Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục cảnh báo Trung Quốc cam kết tôn trọng nhân quyền trong khuôn khổ « đối thoại chiến lược » giữa hai bên ngày 28/09/2021. Trước đó hai tuần, bà Ursula von der Leyen cho biết Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất cấm tất cả sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức, như trong những trung tâm huấn nghiệp ở Tân Cương.
Tin tức thế giới ngày Thứ năm 30 tháng 9 năm 2021 |
« Đối thoại chiến lược » được thực hiện qua vidéo hội nghị dưới sự chủ tọa của lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong thông cáo, được AFP trích dẫn, phát ngôn viên của người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu cho biết, ông Josep Borrell đã nhấn mạnh rằng cam kết nhân quyền từ phía Trung Quốc là « một yếu tố chủ đạo cho mối quan hệ chín muồi », cũng như cần nối lại đối thoại giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc về vấn đề này. Ông « hy vọng cuộc họp tới có thể diễn ra trước cuối năm 2021 ».
Vào tháng 03/2021, lần đầu tiên, Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt Trung Quốc vì trấn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Tình hình Tân Cương, cùng với Hồng Kông và Đài Loan cũng được phía châu Âu đề cập đến.
Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu khẳng định khối 27 nước « quan tâm đến phát triển hợp tác với Đài Loan » được Bruxelles đánh giá là « một đối tác quan trọng trong vùng và có chung nhiều tư tưởng ». Tuy nhiên, ông trấn an Bắc Kinh là Liên Hiệp Châu Âu « đã và sẽ luôn áp dụng rạch ròi chính sách một nước Trung Hoa duy nhất ».
NATO chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch quân sự
Một ngày trước « đối thoại chiến lược » với Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên ngoại trưởng Trung Quốc đã họp với tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg qua cầu truyền hình. Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc « không phải và sẽ không bao giờ là một đối thủ của NATO », nên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « đừng để bị những lời dối trá hay tin đồn lừa phỉnh ».
Ngược lại, tổng thư ký NATO bày tỏ lo ngại về « sự phát triển kho vũ khí hạt nhân » cũng như sự thiếu minh bạch về quân sự của Trung Quốc. Theo ông Jens Stoltenberg, « dù NATO không coi Trung Quốc là một đối thủ », nhưng Bắc Kinh phải « tôn trọng những cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm theo hệ thống quốc tế ».
Tiểu bang Florida kiện ông Biden về vấn đề người nhập cư lậu
Ngày 28/9, trưởng cố vấn pháp lý của tiểu bang Florida đã khởi kiện tổng thống Joe Biden với cáo buộc chính quyền liên bang thả người nhập cư lậu một cách bất hợp pháp, trang The BL cho hay.
Bộ trưởng Tư pháp Tiểu bang Ashley Moody tin rằng, chính sách nhập cư của tổng thống là bất hợp pháp. Đây là lý do tại sao bà Moody thách thức chính sách “bắt giữ và phóng thích” của ông Biden, vốn đã thả hơn 225.000 người nhập cư bất hợp pháp [vào nước Mỹ] trong năm 2021.
Hầu hết những người này nhập cư với tư cách là người xin tị nạn. Chính quyền Hoa Kỳ sẽ cấp quy chế tị nạn nếu các cá nhân nước ngoài phải chịu một số hình thức ngược đãi do chủng tộc, tôn giáo,v.v.
Luật liên bang quy định, nhà chức trách phải tạm giữ những người xin tị nạn cho đến khi tòa án đưa ra phán quyết về trường hợp của họ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden bị cáo buộc đã thả hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp mỗi ngày mà không cần xác nhận trước về việc họ có đủ điều kiện hay không.
Bà Moody nói, “Vì vậy, việc cho phép nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào nội địa [Hoa Kỳ] nghĩa là chính phủ [Biden] đang vi phạm lệnh của quốc hội trong luật nhập cư”.
Tổng chưởng lý bang Florida cho biết: “Một số người di cư đến [Hoa Kỳ] có yêu cầu tị nạn hợp pháp, [nhưng] nhiều người thì không. Một số là thành viên băng đảng và buôn ma túy, [những kẻ này] lợi dụng cuộc khủng hoảng ở biên giới, bằng chứng là số lượng fentanyl bị thu giữ ở biên giới tăng vọt trong năm nay”.
