Hôm 4/10, Quốc hội Nhật đã bầu ông Fumio Kishida làm thủ tướng. Hãng tin AP và Reuters dẫn truyền thông Nhật cho biết ông Kishida dự kiến sẽ có bài phát biểu về chính sách tại Quốc hội vào ngày 8/10, nhưng đang tìm cách giải tán hạ viện để tổ chức bầu cử vào ngày 31/10.
Tin tức thế giới ngày Thứ hai 04 tháng 10 năm 2021 |
Trước đó trong ngày, ông Kishida đã công bố một đội ngũ nội các gồm những thành viên vững chắc của đảng cầm quyền và các đồng minh của cựu thủ tướng Shinzo Abe và cựu bộ trưởng tài chính Taro Aso, theo Reuters.
Đài truyền hình Nhật NHK cho biết ông Kishida sẽ công bố ngày bầu cử trong cuộc họp báo đầu tiên của ông trên cương vị thủ tướng lúc 9:00 tối, và giải tán quốc hội vào ngày 14/10.
Kế hoạch kêu gọi một cuộc bầu cử quá nhanh chóng của ông được coi là một bất ngờ, mặc dù cuộc bầu cử phải diễn ra vào ngày 28/11, khi nhiệm kỳ của quốc hội kết thúc vào ngày 21/10.
Các nhà phân tích nhận định rằng ông Kishida có lẽ không muốn mất thời gian, trước những rủi ro do đại dịch COVID-19 gây ra.
Corey Wallace, một chuyên gia về chính trị Nhật thuộc Đại học Kanagawa, nói với Reuters: “Ông ấy có thể muốn ngăn chặn bất kỳ sự xấu đi nào hơn nữa trong tình hình COVID-19”.
Ông Wallace nói thêm: “Mặc dù tiến độ của chiến dịch tiêm chủng rõ ràng đã giúp ngăn chặn đợt thứ năm, nhưng chúng tôi không thể chắc chắn rằng đợt thứ sáu sẽ không xảy ra khi gần đến mùa đông.”
Tổng số ca nhiễm mới ở Tokyo hôm 4/10 là 87 ca, mức thấp nhất kể từ ngày 2/11 năm ngoái.
Ông Yoshihide Suga, người tiền nhiệm của ông Kishida nhận được tỷ lệ ủng hộ khoảng 70% ngay sau khi nhậm chức một năm trước, nhưng bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích về cách xử lý đại dịch của ông, khiến ông phải nhường chỗ cho một gương mặt mới lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. thông qua cuộc bầu cử.
Ông Kishida, 64 tuổi, một cựu ngoại trưởng với hình ảnh là người xây dựng sự đồng thuận quan trọng, đã đánh bại ba ứng cử viên vào tuần trước để lãnh đạo đảng LDP và được quốc hội chính thức bầu làm thủ tướng hôm 4/10.
Cập nhật quá trình thông qua dự luật chi tiêu của Biden
Dự luật tham vọng nhất của tổng thống Mỹ lại tiếp tục phải trì hoãn. Vào thứ Sáu, chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã hoãn bỏ phiếu về dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la đã được lưỡng đảng Thượng viện thông qua, ngay sau khi ông Biden bất ngờ đồng ý với yêu cầu từ phe cánh tả của đảng rằng họ sẽ chỉ thông qua luật nếu Thượng viện phê duyệt gói “Xây dựng Lại Tốt hơn” (Build Back Better) đầy tham vọng (và tốn kém) hơn của ông. Đó là vì phe cấp tiến lo ngại cánh ôn hòa trong đảng sẽ làm đổ vỡ gói chi tiêu nếu dự luật cơ sở hạ tầng ít tranh cãi hơn được thông qua trước.
Giờ đây nhiệm vụ của đảng là tìm ra số tiền mà hai thượng nghị sĩ Dân chủ trung dung, Joe Manchin của Tây Virginia và Kyrsten Sinema của Arizona, có thể chấp nhận. Nhà Trắng đã thừa nhận nó sẽ nhỏ hơn con số ban đầu 3,5 nghìn tỷ đô la, và sẽ có thể sẽ chỉ nhỉnh hơn một phần ba con số đó. Đàm phán vẫn tiếp diễn trong khi Hạ viện nghỉ hai tuần.
