Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 31 tháng 10 năm 2021.

    Tổng thống Emmanuel Macron muốn Pháp đóng vai trò quan trọng hơn ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong một cuộc họp kéo dài 30 phút bên lề thượng đỉnh G20 tại Roma (Ý) ngày 30/10/2021, ông Macron và tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí phối hợp hướng đến « mối quan hệ đối tác chiến lược thực thụ, được tăng cường » ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

    Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 31 tháng 10 năm 2021.

    Theo phủ tổng thống Pháp, được AFP trích dẫn, quan hệ đối tác này « sẽ tập trung đặc biệt đến vấn đề chuyển đổi sinh thái, hỗ trợ cho việc làm và tăng trưởng ở Indonesia và phục hồi sau đại dịch ».

    Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chuẩn bị công du Indonesia, nước giữ chức chủ tịch luân phiên sắp tới của nhóm G20. Vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng được tổng thống Macron đề cập trong buổi làm việc với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề G20 ngày 30/10.

    Pháp tự vạch hướng đi riêng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

    Phải chăng ông Macron đang muốn thể hiện với Mỹ và Úc rằng Pháp có thể tự vạch hướng đi bằng cách thắt chặt quan hệ với các nước khác ở trong vùng ? Trả lời đài RFI, ông Jean-Luc Racine, giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), phân tích :

    « Cần phải biết có thể trông cậy vào đối tác nào và quan hệ đối tác có thể đi đến đâu, vì trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhân tố chủ đạo vẫn là Hoa Kỳ. Điểm cần theo dõi là những tiến triển với Ấn Độ.

    Ngược lại, tôi cho rằng việc tìm kiếm thiết lập quan hệ đối tác với Indonesia mang ý nghĩa quan trọng, trong khi Indonesia và Malaysia cùng nhau kiểm soát eo biển Malacca, được cho là tuyến đường huyết mạch đối với thương mại hàng hải của Trung Quốc. Do đó, một bàn cờ đang được định hình, trong đó Pháp từng nhắc lại là ở đúng vị trí của mình trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc Úc lật kèo chỉ là một biến cố, chiến lược sẽ vẫn tiếp tục.

    Vấn đề đặt ra hiện giờ, một mặt liên quan đến phương tiện quân sự có thể được triển khai, tiếp theo là khả năng hành động của ngành ngoại giao Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ngoại trưởng Pháp sắp đến thăm Indonesia ».

    G20 thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu


    Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã xác nhận rằng các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã thông qua một “thỏa thuận lịch sử” về các quy tắc thuế quốc tế mới, trong đó có một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

    Hôm thứ Sáu (29/10), một quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tuần này sẽ chính thức hóa sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15%.

    Theo các dự thảo về kết luận của hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Rome, Ý trong hai ngày, dự thảo thông cáo chung dự kiến ​​sẽ được chính thức thông qua vào Chủ nhật nêu rõ, các quy tắc sẽ có hiệu lực vào năm 2023, Reuters đưa tin.

    [Sau khi] đến Rome tham dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Joe Biden đã viết trên Twitter rằng các nhà lãnh đạo G20 “thể hiện rõ sự ủng hộ đối với một mức thuế tối thiểu toàn cầu mạnh mẽ,” gọi đó “không chỉ là một thỏa thuận thuế — đó là chính sách ngoại giao định hình lại nền kinh tế toàn cầu của chúng ta và mang lại lợi ích cho người dân của chúng ta.”

    Chính phủ Tổng thống Biden đã thúc đẩy mức thuế tối thiểu toàn cầu như một cách để giảm chênh lệch thuế quốc tế của các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ và phần nào giảm bớt tác động của việc tăng thuế doanh nghiệp trong nước do [chính] ông Biden đề nghị.

    Bà Yellen, người ủng hộ mạnh mẽ mức thuế này, đã viết trên Twitter: “Thay vì cạnh tranh về khả năng cung cấp thuế suất thấp hơn, Hoa Kỳ giờ đây sẽ cạnh tranh về kỹ năng của người dân chúng ta, ý tưởng và năng lực sáng tạo của chúng ta – đó là một cuộc đua mà chúng ta có thể giành chiến thắng.”