Các đảng viên Dân chủ và cánh tả cấp tiến công khai bảo vệ các chính sách nhập cư của ông Biden. Họ lập luận rằng, những người di cư bất hợp pháp được thả [vào Mỹ] sẽ bị giám sát cho đến khi tòa án trát đòi hầu tòa.
Tuy nhiên, những người theo Đảng Cộng hòa và những người phản đối khác cho rằng, phần lớn các cá nhân được thả vào Hoa Kỳ không đến tham dự ngày ra tòa và đã ở lại đất nước một cách bất hợp pháp.
Bà Moody và Thống đốc bang Florida DeSantis lên án mạnh mẽ các biện pháp nhập cư của ông Biden. Họ cũng ca ngợi các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.
Bùng nổ IPO trên sàn chứng khoán Mỹ
Thêm một tuần là thêm một loạt bom tấn khác trên các thị trường chứng khoán Mỹ. Năm nay đánh dấu một cuộc bùng nổ IPO, trong đó các công ty công nghệ huy động được tới khoảng 60 tỷ đô la, và vẫn còn đang tiếp tục dù thị trường biến động. Những nhà ngân hàng giúp Amplitude, một công ty phân tích dữ liệu, lên sàn đã định giá công ty này ở mức 5 tỷ đô la. Để rồi giao dịch mở cửa vào thứ Ba cao hơn 43%. Warby Parker, một nhà sản xuất kính mắt, cũng kết thúc ngày giao dịch đầu tiên vào thứ Tư với mức định giá hơn 6 tỷ đô la. Và thứ Năm đến lượt hãng sản phẩm chăm sóc tóc Olaplex đi tìm mức định giá 12 tỷ đô la.
Các ngân hàng đầu tư thường đưa ra mức giá IPO thấp để khách hàng của họ được hưởng lợi từ “cú bật” khi giá cổ phiếu tăng trong ngày giao dịch đầu tiên. Nhưng nhà đầu tư cũng có lý do khác để ưa thích IPO. Kể từ đầu năm 2020, các công ty mới niêm yết thường thể hiện tốt hơn mức trung bình của thị trường chứng khoán. Song cũng có người lo ngại một số công ty được định giá quá cao. Chẳng hạn cả Amplitude và Warby Parker đều báo cáo thua lỗ gần đây.
Ethiopia tổ chức bầu cử dù biết trước kết quả
Đây không phải lần đầu tiên người Ethiopia bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử đã phân định từ trước. Dù các cuộc bầu cử đã được tổ chức vào tháng 6, đợt bầu cử hôm thứ Năm sẽ diễn ra ở những vùng đang chìm trong chiến tranh, bất ổn sắc tộc, tranh chấp pháp lý hoặc chịu rủi ro hậu cần không thể tổ chức bầu. Lần trước đảng của thủ tướng Abiy Ahmed thắng hơn 90% số ghế. Con số đó ít phi lý hơn một chút so với mức 100% của năm 2015. Nhưng nó rõ ràng đi ngược lại lời hứa tổ chức cuộc bầu cử quốc gia công bằng đầu tiên của ông Abiy.
Hơn 7 triệu người Ethiopia đủ điều kiện bỏ phiếu, nhưng họ không quá nhiệt tình. Các đảng đối lập chính ở vùng đông Somali thậm chí tẩy chay bầu cử. Nội chiến mở rộng ở Tigray và một cuộc nổi dậy ở Oromia, căn cứ của ông Abiy, khiến ít nhất 26 khu vực bầu cử sẽ không tổ chức bỏ phiếu vào thứ Năm. Với hàng chục nghìn người bị mất nhà cửa và nhiều vùng ở Tigray phải chịu nạn đói, người dân Ethiopia khó mà ăn mừng chiến thắng của ông Abiy.
Các doanh nghiệp Đức sốt ruột vì tiến trình lập chính phủ hậu bầu cử
Các doanh nhân Đức có lẽ là những người muốn các cuộc đàm phán liên minh sau bầu cử hôm Chủ nhật kết thúc nhanh nhất. Hầu hết đều thất vọng vì Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo CDU và đảng chị em Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo CSU thể hiện quá kém. Nhưng cũng không quá tệ cho họ vì đảng cực tả Die Linke không thắng nhiều. Một liên minh ưa thích của giới doanh nghiệp sẽ là liên minh “Jamaica” gồm CDU/CSU, đảng Xanh và đảng Tự do, theo một cuộc thăm dò của DMB, hiệp hội các công ty quy mô trung bình của Đức.
