Exxon Mobil tính rút khỏi dự án mỏ Cá Voi Xanh
Wall Street Journal hôm 20/10/2021 đưa tin ban giám đốc tập đoàn dầu khí Exxon Mobil đã thảo luận về việc rút khỏi dự án mỏ Cá Voi Xanh ở Việt Nam, nơi Exxon Mobil sở hữu 64% cổ phần. Mỏ Cá Voi Xanh nằm gần vùng biển mà Trung Quốc yêu sách và đang quyết liệt cản phá các ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, gây ra những hệ luỵ địa chính trị cho dự án.
Bên cạnh dự án mỏ Cá Voi Xanh, ban giám đốc Exxon Mobil cũng thảo luận về việc rút khỏi dự án khí tự nhiên Rovuma trị giá 30 tỷ USD tại Mozambique.
Theo Energy Voice, Exxon Mobil sẵn sàng bán cổ phần ở mỏ Cá Voi Xanh do các bất đồng về điều khoản thương mại với chính phủ Việt Nam, thách thức trong triển khai và việc không có thị trường khí đốt sẵn có nào gần mỏ khí.
Ngoài ra, Exxon Mobil cũng đang xem xét lượng khí thải carbon dự kiến từ các dự án và cách điều này ảnh hưởng tới các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của tập đoàn. Theo Wall Street Journal, hai dự án Cá Voi Xanh và Rovuma nằm trong nhóm có lượng phát thải cao nhất trong các dự án mà Exxon Mobil đang có kế hoạch triển khai.
Xem thêm:
Wall Street Journal ngày 20/10/2021: Exxon Debates Abandoning Some of Its Biggest Oil and Gas Projects
Energy Voice ngày 22/10/2021: ExxonMobil board debates dropping giant projects in Vietnam and Mozambique
Henry Storey: Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lỗ hổng của Mỹ
Theo tác giả, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có một lỗ hổng ở trung tâm. Đó là việc Mỹ thiếu các nỗ lực “trên mức chiếu lệ” để can dự với khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, ông Biden vẫn chưa trao đổi với bất cứ lãnh đạo Đông Nam Á nào. Ngoại trưởng Blinken chỉ bắt đầu giao tiếp chính thức với khu vực từ tháng 7, trong khi Mỹ vẫn bỏ trống vị trí đại sứ tại ASEAN và nhiều quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, các chuyến thăm tới khu vực của các quan chức cấp cao Mỹ như Phó Tổng thống Kamala Harris hay Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin gửi đi các thông điệp trái chiều, bao gồm việc Mỹ nhìn Đông Nam Á chủ yếu qua lăng kính cạnh tranh an ninh với Trung Quốc. Ngoài ra, cách tiếp cận với lĩnh vực an ninh của Mỹ trong khu vực cũng tỏ ra thiếu hụt, trong khi Washington thiếu khả năng tăng cường thương mại với khu vực.
Xem thêm:
The Interpreter ngày 18/10/2021: America’s doughnut shaped Indo-Pacific strategy
Che Pan: Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc thiếu nhân tài
Bài viết chỉ ra Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài “kinh niên” trong lĩnh vực bán dẫn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tham vọng trở thành “siêu cường chất bán dẫn” của Trung Quốc. Một nghiên cứu được xuất bản trong năm nay của Đại học Bắc Kinh cho thấy ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc thiếu khoảng 300.000 nhân tài trong năm 2019, tăng từ con số 150.000 năm 2015. Bên cạnh thiếu về lượng, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành bán dẫn của Trung Quốc còn xuất hiện cả về chất. Một báo cáo của Công ty vốn quốc tế Trung Quốc (CICC) chỉ ra các kỹ sư mới ra trường của Trung Quốc còn khá trẻ. Do đó, nước này vẫn thiếu các lãnh đạo trong ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất chip.
