Bài viết này được nhìn dưới lăng kính của một người Mỹ gốc Việt, về các bài học rút tỉa được từ hai cuộc chiến Việt Nam và A Phú Hãn mà Hoa Kỳ - cường quốc số 1 thế giới đã lãnh đạo và thua trận, rút lui, để lại những vết tích u buồn trong lịch sử và hình ảnh mất uy tín trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bài viết không nhằm phân tích về những thất bại quân sự, hệ lụy hay bối cảnh chính trị của cuộc chiến, cũng không so sánh những tương đồng hay dị biệt giữa hai cuộc chiến, hoặc nhận định của một người Mỹ, mà là cái nhìn thực tế của một người tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, đã có cơ hội sống và hiểu rõ hơn bối cảnh chính trị của Hoa Kỳ, mong rút ra những bài học hữu ích cho cuộc đấu tranh của dân tộc.
Ts. Trần Diệu Chân - Bài Học Về Đồng Minh Từ Cuộc Chiến Việt Nam và Afghanistan |
Những bài học này không chỉ áp dụng cho người Việt, mà còn cho cả bất cứ dân tộc nào trên thế giới khi phải nhận sự hỗ trợ từ các cường quốc để chống lại một thể chế bạo lực, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
Lấy sức mình làm chính - Chỉ có người Việt mới yêu người Việt để có thể hy sinh suốt đời hay cả sinh mạng của mình cho đất nước. Không thể đòi hỏi người khác làm điều này thay mình.
Không ai giúp mình mãi được - Mọi giúp đỡ từ người ngoài đều có giới hạn về tiền bạc, công sức, nhân mạng và thời lượng.
Không có “bữa ăn trưa nào là miễn phí” - Chỉ nên vận động sự hỗ trợ trên căn bản tương quan quyền lợi và không chờ đợi sự giúp đỡ một chiều. Có vậy ta mới giữ vững được nền độc lập và tự chủ dân tộc, mới bảo vệ được quyền lợi của đất nước.
[Hiện tượng “lụy Trung” ngày nay của chế độ Cộng sản Việt Nam (CSVN) chính là vì đã đặt trọng tâm của quyền lực Chủ Nghĩa và đảng lên trên quyền lợi của quốc gia, dân tộc].
Sức mạnh quân sự không là yếu tố quyết định chiến thắng, và chiến tranh đem lại nhiều tàn phá, hủy hoại cho đất nước. Đấu tranh “bất bạo động” hay phi bạo lực vừa thành công hơn đấu tranh bằng bạo lực (75% các cuộc đấu tranh thành công trên thế giới là phi bạo lực so với 25% bạo lực), vừa giúp tiết kiệm xương máu và tài nguyên cho giai đoạn xây dựng lại đất nước.
Phải tranh thủ được sự ủng hộ lâu dài và ý thức chủ động của toàn dân. Một quốc gia – dù có chính nghĩa như Việt Nam Cộng Hòa hay chính phủ Afghanistan trong 20 năm qua - nhưng đã không vận động được ý thức đấu tranh chống Cộng hay chống Taliban để bảo vệ quyền sống trong nhân phẩm và an lành của người dân; trái lại đa số đã coi việc này là trách nhiệm của chính phủ hay quân đội, thậm chí còn là một cuộc đấu tranh ủy nhiệm cho đồng minh (sự lầm tưởng VNCH là tiền đồn chống Cộng và Afghanistan là tiền đồn chống khủng bố nên sẽ không bị đồng minh bỏ rơi), từ đó dễ bị kẻ địch lũng đoạn, tuyên truyền, mua chuộc, thao túng và đi đến sụp đổ dễ dàng khi không còn lực lượng đồng minh bảo trợ.