Trong số những người được khảo sát, 38% ủng hộ liên minh Jamaica, trong khi 34% thích chính phủ CDU/CSU, Đảng Tự do và Dân chủ Xã hội. Những kịch bản có khả năng xảy ra nhất lại chỉ được 11%: liên minh “đèn giao thông” gồm Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh và Đảng Những người Tự do. Nhưng hơn hết các lãnh đạo doanh nghiệp không muốn trải qua nhiều tháng bất định. Viễn cảnh đến cuối năm vẫn không tìm được người kế nhiệm thủ tướng Angela Merkel khiến họ rất lo lắng.
Chỉ có công dân Trung Quốc mới được đến xem Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thông báo hôm thứ Tư (29/09) rằng chỉ có công dân Trung Quốc mới được phép mua vé tham dự Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.
IOC đã đưa ra quyết định của mình sau khi “tham vấn trên diện rộng” với chính quyền Trung Quốc, ủy ban này cho biết trong một tuyên bố.
IOC cho biết: “Vé sẽ chỉ được bán cho những khán giả cư trú tại đại lục của Trung Quốc, vốn đáp ứng các yêu cầu của các biện pháp đối phó COVID-19”.
“Các yêu cầu cụ thể về các biện pháp đối phó với COVID-19 đối với khán giả từ Trung Quốc đại lục và chi tiết về việc phân phối vé đang được thảo luận và sẽ được công bố cho công chúng trong thời gian thích hợp sau khi chúng được hoàn thiện.”
Ủy ban này cũng nhắc lại chính sách tiêm chủng đầy đủ cho tất cả những người tham gia. Nhưng IOC cho biết thêm rằng “Các vận động viên có thể cung cấp [bằng chứng] miễn trừ y tế hợp lý sẽ được xem xét.” Các nhà hoạt động Tây Tạng và Uyghur cầm biểu ngữ và đeo mặt nạ trong cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 trước Bảo tàng Thế vận hội ở Lausanne vào ngày 23/6/2021 khi khoảng 200 người tham gia cuộc biểu tình. (FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)
Đã có nhiều lời kêu gọi Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 vì sự đàn áp của chính quyền Bắc Kinh với các nhóm thiểu số tôn giáo ở nước này.
Chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo Hoa Kỳ không được dẫn dắt bất kỳ cuộc tẩy chay nào với Thế vận hội Mùa đông 2022. Bắc Kinh tuyên bố sẽ có “phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc” đối với bất kỳ hành động tẩy chay nào.
Đầu tháng 4, có thông tin rằng Hoa Kỳ đang cân nhắc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nhanh chóng phủ nhận.
Bất chấp điều đó, các nhóm nhân quyền khác nhau tiếp tục thúc giục tẩy chay Thế vận hội ở Bắc Kinh. Như nhóm “Vì quyền phụ nữ Không biên giới”, đã chỉ trích thế vận hội ở Trung Quốc, khi gọi đây là “thế vận hội diệt chủng”.
Động thái này diễn ra cùng lúc khi áp lực quốc tế một lần nữa đang gia tăng từ Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức khác nhằm tìm hiểu tận cùng nguồn gốc của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Một đội ngũ mới gồm khoảng 20 nhà khoa học — bao gồm các chuyên gia về an toàn sinh học, an toàn trong phòng thí nghiệm, các nhà di truyền học và các chuyên gia về bệnh động vật [muốn] nắm được cách thức virus lây lan từ tự nhiên — đang được tập hợp với nhiệm vụ truy tìm bằng chứng mới ở Trung Quốc và các nơi khác,” tờ The Wall Street Journal đưa tin. “Theo các quan chức WHO, đội ngũ này cũng chịu trách nhiệm tìm hiểu liệu virus Covid-19 có phải xuất hiện từ phòng thí nghiệm hay không. Đây là giả thuyết đã khiến Trung Quốc đặc biệt tức giận.”
Nỗ lực mới này được đưa ra sau khi Bắc Kinh gây khó khăn cho cuộc điều tra đầu tiên của WHO về nguồn gốc của đại dịch, khi từ chối giao dữ liệu bệnh nhân thô của các ca bệnh đầu tiên cho các nhà điều tra. Chính quyền Trung Quốc đã tìm cách làm chệch hướng sự chú ý về khả năng đại dịch khởi phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc vốn có vấn đề nghiêm trọng về an toàn bằng việc đổ lỗi cho Hoa Kỳ khi tuyên bố rằng virus này có thể xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ.