Xem thêm:
SCMP ngày 18/10/2021: China’s semiconductor industry faces a growing talent shortage as Beijing aims for global dominance in chip manufacture
Ấn Độ lo ngại về luật biên giới mới của Trung Quốc
NEW DELHI — Hôm thứ Tư (27/10), Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ lo ngại về một bộ luật mới được Trung Quốc thông qua vào tuần trước nhằm tăng cường hoạt động phòng vệ biên giới trong bối cảnh bế tắc quân sự kéo dài giữa hai siêu cường của Á Châu dọc theo biên giới tranh chấp của dãy Himalaya.
Hôm thứ Bảy (23/10), Trung Quốc đã thông qua một bộ luật quy định cụ thể cách thức quản lý, canh gác và bảo vệ biên giới đất liền dài 14,000 dặm tiếp giáp với 14 quốc gia láng giềng, bao gồm Nga, Bắc Hàn có khả năng hạt nhân, và Ấn Độ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Arindam Bagchi nói trong một tuyên bố, “Quyết định đơn phương của Trung Quốc nhằm đưa ra một đạo luật có thể ám chỉ các thỏa thuận song phương hiện có của chúng tôi trong việc quản lý biên giới cũng như [ám chỉ] vấn đề biên giới. Luật này là mối lo ngại đối với chúng tôi.”
Biên giới dài 3,500 km giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa được phân chia rõ ràng, và các nước láng giềng được trang bị hạt nhân có những yêu sách chồng chéo về chủ quyền đối với các khu vực lãnh thổ rộng lớn dọc theo biên giới này. Hai nước đã xảy ra một cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962.
Hàng ngàn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc cũng vẫn đang tập trung dọc theo biên giới trên dãy Himalaya xa xôi trong khu vực Ladakh, nơi quân đội hai nước đã vướng vào một cuộc đối đầu cao độ hồi năm ngoái, bất chấp hơn một chục vòng đàm phán.
Ông Bagchi nói: “Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ tránh thực hiện các hành động thông qua việc viện dẫn bộ luật này, vốn có thể đơn phương làm thay đổi tình hình ở khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc.”
Bầu cử Nhật Bản: LDP không có đối thủ
Đảng Dân chủ Tự do LDP đã lãnh đạo Nhật Bản suốt từ ngày thành lập năm 1955, chỉ trừ hai giai đoạn ngắn 1993-94 và 2009-12. Triều đại của họ chắc chắn sẽ tiếp tục sau khi cử tri đi bỏ phiếu vào Chủ nhật trong cuộc bầu cử toàn quốc cho Hạ viện Nhật Bản.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chưa đầy một tháng sau khi LDP thay Suga Yoshihide, người bị mất ủng hộ vì cách xử lý covid-19 kém cỏi. Kishida Fumio, nhà lãnh đạo mới, không phải ứng viên yêu thích nhất của công chúng nhưng cũng không gây phản đối.
Chiến lược của LDP dường như đang phát huy tác dụng. Hầu hết các dự đoán đều cho thấy đảng sẽ duy trì thế đa số. Có rất ít khả năng họ bị mất quyền lực, ngay cả khi mất đa số: LDP liên minh với Komeito, một đảng Phật giáo, vốn nắm giữ 29 ghế khác. Sức mạnh của LDP phản ánh sự yếu kém của phe đối lập Nhật Bản, chật vật suốt từ giai đoạn nắm quyền gần đây nhất.
Giáo hoàng sắp gặp Tổng thống Biden
Nhiều giám mục Công giáo Mỹ sẽ vui mừng đón xem Joe Biden gặp Giáo hoàng Francis tại Vatican vào thứ Sáu. Nhưng không phải ai cũng có tình yêu trong trái tim của họ. Các giám mục bảo thủ nhất tin rằng ông Biden, một người Công giáo, đã sai về vấn đề họ coi là quan trọng nhất: phá thai. Họ muốn rút phép thông công mọi chính trị gia ủng hộ quyền lựa chọn phá thai.
Bản thân Giáo hoàng cũng không được nhiều người trong số họ tán thành. Mặc dù Giáo hoàng thường xuyên mô tả việc phá thai là “tội giết người,” nhưng họ vẫn muốn ông nói về nó thường xuyên hơn. Khi bình luận về các chính trị gia và chuyện phá thai, ông đã nói rằng các giáo sĩ nên “là chủ chăn đừng làm kẻ đi buộc tội.”