Tòa Tối cao Mỹ chuẩn bị xem xét một loạt vụ kiện quan trọng
Tòa án Tối cao bảo thủ nhất trong những năm gần đây sẽ họp vào thứ Hai cho nhiệm kỳ đầy đủ đầu tiên — với Thẩm phán Brett Kavanaugh, người vừa xét nghiệm dương tính covid-19 vào thứ Năm, tham gia qua điện thoại.
Phiên khai mạc bao gồm việc xem xét lại bản án tử hình của Dzhokhar Tsarnaev, một trong những kẻ đánh bom cuộc đua Marathon Boston. Đến ngày 3 tháng 11, các thẩm phán sẽ xem xét tăng cường quyền “giữ và mang vũ khí” theo Tu Chính án thứ Hai trong một vụ kiện thách thức các hạn chế của New York về quyền mang súng ra khỏi nhà. Tiếp đó là vụ kiện về luật cấm phá thai sau 15 tuần của Mississippi — một thách thức trực tiếp đối với phán quyết Roe v Wade — vào ngày 1 tháng 12. Đến cuối tháng đó tòa sẽ xem xét Tu Chính án thứ Nhất nói gì về việc nhà nước tài trợ cho cơ sở giáo dục tôn giáo. Và sau đó là đến các vụ kiện còn tranh cãi hơn nữa, bao gồm việc liệu tuyển sinh đại học có nên xem xét yếu tố chủng tộc hay không. Sẽ là một nhiệm kỳ mới đầy hứa hẹn dành cho những người bảo thủ ở Mỹ.
Tòa sắp xử vụ dẫn độ cựu lãnh đạo Catalonia
Vào hôm thứ Hai, Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo lưu vong của chính quyền vùng Catalonia, sẽ ra trước tòa của một thẩm phán Ý. Tòa sẽ quyết định có dẫn độ ông về Tây Ban Nha hay không, nhằm đối mặt phiên tòa xử tội tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vi hiến về độc lập vào năm 2017.
Ý bắt ông Puigdemont vào tháng trước, theo một lệnh của EU được Tây Ban Nha ban hành. Song những tranh cãi pháp lý làm phức tạp hóa mọi chuyện. Một là liệu ông Puigdemont, một thành viên của Nghị viện châu Âu, có được hưởng quyền miễn trừ truy tố hay không. Thêm vào đó, một trong những cáo buộc của Tây Ban Nha là tội xúi giục nổi loạn, vốn không có trong luật của Ý, và do đó có thể trở thành căn cứ để từ chối dẫn độ. Còn ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez nói ông Puigdemont phải đối diện công lý. Song ông cũng đã bắt đầu một “cuộc đối thoại” nhẹ nhàng với các nhà lãnh đạo mới của Catalonia. Do đó sẽ rất phiền nếu ông Puigdemont về nước. Nói cách khác, ông Sánchez có thể yên tâm một cách lặng lẽ nếu ông Piedmont được trả tự do.
Thị trường chứng khoán Châu Á chao đảo vì lo ngại vỡ nợ bất động sản Trung Quốc và lạm phát
Thị trường chứng khoán Châu Á có một tuần giao dịch chao đảo vì lo ngại tai ương từ Evergrande sẽ lan rộng trên thị trường BĐS Trung Quốc trong khi lạm phát ngày một xấu đi tại Mỹ, EU và khắp toàn cầu… Một số tin tức tốt từ dữ liệu lạc quan về tiêu dùng của Mỹ và các loại thuốc mới chống coronavirus cũng không khởi tác dụng tích cực đáng kể trên các thị trường chứng khoán (TTCK) Châu Á.
Tại TTCK Hồng Kông, cổ phiếu của China Evergrande (3333.HK) đã bị đình chỉ giao dịch sau khi lần thứ hai liên tiếp, tập đoàn phát triển BĐS này không thể thanh toán lãi suất cho nghĩa vụ nợ nước ngoài lần vào tuần trước
Kazutaka Kubo, nhà kinh tế cấp cao của Okasan Securities, cho biết trên Reuters: “Tai ương đang gia tăng của Evergrande có nguy cơ sẽ lan sang toàn bộ lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.”
Chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) đã giảm 0,3%. Chỉ số này đánh dấu sự sụt giảm hàng quý đầu tiên trong sáu quý.