Huyền thoại quyền Anh Philippines giải nghệ, tranh cử tổng thống
Ngày 29 Tháng Chín, võ sỹ quyền Anh huyền thoại của Philippines – Manny Pacquiao tuyên bố giải nghệ sau một sự nghiệp nhiều vinh quang kéo dài hàng thập niên.
Trong một thông điệp trên Twitter, võ sỹ 42 tuổi – chia sẻ đây là “quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời của ông. Ông là người cha của năm đứa con.
Pacquiao bắt đầu bước lên sàn đấu quyền Anh từ năm 1995 và danh hiệu vô địch đầu tiên của Pacquiao là đai WBC hạng ruồi vào Tháng Mười Hai, 1998 sau trận thắng võ sỹ người Thái Lan Chatchai Sasakul. Pacquiao trở nên nổi tiếng sau hai chiến thắng vang dội trước các võ sỹ tầm cỡ thế giới là Oscar de la Hoya và Ricky Halton để giành đai vô địch hạng nhẹ, sau đó tiếp tục đánh bại Miguel Cotto để vô địch hạng bán trung vào năm 2009.
Trong sự nghiệp, Pacquiao thắng 62 trận, trong đó có 39 trận bằng knock-out, thua 8 và hòa 2. Lần gần nhất Pacquiao thượng đài là trận tranh đai vô địch WBA hạng bán trung với Yordenis Ugas tại Las Vegas ngày 21 Tháng Tám vừa qua với chiến thắng sau 12 hiệp nghiêng về Yordenis Ugas.
Tuy không nêu rõ nguyên nhân dẫn đến quyết định giải nghệ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng võ sỹ Pacquiao muốn dồn sự tập trung cho mục tiêu chính trị.
Ngày 19 Tháng Chín vừa qua, ông đã chấp nhận đề cử từ phe do ông lãnh đạo trong đảng cầm quyền PDP-Laban-Pacquiao để ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tại Philippines diễn ra vào Tháng Năm, 2022. Pacquiao khẳng định: “Tôi chấp nhận đề cử ra tranh cử Tổng thống Philippines bởi chúng ta cần tiến bộ, đất nước cần chiến thắng đói nghèo và người dân cần một chính phủ chính trực, công bằng, minh bạch. Đây là thời điểm thích hợp để sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức.”
‘Vành đai-Con đường’ mất đà vì chống đối
Sáng kiến Vành đai-Con dường (BRI) quy mô của Trung Quốc đang có nguy cơ bị mất đà vì chống đối từ các nước tăng cũng như các khoản nợ chồng chất, mở đường cho các chương trình đối thủ hất cẳng Trung Quốc, theo một một nghiên cứu công bố ngày 29/9.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát động BRI vào năm 2013 nhằm khai thác sức mạnh của Trung Quốc trong việc tài trợ và xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm “tạo một cộng đồng rộng lớn có chung lợi ích” xuyên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.
Tuy nhiên “dự án thế kỷ” của ông Tập hiện gặp những thách thức lớn và những bước lùi đáng kể ở nước ngoài, theo một cuộc nghiên cứu của AidData, một phòng nghiên cứu tại Đại học William và Mary ở Mỹ.
“Ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách tại các nước thu nhập thấp và trung bình đang ngưng các dự án nổi tiếng của BRI vì đội giá, tham nhũng và những quan ngại về nợ bền vững,” ông Brad Parks, một tác giả của cuộc nghiên cứu, nói.
AidData nói 11,58 tỉ đô la trong những dự án tại Malaysia bị hủy trong giai đoạn 2013-2021, trong khi gần 1,5 tỉ đô la bị hủy tại Kazakhstan và hơn 1 tỉ đô tại Bolivia.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khoe kể từ khi phát động, BRI “luôn giữ vững nguyên tắc chia sẻ tham vấn, chia sẻ đóng góp và chia sẻ lợi ích.”
Cuộc nghiên cứu của AidData xem xét 13.427 dự án do Trung Quốc yểm trợ tại 165 nước trong 18 năm, trị giá tổng cộng 843 tỉ đô la, và lưu ý rằng những cam kết tài chánh phát triển quốc tế hàng năm của Trung Quốc hiện gấp đôi số tiền của Mỹ.
Tuy nhiên, thay đổi trong tình cảm công chúng đối với Bắc Kinh khiến các nước tham gia BRI khó duy trì quan hệ gần gũi với Trung Quốc, ông Parks nói.