    Vị quan chức Tòa Bạch Ốc viện dẫn một nghiên cứu độc lập cho thấy một mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ dẫn đến doanh thu bổ sung ít nhất là 60 tỷ USD mỗi năm chỉ ở Hoa Kỳ.

    Khuôn khổ hai trụ cột – kết quả của các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) điều phối trong phần lớn thập niên vừa qua — nhằm mục đích buộc các Doanh nghiệp Đa quốc gia (MNE) lớn phải nộp thuế tại nơi họ hoạt động và kiếm được lợi nhuận, đồng thời tìm cách chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy về thuế suất doanh nghiệp quốc tế.

    “Thỏa thuận này có hiệu quả bởi vì nó loại bỏ các động cơ đưa việc làm của người Mỹ ra hải ngoại, nó sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng, và nó sẽ cung cấp cho chúng ta nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào người dân ở quê nhà,” vị quan chức Tòa Bạch Ốc này cho biết, gọi thỏa thuận trên là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi cho người lao động, người đóng thuế, và doanh nghiệp Hoa Kỳ.”

    “Theo đánh giá của chúng tôi, đây không chỉ là một thỏa thuận về thuế; đó là một lần định hình lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu,” vị quan chức này nói thêm.

    Lời kêu gọi hợp tác quốc tế về thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của chính phủ Tổng thống Biden là một nỗ lực nhằm ít nhất chống lại một phần bất kỳ bất lợi nào có thể nảy sinh từ đề nghị của tổng thống về việc tăng thuế suất doanh nghiệp của Hoa Kỳ, một hành động bị Đảng Cộng Hòa và các nhóm kinh doanh coi là làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các công ty Hoa Kỳ và khiến tốc độ tăng lương chậm lại.

    Thỏa thuận trên vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trước khi có hiệu lực, bao gồm cả việc mỗi quốc gia vẫn phải chuẩn y mức thuế này thông qua một quy trình lập pháp nội bộ. Ngoài ra, việc Hoa Kỳ thông qua luật thuế liên quan do Tổng thống Biden đề xướng sẽ là phần quan trọng, đặc biệt vì Hoa Kỳ là nơi có nhiều công ty đa quốc gia lớn nhất và việc Quốc hội từ chối sẽ gây ra sự không chắc chắn cho toàn bộ dự án này.

    19 tiểu bang nước Mỹ đồng loạt kiện Tổng thống Biden


    Hãng tin U.S.News cho hay, 19 tiểu bang nước Mỹ (đa số có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa) đã nộp đơn kiện lên 4 tòa án liên bang đề nghị tuyên án vi hiến đối với quyết định bắt buộc các công ty có từ 100 lao động trở lên phải yêu cầu nhân viêm tiêm vắc-xin Covid-19 của Tổng thống Biden.

    Theo AP, Tổng chưởng lý các tiểu bang Alaska, Arkansas, Iowa, Missouri, Montana, Nebraska, New Hampshire, North Dakota, South Dakota và Wyoming đã nộp đơn kiện ông Biden lên tòa án liên bang Missouri.

    Các tiểu bang khác bao gồm Georgia, Alabama, Idaho, Kansas, South Carolina, Utah và West Virginia cùng nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Georgia. Bang Texas và Florida nộp đơn kiện Tổng thống lên tòa án liên bang địa phương.

    Đơn kiện của 19 tiểu bang yêu cầu tòa án chặn quyết định của ông Biden, cáo buộc Tổng thống Mỹ đã vi phạm quyền tự do nêu trong hiến pháp và có hành vi lạm quyền.

    “Việc buộc các công ty có từ 100 lao động trở lên phải yêu cầu nhân viên tiêm vắc xin đã xâm phạm quyền tự do nêu trong hiến pháp, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân lực. Chính phủ không nên bắt buộc ai đó phải tiêm vắc-xin và đó là lý do chúng tôi đệ đơn kiện”, ông Eric Schmitt, Tổng chưởng lý bang Missouri, lập luận.