Trong đấu tranh, sự kiên trì là nền tảng của thành công – Chân lý này đã được lịch sử hào hùng của dân tộc ta chứng minh sau những thời kỳ Bắc thuộc dài hằng mấy trăm năm, nhưng người Việt Nam vẫn quật khởi và giành lại đất nước. Một tù nhân Taliban cũng đã hiểu được tầm quan trọng của sự kiên trì trong đấu tranh khi tuyên bố: “Quý vị có đồng hồ, nhưng chúng tôi có thời gian.”
[Taliban và CSVN tuy thiếu yếu tố chính nghĩa, nhưng họ đã duy trì được tính kiên trì bằng hạ sách lừa mị, thúc đẩy sự hận thù, cực đoan, và niềm tin mù quáng vào tôn giáo hay chủ nghĩa; đồng thời dùng sự đe dọa và bạo lực để ngăn chặn và trừng phạt những người thức tỉnh. Khi đồng minh trong khối tự do mỏi mệt, thì CSVN và Taliban đã đạt được chiến thắng. Nhưng chiến thắng của họ chỉ là ngắn hạn so với chiều dài của lịch sử dân tộc. Người Việt và A Phú Hãn sẽ đạt được chiến thắng sau cùng của chính nghĩa, đó là chấm dứt bạo lực và độc tài để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo ý nguyện của người dân].
Trong cuộc đấu tranh chống bạo lực và độc tài (CSVN,Taliban, Trung Quốc…), người dân phải kiên trì hơn đối thủ, và luôn nhớ rằng lịch sử nhân loại đã chứng minh “không một chế độ tàn ác nào có thể tồn tại mãi”.
Sáu bài học nói trên là những kinh nghiệm mà người viết đã được học hỏi từ khi tham gia vào hàng ngũ Mặt Trận/Việt Tân cách nay 4 thập niên để đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và nhân bản. Qua thời gian và những kinh nghiệm vận động chính giới Mỹ về những vấn đề của Việt Nam, người viết có thể khẳng định rằng những phương châm chỉ đạo nói trên càng ngày càng có giá trị.
Cộng hòa mạnh hơn Dân chủ trong chính sách quân sự đối ngoại?
Nếu năm 1975 có nhiều người Việt Nam phẫn nộ về việc người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam dẫn đến thảm kịch sụp đổ Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 30 tháng Tư, 1975, thì ngày hôm cũng có hàng triệu người dân A Phú Hãn nguyền rủa Washington đã bỏ rơi Kabul. Trong những cảm xúc tuyệt vọng đó, đã nảy sinh một số những ngộ nhận rằng “Đảng Cộng Hòa (R) mới hùng mạnh về quân sự trong chính sách đối ngoại diều hâu, và mới chống Cộng mãnh liệt; còn đảng Dân Chủ (D) là bồ câu và thân Cộng.”
Trong thực tế, có 5 tổng thống Mỹ liên can tới cuộc chiến Việt Nam (1954-1975) và nếu tính luôn cả TT Harry Truman (D) đã giúp thực dân Pháp về vũ khí và tài chánh để ngăn chặn làn sóng đỏ (1950), thì có tổng cộng 6 tổng thống Mỹ liên hệ đến cuộc chiến tại Việt Nam: 3 đời Tổng thống thuộc Cộng Hòa và 3 đời Tổng thống thuộc Dân Chủ.
Tổng Thống Kennedy (D) là người đã gia tăng quân số Mỹ ở Việt Nam, và Tổng Thống Nixon (R) là tác giả chính sách “Việt Nam Hóa” (Vietnamization) cuộc chiến (1969) để rút quân, dẫn đến thảm kịch “Hiệp Định Paris” năm 1973, đồng thời bắt tay với Trung Cộng năm 1972 để chia rẽ khối Cộng sản Nga-Hoa.
