Header Ads

  • Breaking News

    Thiền Đàm về Đạo

    Trong tác phẩm Power vs. Force, Davis Hawkin nói rằng qua hàng triệu lần hiệu chỉnh, ông đã lập được bản đồ ý thức của con người và chia thành 16 tầng, từ 20 điểm tới 700-1.000 điểm. Ông viết: “Tầng Ơn Phước Thiêng Liêng đạt điểm 1.000, tầng cao nhất mà một số người sống trong giai đoạn lịch sử thành văn đã đạt được – tức là những người được tôn xưng là Thánh thần giáng thế như Thần Krishna, Đức Phật và Chúa Jesus Christ”.

    Thiền Đàm về Đạo

    Mỗi từ, mỗi câu của Đức Phật hay Chúa Jesus đều là Pháp lý (viết hoa), đều thể hiện nội lực vô cùng thâm hậu của các Ngài. Các Ngài là những người đã lấy chính đời sống của mình – Đức Phật phải đi ăn xin, phải làm một người hành khất vô gia cư; còn Chúa Jesus thì chịu để cho người ta đóng đinh trên thập tự giá – để bảo chứng cho giáo lý của mình. Những đệ tử của các Ngài có thể đều là những người còn ở các tầng thứ thấp bên dưới, ví dụ 300 hay 400 điểm, làm sao hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của những lời giáo huấn của các Ngài. 

    Cho nên, đối với một người chưa biết đường vào Đạo, thì những cuốn sách, những buổi pháp thoại của những đệ tử đã tu hành lâu năm có thể được dùng làm bản đồ chỉ đường dẫn tới Chùa hay Thánh đường. Những cuốn sách này có thể rất hay, nhưng đọc một hai lần là sẽ chán. Kinh khác hẳn, càng tu, càng đọc thì càng hiểu thêm những tầng Pháp lý cao hơn. Cho nên tới Chùa hay Thánh đường rồi thì phải bỏ ngay những cuốn sách đó bên ngoài hàng rào. Muốn trở thành, ví dụ, Phật tử thực sự, thì phải tu theo những lời dạy của chính Đức Phật, còn nếu tu theo những lời giảng nói của một nhà sư nào đó, dù họ có đạo cao đức trọng tới đâu (nên nhó, thanh danh lớn chưa chắc đã minh bạch), thì cao lắm bạn cũng sẽ chỉ lên được tới tầng bên dưới hoặc ngang với sư phụ của mình, chứ không bao giờ đến được gần tầng của Phật. Tu theo họ khác gì muốn chạm tay vào mặt trăng lại nhảy xuống ao?


    Cho nên, trong thế kỉ XXI này, khi hầu hết mọi người đều đọc thông viết thạo thì tôn giáo nhất định sẽ trở thành không còn tổ chức nữa. Đã là tổ chức thì nhất định phải có người đứng đầu, những lời giảng nói của người đó sẽ trở thành pháp lý (viết thường) làm kim chỉ nam cho các đệ tử tu tập và thế là họ bị hạn cuộc trong những lời này. Ý nghĩa của chúng nằm rất xa bên dưới tầng của người sáng lập tôn giáo đó. Trong tương lai không xa, những đồng môn, đồng tu trong các tôn giáo hay truyền thống tu tập nào đó có thể gặp nhau để chia sẻ kinh nghiệp tu tập và cách hiểu giáo lý của mình, chứ không thể lấy hiểu biết của mình để giải thích kinh sách, vì những lời giải thích có thể sai, còn trong trường hợp tốt nhất cũng không thể hiện đầy đủ ý nghĩa cao thâm của Kinh sách.

    Chức sắc tôn giáo không phải là quả vị trong quá trình tu luyện

    Tôn giáo có tổ chức thì phải có người quản lí, phải có bộ máy quản lí và các tầng nấc quản lí và cấp bậc khác nhau, chẳng khác gì những tổ chức trong xã hội thế tục. Ví dụ, trong Phật giáo Việt Nam có quy định như sau: Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại đức; năm 45 tuổi đời, vị tỳ kheo được 25 tuổi đạo, được gọi là Thượng tọa; năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa thượng; Đối với bên nữ (ni bộ): năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô; năm 45 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 25 tuổi đạo, được gọi là Ni sư; năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Ni trưởng. Đối với các bậc Hòa thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở Giáo hội Phật giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại tùng lâm, Phật học viện, Tu viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại lão Hòa thượng hay Trưởng lão Hòa thượng. Các vị thuộc hàng giáo phẩm này thường được cung thỉnh vào các Hội đồng Trưởng lão, hoặc Hội đồng Chứng minh tối cao của các cấp Giáo hội.

    Nhưng đây là các chức vị do con người tự đặt ra và phong cho nhau, chứ hoàn toàn không phải là quả vị (nôm na là kết quả của quá trình tu tập theo chính pháp).

    Theo kinh sách thì người tu tập chân chính thì sẽ lần lượt chứng đạt Bốn Thánh quả:

    1) Sơ quả (Sotapatti): Chứng quả này gọi là Tu-đà-hoàn (sotàpanna), vị đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ). Quả Tu-đà-hoàn còn được gọi là quả Nhập lưu (vào dòng Thánh) hay Thất lai (còn tái sinh nhiều nhất là bảy lần nữa).

    2) Nhị quả (Sakadagami): Quả này là Tư-đà-hàm (Sakadagamin, Nhất lai), vị đã đoạn trừ ba kiết sử đầu và làm muội lược hai kiết sử kế tiếp (Dục và Sân). Vị này sẽ còn tái sinh một kiếp tiếp nữa để tu tập chứng đắc quả tối thắng.

