Vì cách hiểu đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên khi có tranh chấp, có lẽ hiệu quả nhất là nên nhờ đến phân xử của tòa án.
Hoài Nguyễn - Tranh chấp đất đai nội bộ tôn giáo: bằng phán quyết của tòa án, hay bằng quyết định hành chánh của chính quyền? |
Trang Việt Nam Thời Báo có bài viết hôm 22-10, “Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài Chính Truyền 1926 đòi lại cơ sở trong Thánh Thất Tây Ninh”. Theo bài viết này, dường như “Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài Chính Truyền 1926” chọn thực hiện thủ tục hòa giải cơ sở, thay cho thủ tục khởi kiện giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Theo Điều 7, Điều 10, Điều 54, Điều 159, Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định về đất tôn giáo gồm những đặc điểm sau:
Đất tôn giáo (đất cơ sở tôn giáo) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp; Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động;
Đất cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định;
Người đứng đầu cơ sở tôn giáo đối với việc sử dụng đất đã giao cho cơ sở tôn giáo chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất.
Từ những tóm lược quy định trên cho thấy “Đất tôn giáo” là đất được Nhà nước giao cho các cơ sở tôn giáo sử dụng dùng vào việc thờ cúng, lễ bái của các nhà thờ, nhà chùa, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở tôn giáo khác được Nhà nước cho phép hoạt động trên cơ sở đất do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước và quỹ đất của địa phương, quyết định diện tích đất giao cho các cơ sở tôn giáo.
Như vậy, các nội dung liên quan đến “chi phái Cao Đài 1997” – “Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài Chính Truyền 1926”, về căn cứ pháp lý là chịu sự điều chỉnh của Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2018.
Điều 57 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, quy định đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật này tại Điều 63 về “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về tín ngưỡng, tôn giáo”, có 2 khoản:
“1. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo”.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, dành Điều 67 để quy định về các khoản chuyển tiếp khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành:
“1. Nhóm người đã được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực không phải làm thủ tục đăng ký, công nhận lại theo quy định tại các điều 17, 19 và 22 của Luật này.
2. Tổ chức tôn giáo trực thuộc đã được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; hội đoàn tôn giáo, dòng tu và tổ chức tu hành tập thể đã được cấp đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực không phải làm thủ tục đề nghị, đăng ký lại theo quy định tại Điều 29 và Điều 38 của Luật này.
3. Đối với tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thì thời gian để công nhận là tổ chức tôn giáo theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này được tính từ khi tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
4. Tổ chức tôn giáo đã được công nhận trước ngày Luật này có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Các tổ chức tôn giáo này có trách nhiệm điều chỉnh hiến chương tại đại hội gần nhất theo quy định tại Điều 23 và đăng ký hiến chương sửa đổi theo quy định tại Điều 24 của Luật này.
5. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo trước ngày Luật này có hiệu lực có trách nhiệm thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 của Luật này.
6. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cơ sở tín ngưỡng đã thông báo hoạt động tín ngưỡng hằng năm trước ngày Luật này có hiệu lực có trách nhiệm đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này”.
Từ những viện dẫn pháp lý ở trên, người viết nghĩ rằng bên cạnh việc kêu gọi sự lên tiếng của các tổ chức quốc tế như phần kết của bài báo “Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài Chính Truyền 1926 đòi lại cơ sở trong Thánh Thất Tây Ninh”, cần thiết thực hiện các quy trình tố tụng khởi kiện vụ án hành chính, hoặc vụ án dân sự ra tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Không có nhận xét nào