Bà Lê Thị Xuân Lan – nguyên Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ – hôm 27/9 vừa phát cảnh báo đầu tháng 10 sẽ có một vùng áp thấp vượt qua Philippine vào Biển Đông và mạnh lên thành bão, hướng di chuyển về miền Trung Việt Nam.
Miền Trung Việt Nam: Dịch chưa qua, bão sắp đến! |
Liên tục trong ba ngày qua từ 27/9 đến nay các khu vực miền Bắc và Trung, Tây Nguyên Việt Nam có mưa lớn, gây sạt lở và ngập úng nghiêm trọng, báo hiệu mùa mưa bão đang bắt đầu ập đến.
Nhiều người dân ở thành phố Đà Nẵng cho biết, họ đã chuẩn bị tinh thần chống bão vì năm nào cũng có, tuy nhiên năm nay đang giữa cao điểm dập dịch COVID-19 mà lại hứng thêm bão, họ chưa biết ra sao:
“Năm nào tới mùa mưa bão là phải chèn chắn, năm nay đặc biệt có dịch rồi mưa bão thấy cuộc sống khó khăn nhưng riết rồi mình khắc phục chứ nhà nước cũng quan tâm hết sức rồi.”
“Cuộc sống đương nhiên khó khăn vì dịch bệnh kéo dài năm mấy, hai năm tái đi tái lại hoài, cũng coi như cố gắng sống qua ngày.”
Theo dự báo, khoảng ngày 5/10 bão sẽ di chuyển tây tây bắc hướng về miền Trung Việt Nam.
Nhiều người dân tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam nói với phóng viên RFA rằng thông qua các trang mạng xã hội họ cũng nắm được miền Trung sắp có bão nên hiện giờ, nhiều gia đình đã bắt đầu chuẩn bị chằng chống, đối phó đợt bão sắp tới:
“Mình bỏ cát lên mái tôn, bỏ đồ lên mái nhà, chuẩn bị hết rồi, giờ dân vô thông tin, lên mạng, họ cũng chuẩn bị.”
“Giờ thiên tai đến thì phải chịu, mình phải cố gắng khả năng của mình đến đâu thì hay đến đó chứ chẳng biết được.”
Tuy chính quyền Đà Nẵng chưa thông báo cho các hộ dân về tin bão sắp đến nhưng người dân ở đây cho biết, phía chính quyền đã có những động thái chuẩn bị đón bão:
“Mấy bữa nay em thấy hình như bên công ty môi trường đô thị họ đi tỉa cây, tỉa cành, nói chung bắt đầu vô mùa mưa bão rồi đó.”
“Dịch cứ ở nhà hoài, không được đi làm mà giờ còn mưa bão thì cũng lo lắng vậy, nhưng cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn.”
Còn theo một người dân khác, bão lũ năm nào cũng kéo về nhưng riêng năm nay, người dân đã hoàn toàn kiệt sức khi phải chống chọi với dịch COVID-19 trong thời gian quá dài nên việc lo bão đến đối với họ không lớn bằng việc lo thiếu ăn do đại dịch gây ra:
“Năm nay là ngàn năm có một, chưa năm nào thê lương như năm này, không phải thê lương một thời điểm gì, thê lương triền miên, hai năm liền, kéo tới bây giờ vẫn chưa dứt.
Nói thiệt giờ là lo sợ chứ không thể lo lắng được vì bây giờ không có một tiềm lực, nguồn lực hay sức lực nào lo lắng nữa, chỉ biết lo sợ thôi. Giờ dịch mà dập tới dập lui chỉ có dân chết chứ con vi-rút không chết. Bây giờ dân chỉ biết lo lắng cơn bão chứ chẳng biết làm gì hơn.”
Cũng theo chia sẻ của người dân miền Trung, dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm qua khiến họ kiệt sức. Một bức tranh ảm đạm đang hiện ra trước mắt họ khi công việc bị mất, tiền bạc, lương thực cạn dần vì ở nhà hàng tháng trời. Khốn khó, thiếu thốn, đói kém là những cụm từ họ diễn tả về cuộc sống hiện tại.
“Tôi cũng lo dữ lắm. Lo cái ăn thôi, trông cho dịch bệnh qua mau để mình làm mới có chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
Như đợt dịch vừa rồi cũng có hỗ trợ 500 ngàn, trong 20 ngày dừng mọi hoạt động của thành phố bên thôn cho được rau, bắp cải.”
Vào trung tuần tháng 9, sau khi miền Trung kết thúc đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cao điểm mùa mưa bão năm nay ở miền Trung là vào tháng 10, 11 và có thể kéo dài đến tháng 12.
Dù không hứng chịu liên tiếp 4-5 cơn bão trong một tháng như năm 2020, miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn nối nhau vào Biển Đông trong thời gian tới.
Hội chứng về quê và khủng hoảng lòng tin
Cuối cùng, chính quyền phải sắp xếp cho dân về theo nguyện vọng. Lãnh đạo tỉnh lại kêu gọi bà con ở lại nhưng cũng chẳng ai nghe, ai cũng chỉ có một mong muốn là trở về.
Từ khi dịch bùng phát ở thành phố và một số tỉnh lân cận, đã có mấy đợt di tản như thế này.
Bắt đầu là những người quê ở miền Trung và miền Bắc, đường xa hàng ngàn cây số, họ vẫn liều lĩnh quay đầu đi về. Rồi đến mấy đợt người miền Tây. Tất cả đã đến giới hạn của sự chịu đựng.
