Chính phủ Na Uy gần đây đã dỡ bỏ các hạn chế về phòng chống dịch COVID-19 của đất nước. Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng (FHI) thuộc Bộ Y tế Na Uy xác định, nguy cơ của COVID-19 nên được phân loại tương đương với các bệnh đường hô hấp thông thường.
Tin tức thế giới ngày Thứ sáu 01 tháng 10 năm 2021 |
Theo Reuters, hôm thứ Sáu 24/9, chính phủ Na Uy đã đột ngột thông báo dỡ hầu hết các quy định hạn chế chống dịch từ ngày 25/9 và cuộc sống ở đất nước 5,3 triệu dân sẽ trở lại bình thường.
Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, các hạn chế đi lại ở Na Uy đã được nới lỏng, các sự kiện văn hóa hay thể thao được tổ chức với 100% công suất, các nhà hàng cũng được phục vụ số khách không giới hạn và các câu lạc bộ đêm được mở cửa trở lại.
Lý giải về việc dỡ bỏ các quy định phòng chống dịch, tờ Verdens Gang của Na Uy dẫn lời đại diện Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng Geir Bukholm cho biết, điều này là do đại đa số những người có nguy cơ đã được bảo vệ. Mặc dù vi-rút vẫn đang lây lan, nhưng số ca nhập viện rất ít. Do đó, COVID-19 sẽ không gây gánh nặng cho các dịch vụ y tế. Ngoài ra, những người được tiêm chủng có thể bị nhiễm bệnh nhưng đa số là xuất hiện triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng, một lý do khác là theo thời gian, COVID-19 trở nên dễ lây lan hơn, nhưng, đồng thời ít gây chết người hơn.
Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng cho thấy, từ tháng 5 đến tháng 7, tỷ lệ tử vong của người Na Uy do COVID-19 là 0,05%, thấp hơn tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh cúm là 0,1%.
Do đó, sau khi đánh giá, Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng Nauy cho rằng, COVID-19 bây giờ nên được liệt kê cùng danh sách với các loại vi-rút đường hô hấp khác, như cảm lạnh thông thường và cúm theo mùa.
Tạp chí Thế giới chỉ ra rằng, quan điểm của Viện Nghiên cứu Y tế Công cộng Na Uy lặp lại lập luận của giáo sư Đại học Oxford Sarah Gilbert, người đồng lãnh đạo nghiên cứu và phát triển vắc-xin Astrazeneca, rằng COVID-19 không có khả năng đột biến thành một biến thể có nguy cơ gây chết người cao hơn. Thậm chí cuối cùng nó sẽ chỉ giống như cảm lạnh thông thường.
Mặc dù đã gỡ bỏ các các hạn chế COVID-19. Tuy nhiên, thủ tướng Na Uy cảnh báo rằng, những người đã tiếp xúc với vi-rút vẫn phải cách ly để tránh lây lan dịch bệnh. Chính phủ cũng vẫn áp đặt một số hạn chế đối với những người đến từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Made in China 2025: Một giấc mơ khác của ĐCSTQ tan vỡ
Tiến sĩ Antonio Graceffo, một chuyên gia về Châu Á, trong bài viết của mình, ông cho rằng giấc mơ Made in China 2025 (tức sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tan vỡ.
Theo Tiến sĩ Graceffo, ngay từ những ngày đầu cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã rao giảng Trung Quốc cần phải chấm dứt sự thống trị thế giới của Hoa Kỳ, thiết lập lại trật tự toàn cầu.
ĐCSTQ đã đưa ra các mục tiêu và kế hoạch để hiện thực hoá giấc mơ này như “ Made in China 2025 ”, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), “thịnh vượng chung” và một loạt các sáng kiến khác. Gần đây, ông Tập đã tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc, nhưng có vẻ Made in China 2025 và BRI đã trở thành nạn nhân của chính sách không khoan nhượng COVID-19 của Trung Quốc và sự đàn áp của ông Tập đối với mọi thứ.