Tuy nhiên, đối với hầu hết giáo dân Hoa Kỳ, cảnh tượng tổng thống Công giáo thứ hai (sau John Kennedy) gặp giáo hoàng đơn giản là một niềm vui lớn. Nhà Trắng cho biết hai vị sẽ nói về các vấn đề bao gồm “chấm dứt đại dịch covid-19, giải quyết khủng hoảng khí hậu và chăm lo cho người nghèo.”
Bức tranh kinh tế châu Âu
Các nhà kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng tháng 10, được công bố vào thứ Sáu, sẽ cho thấy lạm phát theo năm là 3,7%. Dữ liệu của cả Đức và Tây Ban Nha, công bố vào đầu tuần này, đều cho thấy giá cao hơn dự kiến. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã thảo luận về “lạm phát, lạm phát, lạm phát” tại cuộc họp của họ vào thứ Năm, theo chủ tịch ngân hàng Christine Lagarde. Cũng như các ngân hàng trung ương khác, ECB dự kiến lạm phát sẽ nhanh chóng qua đi.
Vào thứ Sáu, các nhà thống kê cũng sẽ công bố tốc độ tăng trưởng quý 3 của Pháp, Đức và Ý. Dự đoán ngắn hạn đã xấu đi trong những tuần gần đây khi nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Song một số nhà đầu tư vẫn lạc quan về tăng trưởng dài hạn. Chính sách tài khóa nới lỏng ở Đức và chi tiêu của quỹ đầu tư “Thế hệ tiếp theo” của EU sẽ giúp khu vực đồng euro không bị trì trệ như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – miễn là lạm phát giảm.
Thêm nghiên cứu cho thấy tác dụng của vắc-xin covid-19 giảm dần qua thời gian
Một nghiên cứu của Anh được công bố hôm thứ Năm cho thấy những người được tiêm chủng covid-19 đầy đủ cũng dễ làm lây bệnh như người không tiêm chủng. Người đã tiêm phòng hết bệnh mau hơn, nhưng tải lượng virus đỉnh điểm của họ cũng tương tự như người chưa tiêm chủng. Do đó người đã tiêm và chưa tiêm có thể lây cho cùng một số lượng thành viên gia đình. Tuy nhiên, điều tạo nên khác biệt là liệu những người tiếp xúc trong gia đình đã tiêm ngừa hay chưa. Khoảng 25% số người tiếp xúc đã tiêm phòng dương tính, so với 38% ở người chưa tiêm phòng.
Một lý do dẫn đến kết quả không tốt là hiệu quả giảm dần của vắc xin. Dữ liệu từ các thành viên gia đình cho thấy kháng thể bị suy yếu trong vòng ba tháng sau khi tiêm liều hai. Điều này có nghĩa là những người đặc biệt dễ trở nặng có thể cần tiêm nhắc lại sớm hơn thời hạn 6 tháng. Đôi khi có thể cần đeo khẩu trang, thông gió và giãn cách xã hội, ngay cả ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, chẳng hạn như Anh.
Campuchia tặng Việt Nam 200.000 liều vaccine Sinopharm
Số lượng 200.000 liều vaccine Sinopharm ngừa Covid-19 do Trung Quốc sản xuất được Campuchia trao tặng đã về đến Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài hôm 29/10, Fresh News, trang tin thân Chính phủ Campuchia loan tin.
Trước đó, hôm 26/10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen loan báo nước ông sẽ tài trợ Việt Nam 200.000 liều vaccine để giúp nước láng giềng chống dịch, theo tờ Phnom Penh Post.
‘Dư thừa vaccine’
Bà Or Vandine, phát ngôn nhân Bộ Y tế đồng thời là người đứng đầu Ủy ban Tiêm ngừa Covid-19 của Campuchia, đã thay mặt ông Hun Sen trao số vaccine này tại lễ bàn giao tại cửa khẩu Mộc Bài-Bavet.