Hồng Kông dẫn đầu mức giảm với chỉ số Hang Seng (.HSI) giảm 1,9%. Nikkei của Nhật Bản (.N225) đã xóa bỏ mức tăng trước đó, giảm tới 1,4% xuống mức thấp nhất trong một tháng là 28.375 điểm.
Tại Việt Nam, chỉ số chứng khoán sàn HSX, Vnindex giảm 1,2% so với tuần trước, đạt 1.334,98 điểm, chỉ số HNX index giảm 0,9% so với tuần trước, đạt 356,49 điểm.
Trong tuần này, các thị trường Trung Quốc đại lục sẽ đóng cửa cho đến thứ Năm để nghỉ lễ Quốc khánh trong khi các thị trường Hàn Quốc cũng đóng cửa vào thứ Hai.
Tâm lý nhà đầu tư cải thiện ít nhiều vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước khi Merch & Co cho biết một phương pháp điều trị kháng virus đường uống thử nghiệm có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện cho những bệnh nhân Covid-19 nặng (theo Reuters). Thêm vào đó, Mỹ cũng công bố một số thông tin tốt như chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên và các đơn hàng sản xuất tại Mỹ đang mở rộng, chỉ số PMI khu vực sản xuất của Mỹ lên tới 60.7 điểm, khu vực phi sản xuất (dịch vụ) còn cao hơn, đạt 61,7 điểm; mức mở rộng rất lớn, cho thấy cầu đang phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các tin tức tốt dường như không tạo ra hiệu ứng tích cực bởi bóng ma lạm phát bùng phát cao trở lại có thể xoá sạch tăng trưởng trên mọi khắp toàn cầu.
Lạm phát của Mỹ duy trì mức cao (gần như không thể hạ) suốt 7 tháng liên tiếp. Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) lần đầu tiên đã thừa nhận rằng lạm phát Mỹ có thể sẽ kéo dài và cao hơn so với mọi dự đoán trước đó. Fed dường như đang phát đi tín hiệu về việc có thể điều chỉnh lãi suất đồng USD sớm hơn.
Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước cũng cho thấy lạm phát của khu vực đồng euro đã đạt mức cao nhất trong 13 năm vào tháng trước và có vẻ vẫn sẽ tăng cao hơn. đọc thêm
Các nhà đầu tư lo ngại lạm phát toàn cầu có thể tồn tại lâu hơn dự kiến, do giá hàng hóa tiếp tục tăng và sự gián đoạn nguồn cung đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Chỉ số giá PCE cốt lõi của Hoa Kỳ, thước đo lạm phát ưu tiên của Cục Dự trữ Liên bang cho mục tiêu 2% linh hoạt, đã tăng 3,6% trong tháng 8 so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất trong ba thập kỷ và phù hợp với mức tăng của tháng Bảy.
Kỳ vọng lạm phát tăng cao có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang đưa ra lịch trình thắt chặt chính sách tiền tệ đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu của Mỹ vào tuần trước.
Giá dầu WTI tăng 0.24% trong tuần, giá vàng thế giới tăng 0,69%.
Ông Mike Pompeo chỉ trích chính quyền Biden mềm mỏng với Trung Quốc
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm Chủ nhật đã chỉ trích các chính sách của chính quyền đương nhiệm về biên giới, Afghanistan và Trung Quốc, trang Newsmax cho hay.
Ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn đài Cats Roundtable rằng: “Với đường biên giới xốp này, nhiều băng nhóm sẽ tìm ra cách kiếm tiền, họ không chỉ tìm ra cách vào Texas, California và Arizona, mà còn trên khắp đất nước và xây dựng mạng lưới”.
Ông nói thêm các văn phòng thực thi pháp luật và cảnh sát địa phương của Mỹ đang phải chịu áp lực rất lớn vì chất cấm.
Ông Pompeo nói rằng, thông thường, rất vấn đề an ninh có liên quan với nhau, lưu ý mối quan hệ của Trung Quốc với buôn bán chất cấm, Afghanistan và biến đổi khí hậu.
Bình luận về Afghanistan và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở đó, ông Pompeo nói: “Họ sẽ tìm cách để có được chỗ đứng; họ sẽ mở rộng khả năng phát huy sức mạnh từ nơi đó. Chính quyền này cũng vậy… họ đã phục Trung Quốc, và chúng tôi bắt đầu thấy một chính sách xoa dịu ở đó”.
