Ngày 13/10, trực tiếp đề cập Trung Quốc, Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, Campuchia – Chad Roedemeier – cho rằng: “Chúng tôi có những thông tin đáng tin cậy về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiếp tục xây dựng một công trình lớn tại Căn cứ Hải quân Ream”.
Trung Quốc tiếp tục xây dựng căn cứ hải quân ở Campuchia, nỗi lo cho Việt Nam |
Ông Chad Roedemeier cho rằng chính phủ Campuchia đã không hoàn toàn minh bạch về ý đồ, bản chất và quy mô của dự án nói trên, hay về vai trò của quân đội Trung Quốc trong dự án này, điều gây lo ngại về mục đích sử dụng căn cứ quân sự Ream.
Ông Chad Roedemeier nhấn mạnh rằng bất cứ sự hiện diện nào của quân đội nước ngoài tại Ream cũng là vi phạm Hiến pháp của Campuchia và phá hoại an ninh khu vực.
Quan chức của Đại sứ quán Mỹ khẳng định rằng người dân Campuchia “có quyền được biết rõ hơn về dự án này và cần phải lên tiếng yêu cầu sự minh bạch về thỏa thuận quân sự này, bởi nó sẽ có những tác động lâu dài đối với đất nước.”
Trước đó, ngày 12/10, trang web của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã công bố một số hình ảnh chụp từ vệ tinh của công ty công nghệ Maxar Technologies & Planet Labs cho thấy từ ngày 9-22/8/2021, đã có hai tòa nhà mới được xây dựng hướng về phía Bắc Căn cứ Hải quân Ream. Đây là những tòa nhà nằm cạnh hai công trình được xây dựng từ mùa xuân năm nay.
Vào cuối tháng 8/2021, một con đường mới đã bắt đầu được thi công từ cổng phía Tây Nam căn cứ Ream tới khu vực bờ biển có các công trình mới. Công trình này tiếp tục được thi công trong những ngày đầu tháng 10/2021.
Trong tháng 8/2021, công việc dọn dẹp cũng được bắt đầu trên một lối đi kéo dài từ phía Tây Nam tới con đường mới, nằm ở phía sau một bệnh viện do Việt Nam tài trợ xây dựng.
Điều này cho thấy có khả năng một con đường thứ hai đang được làm để cắt ngang một khu vực rộng lớn mà Campuchia đã chuẩn bị và sau đó rào kín trong năm 2019, ngay trước thời điểm thông tin về việc Trung Quốc đạt thỏa thuận tiếp cận căn cứ này bị lan truyền. Cho đến nay, tất cả những gì được xây dựng trong khu vực này vẫn còn chưa rõ ràng.
Campuchia nói gì?
Ngày 14/10, chính phủ Campuchia đã bác bỏ tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh rằng Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động thi công tại Căn cứ Hải quân Ream ở phía Tây Nam Campuchia.
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan nhấn mạnh những cáo buộc của phía Mỹ là vô căn cứ và chỉ lặp lại những điều mà Thủ tướng Hun Sen trước đó đã nhiều lần chứng minh là thông tin giả mạo.
Ông Phay Siphan cho biết Campuchia hoàn toàn có đủ năng lực tự phát triển căn cứ Ream và sẽ không cho phép bất cứ quốc gia bên ngoài nào đặt các cơ sở quân sự trên chủ quyền lãnh thổ của mình.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh mọi quốc gia, trong đó có Mỹ, hỗ trợ việc xây dựng Căn cứ Hải quân Ream, và cũng hoan nghênh sự giúp đỡ của Trung Quốc.”
Vì sao Mỹ lo ngại?
Căn cứ hải quân Ream đã trở thành tâm điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Campuchia từ vài năm nay, sau khi báo Wall Street Journal hồi năm 2019 đưa tin về sự tồn tại một thỏa thuận bí mật, trong đó Campuchia đồng ý tiếp nhận các quân nhân Trung Quốc tại căn cứ vùng duyên hải này.
Sau đó, việc Campuchia bất ngờ phá hủy những cơ sở hải quân do Mỹ hỗ trợ xây dựng đã gây khó chịu cho Washington cho dù Campuchia một mực khẳng định không thiên vị bất cứ quốc gia nào.
Hồi đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, đồng thời muốn chính quyền Phnom Penh giải thích về việc phá bỏ những cơ sở quân sự do Mỹ tài trợ tại Campuchia.
Là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm Campuchia trong nhiều năm qua, bà Sherman đã bày tỏ quan ngại và đưa ra đề nghị nói trên trong khuôn khổ cuộc gặp Thủ tướng Hun Sen hôm 1/6.
Lầu Năm góc hồi năm 2020 cho biết Washington quan ngại về những báo cáo cho rằng trụ sở chỉ huy chiến thuật của Hải quân Campuchia tại căn cứ Hải quân Ream đã bị phá dỡ và yêu cầu phía Campuchia giải thích về sự việc này.
Trụ sở này chỉ dài khoảng 30 m và là nơi chứa một số tàu tuần tra nhỏ.
