Tất cả các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông quốc tế trong tuần này đều chú ý tới sự kiện nhà cầm quyền cộng sản Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công một hỏa tiễn siêu thanh, rồi ngay sau đó phát biểu trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc rằng “thử nghiệm vũ khí là quyền chính đáng của Bắc Triều Tiên” để “tăng cường khả năng phòng thủ trước chính sách thù địch” đối với họ.
Bắc Hàn Thử Nghiệm Hỏa Tiễn Siêu Thanh – Bản Tin Tổng Hợp |
Hôm Thứ Tư 29 tháng 9 đài truyền hình quốc doanh KCNA và báo chí nhà nước Bắc Hàn loan báo vụ thử nghiệm “đạt đủ tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản”, và hỏa tiễn siêu thanh mới chế tạo mang tên Hwasong-8 là “một trong năm vũ khí chiến lược quan trọng nhất thuộc kế hoạch hiện đại hóa quân đội theo quyết nghị đại hội Đảng Lao Động lần thứ 8”. Cách gọi “vũ khí chiến lược” thường được hiểu với ý nghĩa là hỏa tiễn có mang đầu đạn nguyên tử.
Trước đó, cả Bộ Tổng Tham Mưu của quân đội Nam Hàn và Bộ Quốc Phòng Nhật Bản đều đã phát giác hỏa tiễn của Bắc Hàn được phóng đi từ tỉnh Jagang ở miền trung bắc vào khoảng 6:40 giờ sáng Thứ Ba 28 tháng 9 và rơi xuống vùng biển phía đông. Sau khi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nam Hàn triệu tập phiên họp khẩn cấp, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Boo Seung-chan nói trong cuộc họp báo: “Thật đáng tiếc là vụ thử nghiệm này diễn ra giữa lúc sự ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên đang ở vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm”.
Hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic missiles) được coi là “vũ khí của thế hệ mới”, vì bay với tốc độ mau hơn gấp bội hỏa tiễn đạn đạo thông thường – có thể đạt tới 3,853 miles/giờ tức 6,200 km/giờ – nên khó bị hệ thống chống hỏa tiễn của đối phương phát giác và truy cản. Hiện nay trên thế giới mới chỉ có ba nước là Mỹ, Nga, Trung Cộng chế tạo được hỏa tiễn siêu thanh. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ hôm 27 tháng 9 cho biết đã thử nghiệm thành công loại hỏa tiễn tối tân này và đặt tên là “Raytheon”. Quân đội Nga hồi tháng 7 vừa qua cũng đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn siêu thanh mang tên “Zircon”. Như vậy phải chăng Bắc Hàn muốn chứng tỏ có đủ khả năng để tham dự cuộc chạy đua vũ khí với các cường quốc nguyên tử?
Theo lời một chuyên gia về hỏa tiễn đạn đạo thuộc Đại Học Không Gian tại Seoul là Chang Young-keun nói với hãng thông tấn Reuters thì cơ quan tình báo Nam Hàn đã thu thập đủ dữ kiện để kết luận rằng cuộc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh hôm 28 tháng 9 chưa thành công như Bắc Hàn khoe khoang. Tuy nhiên ông Chang nói thêm, mặc dù không đủ sức tấn công nước Mỹ nhưng hỏa tiễn tầm ngắn của Bắc Hàn vẫn là mối đe dọa đối với lãnh thổ Nam Hàn hoặc Nhật Bản.
Theo các bản tin thông tấn thì chỉ trong vòng một tháng, đây là lần thứ ba Bắc Hàn vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm phóng các loại hỏa tiễn đạn đạo – lần thứ nhất là một hỏa tiễn tầm xa hôm 13/9, lần thứ hai là một hỏa tiễn tầm ngắn bắn đi từ xe lửa hôm 15/9. Vụ thử nghiệm mới nhất này cho thấy rằng bất chấp lệnh cấm vận nghiêm ngặt, Bắc Hàn vẫn tiếp tục phát triển vũ khí, có thể là để gia tăng áp lực đối với Hoa Kỳ và Nam Hàn sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao bị gián đoạn từ năm 2019 với sự tan vỡ của Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội.
(Ngày thứ Sáu 1 tháng 10, bản tin cập nhật của AP cho biết Bắc Hàn lại vừa phóng thêm một hỏa tiễn nữa và loan báo là hỏa tiễn lần này “nằm trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm hỏa tiễn phòng không”. Bộ Tổng Tham Mưu Nam Hàn nói rằng “tình báo Mỹ và Nam Hàn theo dõi rất sát từng bước đi” của Bắc Hàn, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Cùng ngày, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng đã được báo cáo và chưa có hành động gì. Tại Tòa Bạch Ốc, tùy viên báo chí Jen Psaki trả lời báo chí là chính phủ Mỹ vẫn đang cân nhắc để có thái độ về những vụ vi phạm mới nhất của Bắc Hàn, đồng thời cho biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã liên lạc và thúc đẩy nhà cầm quyền Kim Jong-un nối lại đàm phán ngoại giao, tuy nhiên chưa nhận được hồi đáp từ phía Bình Nhưỡng).
Cũng cần nhắc lại, mới cách đây một tháng, cơ quan nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc IAEA hôm 30 tháng 8 báo động là có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn đang khởi động trở lại lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon với khả năng làm giàu plutonium để chế tạo vũ khí nguyên tử, và gọi đây là một “diễn biến rất đáng lo ngại”.
Ngoài ra, hai sự kiện được ghi nhận trước và sau vụ thử nghiệm hỏa tiễn hôm Thứ Ba càng khiến dư luận thế giới đặt dấu hỏi về ý đồ của nhà cầm quyền Bình Nhưỡng.