Cựu ngoại trưởng còn chỉ trích việc Washington thả bà Mạnh Vãn Châu. Ông nói: “Tuần trước, đã có một quyết định cho phép Bộ Tư pháp bãi bỏ các cáo buộc đối với Giám đốc tài chính Huawei, một công ty vi phạm lệnh trừng phạt Iran của chúng tôi và một công ty cam kết đánh cắp thông tin cá nhân của mọi công dân Mỹ… Tôi không thể hiểu tại sao họ lại thả bà ấy”.
Ông Pompeo tiếp tục: “Trung Quốc đã bắt hai người Canada làm con tin. Tôi nghĩ tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về điều đó. Trung Quốc bắt giữ con tin để đưa ai đó trở về đất nước của họ. Điều này không khác gì cách cư xử của người Iran”.
Theo ông Pompeo, đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry đã chuyển giao nền kinh tế Mỹ cho Trung Quốc một cách hiệu quả.
“Đó thực sự là vấn đề, khi tôi nghe cựu Ngoại trưởng John Kerry nói về biến đổi khí hậu, và rằng chúng tôi sẽ chế tạo những năng lượng này, về cơ bản là giao nền kinh tế Mỹ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông Pompeo lưu ý rằng Afghanistan có rất nhiều kim loại đất hiếm được sử dụng để giúp Trung Quốc thống trị pin xe điện.
Cựu ngoại trưởng phát biểu: “Nếu các vị có ý định làm điều đó, tốt hơn là bạn nên xây dựng đất nước mình. Ngành công nghiệp bán dẫn cũng giống như vậy. Chúng tôi đã từ bỏ điều đó cách đây một thời gian ở đây. Tôi hy vọng chính quyền này không quá tập trung vào biến đổi khí hậu đến mức họ quên rằng những tài nguyên này, những thứ dùng tạo ra năng lượng, những khoáng chất đất hiếm này, cũng là một thành phần thiết yếu của an ninh quốc gia Mỹ”.
Thị trưởng Manila tranh cử tổng thống Philippines
Thị trưởng thành phố Manila Francisco Domagoso chính thức nộp hồ sơ tranh cử tổng thống Philippines hôm 4/10, tự xưng là ứng cử viên thống nhất, có xuất thân khiêm tốn, người có thể phục hồi một nền kinh tế và sinh kế bị thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ông Domagoso, 46 tuổi, một cựu diễn viên, là ứng cử viên thứ hai đăng ký tham gia cuộc bầu cử tháng 5/2022 để dẫn dắt Philippines trong 6 năm tới, theo sau biểu tượng quyền anh Manny Pacquiao vừa nghỉ hưu.
Ông Domagoso, người được biết đến với nghệ danh Isko Moreno, cho biết: “Chúng ta quá chia rẽ và thiếu quyết đoán, điều này đã khiến nền kinh tế của chúng ta bị suy thoái trước đại dịch.”
“Hãy để chúng ta hàn gắn đất nước của chúng ta và cùng nhau sẽ có tương lai tốt đẹp hơn cho mỗi người.”
Sức hút và xuất thân khiêm tốn của ông Domagoso đã khiến ông trở nên nổi tiếng ở Manila, nhưng các chuyên gia cho rằng ông có thể chật vật để giành được lá phiếu cử tri ở các tỉnh phía nam.
Ông được bầu làm thị trưởng Manila năm 2019. Vào năm 2016, ông tranh cử thượng nghị sĩ nhưng không thành công, sau chín năm giữ chức phó thị trưởng Manila.
Vào cuối tuần qua,Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ nghỉ hưu và không tranh cử chức phó tổng thống như đã thỏa thuận trước đó, nhưng con gái của ông, bà Sara, sẽ tranh cử tổng thống.
Đài Loan cảnh báo nguy cơ chiến tranh "cận kề" với Trung Quốc
93 máy bay Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong ba ngày từ 01 đến 03/10/2021. Ngoại trưởng Đài Loan cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang “cận kề”, kêu gọi Úc chia sẻ thông tin tình báo và nhấn mạnh Đài Loan sẽ “tự vệ đến cùng” trong trường hợp bị tấn công.