Đây không phải là lần đầu tiên Campuchia tặng vaccine cho nước khác. Hồi tháng 9, nước này cũng đã tặng 200.000 liều vaccine cho Lào.
“Đất nước chúng tôi có khả năng mua vaccine cũng như đã được viện trợ một lượng đáng kể vaccine – vốn cho phép chúng tôi chia sẻ với các nước khác đang gặp nạn. Nó cho thấy tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn,” ông Kin Phea, giám đốc Học viện Hoàng gia về Quan hệ Quốc tế Campuchia được tờ Phnom Penh Post dẫn lời nói.
Bên cạnh vaccine, Chính phủ Campuchia cũng đã hỗ trợ tiền bạc và thiết bị y tế cho các nước láng giềng chống dịch như Myanmar, Lào, Đông Timor và Nepal.
Hiện giờ số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày ở Campuchia dao động quanh mức 100, trong khi trong ngày 29/10, Việt Nam báo cáo gần 5.000 ca mắc mới. Con số mắc thấp này cho phép Campuchia mở cửa lại kinh tế và du lịch sau nhiều tháng phong tỏa. Nước này đã cho phép mở lại rạp chiếu phim, bảo tàng, sân khấu, trường học, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh.
Trưởng đại diện Mỹ: Washington cam kết giúp Đài Loan tự vệ
Trưởng đại diện của Hoa Kỳ ở Đài Loan, bà Sandra Oudkirk, nói hôm thứ Sáu 29/10 rằng Hoa Kỳ cam kết giúp Đài Loan tự vệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.
Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo đầu tiên của bà kể từ khi đảm nhận chức vụ vào tháng 7, bà mô tả mối quan hệ của Hoa Kỳ với Đài Loan là "vững như bàn thạch".
Bà Oudkirk nắm chức giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, về thực chất đó là đại sứ quán của Hoa Kỳ nhưng không gọi tên như vậy do hai bên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Bà Oudkirk phát biểu: “Hoa Kỳ có cam kết giúp Đài Loan có khả năng tự vệ”.
Ý kiến của bà được đưa ra giữa lúc căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc leo thang trong những tuần gần đây. Bắc Kinh không loại trừ khả năng dùng vũ lực chiếm hòn đảo có chính thể dân chủ.
Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ phản đối phát biểu của bà Oudkirk và kêu gọi Hoa Kỳ nhận thức được bản chất nhạy cảm của vấn đề Đài Loan.
"Đừng đùa với lửa, nếu không nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định của eo biển Đài Loan", tuyên bố viết.
Mặc dù Hoa Kỳ, cũng như hầu hết các nước khác, không có quan hệ chính thức với hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí chính và là sự hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong thời gian gần đây có động thái tái khẳng định sự ủng hộ đó, trong khi Bắc Kinh tức tối.
Theo luật, Washington phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, nhưng lâu nay Mỹ vẫn có chính sách "mơ hồ chiến lược" về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công hay không.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hay không, bà Oudkirk cho biết chính sách đối với Đài Loan hoàn toàn rõ ràng và không có gì thay đổi, bà dẫn ra một số luật của Hoa Kỳ điều chỉnh mối quan hệ của họ với Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN phát sóng hôm 28/10, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn xác nhận rằng có một lực lượng nhỏ gồm các quân nhân Mỹ đang ở Đài Loan để huấn luyện binh sĩ Đài Loan.
Khi được đề nghị cho biết thêm thông tin chi tiết về sự hiện diện của lực lượng Mỹ trên hòn đảo, bà Oudkirk từ chối bình luận về các hoạt động hoặc chương trình huấn luyện cụ thể.
Thượng đỉnh Macron-Biden : Pháp - Mỹ hòa giải sau khủng hoảng ngoại giao
Sang trang khủng hoảng ngoại giao Pháp-Mỹ, tạo đà mới cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đó là mục tiêu của buổi làm việc đầu tiên vào chiều 29/10/2021 giữa tổng thống Macron và Biden tại Roma, sau vụ Hoa Kỳ phỗng tay trên hợp đồng của Pháp bán tàu ngầm cho Úc và thành lập liên minh quân sự AUKUS với Anh, Úc.
