Bình luận về vụ tấn công 9/11, ông Kishore Mahbubani, cựu đại sứ Liên Hợp Quốc của Singapore cho biết: “Đó là một món quà địa chính trị đáng kinh ngạc đối với Trung Quốc”.
Chuyên gia: Vụ tấn công 11/9 là một ‘món quà địa chính trị cho Trung Quốc’ |
Tờ NBC đưa tin, vào ngày 1/4/2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Vụ va chạm buộc người Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc đã giam giữ phi hành đoàn Mỹ trong 11 ngày và kiểm tra cẩn thận máy bay của Mỹ trước khi bàn giao lại. Trong vụ việc này, Washington cáo buộc phi công Trung Quốc đã lái máy bay một cách liều lĩnh, còn Bắc Kinh yêu cầu một lời xin lỗi.
Vụ việc củng cố quan điểm của chính quyền Bush rằng, Trung Quốc là đối thủ lớn tiếp theo của Mỹ.
Vụ tấn công 11/9 tạo cơ hội cho ĐCSTQ
Nhưng vào sáng ngày 11/9, các phần tử cực đoan Al Qaeda đã cướp 4 chiếc máy bay và đâm 3 chiếc vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm Góc ở tiểu bang Virginia. Sự chú ý của Mỹ đột ngột chuyển [từ Trung Quốc] sang “cuộc chiến chống khủng bố”.
Trong gần hai thập kỷ, quân đội Mỹ đã được triển khai tới Afghanistan và Trung Đông, và thách thức về [việc đối đầu với] Trung Quốc đã được đặt sang một bên.
Bình luận về vụ tấn công 9/11, ông Kishore Mahbubani, cựu đại sứ Liên Hợp Quốc của Singapore cho biết: “Đó là một món quà địa chính trị đáng kinh ngạc đối với Trung Quốc”.
Ông Mahbubani nói thêm: “Thật là một sai lầm lớn đối với Hoa Kỳ khi tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, bởi vì thách thức thực sự sẽ đến từ Trung Quốc”.
Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng từ 1,2 nghìn tỷ USD năm 2000 lên hơn 14,7 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Ông nói: “Khi bạn đang bận rộn với chiến tranh thì Trung Quốc đang bận rộn kinh doanh”.
Khi Mỹ sa lầy trong cuộc chiến với các tay súng Hồi giáo ở Afghanistan, Iraq và các nơi khác, thì sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã tăng lên theo cấp số nhân. Các chuyên gia cho biết, Bắc Kinh đã xây dựng kho vũ khí tên lửa, mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo, đánh cắp tài sản trí tuệ trên quy mô lớn và theo đuổi các chiến thuật thương mại kiểu săn mồi.
Ông Craig Singleton, một thành viên Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ cho biết: “Sau ngày 11/9, Trung Quốc nhanh chóng nhận ra rằng, trọng tâm chiến lược của Washington sẽ chuyển hướng xa 3.000 dặm ra khỏi Biển Hoa Đông, ra khỏi eo biển Đài Loan và [chuyển] tới Afghanistan. Đó là một cơ hội để [ĐCSTQ] âm thầm phát triển các khả năng quân sự cưỡng chế, được thiết kế và có mục đích mở rộng sức mạnh của mình ở Đông Á”.
Ông James Lewis, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, vụ tấn công 11/9 tạo ra cơ hội cho Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ, một đối thủ đang bị phân tâm bởi “cuộc chiến khủng bố”.
Theo báo cáo của Dự án Chi phí Chiến tranh tại Đại học Brown, Mỹ đã chi khoảng 8 nghìn tỷ USD cho các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và các mặt trận khác trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông Lewis cho rằng, số tiền này đáng lẽ có thể được chi cho nghiên cứu và phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, chế tạo vũ khí công nghệ cao của Hoa Kỳ v.v.
Mỹ đang tấn công nhầm đối thủ?
Trong khi Trung Quốc tăng cường chi tiêu quốc phòng cho các tên lửa diệt hạm ở Tây Thái Bình Dương và mở rộng hải quân, thì Ngũ Giác Đài đã cải tiến Lục quân để đối đầu với quân nổi dậy ở Trung Đông.