Trong cuộc chiến A Phú Hãn, có 2 Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ và 2 Tổng Thống thuộc đảng Cộng Hòa can dự. Tổng Thống Bush con (R) khai mở cuộc chiến truy lùng khủng bố Al Qaeda năm 2001 tại Afghanistan, rồi Tổng Thống Obama (D) tiếp tục cuộc chiến, nhưng Tổng Thống Trump (R) đã ký kết thỏa thuận rút lui với Taliban năm 2020 và sau đó Tổng Thống Biden (D) thực hiện cuộc triệt thoái và di tản toàn bộ vào ngày 31 tháng Tám, 2021.
Nhìn vào tinh hình chính trị của nước Mỹ với sự can dự của các đời Tổng Thống thuộc lưỡng đảng Cộng Hòa và Dân Chủ qua hai cuộc chiến, cho chúng ta thấy rằng không thể nói đảng nào hiếu chiến hay chủ hòa hơn đảng nào. Tất cả đều đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết để đưa ra các giải pháp tối ưu cho nước Mỹ, chứ không phải cho người dân hay chính quyền quốc gia liên hệ.
Vì thế, đặt mình trong bối cảnh đấu tranh cho sự tự do dân chủ tại Việt Nam, người viết thấy rằng người đáng trách đầu tiên phải chính là lãnh đạo và dân tộc của nước mình, và là chính mỗi chúng ta đã không nhìn ra vấn đề. Từ đó, dựa trên 6 bài học cốt lõi nói trên, chúng ta có thể khai triển thành một số kim chỉ nam cho công cuộc đấu tranh chống lại ách độc tài Cộng sản tại Việt Nam như sau:
Một, cần khai dụng nhu cầu cộng tác của nước khác để phục vụ mục tiêu chung, nhưng song song phải xây dựng nội lực để đứng vững trên đôi chân của chính mình và không bị lệ thuộc hay lụy ngoại bang.
Hai, đấu tranh chống độc tài, chuyên chế và xây dựng một xã hội tốt đẹp là bổn phận chung của mọi người từ già đến trẻ, không chỉ riêng ai. Do đó, sách lược chung là vận động thế “toàn dân, toàn diện” để tạo sức mạnh tổng hợp cho nỗ lực canh tân con người và đất nước.
Ba, chấm dứt độc tài là mục tiêu ngắn hạn so với nỗ lực canh tân miên viễn để luôn cải thiện con người và đất nước theo nhu cầu của thời đại. Nỗ lực canh tân cần bắt đầu ngay từ bây giờ vì sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình chấm dứt độc tài, và xây dựng cùng bảo vệ nền tự do. Chiêm nghiệm mục tiêu canh tân sẽ cho ta ý thức “trường kỳ” và nỗ lực bền bỉ, thấy được nhu cầu cải thiện chính mình mỗi ngày - từ tư duy tới hành động - để góp phần đem lại những thay đổi tốt đẹp trong đời sống và xã hội.
Tóm lại, Hoa Kỳ là siêu cường số một của thế giới tự do, và đang tích cực giúp các quốc gia tự do ngăn chận và triệt hạ làn sóng đỏ cũng như các chế độ chuyên chính. Nhưng Hoa Kỳ cũng có những giới hạn về tiềm lực và những ưu tiên chiến lược phải giải quyết, buộc chính quyền dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ phải chấm dứt các cuộc phiêu lưu quân sự ở bên ngoài để quay về củng cố nội lực, hoặc chuyển trọng tâm vào những mục tiêu cần thiết và khẩn cấp, mà hiện nay chính là chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Trước những nghi ngại “Hoa Kỳ có còn là đồng minh đáng tin cậy hay không?” thì chúng ta có thể khẳng định rằng Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trong khối tự do đều vẫn là những người bạn đồng hành tốt trong hành trình đi tìm tự do và canh tân đất nước, miễn là chúng ta không quên những bài học đã nêu để phát huy tiềm năng của chính mình, bảo vệ quyền lợi quốc gia, và đạt tới mục tiêu tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc.
https://vietbao.com/a309375/
Không có nhận xét nào