.
3. Nguyễn Trúc Phương (1970). Văn học bình dân. Nxb Khai Trí Saigon, VN.
3.bis Tân Việt Điêu (1958). “Sông núi Miền Nam”, Văn Hóa Nguyệt San số 33.
4. Vương Hồng Sển (1962). Sài Gòn năm xưa, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, VN.
5. Vương Hồng Sển (1993). Tự vị tiếng Việt Miền Nam, Nxb Văn hóa, Hồ Chí Minh, VN.
Chợ Bến Thành thời xa xưa, lúc còn Xe Kiếng Xe loại nầy có thể là do 1 con ngựa, hay 2 con ngựa kéo (xe song mã).
Nhớ Sài Gòn
Sài Gòn có bến Chương Dương,
Có Dinh Độc Lập, có đường Tự Do
Có Chợ Quán, có Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm
Có ôtô buýt khắp miền,
Vườn chơi có Thảo Cầm Viên, Tao Đàn
Bến Thành đã tiếng tăm vang
Chợ Cầu Ông Lãnh lại càng nên đi
Xe đò, xe máy, taxi
Bình Tây, Khánh Hội ngại gì xa xôi
Chánh Hưng, Phú Nhuận đây rồi
Thị Nghè, Tân Định nhiều nơi còn chờ
Trải bao thay đổi đến giờ
Khắp nơi đã rợp bóng cờ vinh quang
Sài Gòn - thủ phủ Việt Nam
Mai này kiến thiết mở mang còn nhiều.
Không có nhận xét nào