Cuộc nghiên cứu cho thấy ngày càng nhiều dự án do Trung Quốc hỗ trợ bị ngưng lại hay hủy bỏ kể từ khi BRI được phát động vào năm 2013, với các bằng chứng “vướng vào rồi thấy hối hận” tại những quốc gia như Kazakhstan, Costa Rica và Cameroon.
Rủi ro tín dụng cũng gia tăng, nợ nần Trung Quốc hiện vượt quá 10% GDP tại nhiều nước thu nhập thấp và trung bình.
Cuộc thăm dò phát hiện là 35% các dự án Vành đai-Con đường đang phải đương đầu với nạn tham nhũng, vi phạm lao động, ô nhiễm môi trường và sự phản đối của công chúng.
Vào tháng 6, Hoa Kỳ loan báo một sáng kiến đối thủ mang tên Xây dựng lại Thế giới Tốt hơn (B3W) cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở.
“B3W sẽ gia tăng sự lựa chọn trên thị truờng tài trợ hạ tầng cơ sở, có thể dẫn đến việc từ bỏ một số dự án cao cấp của BRI,” ông Parks nói.
Cuộc nghiên cứu của AidData được tài trợ bởi một nhóm đa dạng gồm các tổ chức công-tư khác nhau, trong đó có Sáng hội Ford và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID).
AidData nói cuộc nghiên cứu này độc lập và minh bạch, không bị dẫn dắt hay quyết định bởi các nhà tài trợ.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên bác bỏ đề nghị đối thoại của Mỹ
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bác bỏ đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ, cáo buộc tổng thống Joe Biden tiếp tục có những « hành vi thù địch » giống như những người tiền nhiệm. Washington đã bác bỏ ngay các cáo buộc này.
Theo hãng tin AFP, hôm qua, 29/09/2021, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định là Hoa Kỳ không hề có « một ý định thù địch nào » đối với Bình Nhưỡng. Phát ngôn viên này nhắc lại : « Hoa Kỳ sẵn sàng gặp các lãnh đạo Bắc Triều Tiên mà không có điều kiện tiên quyết. Chúng tôi hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đáp ứng tích cực đề nghị của chúng tôi ». Đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng đã được chính quyền Biden đưa ra trước đó nhiều lần.
Bộ Ngoại Giao Mỹ đã có phản ứng như trên sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un cho rằng đề nghị đối thoại của Hoa Kỳ chỉ « nhằm che đậy những hành động thù địch của họ và che đậy việc tiếp tục chính sách thù địch của các chính quyền tiền nhiệm ».
Theo hãng tin chính thức KCNA hôm nay, ông Kim Jong Un đã tuyên bố như trên trong một bài phát biểu dài trước Quốc Hội Bắc Triều Tiên. Cũng trong bài phát biểu này, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng cho rằng lời kêu gọi gần đây của tổng thống Hàn Quốc về việc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là « quá sớm ».
Tuy vậy, theo hãng tin Reuters, trích dẫn KCNA, ông Kim Jong Un đã tuyên bố sẵn sàng tái lập đường dây « điện thoại đỏ » giữa Bắc Triều Tiên với Hàn Quốc vào tháng tới. Đường dây điện thoại này đã bị Bình Nhưỡng cắt vào tháng 8, chỉ vài ngày sau khi được nối lại lần đầu tiên kể từ tháng 6/2020, trong bối cảnh căng thẳng liên Triều. Bộ Thống Nhất của Hàn Quốc đã hoan nghênh đề nghị nói trên của ông Kim Jong Un, nhưng không bình luận về những tuyên bố khác của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Trong khi đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục khiêu khích quốc tế qua các vụ bắn thử các tên lửa. Hôm qua, Bình Nhưỡng thông báo là hôm thứ Ba vừa qua đã thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh. Hãng tin chính thức KCNA mô tả vụ bắn thử tên lửa này là « một bước tiến quan trọng về công nghệ » và có « một tầm quan trọng chiến lược lớn ».
Sau vụ thử nghiệm nói trên, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm nay sẽ họp khẩn về Bắc Triều Tiên, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Pháp và Anh Quốc. Các nguồn tin ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn cho biết đây sẽ là một cuộc họp kín, nhưng không nói rõ là Hội Đồng Bảo An có ra một tuyên bố chung hay không.
Không có nhận xét nào