Header Ads

  • Breaking News

    Thái Hóa Lộc – Hoa kỳ : Lạm phát không còn là ám ảnh mà là sự thật

    Hàng triệu người dân Mỹ nghỉ hưu đang hưởng tiền An Sinh Xã Hội sẽ được tăng 5.9% cho năm 2022, theo thông báo của cơ quan điều hành SCA hôm Thứ Tư, 13 Tháng Mười. Đây sẽ là mức điều chỉnh do vật giá leo thang (Cost-Of-Living Adjustment, còn gọi là COLA) lớn nhất từ 39 năm qua, do lạm phát tăng cao và nền kinh tế Mỹ đang vất vả để phục hồi sau các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

    Thái Hóa Lộc – Hoa kỳ : Lạm phát không còn là ám ảnh mà là sự thật

    Mức gia tăng do COLA sẽ giúp người nghỉ hưu có thêm trung bình $92 mỗi tháng, theo các ước tính do SCA công bố hôm Thứ Tư. Trong khoảng 10 năm qua, mức điều chỉnh COLA chỉ vào khoảng 1.65% mỗi năm, theo bản tin của hãng thông tấn AP. Như vậy lạm phát không còn ám ảnh mà là sự thật trong sự chịu đựng của người dân Mỹ đã bắt đầu.

    Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của tiền tệ. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ảnh suy giảm qua sự trao đổi hàng hóa trên một đơn vị tiền tệ.

    Lạm phát có 3 mức độ:

    – Lạm phát tự nhiên: 0 – dưới 10%

    – Lạm phát phi mã: 10% đến dưới 1000%

    – Siêu lạm phát: trên 1000%

    Trong thực tế, các quốc gia kỳ vọng lạm phát chỉ xảy ra khoảng 5% trở xuống. Một năm tăng trưởng kinh tế kỳ vọng khoảng 10% thì tiền mất giá tầm 5% là bình thường. Tính ra quốc gia đó có 5% tăng trưởng thực sự.

    Một ví dụ trong lịch sử về tình trạng siêu lạm phát: Vào năm 1913, trước khi chiến tranh thế giới nổ ra, 1 USD = 4 Mark Đức. Tuy nhiên, chỉ 10 năm sau đó, 1 USD đổi được tới 4 tỉ Mark Đức. Ở thời điểm ấy, báo chí đã đăng tải những bức tranh ảnh biếm hoạ về vấn đề này: Người ta vẽ cảnh 1 người đẩy 1 xe tiền đến chợ chỉ để mua 1 chai sữa, hay 1 bức tranh cho thấy giá trị của đồng tiền Mark Đức lúc bấy giờ chỉ được sử dụng làm giấy dán tường hoặc dùng như 1 nhiên liệu.

    Theo nhà sử học kinh tế hàng đầu Niall Ferguson, lạm phát có thể lặp lại quỹ đạo của những năm cuối thập niên 1960, vốn khiến cho lạm phát tăng cao kéo dài trong thập kỷ tiếp theo. Chia sẻ với CNBC hôm 03/09, ông Ferguson cho biết rằng các nhà hoạch định chính sách hiện đang đối mặt với một thách thức mới dưới dạng lạm phát gia tăng sau khi ứng phó với đại dịch COVID-19 theo cách tương tự như Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

    Ông Ferguson nói tại Diễn đàn Ambrosetti ở Ý: “Điều thú vị về các thảm họa là cái này có thể dẫn đến cái khác. Quý vị có thể đi từ một thảm họa sức khỏe cộng đồng sang một thảm họa tài chính, tiền tệ, và có khả năng lạm phát.”. “Lạm phát không phải là một thảm họa lớn, không giết người, nhưng lạm phát tăng sẽ là một vấn đề”.


    Người Mỹ tiếp tục phải đối mặt với chi phí cao hơn khi giá tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng 5.4% trong tháng này so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 08/2008. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và nhiều nhà kinh tế cho rằng sự gia tăng lạm phát gần đây là “nhất thời” và chỉ phản ảnh những tác động liên tục của sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng khi nhiều hoạt động như du lịch trở nên an toàn hơn.

    Nhưng một số chuyên gia đã bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng các điều kiện bất thường của nền kinh tế trong COVID-19 và số lượng lớn các biện pháp kích thích của chính phủ sẽ tiếp tục đẩy giá cao hơn trong suốt năm nay. Ông Ferguson cũng đặt vấn đề này, gợi ý rằng, trên thực tế, chúng ta có thể lặp lại quỹ đạo lạm phát rất cao của cuối những năm 1960.

    Ông Ferguson nói: “Tạm thời là bao lâu? Các kỳ vọng về căn bản sẽ thay đổi vào thời điểm nào, đặc biệt là nếu Cục Dự trữ Liên bang nói với mọi người, ‘chúng tôi đã thay đổi chế độ lạm phát mục tiêu và chúng tôi không bận tâm nếu lạm phát vượt quá mục tiêu trong một thời gian?’- “Cảm nhận của tôi là chúng ta không hướng đến những năm 1970 nhưng chúng ta có thể gặp lại tình hình lạm phát mất kiểm soát vào cuối những năm 1960, khi Chủ tịch Fed nổi tiếng khi đó, ông McChesney Martin, đã mất kiểm soát kỳ vọng lạm phát”. Nhận xét của ông Ferguson được đưa ra sau khi ông Dennis Lockhart, cựu chủ tịch của Fed Atlanta, cho biết ông coi lạm phát là “tạm thời” nhưng có thể kéo dài đến năm 2022, điều quan trọng là phải quản trị kỳ vọng lạm phát.

