Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 05 tháng 10 năm 2021

    Đêm ngày 04/10/2021, Nghị Viện Singapore đã bỏ phiếu thông qua bộ luật nhằm ngăn chặn các hành vi can thiệp của nước ngoài vào chính trị nội bộ của đảo quốc. Phe đối lập và giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích văn kiện này là công cụ trấn áp ở trong nước.

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 05 tháng 10 năm 2021

    Theo AFP, phiên họp thông qua bộ luật mới tại Nghị Viện đã phải kéo dài đến tận sau 12 giờ đêm hôm qua giờ địa phương. Luật đã được thông qua với 75 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 2 nghị sĩ vắng mặt.

    Luật mới cho phép chính quyền buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet, mạng xã hội phải cung cấp thông tin về người sử dụng, chặn một số nội dung hay rút các ứng dụng được sử dụng để phổ biến các nội dung bị đánh giá là thù địch.

    Những tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến hoạt động chính trị của đảo quốc này được coi là « những nhân vật có tính chất chính trị quan trọng » buộc phải khai báo nguồn tài chính và tuân thủ những quy định khác nhằm giảm nguy cơ bị can thiệp từ nước thứ ba. Những ai vi phạm có thể bị phạt tù hoặc tiền rất nặng.

    Trong bài phát biểu dài tại Nghị Viện trước khi bỏ phiếu thông qua luật, bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp K.Shanmugam nhấn mạnh Singapore đã rất sơ hở « trước các chiến dịch thông tin thù địch » được tiến hành từ nước ngoài thông qua các tác nhân trong nước. Ông cảnh báo : « Internet đã tạo ra một phương tiện truyền thông quan trọng để lật đổ » chính quyền.

    Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch khu vực châu Á tố cáo, với bộ luật mới này, chính quyền Singapore lấy cớ can thiệp nước ngoài để biện minh cho việc gia tăng trấn áp đối lập và các nhà hoạt động xã hội dân sự hay truyền thông độc lập.

    Tại Singapore, Đảng Hành Động Nhân Dân (PAP) cầm quyền liên tục 6 thập kỷ qua. Đảng Người Lao động được coi là lực lượng đối lập chính nhưng hầu như không có được đối trọng quyền lực. Thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông độc lập và các tổ chức xã hội có xu hướng phát triển mạnh ở Singapore.

    Mỹ sắp nối lại đàm phán thương mại với Trung Quốc


    Theo trang Nikkei, chính quyền Biden chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh, trong đó kêu gọi Trung Quốc tôn trọng thỏa thuận “giai đoạn một” mà nước này đã ký với Washington dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

    Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai hôm thứ Hai cho biết tại Washington rằng, trong những ngày tới, bà dự định sẽ có các cuộc trò chuyện thẳng thắn với người đồng cấp Trung Quốc – Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

    Hoa Kỳ có kế hoạch khôi phục miễn trừ một phần thuế quan trừng phạt để giúp hạn chế tác động của căng thẳng thương mại đối với ngành công nghiệp trong nước của họ.

    Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, bà Tai đã vạch ra chính sách thương mại của chính quyền Biden, nhấn mạnh ý định của Washington trong việc sử dụng đầy đủ các công cụ mà Hoa Kỳ có và phát triển các công cụ mới nếu cần để bảo vệ lợi ích kinh tế Mỹ khỏi các chính sách và thực tiễn bất lợi.

    Bà nói: “Chúng ta cần thực hiện một cách tiếp cận mới, tổng thể và thực tiễn trong mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc để thực sự có thể nâng cao các mục tiêu chiến lược và kinh tế của chúng ta – cho cả ngắn hạn và dài hạn”.

    Mục đích của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc sửa đổi các hành vi thương mại không công bằng thông qua đối thoại mà không đưa ra thời hạn cụ thể cho các cuộc đàm phán. Cuộc đối thoại sẽ bàn về tiến độ của Trung Quốc trong việc các cam kết theo thỏa thuận giai đoạn một.

    Theo thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc hứa sẽ tăng nhập khẩu của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2021. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tổng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay vẫn chỉ đạt 62% mục tiêu.

    Bà Tai cho biết thêm Hoa Kỳ cũng sẽ tập trung vào các vấn đề không nằm trong thỏa thuận giai đoạn một. Bà nói: “Chúng tôi tiếp tục có những lo ngại nghiêm trọng về các hoạt động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường của Trung Quốc đã không được giải quyết trong thỏa thuận giai đoạn một. Khi chúng tôi nỗ lực thực thi các điều khoản của giai đoạn một, chúng tôi sẽ nêu lên những lo ngại về chính sách rộng lớn hơn này với Bắc Kinh”.

