Header Ads

  • Breaking News

    Thùy Dương - 2001-2021 : 20 năm tăng cường chiến lược và kinh tế của Trung Quốc

    Bị tổn thương vì vụ khủng bố 11/09/2001, bị tư tưởng thay đổi chế độ bằng vũ lực và các thuyết « hòa bình dân chủ » thúc đẩy, nước Mỹ đã can thiệp quân sự vào Trung Đông. Bắc Kinh đã gửi thông điệp ủng hộ Washington. Nhưng trước đó, tháng 04/2001 đã đánh dấu giai đoạn quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung vô cùng căng thẳng.

    Thùy Dương - 2001-2021 : 20 năm tăng cường chiến lược và kinh tế của Trung Quốc

    Khi đó, tại Biển Đông, một máy bay do thám EP-3 của Mỹ va chạm với một phi cơ Trung Quốc, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng. Máy bay Mỹ bị chặn và bị buộc hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, Trung Quốc và sau 3 tháng phi hành đoàn mới được thả.

    Theo cách khác nhau, hai sự kiện nói trên đã giúp Bắc Kinh có « cơ hội thuận lợi » để tranh thủ gia tăng đàn áp người thiểu số Hồi giáo nói chung và người Duy Ngô Nhĩ nói riêng ở Tân Cương. Việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tháng 06/2001 cũng mang lại cho Trung Quốc những phương tiện giám sát chưa từng có, đặc biệt là ở Trung Á. Và cuối cùng, không kém phần quan trọng là vào tháng 11 cùng năm, sau 15 năm đàm phán, Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới WTO. Sự gia nhập này đã làm chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế và thương mại thế giới, có thể nói là theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

    Trên đây là những nhận định của hai chuyên gia về Trung Quốc, Emmanuel Véron et Emmanuel Lincot, trên trang mạng nghiên cứu The Conversation ngày 26/09/2021, trong bài viết « 2001-2021 : 20 năm tăng cường chiến lược và kinh tế của Trung Quốc ». RFI giới thiệu bài viết.

    Tái cấu trúc mang tính chiến lược trật tự quốc tế

    Loạt khủng bố ngày 11/09/2001 đã giúp Bắc Kinh có được quan hệ tốt hơn với Washington, trong khuôn khổ cuộc vận động đa phương cho « cuộc chiến chống khủng bố », cho dù Trung Quốc không triển khai hoạt động quân sự ở Afghanistan. Bắc Kinh chủ yếu đẩy mạnh tham vấn, ra báo cáo và phân tích về hậu quả vụ 11/09 và tác động của NATO đối với các sự cân bằng trong khu vực. Điều thu hút sự quan tâm nhất của nhà chức trách Trung Quốc không phải là việc Hồi giáo thánh chiến tấn công phương Tây mà là địa chính trị khu vực ở Tân Cương, vốn dĩ bị xem là có thể phá vỡ sự thống nhất của Trung Quốc.

    Hệ quả vụ khủng bố 11/09 là Bắc Kinh tăng tốc hệ thống hóa các phát biểu chính thức về cuộc chiến chống « Tam cổ thế lực - ba thế lực xấu » (khủng bố, ly khai và cực đoan), cáo buộc cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ thông đồng với các lực lượng Hồi giáo khủng bố quốc tế. Bắc Kinh tìm mọi cách chỉ ra là Al Qaida và hai nhóm người Duy Ngô Nhĩ chưa từng được biết đến - Đảng Allah ở Đông Turkestan và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (MITO) - có mối liên hệ với nhau.

    Bắc Kinh từng đàm phán với Taliban vào năm 1996 để bảo đảm rằng lực lượng này sẽ không ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, nhưng sự hiện diện của NATO và đặc biệt là của Hoa Kỳ trong khu vực (Trung Á, Pakistan ...) sau này đã làm thay đổi đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Khi đó, Bắc Kinh lo lắng về sự hiện diện lâu dài của Hoa Kỳ, vào lúc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có được tầm vóc mới, phản ánh sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á và của một kế hoạch chiến lược Âu-Á tập trung vào việc cung cấp tài nguyên (chất đốt, khoáng sản, đất canh tác, tài nguyên nông nghiệp) cũng như tập trung vào việc xích lại gần về ngoại giao - chính trị với các chế độ trong khu vực.

    Đó cũng là sự mở rộng chính sách được gọi là « phát triển về phía Tây », Hán hóa các vùng xa xôi hẻo lánh, nơi cư dân không phải là người Hán và có vai trò quan trọng đối với sự cân bằng lãnh thổ của Trung Quốc (cả về tài nguyên, không gian và các thách thức an ninh). Chính vì thế, yếu tố Afghanistan - Taliban và cuộc chiến kéo dài của NATO bị Bắc Kinh xem là những yếu tố ảnh hưởng đến cả chính sách đối nội (đối với việc Hán hóa Tân Cương, Tây Tạng) và đối ngoại (sự ổn định của các quốc gia nằm ở phía tây Trung Quốc), đặc biệt là Trung Á và tam giác xung đột Trung Quốc - Ấn Độ - Pakistan.

