Tin tức kinh doanh đã trở thành cách thức để chúng ta đánh giá tình hình thời sự gần đây. Các nhà phân tích tại BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, khuyên các nhà đầu tư nên tăng gấp ba mức đầu tư liên quan tới Trung Quốc. Goldman Sachs đã được cho phép có toàn quyền kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán của họ tại Trung Quốc. Còn Apple, ít nhất là cho tới lúc này, đang chặn một ứng dụng kinh Koran ở Trung Quốc, sau khi các quan chức nước này bày tỏ lo ngại.
Giới chính trị và kinh doanh Mỹ không còn chung suy nghĩ về Trung Quốc |
“Ba điểm xếp thành một hàng”, đúng như quy tắc. Nhưng không chỉ có ba. Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải báo cáo rằng các thành viên của họ đang tự tin hơn bất kỳ lúc nào kể từ khi bắt đầu căng thẳng thương mại song phương. Cũng giống như Goldman, JPMorgan Chase cũng đã được cho phép sở hữu toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình ở Trung Quốc.
Không ai ở Washington hồi năm 2018 sẽ đặt cược vào phần lớn những điều trên. Trong cuốn sách “Superpower Showdown” (Cuộc chiến siêu cường) của họ, các phóng viên Bob Davis và Lingling Wei đã kể lại các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những năm đầu của chính quyền Donald Trump. Tổng thống của chúng tôi không phải là một nhân vật bất thường, các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp Mỹ nói, mà là tiếng nói của một đất nước đang bất mãn. Một số đã làm việc cùng Trump để ép Bắc Kinh nhượng bộ. Giới doanh nghiệp, từng là đồng minh của Trung Quốc ở Washington, người bảo vệ Trung Quốc trước những ông chủ Nhà Trắng thù địch, đã nguội lạnh.
Có nhiều cách lý giải những thay đổi đã diễn ra kể từ thời điểm đó. Một là Trung Quốc đã phản hồi những phàn nàn về rào cản tiếp cận thị trường và nhiều thứ khác. Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai phủ nhận điều này. Lý do còn lại chính là sự ngây thơ vô kể của giới kinh doanh. Bất chấp thiệt hại về danh tiếng hay sự hối thúc của chính phủ, các doanh nghiệp vẫn coi rủi ro làm ăn ở Trung Quốc chẳng là gì so với sự hấp dẫn tức thì của một thị trường rộng lớn.
Dù nguyên nhân là gì, kết quả đều là một điều không thể nhầm lẫn. Giới tinh hoa chính phủ và doanh nghiệp Mỹ không còn chung suy nghĩ về Trung Quốc, nếu họ thực sự từng như vậy. Ở Washington, cảnh giác đối với Bắc Kinh là điều gần nhất với một sự đồng thuận lưỡng đảng. Các đảng viên Dân chủ, cũng không kém các đảng viên Cộng hòa, đang lo lắng về những bước tiến của Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo và tên lửa siêu thanh. Các chính phủ liên tục nhau đã cố gắng tạo ra một mạng lưới bạn bè ở châu Á và châu Đại Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc. Hàng rào thuế quan của Trump phần lớn vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, ở Phố Wall và những nơi khác, các lợi ích thương mại đang tự khẳng định sức mạnh của mình. Không có mâu thuẫn rõ ràng nào ở đây: không có chuyện chính phủ Mỹ cấm hoặc thậm chí không khuyến khích mọi hoạt động kinh doanh với Trung Quốc. Cũng không thiếu sự logic. Nếu các công ty Hoa Kỳ không nắm bắt cơ hội, các công ty từ châu Âu hoặc các nơi khác sẽ nhảy vào. Nhưng hãy xem xét sự phân lập trong tư duy của những người điều hành nước Mỹ. “Làm suy yếu sức mạnh và trật tự của Trung Quốc” là cách Rush Doshi, một học giả trở thành quan chức trong chính quyền, mô tả sứ mệnh của Mỹ. Nhưng đồng thời, Mỹ đang “giúp” Trung Quốc, đối thủ của mình, sử dụng hiệu quả hơn các khoản tiết kiệm và phát triển thị trường vốn của mình.
Trên thực tế, với cánh cửa xoay vòng giữa giới quan chức và doanh nghiệp – nghe có vẻ đang kêu cót két vì được sử dụng quá nhiều – các cá nhân có thể thấy mình lúc thì kìm hãm Trung Quốc trong vai trò quan chức, lúc thì giúp phát triển Trung Quốc trong công việc tiếp theo khi tham gia giới doanh nghiệp. Và tất cả những điều này đã từng xảy ra trước khi mối quan hệ tài chính giữa hai nước trở nên sâu sắc và chín muồi. Từ lúc nào không hay, việc nói Hoa Kỳ có “một chiến lược rõ ràng” về Trung Quốc đã trở nên nghe thật buồn cười.
Nhưng đúng là trong lĩnh vực công nghệ, khoảng cách giữa hai quốc gia ngày cách xa so với trước đây. (Ngay cả LinkedIn, dù tìm cách thích ứng với Trung Quốc, cũng đã phải đóng cửa ứng dụng của mình ở nước này.) Nhưng giả định từ thời Trump rằng băng giá sẽ lan rộng, rằng tổng thể thương mại song phương nói chung sẽ bị ảnh hưởng, hiện nghe có vẻ quá lời. “Tách rời kinh tế”, giấc mơ của một số người trong ngôi Nhà Trắng đó, nếu không phải của chính Trump, đã trở nên mờ nhạt cả trong lời nói lẫn suy nghĩ. Khi Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ nói rằng “không có ích gì” khi nghĩ tới ý tưởng đó bây giờ, thì đó là sự cúi đầu chấp nhận thực tế lẫn một sự chào đón các tiến triển mới.
Nếu điều đó báo hiệu không phải là một cuộc chiến tranh lạnh mà là một cuộc chiến tranh nửa ấm nửa lạnh, với các tiếp xúc được duy trì thông qua hoạt động kinh tế, thì cũng là điều tốt. Nhưng Mỹ chưa từng phải đối mặt với những điều mơ hồ như vậy trước đây. Mỹ chưa bao giờ có một sự phụ thuộc lẫn nhau lớn như vậy với một đối thủ sống còn. Là một nước cộng sản giáo điều chứ không phải trên danh nghĩa, nước Nga Xô Viết chưa bao giờ chào đón những nhà quản lý tài sản nước ngoài lũ lượt đến trên những chiếc Audi. Và Mỹ cũng là một nền kinh tế tương đối khép kín khi chống lại Đức, Đế quốc Nhật Bản và đế chế Tây Ban Nha trong những cuộc chiến tranh trước đây.
Nếu có điều gì đó giống nhau giữa châu Âu hồi đầu thế kỷ 20 và quan hệ Mỹ – Trung ngày nay, thì đó là sự hội nhập kinh tế sâu rộng nhưng quan hệ chính trị băng giá, cảm giác giống nhau rằng các quốc gia hòa quyện, hội nhập với nhau mặt này và mâu thuẫn nhau ở mặt khác . Không có lý do gì để tin rằng mâu thuẫn Mỹ – Trung lần này lại bùng phát với một động lực tương tự (như khi dẫn tới Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất ở châu Âu), nhưng cũng không thể phủ nhận hay làm ngơ rủi ro đó. Một đặc trưng của các xã hội tự do là tầng lớp tinh hoa không phải là một khối đồng nhất, cùng chung tay trong một dự án quốc gia chung. Điều đáng sợ nằm ở chỗ, đó cũng chính là điểm yếu của họ.
Không có nhận xét nào