Khi Made in China 2025 được công bố vào tháng 5/2015, mục tiêu là đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ trong nước nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, biến Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao. Bằng cách này, ĐCSTQ hy vọng rằng các công ty Trung Quốc có thể cạnh tranh trên toàn cầu, đưa Trung Quốc từ nhà sản xuất cấp thấp sang cao cấp, mục tiêu đến năm 2035, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn.
Để hiện thực hoá giấc mơ, Bắc Kinh lên kế hoạch cải thiện tất cả các lĩnh vực từ tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đến sản xuất. Nhà nước sẽ ưu đãi thuế, trợ cấp nghiên cứu, cho vay lãi suất thấp và trái phiếu.
Tuy nhiên, các biện pháp này dẫn đến sự ưu ái dành cho các thực thể thuộc sở hữu nhà nước cũng như các công ty thân cận với chế độ. Tạo ra một khoảng cách giữa khu vực công và khu vực tư nhân.
Các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc tin rằng, ngay cả trước đại dịch COVID-19, kinh tế và các cuộc đàn áp gần đây của ông Tập, Made in China 2025 sẽ không thành công. Về cơ bản, mục tiêu của Trung Quốc là bơm tiền vào nghiên cứu và phát triển để đạt được trình độ phát triển mà Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản đã đạt được. Điều đó sẽ rất tốn kém, và cuối cùng sẽ chỉ tạo thế cân bằng, không nhất thiết mang lại lợi thế cho Trung Quốc. Tiếp theo, Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn có khả năng tiếp cận sản xuất ở Ấn Độ, nơi chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với ở Trung Quốc. Ngược lại, mục tiêu của Bắc Kinh là phát triển công nghệ và sau đó sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, có vẻ như Trung Quốc vẫn sẽ không có lợi thế.
Bây giờ, có vẻ như Made in China 2025 và một số chương trình trước đó đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Trước đây, ông Tập đã bơm tiền vào nghiên cứu công nghệ; bây giờ, ông ta đang yêu cầu những gã khổng lồ công nghệ phải cung cấp một phần lợi nhuận của họ.
Ví dụ, theo kế hoạch “thịnh vượng chung” mới, Alibaba đã cam kết đầu tư 15,5 tỷ đô-la Mỹ (USD) vào phát triển kinh tế và xã hội. Tương tự, Tencent cũng cam kết 100 tỷ USD cho các sáng kiến xã hội khác nhau, cũng như Pinduoduo, Meituan và Xiaomi.
Từ việc thúc đẩy và khuyến khích các công ty công nghệ khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước, ông Tập hiện đang bắt đầu đàn áp các công ty như Alibaba, Tencent, Meituan và Didi. Việc hủy bỏ IPO của Ant Group vào phút chót là một trong những ví dụ lớn nhất về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với những công ty công nghệ lớn. Ông Tập đang điều chỉnh hành vi của những gã khổng lồ công nghệ, đồng thời yêu cầu họ phải đưa tiền. Đây dường như không phải là chiến lược tốt nhất để phát triển công nghệ và đổi mới trong nước.
Đặc biệt, công cuộc tìm kiếm chất bán dẫn của ông Tập đã hoàn toàn đi chệch hướng. Khoảng 9 dặm bên ngoài thủ phủ Tế Nam của tỉnh Sơn Đông, Quanxin, một nhà máy chất bán dẫn đang được xây dựng bởi tiền của chính phủ. Một năm sau, nhà máy vẫn chưa hoàn thành, việc xây dựng tạm dừng, và công ty hết tiền. Những nhân tài chất lượng cao mà Quanxin tuyển dụng đều đang từ bỏ con tàu sau khi công ty không thể đáp ứng được biên chế.
Một công ty khác, Hongxin ở Vũ Hán, cũng lấy tiền ban đầu của chính phủ nhưng cuối cùng không sản xuất được gì. Ngoài ra còn có Tacoma Nam Kinh ở Giang Tô, Kuntong ở tỉnh Thiểm Tây. Pin mặt trời và ô tô điện là những lĩnh vực khác mà các công ty đã lấy tiền của chính phủ, nhưng đã tuyên bố phá sản trước khi hoàn thành dự án.