    Một cách có hệ thống, Bắc Kinh đã lấy cớ là các mạng lưới khủng bố địa phương gây mất ổn định ở Tân Cương để hợp thức hóa chính sách « phát triển về phía Tây », tiếp theo đó là đàn áp mạnh người Duy Ngô Nhĩ sau khi số vụ tấn công khủng bố trên thế giới gia tăng với sự hình thành Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, mặt khác là do các vụ tấn công xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc cũng tăng (Côn Minh, Bắc Kinh, Urumqi …)

    Chính sách an ninh của Trung Quốc dựa vào luật chống khủng bố và chiến dịch đàn áp trên toàn lãnh thổ, đặc biệt là ở Tân Cương, từ năm 2015. Đó cũng là cách Trung Quốc phát triển chính sách kiểm soát Hồi giáo trong 20 năm qua. Vào lúc đó, vấn đề trước tiên Bắc Kinh đặt ra là tránh biến đạo Hồi thành một kênh thể hiện nỗi bất mãn của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hoặc tránh để đạo Hồi ở Trung Quốc bị cực đoan hóa do chịu ảnh hưởng của Hồi giáo chính thống ở nước ngoài, nhưng nay Trung Quốc đã triển khai chính sách kiểm soát con người và công nghệ một cách chuyên quyền, độc đoán.

    Tân Cương và AFPAK (Afghanistan-Pakistan) : nơi phô diễn bạo lực

    Khu vực Tân Cương và Afghanistan-Pakistan là nơi diễn ra xung đột gián tiếp với Ấn Độ. Các lực lượng nổi dậy trong khu vực này là cái gai đối với Bắc Kinh. Sự tồn tại của họ thể hiện nỗi thất vọng về bản sắc, tôn giáo và kinh tế của các sắc tộc chịu tác động của toàn cầu hóa, sự bất ổn kéo dài hoặc chính sách Hán hóa tàn bạo như người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng. Sự phản đối của họ đối với các kế hoạch của Bắc Kinh, dù chỉ là sự căng thẳng hay đã biến thành hành động khủng bố, đều ảnh hưởng đến khả năng thành công của khái niệm « trỗi dậy hòa bình » mà Trung Quốc đưa ra.

    Về lâu dài và ở các vùng đệm, chẳng hạn ở Turkestan, các khu vực Pashtun, Baloutch và Cachemire, xung đột thể hiện sự đối lập không thể thu hẹp được giữa hai hệ thống chính trị : một bên là nền văn hóa Nhà nước lãnh đạo, thậm chí là sự sùng bái Nhà nước, còn bên kia là gạt bỏ, thậm chí còn coi đây là nguyên tắc cơ bản, tình trạng bị lãnh đạo và chắc chắn không phải là bị Trung Quốc lãnh đạo.

    Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Trung Quốc cũng đã hợp lực với Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) và Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) để hỗ trợ thánh chiến Mujahedin trong cuộc chiến chống lại Liên Xô. Ngày nay, khu vực này vẫn khiến Bắc Kinh lo ngại.

    Không có gì quá mới ở phía tây ...

    Với nỗ lực không ngừng để « khoanh vùng lãnh thổ, củng cố ảnh hưởng », Bắc Kinh không chỉ tìm cách dựa vào Pakistan mà còn mở rộng ra, dựa vào Iran để tạo động lực cho toàn bộ khu vực mà Afghanistan là trung tâm. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham dự hội nghị bộ trưởng lần thứ 5 về Afghanistan - Tiến trình Istanbul - Trái tim của châu Á, diễn ra hồi năm 2015 tại Islamabad, và việc Trung Quốc không những chưa bao giờ loại Taliban khỏi các cuộc đàm phán mà ngược lại còn tìm cách kéo phe này tham gia vào các cuộc thảo luận được tổ chức tại Thiên Tân, cũng thể hiện chiều hướng nói trên. Về cơ bản, ngoài giả định là Trung Quốc muốn khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản có giá trị vô cùng lớn của Afghanistan (lithium, sắt, vàng, đồng, đặc biệt là mỏ đồng Mes Aynak), việc Bắc Kinh ngả sang ủng hộ Taliban cũng là để bảo đảm sự ổn định của khu vực, trù tính hoặc tránh các vụ tấn công khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ trên lãnh thổ Trung Quốc.

    Trong suốt tháng 08, báo chí Trung Quốc đã nói rất nhiều về « sự thất bại » của phương Tây, đặc biệt là của Hoa Kỳ trong công cuộc « xây dựng đất nước » Afghanistan từ năm 2001. Cách xử lý truyền thông của chính quyền Bắc Kinh chắc chắn cho thấy Trung Quốc muốn mang lại giải pháp thay thế về ngoại giao và một mô hình phát triển cho khu vực này.

    Mặc dù Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Afghanistan, nhưng trong khu vực, việc tái diễn các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các lợi ích của Trung Quốc hay các cá nhân Trung Quốc, đặc biệt là ở Pakistan, có lẽ sẽ không chấm dứt. Chế độ Bắc Kinh biết điều này. Rất có thể tình hình mới sẽ dẫn đến việc Bắc Kinh phải cải cách chính sách chống khủng bố (về ngoại giao, kỹ thuật và quân sự) ở trong nước cũng như ngoài nước, bằng cách dựa vào Pakistan, Trung Á và phần nào là Trung Đông.

    Không có nhận xét nào