Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật trừng phạt các hành động « đe dọa hòa bình » của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai thượng nghị sĩ đồng chủ trì dự luật kêu gọi Thượng Viện Mỹ nhanh chóng thông qua luật, để khẳng định mạnh mẽ cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chủ quyền của các nước đồng minh, và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Tin tức thế giới ngày Thứ tư 20 tháng 10 năm 2021 |
Trên Twitter, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện Mỹ, ông Bob Menendez, thông báo trong cuộc họp hôm qua, 19/10/2021, Ủy ban đã thông qua dự luật South China Sea and East China Sea Sanctions Act / Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông (S.1657). Hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa) và Ben Cardin (đảng Dân Chủ) - đồng chủ trì dự luật của lưỡng đảng - ra thông cáo báo chí « hoan nghênh Ủy ban thông qua luật nhắm vào các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông ».
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Rubio nhấn mạnh: « Không có mối đe dọa nào lớn hơn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở hơn đảng Cộng Sản Trung Quốc và lực lượng vũ trang của ĐCSTQ - Quân đội Giải phóng Nhân dân », và « rủi ro đối với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ trong khu vực là có thật. Hoa Kỳ cần các công cụ bổ sung để đối đầu với Bắc Kinh khi quốc gia này tiếp tục nỗ lực xác lập việc kiểm soát bất hợp pháp về chủ quyền trên biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông ».
Về phần mình, thượng nghị sĩ Dân Chủ Ben Cardin khẳng định: « Dự luật của chúng tôi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ của lưỡng đảng, là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ tuyến lưu chuyển thương mại tự do và tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền của các đồng minh và thúc đẩy giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế ».
Trừng phạt các dự án Trung Quốc tại khu vực tranh chấp với một quốc gia ASEAN
Đạo luật S.1657 sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với « các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định một cách hung hăng các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc trên các khu vực rộng lớn tại với Biển Đông và Hoa Đông ». Theo văn bản này, tổng thống phải áp đặt các biện pháp « phong tỏa tài sản và từ chối cấp thị thực đối với những cá nhân và thực thể Trung Quốc nào đóng góp vào các dự án phát triển ở các khu vực của Biển Đông, bị một quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á phản đối, hoặc tham gia trong các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình hoặc ổn định ở các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, hoặc trong khu vực biển Hoa Đông do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý ».
Dự luật cấm các thực thể Hoa Kỳ đầu tư hoặc cung cấp bảo hiểm cho các dự án liên quan đến những thực thể bị trừng phạt ở một trong hai vùng biển nói trên. Và bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ « phải báo cáo định kỳ với Quốc Hội, xác định các quốc gia công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Một số loại viện trợ nước ngoài có thể không được cung cấp cho các quốc gia đó ».
Dân chết nhiều vì COVID, Tổng thống Brazil bị đề nghị tội giết người
Một thượng nghị sĩ Brazil đã trình lên một ủy ban của Thượng viện điều tra việc chính phủ ứng phó với đại dịch Covid-19 một bản phúc trình trong đó khuyến nghị rằng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nên bị truy tố tội giết người vì những sai lầm mà chính pphủ của ông mắc phải dẫn tới cái chết của hàng trăm ngàn người.
Theo hãng tin Reuters, bản phúc trình dài gần 1,200 trang mà Thượng nghị sĩ đối lập Renan Calheiros nộp lên ủy ban điều tra Thượng viện tố cáo ông Bolsonaro đã bỏ qua những cơ hội sớm để chính phủ đặt mua vaccine, trì hoãn việc tiêm chủng cho người dân, góp phần gây ra cái chết của khoảng 95,000 người.
Với khoảng 600,000 người chết, tính đến nay Brazil là nước có số tử vong vì Covid cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số thì số tử vong vì Covid của Brazil cao nhất thế giới.
Phúc trình nói ông Bolsonaro đi theo “một niềm tin không có căn cứ vào lý thuyết miễn dịch cộng đồng do lây nhiễm tự nhiên và vào biện pháp chữa trị”. “Không có vaccine, số người chết sẽ tăng khủng khiếp và thực tế cho thấy đúng như vậy,” phúc trình viết thêm.