    Trong các cuộc đàm phán thương mại, bà Tai dự kiến sẽ yêu cầu Trung Quốc sửa chữa những gì mà Mỹ coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

    Nhưng bà Tai nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là không làm tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc”.

    TT Thái Anh Văn cảnh báo: Để Trung Quốc chiếm Đài Loan sẽ là thảm họa cho châu Á


    Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay 05/10/2021 cảnh báo nếu hòn đảo rơi vào tay Bắc Kinh, điều đó sẽ mang lại hậu quả « thảm khốc » cho châu Á. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh liên tục trong bốn ngày qua đã có đến 148 chiến đấu cơ Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Đài Bắc cũng chuẩn bị bổ sung ngân sách quốc phòng.

    Trong bài viết trên tờ Foreign Affairs, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh, nếu Trung Quốc chiếm được Đài Loan, điều đó có nghĩa là trong cuộc đối đầu giữa các giá trị hiện nay trên thế giới, toàn trị đã thắng được dân chủ. Bà đồng thời khẳng định Đài Loan sẽ chống trả bằng mọi cách nếu Trung Quốc tấn công.

    Cũng trong hôm nay, thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng Chang) tuyên bố: Đài Loan phải luôn trong tình trạng cảnh giác trước các hoạt động quân sự thái quá của Bắc Kinh, làm phương hại đến hòa bình khu vực.

    Thông tín viên Adrien Simorre tường trình từ Đài Bắc :

    « Các vụ xâm nhập ồ ạt vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan bắt đầu từ thứ Sáu tuần trước, đúng vào ngày lễ quốc khánh Trung Quốc. Từ đó đến nay lại càng dồn dập thêm: Quân Đội Đài Loan ghi nhận có 39 chiếc phi cơ hôm thứ Bảy, 52 chiếc Chủ nhật và hôm qua 56 chiếc bay vào.

    Hoàn Cầu Thời Báo đắc chí viết « Trung Quốc đã dời cuộc diễu hành sang eo biển Đài Loan ».

    Đây là con số kỷ lục kể từ đợt xâm nhập năm ngoái, sau khi bà Thái Anh Văn - vốn kiên quyết chống lại việc sáp nhập vào Trung Quốc - tái đắc cử.

    Hoa Kỳ, đối tác chính của Đài Loan, hôm Chủ nhật đã tỏ ra lo ngại trước hành động khiêu khích này, nhắc nhở rằng những cam kết với Đài Loan vẫn « vững chắc như bàn thạch ».

    Tuy vậy việc chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập sẽ còn diễn ra trong những ngày tới, vào lúc Đài Loan chuẩn bị mừng lễ quốc khánh Chủ Nhật này. Tất nhiên là Bắc Kinh không ưa, và chừng như quyết tâm phá rối ngày lễ. »

    Đài Loan gia tăng ngân sách quốc phòng

    Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết chi tiêu quân sự sẽ được tăng thêm 240 tỉ đài tệ (8,6 tỉ đô la) trong 5 năm tới, trong đó 64% dành cho Hải Quân kể cả hỏa tiễn và chiến hạm. Bản dự chi mà hãng tin Reuters có tham khảo được trình lên Quốc Hội hôm nay, và nhiều khả năng sẽ được thông qua vì đảng của bà Thái Anh Văn chiếm đa số tuyệt đối.

    Cũng theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, Trung Quốc đã tăng mạnh chi tiêu quân sự, đặc biệt là chiến đấu cơ hiện đại, tàu đổ bộ, và các hoạt động không quân, hải quân gần Đài Loan. Do bị đe dọa chưa từng thấy, Đài Loan cần nhanh chóng củng cố khả năng răn đe để tránh xảy ra chiến tranh.

    Gần 30 tỉ Đài tệ (1,5 tỉ đô la) được dành cho các loại hỏa tiễn Vạn Kiếm (Wan Chien), Hùng Phong (Hsiung Feng) IIE phiên bản nâng cấp, Hùng Thăng (Hsiung Sheng) ; một số hỏa tiễn được đặt trên xe quân sự để cơ động hơn, địch quân khó tìm thấy và phá hủy.

    Tài sản ròng của Mark Zuckerberg mất 9 tỷ đôla sau sự cố Facebook


    Một số chuyên gia nhận định sự cố từ Facebook có thể là do lỗi con người và hiện vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân.