Một ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20, nguyên thủ quốc gia hai nước gặp nhau tại tòa đại sứ Pháp ở Roma, Ý. Theo giới quan sát, Nhà Trắng tỏ thiện chí giảng hòa với Paris sau nhiều tuần lễ căng thẳng. Đôi bên đều cần nhau trên ít nhất ba hồ sơ. Thứ nhất là Pháp cần Mỹ ủng hộ để thúc đẩy dự án xây dựng một hệ thống phòng thủ chung châu Âu. Thứ hai là Pháp cần Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống khủng bố tại châu Phi. Thứ ba, như nhà nghiên cứu Pierre Morcos, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS của Mỹ ghi nhận, Pháp muốn Hoa Kỳ “phối hợp chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Châu Âu trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương”.
Đặc phái viên RFI Valérie Gas từ Roma xem buổi làm việc chiều nay giữa tổng thống Macron và Biden là cơ hội để Paris chuẩn bị cho giai đoạn giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu năm tới.
“Cuộc gặp diễn ra tại Roma, bên lề thượng đỉnh G20, nhưng Emmanuel Macron là người tiếp tổng thống Mỹ. Đây là một chi tiết quan trọng cả về mặt biểu tượng lẫn chính trị. Qua việc này, người ta thấy rằng Joe Biden đến gặp Emmanuel Macron để khép lại khủng hoảng mà Pháp đã coi là một sự "phản bội từ phía đồng minh Hoa Kỳ". Cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất này nhằm đặt nền tảng cho đối thoại mới kể từ sau cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống hồi cuối tháng 09/2021 để làm giảm bớt căng thẳng song phương (do AUKUS gây ra).
Giới thân cận với tổng thống Emmanuel Macron giải thích mục đích cuộc gặp là nhằm định hình lại và cập nhật hóa quan hệ Pháp - Mỹ, cũng như quan hệ giữa Hoa Kỳ với Liên Âu. Tổng thống Pháp muốn thúc đẩy dự án một khối Liên Hiệp Châu Âu độc lập về mặt quốc phòng. Paris muốn chứng minh rằng không có sự mâu thuẫn nào giữa chính sách phòng thủ chung của châu Âu với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Đây là cách để cân bằng lại vai trò của các bên và để Paris ghi điểm trước ngày Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Tham vọng của tổng thống Emmanuel Macron là biến khủng hoảng với Mỹ lần này thành cơ hội”.
Ấn Độ triển khai vũ khí của Mỹ dọc biên giới với Trung Quốc
Ấn Độ gần đây đã triển khai vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất dọc theo vùng biên giới với Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực tấn công, trong bối cảnh hai bên vẫn hoàn toàn bế tắc trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên dãy Himalaya. Theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 29/10/2021, lực lượng quân sự Ấn Độ chủ yếu được tăng cường ở vùng cao nguyên Tawang tiếp giáp với Bhutan và Tây Tạng, phần đất Ấn Độ kiểm soát nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.
Theo ghi nhận của phóng viên Bloomberg, đã tháp tùng theo một đoàn nhà báo được Quân Đội Ấn Độ hướng dẫn lên thăm vùng cao nguyên Tawang vào tuần trước, đáng chú ý nhất là sự hiện diện của các trực thăng vận tải quân sự Chinook do Mỹ sản xuất, được dùng để vận chuyển pháo tự hành loại nhẹ và binh sĩ một cách nhanh chóng qua các vùng đồi núi.
Thiếu tá Kartik, phi công trong một lữ đoàn Không Quân mới thành lập, đã hết sức khen ngợi: “Trực thăng Chinook quả là nhân tố giúp thay đổi cuộc chơi… Trực thăng cung cấp khả năng cơ động và linh hoạt chưa từng thấy, binh sĩ và súng pháo binh có thể được vận chuyển từ sườn núi này sang sườn núi khác một cách nhanh chóng.”.