Ông Bolsonaro bị các chuyên gia y tế chỉ trích gay gắt vì ông phát biểu chống lại biện pháp phong tỏa, thường từ chối mang khẩu trang ở nơi công cộng và tuyên bố ông không tiêm vaccine.
Ông cũng cổ vũ cho các cách chữa bệnh không được kiểm chứng như dùng thuốc ký ninh trị sốt rét (hydroxychloroquine) để chữa Covid-19.
Phúc trình nói ông Bolsonaro “phải chịu trách nhiệm chính cho những sai lầm mà chính phủ mắc phải trong thời đại dịch Covid-19” và rằng ông hành động chống lại lời khuyên của Bộ Y tế khi cổ vũ việc sử dụng các cách chữa bệnh chưa được chứng minh.
Tính chung, phúc trình khuyến nghị 13 tội danh hình sự chống lại ông Bolsonaro, bao gồm cả tội diệt chủng (genocide) chống lại người Brazil bản địa vì những hành động làm cho các cộng đồng của họ dễ bị virus gây thương tổn.
Bản phúc trình còn cần phải được ủy ban của Thượng viện bỏ phiếu; nó có thể bị bác bỏ hoặc sửa đổi. Việc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra trong tuần sau.
Văn phòng tổng thống và Bộ Y tế Brazil chưa trả lời yêu cầu bình luận của báo chí.
Tổng thống Bolsonaro nói rằng cuộc điều tra của Thượng viện Brazil có động cơ chính trị. Ông ta sẽ gần như không bị đưa ra xét xử về các tội trạng như vậy vì cáo trạng phải do Tổng Chưởng lý Brazil lập mà đây lại là người do ông Bolsonaro bổ nhiệm.
Sáng sớm hôm nay thứ Ba, ông Bolsonaro nói với người ủng hộ mình rằng cuộc điều tra là “trò đùa” và ông không bận tâm tới nó.
Hai hãng bán dẫn lớn sắp công bố kết quả kinh doanh
Đầu tiên, vào thứ Tư, là ASML của Hà Lan. Đây là nhà cung cấp duy nhất trên thế giới về máy in thạch bản “cực tím” công nghệ cao, rất quan trọng trong quy trình sản xuất chip tiên tiến. Cổ phiếu của hãng đã tăng vọt kể từ đầu đại dịch, một phần do các khách hàng như TSMC, Samsung và Intel hứa chi hàng trăm tỷ đô la cho các nhà máy sản xuất chip mới nhằm khắc phục tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Vào thứ Năm đến lượt Intel của Mỹ công bố kết quả. Sau nhiều thập niên thống trị nghệ thuật sản xuất chip, hãng này giảm tốc trong những năm gần đây. CEO mới Pat Gelsinger đã tiết lộ một kế hoạch xoay chuyển đầy tham vọng. Nhưng cổ phiếu Intel vẫn đi sau thị trường và các công ty chip khác.
Chủ nghĩa tân phát xít manh nha trở lại ở Ý
Vào thứ Tư, các nhà lập pháp Ý sẽ xem xét cấm một nhóm nhỏ theo chủ nghĩa tân phát xít, Forza Nuova (FN), sau khi một đám đông ủng hộ nhóm này xông vào trụ sở của tổng công đoàn lớn nhất đất nước. Đảng Dân chủ trung tả đã khởi động tiến trình ra lệnh cấm, trích dẫn hiến pháp và luật năm 1952. Cả hai văn kiện này đều cấm mọi phong trào muốn hồi sinh Đảng phát xít của Benito Mussolini.
Hơn một chục thủ lĩnh FN đã bị bắt kể từ vụ tấn công, vốn diễn ra trong một cuộc biểu tình chống vắc-xin hồi đầu tháng. Nó gợi nhớ đến cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Mỹ, và gây khó cho phong trào Anh em nước Ý, vì đảng này mang tiếng có liên hệ với tân phát xít. Các cuộc thăm dò cho thấy Anh em nước Ý đã trở thành đảng chính trị được ủng hộ nhất ở Ý. Nhưng không phải ở mọi nơi: vào thứ Hai các đảng cánh tả đã thắng bầu cử địa phương ở Rome và Turin, qua đó thắng hết mọi thành phố lớn nhất đất nước.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Colobia sau sự cố Hội chứng Havana
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken sẽ tới Bogotá, thủ đô Colombia, trong chặng thứ hai của chuyến công du Mỹ Latinh vào thứ Tư. Nền dân chủ ở khu vực rất mong manh trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Và Mỹ còn đang phải đối mặt với một mối đe dọa khác, lặng lẽ hơn mà ông Blinken có thể sẽ nhắc tới: hội chứng Havana.