    Tổng chưởng lý tiểu bang New Hampshire, ông John Formella, trong một tuyên bố cho biết vắc-xin COVID an toàn, hiệu quả và được khuyến khích, nhưng lợi ích “không biện minh cho việc vi phạm luật”.

    Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Tổng chưởng lý bang Texas, ông Ken Paxton, nhấn mạnh: “Chính quyền của ông Biden đã nhiều lần thể hiện sự coi thường đối với những người Mỹ không muốn tiêm vắc-xin. Họ lạm dụng quyền lực hành pháp để ép người dân làm điều mình không muốn”.

    Ông Ken Paxton nói thêm: “Tổng thống Biden không có quyền tước đi khả năng được lựa chọn việc tiêm hay không tiêm vắc-xin của người dân. Nếu sự kiên nhẫn của ông Biden đối với việc đẩy lùi Covid-19 đang cạn dần thì những người Texas bị ông ấy xâm phạm quyền tự do cũng đã chịu hết nổi”.

    Theo Reuters, ít nhất vài nghìn người Mỹ đã bị sa thải vì từ chối làm theo yêu cầu tiêm vắc-xin từ chủ lao động. Doanh nghiệp ở Mỹ để nhân viên đi làm mà chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 có thể bị phạt tiền lên đến 14.000 USD.

    Ông Tập kêu gọi các nước công nhận vắc-xin của nhau


    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/10 kêu gọi các nước công nhận loại vắc-xin được tiêm dựa trên danh sách được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

    Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Tập thúc giục: “Chúng ta nên đối xử công bằng với tất cả các loại vắc-xin và thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau về vắc-xin dựa trên danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO”.

    Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh đã cung cấp 1,6 tỉ liều vắc-xin COVID-19 các loại cho thế giới và đang hợp tác sản xuất vắc-xin với 16 nước khác.

    Ông Tập còn đưa ra một loạt kêu gọi hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận và phát triển vắc-xin COVID-19, thực hiện mục tiêu của WHO là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.

    Lời kêu gọi đối xử công bằng với tất cả vắc-xin được ông Tập đưa ra trong bối cảnh vẫn còn nhiều nước không tính người tiêm vắc-xin Trung Quốc vào diện đã tiêm đủ liều.

    Không chỉ ông Tập mà Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/10 cũng đưa ra những lời “phàn nàn” về việc vắc-xin Nga không được công nhận.

    Trung Quốc có hai loại vắc-xin nằm trong danh sách phê duyệt sử dụng khẩn cấp của WHO là Sinovac và Sinopharm.

    Trong khi đó, dù là nước có vắc-xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép, vắc-xin Sputnik V của Nga vẫn chưa được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

    Bầu Quốc Hội Nhật Bản: Thủ tướng Fumio Kishida có nguy cơ mất đa số tuyệt đối


    Cử trị Nhật Bản đã được mời đến phòng phiếu vào hôm nay 31/10/2021 để bầu ra Quốc Hội mới. Khi giải tán Hạ Viện cách đây hai tuần để bầu lại, tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đặt cược vào một hiệu ứng mới, một kế hoạch kích cầu 250 tỷ euro để đảm bảo chiến thắng cho đảng Dân Chủ Tự Do của ông, thống trị đời sống chính trị Nhật Bản, hầu như không gián đoạn từ 65 năm.

    Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy rằng đảng bảo thủ, mà hình ảnh bị hoen ố do quản lý dịch bệnh, có nguy cơ mất đa số tuyệt đối trong Hạ Viện. Thông tín viên Frédéric Charles tường thuật từ Tokyo :

    Thủ tướng Fumio Kishida không thể trông chờ vào “tuần trăng mật” mà một chính phủ mới thường được hưởng. Uy tín của ông đã giảm trong các cuộc thăm dò dư luận, mặc dù thực tế cho thấy là các ca nhiễm Covid-19 mới đã giảm xuống mức thấp nhất và gần 70% dân chúng Nhật hiện đã được tiêm chủng đầy đủ.