Trong ba ngày liên tiếp Đài Bắc đã phải điều chiến đấu cơ xua đuổi máy bay Trung Quốc ra khỏi vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trả lời đài truyền hình Úc ABC, trong chương trình được phát hôm 04/10/2021, ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) tuyên bố trong trường hợp bị quân đội Trung Quốc tấn công, hòn đảo dân chủ này sẽ sẵn sàng “đẩy lui” quân thù và nếu tấn công Đài Loan thì phía Trung Quốc sẽ “chịu nhiều tổn thất nghiêm trọng”.
Cũng ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp kỳ vọng trao đổi thông tin về an ninh, tình báo với nhiều đối tác của Đài Loan, trong đó có cả Úc. Hãng tin Bloomberg của Mỹ nhắc lại đến nay, về mặt ngoại giao, Canberra không chính thức thiết lập bang giao với Đài Bắc, tuy nhiên chính quyền Úc liên tục kêu gọi tìm kiếm một giải pháp bảo đảm ổn định và hòa bình tại eo biển Đài Loan.
Mỹ kêu gọi Bắc Kinh ngừng “khiêu khích”
Về phía Hoa Kỳ, trong thông cáo hôm 03/10/2021, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ned Price bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc Trung Quốc sách nhiễu Đài Loan, huy động gần 100 chiến đấu cơ trong ba ngày liên tiếp thâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Washington xem đây là những hành vi “khiêu khích có nguy cơ dẫn đến những tính toán sai lầm, làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực”. Do vậy, chính phủ Mỹ kêu gọi Bắc Kinh “ngừng gây sức ép, chèn ép Đài Loan cả về mặt quân sự, ngoại giao và kinh tế”.
Thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nhấn mạnh, vì những lợi ích lâu dài, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì “khả năng phòng thủ”. Những cam kết của Hoa Kỳ với Đài Loan “vững như bàn thạch, góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan và trong khu vực”.
‘Mũi của tôi cũng gần như bị hủy hoại’, Thủ tướng Campuchia kêu gọi ‘ngừng ngay xét nghiệm nhanh những người không triệu chứng’
Thông tin của báo Nikkei Asia ngày 3/10/2021 cho biết, theo bản ghi âm lời ông Hun Sen phát biểu hôm 29/9 mà họ thu được, ông phàn nàn rằng ngành y tế không cần thiết vào cộng đồng và xét nghiệm để tìm cho ra những người mang mầm bệnh. Các địa phương phải chấm dứt ngay các xét nghiệm nhanh ở các làng, các xã.
Ông cũng nói kinh nghiệm cá nhân với các xét nghiệm thời gian qua: “Ngay cả mũi của tôi cũng gần như bị hủy hoại”.
Số ca mắc COVID-19 hàng ngày chính thức của Campuchia đã giảm 76% trong một ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen yêu cầu các quan chức ngừng thực hiện các xét nghiệm nhanh đối với những người không có triệu chứng.
Hôm thứ sáu, ngày 1/10, Bộ Y tế nước này đã báo cáo 232 trường hợp nhiễm mới, giảm sâu so với 978 trường hợp vào ngày hôm trước. Con số 232 là xét nghiệm PCR, còn các trường hợp dương tính từ xét nghiệm kháng nguyên nhanh đã bị bỏ qua, không được tính.
Ông nói thêm rằng cách tiếp cận mới sẽ giúp đất nước mở cửa trở lại, ông nói: “Chúng ta không cần phải hành động như trước đây, giờ là lúc chúng ta PHẢI HỌC CÁCH SỐNG CHUNG VỚI DỊCH”.
Năm 2020, Campuchia chỉ có ít hơn 500 trường hợp và không có trường hợp tử vong trong năm đầu tiên của đại dịch. Nhưng với biến thể Delta, hiện Campuchia đã có hơn 100.000 ca nhiễm và 2.319 ca tử vong.
Sau khi Thủ tướng Hun Sen ban hành điều mà ông ta gọi là “một con đường mới”, các thành phố lớn và và thị trấn gồm Siem Reap, Oddar Meanchey và Preah Vihear đã bỏ luôn việc phân chia vùng theo các màu khác nhau và bỏ các biện pháp khẩn cấp tại các khu vực đã được chỉ định là “vùng đỏ” vì tỷ lệ COVID-19 lây lan.
Không có nhận xét nào