Trước hết, chỉ một tiếng đồng hồ sau khi hỏa tiễn siêu thanh “Hwasong-8” được phóng đi từ tỉnh Jagang, Đặc Sứ Bắc Hàn Kim Song lên diễn đàn để phát biểu trước các phái đoàn tham dự kỳ họp thứ 76 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Bản tin Reuters trích dẫn lời Kim Song tuyên bố “thử nghiệm vũ khí là quyền chính đáng của Bắc Triều Tiên” để “tăng cường khả năng phòng thủ trước chính sách thù địch”, đồng thời hứa hẹn rằng “nếu Hoa Kỳ từ bỏ chính sách thù địch và chấm dứt việc áp dụng tiêu chuẩn kép (double standards)” thì “Bắc Triều Tiên sẽ sẵn sàng đáp ứng các đề nghị đàm phán bất cứ lúc nào”. Nói một cách cụ thể là Bắc Hàn yêu cầu quân đội Mỹ ngưng các cuộc tập trận chung với quân đội Nam Hàn và rút các hỏa tiễn của Mỹ ra khỏi miền nam bán đảo Triều Tiên. Ngay sau đó Kim Song nói thêm: “Nhưng chúng tôi nhận định rằng không có triển vọng nào ở giai đoạn hiện tại cho thấy Hoa Kỳ sẽ thực sự từ bỏ chính sách thù địch của mình”.
Kim Song cũng đề cập đến việc Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in qua bài diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước (20 tháng 9) đã kêu gọi các bên tham chiến ký hòa ước và cùng đưa ra lời tuyên bố để chính thức kết thúc cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953). Về việc này, Kim Song đặt điều kiện tiên quyết là Hoa Kỳ phải “chấm dứt vĩnh viễn các cuộc tập trận chung với Nam Hàn” và “gỡ bỏ tất cả các loại vũ khí chiến lược” đang bố trí trên bán đảo và chung quanh bán đảo.
Thật ra lời phát biểu trên đây của Đặc Sứ Kim Song chỉ là lập lại quan điểm mà Thứ Trưởng Ngoại Giao Bắc Hàn Ri Thae Song đã đưa ra trên đài truyền hình quốc doanh KCNA hôm Thứ Sáu 24 tháng 9: “Dù có tuyên bố chấm dứt chiến tranh hàng trăm lần đi nữa thì cũng sẽ chẳng có gì thay đổi, chừng nào mà bối cảnh chính trị chung quanh nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (DPRK) vẫn chưa thay đổi và Mỹ vẫn chưa từ bỏ chính sách thù địch. Ưu tiên số 1 để ổn định tình hình và xây dựng hòa bình cho bán đảo Triều Tiên là Mỹ phải chấm dứt việc áp dụng tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch”. Thứ Trưởng Ri Thae Song dùng chữ “tiêu chuẩn kép” với ngụ ý chỉ trích rằng hai chính phủ Washington và Seoul lên án Bình Nhưỡng phát triển vũ khí trong lúc cả hai vẫn tiếp tục các hoạt động quân sự của mình.
Sự kiện thứ nhì mà dư luận thế giới đang chú ý tới là, qua lời phát biểu với báo chí và tiếp đó qua thông cáo chính thức do hãng thông tấn quốc doanh KCNA phổ biến hôm Thứ Bảy 25 tháng 9, Kim Yo-jong – em gái của Chủ Tịch Kim Jong-un, hiện được coi là một nhân vật có quyền lực tại Bình Nhưỡng – đã hai lần khẳng định rằng “Bắc Triều Tiên có thể chấp nhận một cuộc hội nghị thượng đỉnh với Nam Triều Tiên” và “Bắc Triều Tiên có thể đồng ý tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến Tranh”, với điều kiện “hai bên phải tôn trọng lẫn nhau và ứng xử một cách công bằng”, đồng thời “Nam Triều Tiên phải chấm dứt chính sách thù địch đối với Bắc Triều Tiên”. Cũng qua thông cáo, Kim Yo-jong nói là “nếu hai miền Nam Bắc Triều Tiên lấy lại được lòng tin đối với nhau thì những bước tiến có ý nghĩa sẽ có thể đạt được một cách nhanh chóng”.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) khi tường trình sự kiện này đã nhận định như sau:
“Lời tuyên bố của Kim Yo-jong là một trong những phát ngôn cởi mở nhất kể từ năm 2019 khi các cuộc đối thoại ngoại giao tại bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc. Kim Yo-jong đặc biệt gợi đến viễn ảnh có thể tổ chức một Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Triều cũng như về một Tuyên Bố Chung để chính thức chấm dứt Chiến Tranh Triều Tiên. Đó cũng là hai mục tiêu rõ ràng của Tổng Thống Nam Hàn. Ông Moon Jae-in không còn nhiều thời gian, vì sẽ phải rời chức vụ vào tháng 5 năm 2022.
“Khó có thể nghĩ đến một Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Triều trong tương lai gần, khi mà Bắc Triều Tiên hoàn toàn đóng cửa từ đầu đại dịch. Tuy nhiên một số chuyên gia nói rằng một cuộc gặp gỡ có thể diễn ra nhân kỳ Thế Vận Hội mùa đông tại Bắc Kinh vào tháng Hai năm 2022, nếu như Trung Quốc đưa được các bên ngồi vào bàn thương lượng. Thế nhưng có điều Bắc Triều Tiên vì đã đơn phương quyết định không tham dự Thế Vận Hội mùa hè ở Tokyo nên sẽ không được tham dự Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh. Dù sao thông điệp nói trên cũng được Seoul đón nhận một cách tích cực: Bộ Thống Nhất của chính phủ Nam Hàn nói rằng Bắc Triều Tiên đã đưa ra một đề nghị “có ý nghĩa”.
Không có nhận xét nào