Sau vụ tấn công 11/9, chính quyền Bush đã đổi hướng khỏi Trung Quốc để giành được sự ủng hộ của nước này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc chiến chống Al Qaeda, giảm bớt áp lực lên Bắc Kinh về nhân quyền và thúc ép Đài Loan đình chỉ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Theo yêu cầu của Bắc Kinh, năm 2002, Hoa Kỳ đã tuyên bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm khủng bố.
Các chuyên gia cho biết, động thái này và những luận điệu xung quanh cuộc chiến chống khủng bố đã giúp [ĐCS] Trung Quốc có lý do để đàn áp người Hồi giáo ở Đại Lục.
Vào thời điểm ông Barack Obama bước vào Tòa Bạch Ốc năm 2009, các quan chức nói về sự cần thiết phải “xoay trục” sang châu Á và tập trung nhiều hơn vào việc chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực chiến tranh ở Afghanistan và bất ổn ở Trung Đông đã lôi kéo sự chú ý của Washington khỏi Trung Quốc.
Khó có thể nói mọi thứ sẽ tiến triển như thế nào nếu không có vụ tấn công 11/9, nhưng một số chuyên gia cho rằng, [nếu không có vụ tấn công này] Mỹ có thể đã điều chỉnh các chiến lược quốc phòng và kinh tế của mình nhiều năm trước đó để đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông Medeiros, cố vấn hàng đầu của Obama về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Nếu không có ngày 11/9, quý vị có khả năng sẽ thấy sự thay đổi nhanh hơn trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, theo hướng cạnh tranh hơn. Ít nhất, quý vị sẽ có một sự thay đổi nhanh hơn trong chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ”.
“Ảo tưởng” về Trung Quốc
Dmitri Alperovitch, chủ tịch điều hành một tổ chức phi lợi nhuận cho biết, cho đến khoảng 5 năm trước, các chính quyền đã liên tiếp đánh giá sai về Trung Quốc, và tin rằng Bắc Kinh có thể là một đối tác.
Ông nói, các nhà lãnh đạo chính trị lầm tưởng rằng, nếu Washington giúp mở cửa thị trường toàn cầu cho ngành công nghiệp Trung Quốc, thì chính phủ Trung Quốc sẽ dần mở cửa hệ thống chính trị của đất nước và đóng vai trò hợp tác hơn trên trường thế giới.
Ông bình luận, “Tôi thực sự không nghĩ rằng Afghanistan hoặc cuộc chiến chống khủng bố có liên quan nhiều đến nó, rằng nếu chúng tôi không có sự phân tâm [về mối lo khủng bố] đó, chúng tôi sẽ bớt ảo tưởng về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra”.
Hiện nay, Trung Quốc được cho là đứng đầu trong chương trình nghị sự của Washington, và lưỡng đảng đều đồng ý về sự cần thiết phải “cứng rắn” với ĐCSTQ. Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc. Đồng thời, các nhà lập pháp và tập đoàn đang tăng cường các biện pháp thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch của Mỹ, đầu tư vào nghiên cứu và bảo vệ ngành công nghệ Mỹ khỏi gián điệp công nghiệp.
Liệu phản ứng đối phó với Trung Quốc đã là quá muộn?
Một số chuyên gia cho rằng, thời gian quý báu đã mất, và Mỹ vẫn thiếu một chiến lược dài hạn về cách đối phó với [ĐCS] Trung Quốc. Ngoài ra, nền chính trị phân cực Hoa Kỳ có nguy cơ khiến nước này sao nhãng khỏi nhiệm vụ chính.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, Mỹ vẫn là trung tâm của sự đổi mới và vẫn có đủ các phương tiện để cạnh tranh với Trung Quốc và giành chiến thắng.
Ông Lewis cho biết, vào những năm 1970, sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam trong thất bại và bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, giá dầu tăng chóng mặt, Liên Xô tin rằng Mỹ đang trên đà đi xuống. Ngày nay, Trung Quốc thường miêu tả Mỹ như một cường quốc đang trên đà suy giảm không thể tránh khỏi. Tuy nhiên ông lập luận, những người [cộng sản] Liên Xô nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ biến mất, và 15 năm sau, Hoa Kỳ vẫn đứng vững [nhưng Liên Xô đã sụp đổ].
Không có nhận xét nào