Có thể thấy, với việc thiếu sự hỗ trợ và tài trợ của chính phủ, dường như các công ty công nghệ Trung Quốc không thể giúp ĐCSTQ thực hiện các mục tiêu của Made in China 2025 hoặc mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hoàn toàn vào năm 2035.
Một số chuyên gia tin rằng với sự tăng cường kiểm soát của chính phủ, các công ty công nghệ cao ở Trung Quốc sẽ trở thành giống như các doanh nghiệp bán quốc doanh, hoạt động hướng tới “sự thịnh vượng chung” thay vì hướng tới sự độc lập về công nghệ.
Quốc hội Mỹ đã thông qua một biện pháp khẩn cấp để giúp chính phủ Mỹ mở cửa cho đến tháng 12.
Song các nhà lập pháp vẫn chưa nâng “trần nợ”, nếu không nước này sẽ có thể vỡ nợ vào ngày 18 tháng 10. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Joe Manchin của Tây Virginia, người đảng Dân chủ cần để thông qua gói mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, cho biết ông chỉ ủng hộ chi tiêu không quá 1,5 nghìn tỷ đô la – tức thu hẹp đi tới một nửa.
Trung Quốc kỷ niệm Quốc khánh, mở đầu “Tuần lễ Vàng”
Thứ Sáu này là kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1 tháng 10 năm 1949. Sẽ có một buổi lễ thượng cờ tại Quảng trường Thiên An Môn. Đường phố được trang hoàng bằng hoa và lồng đèn đỏ, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc, và hơn hết là hoạt động bắn pháo hoa.
Ngày Quốc khánh cũng mở đầu “Tuần lễ Vàng,” một kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Người ta thường dùng nó để đi du lịch: đợt lễ năm 2020 có khoảng 637 triệu người đến thăm các khu vực khác của đất nước, giúp tạo ra 68,6 tỷ đô la doanh thu du lịch. (Chính phủ khuyến khích cái được truyền thông nhà nước gọi là “du lịch trả thù” nhằm giúp thúc đẩy kinh tế sau các đợt hạn chế coronavirus.) Con số dự kiến của năm nay là khoảng 650 triệu khách du lịch.
Ngoài du lịch, ngành phim ảnh cũng được hưởng lợi. Trong Tuần lễ Vàng 2020 các rạp chiếu phim đã bán được gần 100 triệu vé, thu về 580 triệu đô la. Dịp lễ năm nay ta sẽ thấy “Trận chiến ở Hồ Changjin”, bộ phim về một trận chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, tận dụng tâm lý yêu nước hiện tại của người dân.
Lạm phát ở EU tiếp tục tăng
Lạm phát ở khu vực đồng euro tăng mạnh trong năm nay do giá năng lượng tăng và các nền kinh tế phục hồi sau suy thoái. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong chỉ số sơ bộ về giá tiêu dùng tháng 9 công bố vào thứ Sáu. Lạm phát sẽ tăng lên hơn 3%, vì giá xăng dầu cao. Ngay cả lạm phát cốt lõi, vốn không tính giá năng lượng và thực phẩm, cũng sẽ cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Các nhà kinh tế trên thế giới đang cố gắng tìm hiểu xem liệu tình trạng lạm phát toàn cầu hiện nay có kéo dài không. Trước đại dịch vấn đề của khu vực đồng euro là lạm phát dưới mục tiêu, và hầu hết giới quan sát đều dự đoán nó sẽ quay về trạng thái đó. Tăng giá ở châu Âu không ngoạn mục như ở Mỹ (với mức cao nhất trong 13 năm là 5,4% vào tháng 6 và tháng 7), nhất là khi Mỹ tung ra nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn. Song yêu cầu đòi tăng lương ở Đức – nơi lạm phát tháng 9 đạt mức kỷ lục 24 năm là 4,1% – kỳ vọng lạm phát tăng lên mức tiền đại dịch đã khiến những người có quan điểm “diều hâu” tài chính lo lắng.
