Nằm dưới chân nơi an nghỉ của cụ Phan Bội Châu, là ngôi mộ của hai chú khuyển. Ngày hai chú khuyển mất, chính bàn tay cụ Phan chôn cất và lập bia mộ.
Bí mật về đôi khuyển trung thành bên mộ cụ Phan Bội Châu |
Gần 100 mùa xuân đi qua, câu chuyện về hai chú khuyển trung thành cũng phai nhạt trong ý niệm bao người. Đến bây giờ, nhiều người lại đặt ra câu hỏi: Vì sao lại có hai ngôi mộ ấy?
Trong cơn mưa cùng cái lạnh tê tái của những ngày đầu đông, Huế vẫn lần lượt đón tiếp những du khách đi và về. Được biết đến với nhiều di tích lịch sử của triều Nguyễn, dạo quanh các địa danh nổi tiếng nhiều người vẫn không quên ghé lại khu di tích, tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, nơi một thời đã diễn ra bao biến cố. Tọa lạc trên con đường cùng tên (119 Phan Bội Châu, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) khu tưởng niệm “ông già Bến Ngự” mỗi ngày vẫn chào đón bao người. Lăng mộ cùng với mái nhà tranh nhỏ nơi cụ từng sống, cách nhau chỉ vài bước chân. Dạo quanh một vòng khắp khuôn viên, ngẫm lại những công lao, sự hy sinh của cụ Phan cho thế hệ mai sau, nhiều người vẫn ngậm ngùi. Mái nhà tranh, khu lăng mộ tất cả đều rất đơn sơ.
Có một điều khiến người dân quanh vùng và cả du khách khi đến đây thắc mắc: “Vì sao lại có sáu tấm bia ngay dưới chân phần mộ cụ Phan Bội Châu?”. Nhiều người dân sống lâu năm trong vùng cũng không rõ những tấm bia này có từ khi nào và vì sao lại được đặt ngay dưới chân phần mộ của cụ?
Tiếp xúc với một số người dân quanh vùng, bà Nguyễn Thị Thu (75 tuổi, P.Trường An – TP. Huế) một người dân sống lâu năm cạnh khu vực tưởng niệm cho biết: “Những tấm bia này đã có từ rất lâu nhưng không ai biết có từ khi nào. Thời của bà trước đây cũng có mấy người lớn tuổi biết nhưng giờ chẳng còn ai sống thọ đến hôm nay mà kể lại”. Cũng theo bà Thu, đó là sáu tấm bia của hai con chó mà cụ Phan từng nuôi. Những người đến đây, khi biết sáu tấm bia này của hai chú chó ai nấy đều ngỡ ngàng. Không hiểu lý do vì sao ngay dưới chân một chí sỹ cách mạng lại có sáu tấm bia mộ dành cho hai con chó.
Dãy bia mộ của hai con chó mà cụ Phan từng nuôi.
Khi khu di tích được phục dựng, nhiều người vẫn tò mò về sáu tấm bia kỳ lạ này. Sáu tấm bia được đặt theo hàng ngang, mỗi tấm cách nhau chừng 40cm. Trong sáu tấm bia ấy, có hai tấm được viết hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, hai tấm viết bằng chữ Hán. Hai tấm còn lại, là hai tấm nhỏ nhất thì viết bằng chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ. Trong sáu tấm bia, ba tấm phía bên phải viết về “con Ky” còn ba tấm bên trái thì được viết về “con Vá”. Từ xưa đến nay, ngoài những bàn thờ được lập ra để thờ “thần cẩu”, hình ảnh sáu tấm bia mộ để thờ hai con chó là chuyện hiếm thấy.
Bà Phan Tâm Thanh, một người khách tham quan cho biết: “Thoạt nhìn, tôi cứ ngỡ là bia mộ của ai đó, nhưng khi nghe bảo là mộ của hai con chó thì thấy hơi ngạc nhiên. Không chỉ riêng tôi thắc mắc rằng tại sao lại có mộ hai con chó ngay dưới chân phần mộ của cụ Phan?”.
Sáu tấm bia mộ kỳ lạ này, từ ngày này qua ngày khác vẫn khiến nhiều người dân lẫn du khách thắc mắc. Người nọ truyền tai người kia, họ biết hai chú khuyển được lập bia ấy chính là hai con chó do cụ Phan nuôi. Nhưng để nói lý do vì sao cụ Phan lại dựng hai tấm bia mộ ngay trong khuôn viên và nằm ở dưới chân phần mộ của mình thì chẳng ai lý giải được.