    3) Tam quả (Anagami): Chứng quả này hành giả được gọi là A-na-hàm (Anagamin), vị đã trừ năm kiết sử đầu (năm hạ phần kiết sử). A-na-hàm còn được gọi là Bất lai (không trở lại cõi người nữa), chỉ tái sanh ở cõi Sắc hay Vô sắc, từ đó tu hành và đạt quả Tối thắng.

    4) Tứ quả (Arahat): Chứng quả này hành giả được gọi là A-la-hán (Arahat), vị đã đoạn trừ hoàn toàn mười kiết sử là năm hạ phần kiết sử nói trên và năm thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử, vô minh), hữu ái: thích hiện hữu, thích cõi Sắc; vô hữu ái: muốn không hiện hữu, muốn sống ở cõi Vô sắc; mạn: lòng kiêu mạn, chấp thấy có chứng đắc; trạo cử: mối xao động, bối rối; vô minh: còn mê mờ do vì còn năm thượng phần kiết sử ngăn che. Vị A-la-hán còn được gọi là Vô sinh (hay Bất sinh: không còn tái sinh, dứt luân hồi) là sự chứng ngộ rốt ráo, Niết-bàn.

    Nhưng chỉ có Phật, người đạt được “tầng Ơn Phước Thiêng Liêng, tầng cao nhất” mới biết người nào đã chứng quả vị nào. Giáo hội Phật giáo, dù nằm dưới quyền quản lí, hay không quản lí của bất kì đảng phái hay chính phủ nào cũng không thể biết được. Xin mở ngoặc để nhận xét rằng, có lẽ Công giáo thì cũng thế, Chúa chính là người chọn ai sẽ được về bên Người; chắc chắn đây cũng không phải là kết quả bầu chọn, phong tặng do người thế gian làm. Hơn nữa, chứng đắc là kết quả của quá trình tu luyện của từng cá nhân, người ta không thể nhập niết bàn theo từng tiểu đội, trung đội hay đại đội. Dính chấp vào bất cứ danh hiệu nào, dù là danh hiệu do người đời phong tặng hay quả vị đều là chướng ngại to lớn trên con đường tu tập, vì tu tập chính là xả bỏ, xả bỏ đến tận cùng, vô vi đến tận cùng thì mới mong đạt được quả vị và chứng đắc niết bàn. Và như thế, tu tập thật sự không cần tổ chức, không cần chùa to. Đức Phật chỉ có một bình bát, hai bộ y phục để thay đổi và không ngủ dưới 1 gốc cây trong hai đêm. Ngày nay, theo tôi, tu tập không cần phải ép mình đến mức như thế, nhưng 1 căn phòng 10m2 có lẽ là đủ.


    Chùa to có thể chỉ là hãng buôn

    Người chủ trì những ngôi chùa lớn, có nhiều đệ tử cũng có thể cũng chỉ là các nhà buôn. Nếu người buôn trong xã hội thế tục đếm tiền, đếm cổ phiếu, đếm đất đai… thì người trụ trì có thể đếm số đệ tử và số chùa mà mình quản lí. Tâm lí của hai bên chẳng khác gì nhau.

    Tu mà không biết Pháp?

    Như đã nói, người thực tu chỉ cần một diện tích sinh hoạt tối thiẻu, chứ không cần chùa to tượng lớn. Phong trào nào, đảng nào, chế độ nào muốn can thiệp vào đời sống của một người chỉ có căn hộ rộng một vài chục mét vuông, vài bộ quần áo, đang sống trong thế gian nhưng không để thế gian sống trong mình? Chỉ sợ rằng sau khi đã có một số hiểu biết hay cho rằng mình đã chứng đắc quả vị nào đó liền nhảy ra thuyết nói, tìm kiếm đệ tử mà thôi. Đấy gọi là tự chiêu mời rắc rối.

    Người muốn thực tu nhưng vì cơ duyên nào đó mà phải/được quản ngôi chùa to thì cứ giữ nguyên biển hiệu hay treo biển hiệu nói rằng chùa này thuộc giáo hội XYZ nào đó thì cũng không sao. Đây chỉ là “chấp kinh cũng phải tòng quyền”, không ảnh hưởng gì tới quá trình tu tập. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng Phật Pháp là để người chân tu tiến đến giải thoát và đắc chính quả, chứ không nhằm mục đích duy hộ bất cứ hình thái xã hội nào. Treo biển hiệu XYZ cho khỏi rắc rối là một chuyện, còn đi sâu vào nó, tích cực hoạt động trong nó, thì, nói một cách cực kì nhẹ nhàng vẫn là: tu mà không hiểu Pháp. Nặng nề hơn thì phải nói: Phỉ báng Phật.


    Phật Pháp là đễ cho người hữu duyên tu luyện, chứ không phải để duy hộ bất cứ hình thái XH nào

    Những người chụp ảnh dưới biển hiệu chứng tỏ rằng Phật Pháp duy hộ một hình thái xã hội nào đó là lừa dối chúng sinh. Đấy là chưa nói Karl Marx, ông tổ của CNXH, còn nói một câu nổi tiếng “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” mà có lẽ các vị này đều phải biết. Những người được tổ chức nào đó phân công theo dõi đạo Phật hay những người vì danh vì lợi mà tham gia những tổ chức như thế là việc của họ. Họ đã chọn con đường ấy và đang tạo nghiệp cực kì nặng cho chính mình. Chỉ tiếc cho những người muốn thực tu mà bị dẫn vào đường tà, nghiệp cũng không phải là nhỏ!

    Tạo nghiệp thì phải trả. Có thể tránh, có thể lách được luật đời, nhưng không thể tránh, không thể lách được luật Trời.

    Không có nhận xét nào