Expo 2020 khai mạc ở Dubai
Thứ Sáu này Dubai sẽ tổ chức hội chợ triển lãm thế giới, vốn đã trì hoãn một năm vì covid-19. Trước đây những sự kiện này thường mang đến cơ hội trình làng các phát minh ấn tượng. Chẳng hạn Expo lần đầu ở London năm 1851 giúp giới thiệu những động cơ hơi nước mới nhất; Expo Chicago năm 1893 trình làng điện; và Expo New York 70 năm sau trình làng máy tính cũng như các thiết bị điện tử khác.
Nhưng triển lãm của Dubai, kéo dài đến tháng 4 năm 2022, chủ yếu chỉ là một buổi giới thiệu về Dubai. Chính phủ đã chi 7 tỷ đô la cho các dự án xây dựng chào đón sự kiện này. Họ hy vọng thu hút được 25 triệu du khách – trong đó có những người sẽ thành lập doanh nghiệp hoặc mua nhà ở tiểu vương quốc, giúp thúc đẩy nền kinh tế đang chậm lại do đại dịch và giá dầu giảm.
Tiểu vương quốc đã bắt đầu hồi phục hậu đại dịch từ lâu. Giá trị tài sản đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015. Ngoài ra Dubai cũng kiểm soát được đại dịch dù không đặt ra quá nhiều hạn chế. Doanh nghiệp vẫn được mở, quán bar vẫn chật người nhưng số ca nhiễm thấp. Ngoại trừ các gian hàng hào nhoáng, nhiều du khách có thể thích thú với hình ảnh một cuộc sống bình thường.
Triển vọng đảo Síp bế tắc
Từ thứ Sáu món pho mát nổi tiếng của đáo Síp, halloumi, sẽ lên kệ các siêu thị châu Âu dưới dạng sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý (PDO). Điều này có nghĩa chỉ pho mát được làm trên đảo mới có thể được bán trong EU dưới cái tên này. Quyết định cũng sẽ áp dụng cho các nhà sản xuất ở nước cộng hòa ly khai bắc Síp, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng từ năm 1974, nơi loại pho mát này được gọi là hellim.
Không có nhiều triển vọng thống nhất hòn đảo. Đàm phán giữa hai phe Síp thân Hy Lạp và thân Thổ Nhĩ Kỳ đã sụp đổ từ năm 2017, khiến kể từ đó chỉ có đàm phán không chính thức. Nhà lãnh đạo Síp thân Thổ Nhĩ Kỳ, Ersin Tatar, liên tục khẳng định con đường duy nhất là một giải pháp hai nhà nước. Tại cuộc họp ở New York vào tuần này, ông Tatar và Nicos Anastasiades, tổng thống nước Síp còn lại, cũng không tìm thấy điểm chung nào. Nhưng ít nhất họ có cùng một tin vui: phô mát được bảo hộ PDO.
Covid-19 : Liên Hiệp Châu Âu triển hạn kiểm soát xuất khẩu vac-xin
Thứ Năm, ngày 30/09/2021, Ủy Ban Châu Âu thông báo triển hạn cơ chế kiểm soát xuất khẩu các loại vac-xin ngừa Covid-19 sản xuất trong khối Liên Hiệp Châu Âu đến cuối tháng 12/2021 nhằm bảo đảm nguồn dự trữ cho khối 27 nước thành viên.
Trong thông cáo, Ủy Ban Châu Âu giải thích tuy các chiến dịch tiêm ngừa đã được tăng tốc trong nhiều tháng qua, và vẫn đang tiếp diễn, nhưng « nhiều yếu tố bất định vẫn tồn tại, nhất là trước sự xuất hiện của nhiều chủng biến thể mới ». Do vậy, Ủy Ban Châu Âu cho rằng việc « duy trì sự minh bạch là cần thiết », và cơ chế kiểm soát, có hiệu lực đến cuối tháng Chín, sẽ được triển hạn đến hết ngày 31/12/2021.
Ủy Ban Châu Âu khẳng định chưa dự kiến triển hạn tiếp sau thời hạn trên.Tuy nhiên, định chế này cho biết sẽ nghiên cứu thành lập một cơ chế giám sát mới, cung cấp các thông tin cập nhật về các chương trình xuất khẩu một khi cơ chế kiểm soát này hết hiệu lực vào cuối năm 2021.