    Vào 16:00 GMT (23:00 giờ Việt Nam) vào hôm qua 4/10, Facebook, WhatsApp và Instagram đều ngừng hoạt động. Sự cố kéo dài trong gần 6 giờ đã ảnh hưởng đến khoảng 3,5 tỷ người dùng trên toàn cầu.

    Facebook cho biết nguyên nhân là từ lỗi cấu hình server. Tài sản ròng của CEO Facebook Mark Zuckerberg mất 9 tỷ đôla sau sự cố Facebook khi giá cổ phiếu của hãng bốc hơi 5%.

    Theo nhận định ban đầu từ một số chuyên gia cho rằng việc Facebook cần đến thời gian lâu như vậy để sửa lỗi là khá ngạc nhiên. Liệu đây có phải là một vụ tấn công mạng hay không thì Candid Wuest từ công ty Acronis cho rằng lỗi này rất có thể là do con người và hiện vẫn còn quá sớm để kết luận nguyên nhân.

    Trước đó chỉ một ngày, hôm 3/10, Frances Haugen, người từng làm Giám đốc sản phẩm của Facebook đã tiết lộ một số tài liệu của công ty. Nói với CBS News, Frances Haugen rằng Facebook đã đặt ưu tiên phát triển lên trên an toàn của người dùng.

    Cô Frances Haugen cho rằng nếu Facebook thay đổi thuật toán để giúp người dùng an toàn hơn thì Facebook sẽ thu lại lợi nhuận ít hơn.

    Một cựu nhân viên tố cáo Facebook

    Vào thứ Ba, Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook, người đã công bố hàng nghìn tài liệu của công ty cho Wall Street Journal trước khi nghỉ việc vào tháng 5, sẽ ra điều trần trước Thượng viện Mỹ. Lời khai của bà sẽ giúp xác nhận một loạt các tiết lộ của tờ báo này hồi tháng trước. Trong đó có một chi tiết cho thấy bằng cách ưu tiên tương tác người dùng, thuật toán của Facebook giúp khuyến khích nội dung chia rẽ và gây phẫn nộ. Một tài liệu khác ghi lại cách Instagram, cũng của Facebook, làm trầm trọng thêm chứng rối loạn hình ảnh cơ thể ở thiếu nữ tuổi teen.

    Facebook chọn “lợi nhuận hơn an toàn”, bà Haugen nói với chương trình tin tức truyền hình “60 Minutes” hôm Chủ nhật. Facebook phủ nhận gây phân cực, và cho rằng đây là đặc tính chung của xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Song nghiên cứu riêng của công ty lại cho thấy Instagram có hại hơn các nền tảng truyền thông xã hội khác về các vấn đề hình ảnh cơ thể.

    Trong bối cảnh đó, Facebook đã tạm dừng kế hoạch ra mắt phiên bản Instagram “dành cho trẻ em.” Các nhà lập pháp sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Mặc dù hầu hết các phiên điều trần về công nghệ rất chia rẽ về mặt đảng phái, nhưng họ đều thống nhất phải bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

    Trao giải Nobel Y Sinh

    Giải Nobel Y Sinh đã được trao vào hôm thứ Hai cho David Julius và Ardem Patapoutian. Các nghiên cứu của họ đã giúp giới khoa học hiểu hơn về cách con người cảm nhận nhiệt độ và xúc giác, mà nếu không có sẽ không thể tồn tại. Sau nhiều thế kỷ giải đáp những bí ẩn đó, chìa khóa hóa ra chính là ớt.

    Tiến sĩ Julius của Đại học California đã xác định được một loại protein có thể cảm nhận nhiệt độ bằng cách cho nó tiếp xúc với capsaicin, thành phần hoạt tính trong ớt mà cơ thể phản ứng như với nhiệt. Ông và Tiến sĩ Patapoutian của Viện Nghiên cứu y sinh Scripps sau đó mỗi người độc lập phát hiện ra một loại protein có thể cảm nhận được nhiệt độ lạnh, từ đó giúp Tiến sĩ Patapoutian tìm hiểu cơ chế kích thích cơ học.


    Song giải thưởng của họ khiến một số người ngạc nhiên. Trong một năm mà ngành miễn dịch học trở thành tâm điểm, nhiều người dự đoán danh hiệu sẽ thuộc về các nhà khoa học sản xuất vắc-xin covid-19. Có lẽ vẫn chưa đến lượt họ.