Đến tháng 10/2020, Campuchia cho biết họ đã san bằng trụ sở này để phục vụ cải tạo mở rộng thêm và sẽ chuyển trụ sở đã bị phá dỡ đến vị trí khác, song phủ nhận những thông tin về sự liên quan của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau này Campuchia đã khẳng định Trung Quốc trực tiếp tham gia sửa chữa và cải tạo căn cứ này.
Kể từ năm 2019, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng hai dự án do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia được thiết kế nhằm mang lại một chỗ đứng vững chắc cho quân đội Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Hai căn cứ tạo ra mối lo ngại đều nằm dọc theo bờ biển phía Tây Nam của Campuchia.
Đầu tiên là căn cứ Hải quân Ream do Hải quân Hoàng gia Campuchia điều hành thuộc tỉnh Sihanoukville, có diện tích khoảng 76 hectares.
Từ năm 2010, đây là nơi diễn ra các cuộc tập trận hải quân và huấn luyện chung hàng năm giữa Campuchia và Mỹ trong khuôn khổ chương trình Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT).
Căn cứ này đang được tu sửa lớn với nguồn kinh phí do Trung Quốc chi trả.
Cơ sở hạ tầng bao gồm nhiều tòa nhà nhỏ, một trong số đó được Mỹ tài trợ xây dựng từ năm 2012 và là trung tâm an ninh hàng hải.
Hồi tháng 1/2020, Campuchia đã hỏi Mỹ liệu họ có trả tiền để nâng cấp tòa nhà hay không. Mỹ đồng ý, nhưng chỉ trong vài tháng, Campuchia đã thay đổi quyết định và nói rằng họ không cần sự giúp đỡ của Mỹ nữa. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chi trả tiền nâng cấp.
Đến tháng 9/2020, trung tâm an ninh hàng hải đã được di dời và tòa nhà bị phá bỏ.
Địa điểm thứ hai nằm xa hơn, trên bờ biển tại Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong.
Năm 2008, một tập đoàn các công ty xây dựng Trung Quốc do Tập đoàn Phát triển Liên minh (UDG) đứng đầu đã đàm phán hợp đồng 99 năm với Chính phủ Campuchia thuê 36.000 hectares (360 triệu m2) bất động sản đắc địa bên bờ biển tại Dara Sakor.
Khu vực này chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia.
Dự án khu công nghiệp, nhà ở và du lịch trị giá 3,8 tỷ USD bao gồm một cảng nước sâu và một đường băng sân bay dài 3,2 km có thể chứa hầu hết các loại máy bay quân sự.
Kể từ đó, dự án này đã trở thành một trong những dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Ream và Dara Sakor hướng ra Vịnh Thái Lan, và các tàu chiến của Trung Quốc được triển khai ở đây sẽ chỉ mất một ngày để tới eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược mà phần lớn năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.
Các nhà phân tích Trung Quốc từ lâu đã coi eo biển Malacca là nơi dễ tổn thương chiến lược.
Sự hiện diện của tàu chiến gần đó để bảo vệ các tàu hàng Trung Quốc có thể giúp giảm bớt tình trạng mất an ninh năng lượng của Bắc Kinh.
Việt Nam cần lên tiếng
Campuchia có vị trí địa chiến lược quan trọng khi nằm bên bờ Vịnh Thái Lan và cũng thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sự hiện diện của một căn cứ quân sự ở Campuchia trên Vịnh Thái Lan sẽ tạo thêm điều kiện cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) tiếp cận sườn phía Nam Biển Đông, đồng thời cải thiện khả năng ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào gần eo biển Malacca, nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc, với khoảng 80% lượng nhiên liệu nhập khẩu của nước này đi qua đó.
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia sẽ không có giá trị gì trong việc thúc đẩy các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông do nước này đã xây dựng các căn cứ quân sự lớn trên 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Nhưng nó sẽ gây ra áp lực đối với Việt Nam.
Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng Trung-Việt về các đảo đang tranh chấp, Bắc Kinh có thể gửi đi một thông điệp chiến lược bằng cách gửi tàu chiến và máy bay quân sự đến Campuchia như một lời cảnh báo đối với Hà Nội.
Sự hiện diện của PLA tại Campuchia cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương với Việt Nam.
Mặc dù ông Hun Sen có quan hệ thân thiết với Trung Quốc nhưng ông luôn thận trọng vun đắp mối quan hệ chính trị thân tình với Hà Nội.
Việt Nam có mối quan hệ thân tình với Campuchia và ông Hun Sen.
Mới đây, lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã có cuộc gặp để thể hiện sự thân tình này.
Sang năm, Campuchia cũng sẽ giữ chức vụ Chủ tịch ASEAN.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải thẳng thắn nói lên quan ngại của mình trước việc có khả năng Trung Quốc sẽ đặt một căn cứ quân sự tại Campuchia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đường lối ngoại giao của Việt Nam đối với Lào và Campuchia vẫn mang tư tưởng cũ, luôn nhấn mạnh đến tình anh em, mà không thẳng thắn đưa ra các lợi ích và các đòi hỏi kèm theo.
Cho đến nay, phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa thể hoàn tất vì một số lý do, mà trong đó có những sơ suất chủ quan từ phía Việt Nam.
Không có nhận xét nào