Bên cạnh trực thăng và các loại vũ khí khác, như pháo tự hành cực nhẹ cơ động hay súng trường chế tạo tại Mỹ, Quân Đội Ấn Độ trong khu vực còn được trang bị các loại drone trinh sát do Israel sản xuất, hay tên lửa hành trình siêu thanh sản xuất nội địa và hệ thống giám sát đời mới. Các loại vũ khí Mỹ đều được mua trong vài năm qua khi quan hệ quốc phòng giữa Washington và New Delhi ngày càng được củng cố do mối lo ngại chung về Trung Quốc.
Ấn Độ đã quyết đinh tăng cường khả năng phòng thủ dọc theo đường biên giới với Trung Quốc sau một vụ xung đột nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, nổ ra vào năm ngoái, đã khiến cho ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Hai bên đã đàm phán để rút quân, nhưng vẫn chưa đạt kết quả thỏa đáng. Theo các nhà phân tích, chính việc thiếu tiến triển trong thương thuyết với Trung Quốc đã thúc đẩy Ấn Độ tăng cường lực lượng tai khu vực biên giới, và tìm kiếm thêm thiết bị từ các đối tác như Mỹ.
Luật mới về biên giới trên bộ mà Trung Quốc vừa áp dụng cũng góp phần khiến cho Ấn Độ phải đề cao cảnh giác.
Pháp không ủng hộ liên minh AUKUS
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo hôm 29/10/2021, đặc sứ Pháp trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, Christophe Penot cho biết Paris không tán đồng AUKUS. Tuy nhiên “chiến lược của Paris không thay đổi, đó là củng cố quan hệ với những quốc gia như Ấn Độ hay Nhật Bản…”
Nguyên là đại sứ Pháp tại Canberra, tháng 10 năm ngoái, ông Penot đã được bổ nhiệm làm đại diện cho Pháp trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Nhà ngoại giao này giải thích “cách tiếp cận của AUKUS không phù hợp với chúng tôi”, bởi vì thỏa thuận giữa Washignton, Luân Đôn và Canberra nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ buộc một số quốc gia trong vùng phải chọn đứng về phía Bắc Kinh hay Washignton, và như vậy “càng tạo thêm căng thẳng, thay vì giúp tìm ra những giải pháp làm hạ nhiệt tình hình”.
Đại diện ngoại giao Pháp cũng đề cập đến hợp đồng tàu ngầm với Úc, cho rằng việc Canberra trang bị tàu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ làm dấy lên tranh luận về vấn đề “chống phổ biến hạt nhân”. Sau Úc, có thể một số quốc gia khác cũng muốn trang bị tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, ông Christophe Penot nhấn mạnh trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ -Thái Bình Dương, Paris muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Riêng với Úc, nhà ngoại giao này nhìn nhận một sự rạn nứt mà “cần có thời gian để hàn gắn”.
Cuộc khủng hoảng chip đang diễn biến tồi tệ trên toàn cầu
Báo cáo thu nhập quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới cho thấy, cuộc khủng hoảng chất bán dẫn đang diễn biến tồi tệ.
Theo hãng tin Bloomberg, trong tuần này, General Motors (GM) đã báo cáo doanh thu giảm 25% và thừa nhận tình trạng thiếu hụt chip sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tập đoàn này trong năm tới. Maruti Suzuki Ấn Độ dự báo doanh số bán hàng giảm mạnh. Samsung Electronics tuyên bố họ không thể dự đoán kết quả tài chính cho năm 2022 bởi diễn biến thị trường đang rất khó lường. Tập đoàn chế tạo robot khổng lồ của Nhật Bản là Fanuc Corp. đã hạ thấp dự báo doanh thu năm 2021, đồng thời thừa nhận trong vòng 50 năm qua, họ chưa từng phải đối mặt với tình hình tương tự hiện nay.
Giám đốc điều hành Kenji Yamaguchi của Fanuc cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng thiếu chất bán dẫn như thế này. Chúng tôi đang nhận được rất nhiều đơn đặt hàng nhưng không thể tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, vì chúng tôi không thể mua được các linh kiện cần thiết”.