Vào ngày 12 tháng 10, ít nhất 5 gia đình người Mỹ có liên hệ với đại sứ quán ở Bogotá đã báo cáo về chứng bệnh bí ẩn này, vốn được ghi nhận lần đầu vào cuối năm 2016 tại Havana, thủ đô Cuba. Các triệu chứng kỳ lạ bao gồm buồn nôn, mệt mỏi và mất thính giác. Chụp cắt lớp sọ não cũng cho thấy dấu hiệu chấn thương. Những vụ việc như vậy, hiện đã lên đến hơn 200 vụ, dẫn đến một thỏa thuận lưỡng đảng hiếm hoi ở Quốc hội Hoa Kỳ, theo đó nhất trí thông qua dự luật bồi thường cho các nạn nhân vào tháng trước. Song nguyên nhân của căn bệnh vẫn chưa rõ ràng và tổ điều tra của Bộ Ngoại giao để giải quyết căn bệnh này lại thiếu vắng lãnh đạo. Tại Bogotá, ông Blinken sẽ cố gắng đi tìm câu trả lời.
Các tàu hải quân của Trung Quốc và Nga cùng đi qua eo biển Nhật Bản
TOKYO – Một nhóm 10 tàu hải quân của Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển ngăn cách đảo chính của Nhật Bản và phía bắc đảo Hokkaido của nước này vào hôm thứ Hai (18/10), chính phủ Nhật Bản cho biết, đồng thời nói thêm rằng họ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động như vậy.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản xác nhận lộ trình các tàu hải quân của Trung Quốc và Nga cùng đi qua Eo biển Tsugaru – eo biển ngăn cách Biển Nhật Bản với Thái Bình Dương.
Trong khi eo biển này được coi là vùng biển quốc tế, nhưng mối bang giao của Nhật Bản với Trung Quốc từ lâu đã xấu đi do các tuyên bố xung đột về một nhóm các đảo nhỏ ở Biển Hoa Đông. Tokyo cũng có tranh chấp lãnh thổ với Moscow.
Phó Chánh văn phòng Nội các Yoshihiko Isozaki nói trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Ba (19/10) rằng, “Chính phủ đang theo dõi sát sao các hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản như lần này với sự quan tâm cao độ”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức trong hoạt động giám sát của mình ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản”.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết không có hành vi xâm phạm lãnh hải Nhật Bản và không có quy tắc quốc tế nào bị phá vỡ do các tàu này qua lại.
Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Nhật Bản trong khuôn khổ hợp tác hải quân giữa hai nước từ ngày 14/10 tới ngày 17/10 gồm cả các chiến hạm và các tàu hỗ trợ từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.
Moscow và Bắc Kinh đã tăng cường các liên kết quân sự và ngoại giao chặt chẽ hơn trong những năm gần đây vào thời điểm quan hệ của họ với phương Tây trở nên tồi tệ.
Do Kiyoshi Takenaka thực hiện
Cẩm An biên dịch
FBI bố ráp hai căn nhà liên quan tới ông trùm tỉ phú Nga
Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI ngày 19/10 lục soát hai căn nhà tại Washington và New York có liên quan tới tỉ phú Nga Oleg Deripaska, người có quan hệ với Điện Kremlin.
Các nhân viên FBI bê các thùng đồ ra khỏi một biệt thự tại một trong những khu vực giàu nhất Washington. Trước sân nhà này bị giăng dây với dòng chữ “Hiện trường tội phạm-Cấm vào” và xe cộ đậu ở đó bị kéo đi nơi khác.
Một phát ngôn viên của FBI xác nhận là họ đang thực hiện một hành động thi hành luật pháp được tòa cho phép tại ngôi nhà mà tờ Washington Post nói là có liên hệ với tỉ phú Nga.