    Ông Lockhart nói với Diễn đàn Thị trường Toàn cầu của Reuters hôm tháng 9: “Tôi vẫn tin vào giả thuyết lạm phát. Tôi nghĩ rằng áp lực về giá mà chúng ta đang gặp phải lớn hơn và có thể dai dẳng hơn dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang”. “Nhưng như tôi đã nói, bây giờ tôi tin giả thuyết tạm thời. Điều đó cho thấy, cuộc chơi của chuyện lạm phát dường như ít rõ ràng hơn so với những gì Fed đã hy vọng hoặc mong đợi. Một số tín hiệu được trộn lẫn. Có những yếu tố sẽ không sớm rút lui”- “Có rất nhiều lời bàn tán và ồn ào, với một số thông điệp báo động, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của công chúng về lạm phát. Vì vậy, có thể áp lực giá cả sẽ tiếp tục và kéo dài đến cuối năm 2022 bước sang năm 2023. Đó là một tình huống không dễ chịu, đối với Cục Dự trữ Liên bang, và với giả thuyết của cơ quan này rằng lạm phát mà chúng ta đã thấy vào mùa xuân và đầu mùa hè thực sự chỉ là tạm thời”. Ông Ferguson nói thêm rằng, “Những vụ lạm phát lớn trong lịch sử gần như luôn gắn liền với chiến tranh. Điều thực sự sẽ làm giảm kỳ vọng lạm phát là nếu cuộc chiến tranh lạnh này… giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng leo thang thành một cuộc chiến tranh nóng đối với Đài Loan”.

    Trước mắt, giải quyết “căng thẳng” giữa lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng trong mùa lễ lớn hằng năm sắp tới là vấn đề cấp bách nhất mà Cục Dự trữ Liên bang phải đối mặt ngay lúc này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết hôm thứ Tư (29/09), thừa nhận hai mục tiêu của ngân hàng trung ương có tiềm ẩn xung đột. Hoa Kỳ đang thiếu hơn 5 triệu việc làm so với trước đại dịch. Tại cuộc họp gần đây nhất của Fed, các nhà hoạch định chính sách đã nâng dự báo lạm phát của họ cho năm nay lên 4.2% – cao hơn gấp đôi so với mức mục tiêu là 2%. Họ thấy rằng tốc độ lạm phát giảm vào năm 2022 xuống còn 2.2%, cao hơn một cách vừa phải so với mức Fed đã dự trù trong các dự báo trước đó vào tháng 6.


    Ông Powell cho biết “giả thuyết” trong hoạt động của Fed là lạm phát phần lớn sẽ tự giảm bớt khi nền kinh tế toàn cầu trở lại bình thường sau sự mở cửa trở lại đầy khó khăn từ đại dịch, một cơ sở cho phép người đứng đầu Fed đề cập đến việc tăng lãi suất vẫn là “khả năng xa vời”. Nhưng khi được hỏi về mối quan tâm lớn nhất lúc này, ông Powell đề cập đến sự xung đột có thể xảy ra giữa hai mục tiêu của Fed là giá cả ổn định và việc làm đầy đủ, một tình huống có thể buộc Fed phải đánh đổi giữa hai mục tiêu bằng cách tăng lãi suất để điều chỉnh giá cả ở thời điểm mà Fed vẫn muốn khuyến khích tăng trưởng việc làm. Thông thường, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát có quan hệ nghịch biến, một phần do chính sách tiền tệ và việc sử dụng lãi suất để kích thích hoặc làm giảm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, do đó ảnh hưởng đến giá cả và công việc làm.

    Các luận cứ về lạm phát từ các chính phủ hiện tại là không muốn giảm chi tiêu lớn nhưng ngân hàng trung ương bị mắc kẹt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi họ phải in tiền để đáp ứng sự thâm hụt tăng vọt từ các chính phủ mắc nợ cao và đồng thời phải bảo vệ chiến lược “ổn định giá cả”. Giữa hai mục tiêu này không cách gì khác hơn là cứ tiếp tục in tiền chống rủi ro lạm phát! Ông Milton Friedman, một kinh tế gia đã nói: Lạm phát là việc đánh thuế mà không cần luật lệ. Không có cái gọi là lạm phát “đa nguyên nhân.” Lạm phát là có nhiều tiền hơn cho cùng một số lượng hàng hóa. Và con đường lạm phát đang là chủ đích của chính phủ trong nền kinh tế theo cả hai cách: thông qua chi tiêu thâm hụt lớn và làm xói mòn niềm tin qua giảm giá tiền tệ.

    Không có nhận xét nào