Thời gian chờ đợi trung bình đối với chip đã đạt mốc cao nhất trong lịch sử, ở mức gần 22 tuần vào ngày 01/10/2021, theo số liệu của Susquehanna Financial Group.
Giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu đã tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng chip hiện là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Tác động tới các nhà sản xuất ô tô
CEO Mary Barra của GM cho biết trên Bloomberg TV rằng: “Chúng tôi đang bán mọi chiếc xe mà chúng tôi có thể làm ra”. Theo bà, tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài sang năm sau và mọi chuyện sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2022. Cổ phiếu GM đã giảm hơn 5% vào hôm thứ 4 (27/10).
Ford đã nâng dự báo lợi nhuận năm 2021 của tập đoàn này, khiến cổ phiếu của hãng tăng vọt. Tuy nhiên, Giám đốc tài chính John Lawler của Ford cho hay, các nhà máy của công ty sẽ không thể hoạt động hết công suất cho đến cuối năm sau, và cuộc khủng hoảng chip có thể kéo dài đến năm 2023. “Doanh số của hãng tăng trưởng khoảng 10% vào năm 2021. Và chúng tôi đánh giá việc hạn chế trong nguồn cung chip vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tập đoàn”.
Trong khi đó, Chủ tịch R.C. Bhargava của Maruti Suzuki cho biết vào hôm thứ 4: “Chúng tôi đã không ngờ rằng việc thiếu chip lại khiến sản lượng trong quý II sụt giảm như vậy, bên cạnh đó, giá cả hàng hóa đã tăng lên nhanh chóng”.
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực
Cuộc khủng hoảng chip đã lan rộng đến mức nó đang gây tổn hại cho nhiều nền kinh tế. Ví dụ, nước Đức trong tuần này đã cắt giảm triển vọng phát triển năm 2021 xuống 2,6% – so với mức ước tính 3,5% được công bố vào cuối tháng 4. Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier của Đức cho biết: “Tình trạng thiếu chip đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn chiếc ô tô đã không thể được hoàn thiện và giao hàng. Vì vậy, điều quan trọng là các chuỗi cung ứng quốc tế cần được ‘hồi sinh’ và duy trì hoạt động hiệu quả”.
Các nhà sản xuất chip tăng cường đầu tư mới
TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD để tăng cường sản xuất từ năm 2021 – 2023. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành C.C. Wei của tập đoàn này cho biết công suất của hãng sẽ vẫn bị hạn chế trong ít nhất một năm nữa.
Tập đoàn Intel đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng đầu tư vào nhà máy sản xuất chip mới. Việc này đã khiến cổ phiếu của hãng giảm 12% do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lời của dự án. Giám đốc điều hành Pat Gelsinger phát biểu: “Chúng tôi có thể chọn một con đường thận trọng hơn với triển vọng tài chính tốt hơn, nhưng thay vào đó, hội đồng quản trị, đội ngũ quản lý… lại chọn đầu tư để tối đa hóa khả năng kinh doanh trong dài hạn của tập đoàn”.
Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, Samsung đang có kế hoạch tăng gấp 3 lần công suất sản xuất chip vào năm 2026 so với năm 2017. Theo phía công ty, sản lượng chip không phải là nguyên nhân duy nhất của việc thiếu hụt chip, mà vấn đề nằm ở “sự không phù hợp” của cung và cầu. Phó chủ tịch Jinman Han của Samsung cho biết: “Mặc dù rất khó để nói một cách dứt khoát nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ dịu bớt phần nào vào nửa cuối năm tới”.
Dư thừa chip trong tương lai
Các nhà sản xuất chip đã cam kết đầu tư hơn 700 tỷ USD trong thập kỷ tới để mở rộng khả năng sản xuất của họ, từ đó làm dấy lên lo ngại rằng ngành công nghiệp này sẽ chuyển từ tình trạng thiếu hụt sang tình trạng dư thừa. Các chính phủ từ Trung Quốc đến Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc đều khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thêm vào lĩnh vực mà họ đang coi là ngành công nghiệp chiến lược này.
Không có nhận xét nào