Hai chú khuyển trung thành
Ngày 30/6/1925 cụ Phan trên đường từ Hàng Châu trở về Quảng Châu (Trung Quốc), khi đến Bắc Thượng Hải thì bị quân Pháp bắt và đưa về Hà Nội. Những ngày đầu, cụ Phan bị tòa xử chung thân khổ sai nhưng sau đó vì sợ quần chúng nhân dân phản ứng nên đổi lại quản thúc tại gia. Từ năm 1926, trở về Huế cụ sống trong căn nhà tranh ở Bến Ngự, một thời người dân vẫn gọi cụ Phan Bội Châu là “ông già Bến Ngự”. Suốt những năm tháng ở Huế, cụ Phan đã nuôi hai con chó, đặt tên là Ky và Vá. Hai phần mộ của hai chú khuyển được đích thân cụ Phan Bội Châu dựng lên. Hai con vật này lúc còn sống hết mực trung thành với chủ.
Trên tấm bia mộ bằng chữ Quốc ngữ của con Ky có khắc nội dung: “Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân; vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy; ai ngờ con Ky nầy lại đủ hai đức ấy - Chung nhau thờ một chủ thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó - Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dận dụ thiệt là trí đó - Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy”. Cũng như bia mộ của con Ky, trên bia mộ con Vá có nội dung: “Vì có dụng nên liều chết phần đầu; vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó; người còn vậy huống gì chó. Ôi con Vá nầy; đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó”.
Theo nhiều tài liệu cũng như nội dung để lại trên tấm bia mộ, từ hai con chó này cụ Phan đã phản ánh những hạng người thiếu chí lớn, vì lợi riêng không thể sánh bằng hai con vật của mình. Tấm bia mộ có ghi rõ “chẳng bao giờ như mèo với chó thiệt là nhân đó” và “chẳng bao giờ vì miếng ngon dận dụ thiệt là trí đó”. Tờ Trung kỳ tuần báo số 14, ngày 15/4/1936, cụ Phan có bài viết về con Vá với nghĩa dũng sâu sắc. Một người quen đến thấy cụ Phan dựng bia cho con Vá, bảo: “Ông sao quá đa sự, coi chó như người?”. Cụ Phan đáp: “Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thì người với chó có gì phân biệt. Mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác, thì người chẳng phải chó là gì?”.
Cụ Phan cũng kể chiến công của con Vá là bắt trộm. Có lần người giúp việc tham lam, lén lấy trộm tiền, con Vá nằm dưới giường xông ra cắn vào chân. Con Vá là một con chó thông minh, trung thành với chủ: “Duy chỉ có việc này thì ở trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị”, là nó thấy đồ ăn ở ngoài đường, hay chỗ nào mà không phải của chủ nó cho ăn, thì nó nhất định không chịu ăn”. Mộ hai con chó được dựng lên ngoài tình yêu thương, cụ Phan còn “biến” nó thành một công cụ đấu tranh, đả kích một số hạng người trong thời buổi bấy giờ “vì miếng mồi ngon mà phản chủ”. Thời loạn lạc, ngoài những con người trung thành, yêu nước, thương dân vẫn đầy rẫy những hạng người thiếu “trí và nhân”. Hai phần mộ không chỉ là sự yêu thương hai con vật, mà được coi như hai con người thực thụ vì theo cụ Phan “nó có đủ đức trí và đức nhân mà bao người không thể có”.
Đả kích một số người trong xã hội
Bia mộ hai con chó được chính tay cụ Phan dựng lên, mộ con Vá được dựng vào năm Giáp Tuất (1934) và con Ky được dựng vào năm Đinh Sửu (1936). Trao đổi với chúng tôi, tiến sỹ Hà Ngọc Hòa, giảng viên trường đại học Khoa học – đại học Huế cho biết: “Trong thời gian sống tại Huế, cụ Phan có nuôi hai con chó và khi nó mất vì quá thương, cảm động lòng trung thành với chủ của chúng nên ông đã than khóc và lập mộ cho chúng. Trong những sáng tác văn thơ ông cũng có bài viết về lòng trung thành và dành nhiều tình cảm cho hai con vật này”. Tuy nhiên cũng theo ông Hòa, thông qua hình ảnh hai con chó, hay việc lập bia mộ cho chúng ngụ ý là để đả kích một số người, hạng người không thể sánh bằng những con vật.
Không có nhận xét nào