Trên nguyên tắc, cơ chế kiểm soát này, được thiết lập hồi cuối tháng Giêng năm nay, bắt buộc một hãng dược trước khi xuất khẩu các loại vac-xin đều phải có « đèn xanh » của nước thành viên sở tại, trước khi được sự đồng ý của Ủy Ban Châu Âu.
Dù vậy, cơ chế này cũng không hạn chế 27 nước thành viên thông qua hơn 2.600 đơn xin xuất khẩu trong khoảng thời gian cuối tháng 9 đến ngày 28/09/2021. AFP cho biết, tổng cộng có hơn 738 triệu liều vac-xin đã được xuất khẩu đến 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn này, một yêu cầu duy nhất bị bác là từ AstraZeneca gởi sang Úc.
Úc : Công nhận vac-xin Sinovac để mở cửa cho du khách
Tại Úc, thủ tướng Scott Morrison hôm nay, 01/10/2021, thông báo sẽ mở cửa biên giới trở lại sau 18 tháng nghiêm cấm công dân Úc đi nước ngoài mà không có giấy phép.
Thủ tướng Úc khẳng định những công dân nào đã tiêm đủ 2 liều có thể trở về nhà hay đi du lịch nước ngoài ngay khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt ngưỡng 80%. Trong điều kiện này, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc, Cục Quản lý Dược phẩm trị liệu, thông báo công nhận các loại vac-xin do hãng dược Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca bào chế tại Ấn Độ. Úc đang bắt đầu nới lỏng một số hạn chế về biên giới đại dịch khốc liệt nhất trên thế giới khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt đến ngưỡng chính là 80%.
Nhật Bản : Vac-xin bị hỏng do sai sót của con người
Còn tại Nhật Bản, hãng dược Takeda Pharmaceutical hôm nay, 01/10/2021 thừa nhận « sai sót con người » trong khâu đóng bao bì là nguyên nhân chính làm hỏng hàng triệu liều vac-xin Moderna. Trong tháng 8 và 9/2021, chính quyền Nhật Bản phải cho ngưng sử dụng hơn 2 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 Moderna sau khi phát hiện có những phần tử lạ trong một số lô thuốc.
Mỹ và Philippines thảo luận tương lai Hiệp ước Phòng thủ chung, Trung Quốc lo lắng
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ngày 30/09/2021 cho biết các giới chức quân sự Mỹ và Philippines bắt đầu các cuộc đàm phán về tương lai Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) giữa hai nước, nhân dịp 70 năm ký kết văn bản này. Sự việc có thể sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng.
Trong một đoạn vidéo đăng trên diễn đàn thảo luận những vấn đề có liên quan đến hiệp ước này, lãnh đạo quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana cho biết mục tiêu của cuộc đàm phán lần này là nhằm tìm kiếm một số đồng thuận về tương lai hiệp ước. Văn bản có thể sẽ bị bãi bỏ, thay thế hay sửa đổi sau nhiều thập niên. Đây là hiệp ước liên minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á.
AP nhắc lại hiệp ước Phòng thủ chung được ký kết năm 1951. Hoa Kỳ và Philippines cùng cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công. Giới chức Mỹ nhiều lần bảo đảm với người đồng nhiệm Philippines rằng sẽ tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước nếu các lực lượng, tầu chiến và máy bay Philippines bị tấn công tại Biển Đông, kể cả bởi Trung Quốc.
Trước khi diễn ra các cuộc thảo luận này, phía Trung Quốc dường như đã tìm cách gây áp lực với Philippines. Cựu đại sứ Trung Quốc đã đến gặp ông Lorenzana nói rằng : « Vui lòng đừng chạm đến MDT, hãy để nó yên như thế ».
Theo lời một nhà ngoại giao Philippines ẩn danh với hãng tin Mỹ AP, Trung Quốc tỏ ra lo lắng về việc Washington và Manila có thể có những sửa đổi hiệp định đe dọa đến an ninh của Bắc Kinh. Chẳng hạn như đôi bên có thể công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye đưa ra hồi năm 2016, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông trên cơ sở lịch sử.
Sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa có phản ứng gì về những phát biểu của bộ trưởng Lorenzana. Trung Quốc trước đó cảnh báo Hoa Kỳ không nên can dự vào điều mà Bắc Kinh cho là một cuộc tranh chấp thuần túy châu Á mà các chính phủ trong khu vực đang tìm cách giải quyết thông qua các cuộc đàm phán.
Tàu chiến Anh thăm Cam Ranh, khẳng định Việt Nam quan trọng
Tàu HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh
Tàu HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, Khánh Hoà, Thứ Sáu, ngày 1 tháng 10 năm 2021, bắt đầu chuyến thăm với chuỗi các hoạt động hợp tác song phương kéo dài bốn ngày tại Việt Nam.
Thuyền trưởng Hugh Botterill, Cán bộ chỉ huy của HMS Richmond cùng các thành viên của tàu đã bày tỏ cảm xúc vui mừng thăm Việt Nam.
Có mặt tại lễ đón ngày 01 tháng 10 có đại diện đến từ Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Cảng quốc tế Cam Ranh và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ quốc phòng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward chia sẻ: "Trong nhiệm kỳ của tôi với tư cách là Đại sứ Anh tại Việt Nam, đây là chuyến thăm thứ ba của Tàu Hải quân Hoàng gia Anh đến Việt Nam."
"Chuyến thăm của HMS Richmond tái khẳng định chiến lược hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Vương quốc Anh và cam kết của Anh trong việc mở rộng mối quan hệ quốc phòng với các đối tác chủ chốt trong khu vực."
Cuối năm 2021, Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng song phương thường niên lần thứ 4.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward khẳng định: "Chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự cần thiết phải đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vì hòa bình và an ninh toàn cầu."
Tại lễ đón, Đại tá Bea Walcot, Tùy viên Quốc phòng Vương quốc Anh tại Việt Nam đã trao tặng Học viện Hải quân Nha Trang tài liệu đào tạo tiếng Anh. Đây là hoạt động nằm trong thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 10 năm quan hệ quốc phòng giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, chỉ hai tháng sau chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc Phòng Anh tới Việt Nam.
Sự hiện diện của tàu hải quân HMS Richmond nhấn mạnh cam kết của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với trọng tâm là quan hệ đối tác của Vương quốc Anh với Việt Nam.
Quan hệ quốc phòng giữa Anh và Việt Nam
Tháng Năm 2016, lần đầu tiên các cán bộ giảng viên trong lĩnh vực quân sự của Vương quốc Anh thực hiện khóa huấn luyện tại Việt Nam, đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa trong lĩnh vực hợp tác về đào tạo giữa hai nước.
Khi ấy, 25 sĩ quan đến từ Việt nam (9), Indonesia (6), Malaysia (3), Brunei (3), Thailand (2) và Philippines (2) đã tham gia khóa đào tạo tại khách sạn Pullman, Đà Nẵng từ ngày 9 đến 13 tháng 5 năm 2016.
Anh và Việt Nam sau đó ký Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng tại Hà Nội ngày 19 tháng 4 năm 2017 nhằm thúc đẩy hợp tác song phương đặc biệt trong các lĩnh vực như: đào tạo, huấn luyện, tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.
Lễ ký năm 2017 được thực hiện ngay sau hội đàm song phương giữa Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Huân tước Earl Howe và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng của Việt Nam.
Chuyến thăm của Huân tước Howe đến Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng Anh kể từ năm 2012.
Gần đây, các giảng viên thuộc Trung tâm đào tạo Hàng hải Quốc tế của Hải quân Hoàng Gia Anh đã tổ chức khóa tập huấn trong một tuần tại Bộ Tư lệnh vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam tại Hải phòng từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 5, 2018.
Khóa tập huấn "Các hoạt động về An ninh, An toàn Hàng hải" bao gồm các chủ đề như Luật Hàng hải Quốc tế, Hàng không hàng hải, Các Nguyên tắc tham gia, An ninh Cầu cảng, Tàu Quốc tế, An ninh Hàng hải.
Không có nhận xét nào