Chưa rõ lý do phong toả và lục soát biệt thự này là gì.
Một đại diện của ông Deripaska cho biết ngôi nhà này cùng với một ngôi nhà ở New York thuộc quyền sở hữu của thân nhân của nhà tỉ phú. Hiện không biết ông Deripaska đang ở đâu.
Một phát ngôn viên của văn phòng FBI tại New York xác nhận có “hoạt động thực thi luật pháp” tại ngôi nhà ở Greenwich Village, thành phố New York, nhưng từ chối bình luận thêm.
Ông Deripaska, 53 tuổi, bị Mỹ chế tài kể từ năm 2018. Washington áp đặt chế tài lên ông này và những người Nga có thế lực khác vì mối liên hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau vụ Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Đại diện của ông Deripaska xác nhận hai ngôi nhà vừa kể bị bố ráp và cho biết hai căn nhà này là của đình Deripaska chứ không phải của ông ấy.
Nguồn tin vừa kể cho biết cuộc lục soát được thực hiện dựa trên hai trát tòa liên hệ đến chế tài của Mỹ, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Bắc Triều Tiên xác nhận thử tên lửa đạn đạo công nghệ cao
Hôm nay, 20/10/2021, Bắc Triều Tiên chính thức xác nhận hôm trước đã thử tên lửa đạn đạo được chế tạo với « nhiều công nghệ tiên tiến về điều khiển dẫn đường », được bắn đi từ tàu ngầm. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập họp khẩn cấp trong ngày.
Theo AFP, truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên xác nhận vụ thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới được phóng đi từ tàu ngầm.
Quân đội Hàn Quốc hôm qua đã loan báo chi tiết Bắc Triều Tiên phóng ra biển một tên lửa đạn đạo chiến lược từ Sinpo, một địa phương ở phía đông Bắc Triều Tiên. Tên lửa đã bay được khoảng 590 km với độ cao tối đa khoảng 60 km.
Theo hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, vũ khí mới thử nghiệm được trang bị « nhiều công nghệ tiên tiến về điều khiển dẫn đường » và tên lửa được phóng đi từ tàu ngầm « 8.24 Yongung », từng được sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo cách đây 5 năm.
Năm 2016 và 2019, Bắc Triều Tiên từng thông báo đã tiến hành hai vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm, nhưng khi đó bộ Quốc Phòng Mỹ và các chuyên gia cho rằng đó chỉ là từ những bệ phóng đặt chìm dưới biển.
Nếu như thực sự tên lửa mới của Bắc Triều Tiên được phóng đi từ một tàu ngầm đang hoạt động thì đây là một tiến bộ công nghệ lớn trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Như vậy, quân đội Bắc Triều Tiên đã có khả năng triển khai tên lửa một cách cơ động bên ngoài các căn cứ trong đất liền để tránh được những đòn tấn công phủ đầu.
Bắc Triều Tiên liên tiếp bắn thử các loại tên lửa trong lúc mà các đối thoại giữa Washington- Bình Nhưỡng về chương trình vũ khí và hạt nhân của Bắc Triều Tiên bế tắc hoàn toàn.
Đầu tháng này, Bình Nhưỡng đã thông báo phóng thành công tên lửa siêu thanh tầm xa từ một đoàn tàu lửa.
Bắc Triều Tiên khẳng định cần có một kho vữ khí hiện đại để tự vệ trước khả năng bị Mỹ xâm lược.
Trước những căng thẳng nổi lên trở lại trên bán đảo Triều Tiên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc triệu tập phiên họp khẩn vào chiều hôm nay (giờ New York) về Bắc Triều Tiên, theo đề nghị của Anh và Mỹ.
Bắc Triều Tiên vẫn đang bị hàng loạt các trừng phạt quốc tế vì vi phạm các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hôm qua, Nhà Trắng đã ra thông cáo nhấn mạnh vụ bắn tên của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa, cần khẩn cấp đối thoại với Bình Nhưỡng. Washington cũng khẳng định lại cam kết « không lay chuyển » sẽ hỗ trợ vào bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cũng trong ngày hôm qua, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hàn Quốc đã họp khẩn và kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại.
Không có nhận xét nào