    Microsoft sắp công bố Windows 11

    Windows 10, được phát hành vào năm 2015, đáng lẽ sẽ là phiên bản “cuối cùng” của hệ điều hành phổ biến của Microsoft. Các bản cập nhật sẽ ổn định, nhỏ hơn và miễn phí. Nhưng thời thế đã thay đổi. Vào thứ Ba công ty sẽ phát hành Windows 11. Phiên bản mới sẽ bao gồm một cải tiến đồ họa đáng kể, tích hợp tốt hơn phần mềm làm việc từ xa của Microsoft, và cuối cùng là khả năng chạy các ứng dụng được thiết kế cho Android, hệ điều hành được khoảng 80% điện thoại thông minh trên thế giới sử dụng.

    Với mức giá tối thiểu dự kiến 140 đô la, nó không hề rẻ. Người dùng Windows 10 sẽ được nâng cấp miễn phí nếu PC của họ đáp ứng các thông số kỹ thuật tối thiểu. Song Microsoft lại thông báo Windows 11 yêu cầu các chip tương đối mới, khiến người dùng thất vọng.

    Nhưng doanh số bán hàng chậm có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều. Doanh thu 168 tỷ đô la của công ty trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm 2021 được chia gần như đồng đều giữa điện toán đám mây, phần mềm tập trung vào doanh nghiệp, và mảng quản lý cả Windows lẫn máy trò chơi điện tử Xbox. Windows vẫn quan trọng – nhưng không còn quan trọng như xưa.

    Các nước châu Á đổ xô mua thuốc viên chống COVID của Merck


    Chính phủ Thái Lan đang thương lượng với công ty Merck & Co để mua 200.000 liệu trình thuốc viên chống virus đang thử nghiệm của Merck chữa COVID. Như vậy Thái Lan trở thành quốc gia châu Á mới nhất đổ xô mua thuốc này sau khi bị tuột hậu sau các nước phương Tây về vaccine.

    Ông Somsak Akksilp, Tổng giám đốc Tổng cục Dịch vụ Thuốc men, cho hay Thái Lan đang thương lượng một hợp đồng mua thuốc chống virus vừa kể tên là molnupiravir.

    Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia cũng cho hay đang thảo luận để mua thuốc trong khi Philippines, nơi đang diễn ra cuộc thử nghiệm thuốc này, nói họ hy vọng cuộc nghiên cứu ngay trong nước sẽ giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với loại thuốc vừa kể.

    Các nước này đều từ chối tiết lộ chi tiết về các cuộc thương thuyết.

    Diễn tiến này xảy ra sau khi dữ liệu từ cuộc thử nghiệm lâm sàng lâm thời công bố ngày 1/10 cho thấy thuốc có thể giảm khoảng 50% rủi ro nhập viện hay tử vong đối với bệnh nhân có nguy cơ cao bệnh COVID-19 nặng.

    Thuốc viên molnupiravir, được bào chế để cài sai lầm vào mã gen của virus, sẽ là thuốc uống đầu tiên chống COVID-19.

    ớc châu Á muốn sớm có được nguồn cung về loại thuốc này sau khi bị thiếu hụt về vaccine, nhưng chưa thấy chính phủ Việt Nam lên tiếng.

    “Chúng tôi hiện đang làm việc trên thỏa thuận mua bán với Merck hy vọng sẽ hoàn tất trong tuần này…Chúng tôi đã đặt trước 200.000 liệu trình,” ông Somsak nói. Ông cho biết sớm nhất là tháng 12 này sẽ có thuốc dù còn tuỳ thuộc vào sự chấp thuận của Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và cơ quan thẩm quyền dược phẩm Thái Lan đối với loại thuốc này.

    Số ca nhiễm COVID hàng ngày tại Thái Lan xuống dưới 10.000 hôm 4/10, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 7. Cho tới nay, nước này đã tiêm 55,5 triệu liều vaccine COVID và tiêm chủng hoàn toàn cho 31% dân số.

    Merck hy vọng sản xuất 10 triệu liệu trình molnupiravir trước cuối năm nay. Công ty đã có hợp đồng với chính phủ Mỹ cung cấp 1,7 triệu liệu trình với giá 700 đô la một liệu trình.

    Công ty nói sẽ giảm giá dựa trên tiêu chuẩn thu nhập của mỗi nước.

    Một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho hay Brussels có thể tổ chức đấu thầu chung mua thuốc cho EU, tương tự như chiến lược mua vaccine COVID.

    Một phát ngôn viên Bộ Y tế Đức cho biết chính phủ đang theo dõi việc phát triển các liệu pháp mới, nhưng từ chối bình luận về việc liệu Đức có định đặt mua thuốc của Merck hay không.

    Không có nhận xét nào