Giới quan sát nước ngoài cho biết nhận định mới nhất trong lúc Việt Nam bắt đầu ra các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.
Nước ngoài nói về việc Việt Nam 'sống chung với Covid' |
Vào ngày 29/9, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố GDP quý 3 năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng âm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý từ năm 2000.
Financial Times, báo tài chính có tiếng tại Anh, vào ngày 1/10 có bài với tựa 'Việt Nam từ bỏ chiến lược zero-Covid sau mức sụt giảm GDP kỷ lục'.
Bài báo chạy tin việc nới lỏng các quy định ràng buộc đối với việc di chuyển, làm việc trong nhà máy và các hoạt động khác ở TP HCM được đưa ra sau một quyết định của giới lãnh đạo cộng sản từ bỏ chiến lược 'Không có Covid" và để theo đuổi một cách tiếp cận linh hoạt hơn.
Bài báo của tác giả John Reed, cây bút theo dõi sát thời sự Việt Nam, nhấn mạnh việc nới lỏng được đưa ra sau khi các công ty, bao gồm cả các nhóm đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài cảnh báo Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại TP HCM và lân cận đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh.
"Các công ty trên thực tế buộc phải lựa chọn giữa việc chịu chi phí nhà ở và nuôi ăn công nhân trong nhà máy của họ hoặc tạm ngừng sản xuất.
"Các biện pháp phong tỏa ảnh hưởng nặng nề nhất đến các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc và giày dép, nhưng các hãng sản xuất điện tử cũng bị ảnh hưởng.
"Các công ty bị ảnh hưởng bởi các nhà cung cấp bao gồm Apple, Samsung, Toyota và Nike," tác giả viết.
"Việt Nam, giống như nhiều quốc gia, nhận ra rằng không có cách nào có thể tồn tại trong một môi trường zero-Covid và điều đó là tích cực," bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói với Financial Times.
Bà nói: "Động thái hướng tới việc sống an toàn với virus là rất quan trọng."
Tính tới 29/9, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 42.165.168 liều
IHS Markit, công ty nghiên cứu kinh tế và thị trường với hàng chục ngàn khách hàng tại hơn 100 nước vào ngày 1/10 có bài mô tả:
"Trong khi đại dịch không có khả năng làm giảm vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, những công ty phụ thuộc vào Việt Nam như một điểm sản xuất chủ chốt cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả của bất kỳ sự gián đoạn kéo dài nào do virus lây lan", bài viết nhận định.
Trong khi đó Economist Intelligence Unit (EIU), ban nghiên cứu của tạp chí The Economist vào ngày 30/9 có bài với tựa "Nên kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi phong tỏa".
Bài viết mô tả việc "kinh tế tăng trưởng âm nghiêm trọng nằm ngoài dự đoán ban đầu của EIU, nhưng không làm thay đổi dự báo của chúng tôi về sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2022, sau khi các hạn chế đối với hoạt động công cộng được nới lỏng đáng kể trong những tháng tới".
Bài viết nhấn mạnh mặc dù tỷ lệ dân được tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt 8,6% vào ngày 26/9, nhưng Việt Nam đã lựa chọn tiêm càng nhiều mũi đầu càng tốt cho các nhóm ưu tiên, tập trung vào nỗ lực bình thường hóa hoạt động ở các khu vực quan trọng của nền kinh tế.
"Điều này có nghĩa là mũi chủng ngừa Covid đầu đối với nhiều công nhân phải đi lại và nhân viên nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Vào ngày 26/9, 32% toàn dân đã tiêm ít nhất một mũi vaccine".
Bài báo có đoạn mô tả "Dự báo năm 2022 của chúng tôi [cho Việt Nam] vẫn sáng sủa khi chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng tốc, bất chấp những giãn cách xã hội còn kéo dài trong năm tới.
"Chúng tôi dự đoán các biện pháp thắt chặt và nới lỏng không liên tục cho đến giữa năm 2022.
"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm tới (dự báo trước đó của chúng tôi là 5,9%), với tốc độ tăng tiêu dùng tư nhân và đầu tư cố định nhanh hơn đáng kể là lực đẩy cho kết quả dự báo này.
"Điều quan trọng là các đợt phong tỏa chưa từng có mà Việt Nam hiện đang bắt đầu nới lỏng sẽ không để lại sẹo trong trung và dài hạn để phải thay đổi lộ trình của nền kinh tế của Việt Nam.
"Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu trong giai đoạn 2022-26," EIU nhận định.
Việt Nam mong muốn đến cuối năm nay, khoảng 70-80% người dân trên 18 tuổi đã tiêm vaccine
'Mở cửa từng bước'
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế Việt Nam, đã cho hay bắt đầu từ 00 giờ, ngày 1/10, địa phương này thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội.
Thành phố này sẽ mở cửa từng bước và có lộ trình.
Từ 1/10, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động); hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ các trường hợp được phép hoạt động).
Người dân khi tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế TP Hồ Chí Minh có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, người dân sẽ xuất trình giấy tờ sau: Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày, đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
Kinh tế Việt Nam 'đang khó khăn'
Đại dịch Covid-19 đã giáng mạnh vào nền kinh tế Việt Nam, với thống kê chính thức cho hay tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2000, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.
GDP của quý 3/2021 giảm sâu khiến GDP 9 tháng năm nay của Việt Nam chỉ tăng 1,42% - thấp hơn năm trước.
Tổng cục Thống kê Việt Nam ngày 29/9 cho hay:
"Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay."
"Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%."
"Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%."
Không có nhận xét nào