Trước đây, Sài Gòn đất lành chim đậu. Họ bỏ quê, bỏ ruộng vườn vào đây, lên đây kiếm kế sinh nhai.
Họ làm đủ nghề để sống và gởi tiền về nuôi con đi học, cho cha mẹ già viên thuốc lúc ốm đau. Thợ hồ cũng kiếm được một, hai trăm ngàn một ngày. Bán vé số được trăm tờ cũng có được trăm ngàn. Làm thúng xôi đầu hẻm, xe bánh mì đầu đường, gánh bún riêu trong ngõ cũng sống được qua ngày. Làm công nhân trong hãng xưởng, bát cơm có thêm miếng thịt cá, con sinh ra có được hộp sữa để lớn.
Nhưng rồi đất không còn lành khi cơn đại dịch thổi tới. Những chỉ thị, văn bản, nghị quyết, biện pháp lần lượt ra đời. Đường phố không người đi, xóm làng giăng dây, căng kẽm.
Nhà máy đóng cửa. Mọi hoạt động đông cứng lại và họ trở thành người thất nghiệp. Số tiền nhỏ nhoi để dành cạn dần. Viễn cảnh chết đói đến gần đe doạ cuộc sống của vợ con.
Họ nghe và tin những lời hứa của chính quyền, của nhà nước là không để một ai phải đói, không để ai bị bỏ lại phía sau. Họ tin và họ chờ. Nhưng rồi khi trong nhà không còn hạt gạo, khi sữa cũng chẳng có tiền mua cho con nhỏ, đến bữa không còn có bát cơm vẫn thấy mình bị bỏ quên, vẫn biết mình đang bị bỏ lại. Bốn tháng trông đợi, 120 ngày cầm cự bữa đói bữa no sống nhờ cơm từ thiện, họ bắt đầu tuyệt vọng.
Gói hỗ trợ lần 1, rồi lần 2, thủ tục rườm rà, khai báo đủ kiểu nhưng người có kẻ không. Ở trên thì bảo trợ cấp cho từng người, ở dưới lại cho là cấp cho từng hộ.
Số tiền hỗ trợ có nơi nhận, có chỗ chờ hoài không thấy. Có khi được cho bó rau, mấy củ lại cấp cho cả chục người trong nhà trọ, biết chia làm sao để ăn cho đủ.
Bốn tháng tiền nhà, không tiền đóng, chủ đuổi. Bốn tháng tiền điện nước, cũng không đủ tiền trả, điện cắt, nước cắt, sống làm sao? Cuối cùng là bị đuổi ra khỏi phòng trọ, ra ở vỉa hè mà sống sao?
Trước tình trạng người dân rời thành phố về quê, lãnh đạo thành phố phát biểu thấy có trách nhiệm chưa chăm lo chu đáo cho bà con.
Ảnh: Trong số hàng ngàn người đi xe máy về quê, có một nhóm 8 người, trong đó có 5 trẻ em cùng bố mẹ đi bộ từ Bình Dương về An giang. Họ bị thất nghiệp quá lâu, không còn tiền đóng trọ, không còn tiền ăn.
Đại diện cho chính quyền thành phố còn cho rằng bất cứ người dân nào đến với thành phố vì bất cứ lý do nào, thành phố đều trân trọng đón tiếp và thực sự chăm sóc để họ có điều kiện tốt nhất khi ở đây…
Nói hay quá, tình cảm quá, xúc động quá. Nhưng rất tiếc, dân nghe những lời như thế nhiều lần quá rồi. Dân đã chờ, dân đã mong, dân đã đợi chính quyền thực hiện những điều đã nói bằng hành động. Nhưng làm không tròn, nhưng không đúng như lời hứa. Nên dân chẳng còn tin, dân không còn sức đâu để đợi, nên dân phải dứt áo ra về. 120 ngày chờ mong sự giúp đỡ mà không thấy. Giờ với lời hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất sẽ chờ đến thêm bao tháng nữa? Nằm ở vỉa hè chờ sao? Nhịn ăn để chờ sao? Tin được nữa không?
Nhiều người đi về khi trong túi chỉ còn 50.000 đồng sau khi đã tốn hết tiền xét nghiệm để có tấm giấy đi đường. Có cặp vợ chồng, vợ mang bầu 8 tháng chở nhau về trên chiếc xe đạp với con đường hàng trăm cây số với vẻn vẹn có 100.000 đồng làm lộ phí.
Vợ chồng, con cái đèo nhau trên một chiếc xe với lỉnh kỉnh đồ đạc, tiền cũng đã cạn rồi, con đường về còn xa, còn qua biết bao nhiêu trạm, không biết rồi có về được quê nhà không?
Những đứa trẻ đang còn ẵm ngửa vẫn phải chịu đựng với nắng mưa và gió bụi. Gia tài nhiều khi chỉ là cái quạt máy hay chỉ là đống móc áo. Gia sản chỉ gói gọn trên chiếc xe. Có người còn đạp xe đạp để làm chuyến đi về.
Trong cơn đại dịch đã mang lại biết bao đau thương và mất mát. Cơn đại dịch cũng còn mang đến hội chứng về quê và sự khủng hoảng lòng tin. Suy sụp kinh tế rồi thời gian sẽ phục hồi. Mất lòng tin thì khó lòng lấy lại.
Không có nhận xét nào