    Có 2 vấn đề đối với ông Kishida: Trong mắt người Nhật, việc cải thiện tình hình y tế không phải là do chính phủ, mà là do các thống đốc của các tỉnh và thành phố lớn như Osaka, đã khắc phục được những sai sót của Nhà Nước khi đại dịch bắt đầu.

    Ngoài ra, sở dĩ ông Kishida được lên làm thủ tướng, đó là nhờ vào nhân vật số một trong đảng bảo thủ Nhật: Cựu thủ tướng Shinzo Abe, người đã điều hành Nhật Bản trong 8 năm ròng rã, người đã áp đặt chương trình bầu cử dự trù việc tăng chi tiêu quốc phòng.

    Theo đánh giá của Nicholas Smith, chuyên gia chiến lược của ngân hàng CLSA ở Tokyo, thì "Fumio Kishida cơ bản là con rối của Shinzo Abe. Ông ấy đã phải rút lại bình luận của mình về một chủ nghĩa tư bản mới; còn ý tưởng của ông về phân phối lại lợi tức, đề cập đến việc giảm thuế cho các công ty chủ trương tăng lương cho nhân viên, ý tưởng này cũng phản ánh chính sách của Shinzo Abe”.

    Để thúc đẩy trở lại nền kinh tế thứ ba của thế giới bị đại dịch tác động, đảng bảo thủ Nhật đề xuất một kế hoạch khổng lồ từ 240 đến 250 tỷ euro. Bao gồm cả việc trợ cấp một khoản tương đương 900 euro cho những người có thu nhập thấp.

    Đảng đối lập chính, Đảng Dân Chủ Lập Hiến, lần đầu tiên liên minh trong một mặt trận thống nhất với Đảng Cộng Sản. Họ nhấn mạnh đến việc tăng ngân sách y tế và giáo dục, ủng hộ hôn nhân đồng giới. Và khả năng các cặp vợ chồng được mang những họ khác nhau”.

    Mỹ và Liên Âu đạt thỏa thuận chấm dứt "cuộc chiến" thép nhôm


    Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chấm dứt ba năm căng thẳng trong quan hệ thương mại. Ngày 30/10/2021, hai bên đã đạt được một thỏa thuận về thuế quan đối với nhiều sản phẩm. Đích thân bộ trưởng Thương Mại Mỹ thông báo tin này trong một hội nghị qua điện thoại bên lề thượng đỉnh G20.

    Thủ tướng Ý, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20, « hy vọng thỏa thuận sẽ là bước tiến đầu tiên dẫn đến việc mở rộng hơn trao đổi giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, để tạo điều kiện cho tăng trưởng của hai nền kinh tế ».

    Thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình từ New York :

    « Chi tiết của thỏa thuận chưa được nêu cụ thể nhưng bộ trưởng Thương Mại Mỹ hoan nghênh « một thỏa thuận lịch sử ». Bà Gina Raimondo giải thích rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm của châu Âu. Nhưng việc hạn chế khối lượng nhập khẩu những vật liệu này sẽ được dỡ bỏ với điều kiện cả hai sản phẩm nhôm và thép phải được sản xuất hoàn toàn trong Liên Hiệp Châu Âu.

    Đổi lại, Bruxelles rút quyết định áp mức thuế hải quan 50% đối với nhiều sản phẩm của Mỹ, trong đó có xe máy Harley Davidson, rượu whiskey Mỹ hay quần bò Levis. Biện pháp lẽ ra có hiệu lực từ ngày 01/12 theo dự kiến.

    Thỏa thuận này chấm dứt cuộc đọ sức do tổng thống tiền nhiệm Donald Trump khởi xướng, bắt nguồn từ việc tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm châu Âu.

    Thỏa thuận đạt được vào lúc thế giới đang gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về cung ứng. Bộ trưởng Thương Mại Mỹ hy vọng là sẽ giảm được phần nào khó khăn gặp phải và những hệ quả đối với giá cả. Từ đầu đại dịch, giá thép đã tăng hơn ba lần, hiện được bán với giá 1.900 đô la một tấn ».

    Không có nhận xét nào