Header Ads

  • Breaking News

    Trần Trung Đạo – Cách mạng Dân tộc Dân chủ trong tình hình mới

    Lich sử Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản đến nay là lịch sử của những ngộ nhận, và ngộ nhận lớn nhất là ngộ nhận giữa yêu nước và bán nước.

    Trần Trung Đạo – Cách mạng Dân tộc Dân chủ trong tình hình mới

    Bắt đầu từ hoàn cảnh cá nhân, tôi hay suy nghĩ về chiến tranh và đất nước. Như một lẽ tự nhiên, tôi cũng kết bạn với những người có ít nhiều thao thức về đất nước. Những đứa không cùng sở thích lần lượt xa dần. Từ một nhóm nhỏ thời trung học, sau thêm bạn từ các tỉnh khác khi lên đại học. Chúng tôi thường quây quần nhau ở một quán cà phê bình dân gần chợ Hòa Hưng. Quán không có tên nên chúng tôi đặt tên là Cà phê Lương Sơn Bạc để dễ hẹn hò nhau (ngày đó chúng tôi chưa đủ nhận thức để đặt tên quán là Cà phê Lũng Nhai). Với tôi, bạn bè không những chỉ là những người cùng thao thức, cùng lứa tuổi, mà còn là bóng mát, là gia đình vui buồn riêng của tôi.

    Giống như nhiều gia đình sau biến cố 30 tháng 4, 1975, “gia đình” chúng tôi cũng trải qua một giai đoạn đấu tranh nội bộ trầm trọng. Có đứa ủng hộ chính quyền mới một cách nhiệt tình, có đứa miễn cưỡng phải tham gia để tồn tại trong xã hội đang thay đổi, nhưng cũng có đứa chống chế độ một cách quyết liệt. Dù ủng hộ hay chống đối, chúng tôi, những thanh niên nặng về lý luận hơn là hành động, cũng chỉ đấu tranh tư tưởng ở quán cà phê.

    Ngày nọ, một người bạn đến nhà chào tôi để ra đi. Sau thời gian học tập chính trị ở trường, anh đã dứt khoát về quan điểm nên có thể sẽ không có thời gian để ghé Lương Sơn Bạc nữa. Anh cho tôi biết, tuy chưa đồng ý với lý luận của Đảng về cách mạng xã hội chủ nghĩa, anh tin cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là đúng. Theo bạn tôi, đất nước không có con đường nào khác. Thái độ tích cực nhất của một người Việt Nam là xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Mọi chống đối chỉ làm cho dân tộc thêm điêu linh, thống khổ.

    Bạn tôi là một người yêu nước chân thành. Chúng tôi đã từng ngồi yên lặng như âm thầm mặc niệm những người vừa chết khi nghe những bản tin chiến sự phát ra từ chiếc radio cũ kỹ của tôi. Chúng tôi đã từng san sẻ những ngậm ngùi chua xót mỗi khi nghe giọng hát Khánh Ly cất lên từ chiếc máy cassette nhỏ của bà chủ quán: “Huế Sài Gòn Hà Nội, hai mươi năm sao vẫn còn xa”. Chưa bao giờ hai chữ hòa bình quan trọng hơn thế. Chưa bao giờ hai tiếng thống nhất thiết tha hơn thế. Hai mươi năm, dải đất Việt Nam là những dòng sông máu, những khu rừng xương, những cánh đồng nhầy nhụa da thịt anh em. Phải chấm dứt chiến tranh. Phải có hòa bình. Không có chọn lựa nào khác.

    Người bạn lớn hơn tôi vài tuổi nên dù chơi với nhau tôi vẫn gọi anh ta bằng anh chứ không mày tao như với vài người khác. Tôi nhớ là đã nói với anh: “Điều mà Đảng cần nhất ở anh là đồng ý với lý luận của họ về cách mạng dân chủ nhân dân, bởi vì, từ cơ sở đó, sớm hay muộn rồi anh cũng sẽ đồng ý với lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Anh không tranh luận. Anh chỉ ra đi. Anh ra đi như hàng triệu thanh niên miền Bắc đã băng rừng vượt suối ra đi, và cũng giống như hàng trăm trí thức tả khuynh miền Nam ngày đó ra đi. Họ bỏ tổ quốc mà đi nhưng cứ tưởng ra đi vì tổ quốc. Tất cả đã rơi vào chiếc bẫy của Đảng, và miếng mồi đặt trên chiếc bẫy không gì khác hơn là lòng yêu nước, khát vọng hòa bình và giấc mơ đoàn viên dân tộc.

    Tôi thông cảm với anh cũng như sau này thông cảm với Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc và nhiều người khác. Nhận thức và quan điểm của một người bao giờ cũng mang tính lịch sử, bị quy định bởi các yếu tố chủ quan cũng như khách quan của hoàn cảnh xã hội. Sài Gòn ngày đó như sắp tận thế. Đời sống con người bị khép kín trong một phòng tối khổng lồ, một căn hầm sâu không lối thoát. Tiếng nói duy nhất vọng lên là tiếng nói của Đảng. Cánh cửa duy nhất được phép mở ra là cánh cửa của Đảng.

    Ngồi trong thư viện của một đại học Mỹ để ca ngợi dân chủ, phê phán độc tài là chuyện dễ dàng, ai viết cũng hay, ai nói cũng hợp tình hợp lý, nhưng sống tại Việt Nam sau 30 tháng 4, suốt 24 giờ một ngày bị xoáy tròn trong một bộ máy tuyên truyền tinh vi nhất thế giới với các phương tiện lừa dối, cám dỗ, đe dọa, việc giữ được niềm tin vào một ngày tia sáng dân chủ sẽ rọi vào địa ngục trần gian Việt Nam là cả một thách thức vô cùng to lớn.

    Nội dung của cuộc cách mạng Đảng gọi là “dân tộc dân chủ nhân dân” gồm “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đạp đổ ngụy quyền miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mở đường cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Còn cách mạng xã hội chủ nghĩa là gì người dân không cần phải quan tâm hay đồng ý. Đó là chuyện của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Những ngày sau 30.4.1975, từ chiếc loa treo ở đầu phố cho đến các giáo trình, giáo án, sách vở ở trường, tất cả đều tập trung vào việc đề cao vai trò của Đảng. Nào là không có Đảng, dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi chìm đắm trong bóng tối của nô lệ, lạc hậu, đói nghèo. Nào là các đảng phái quốc gia nếu không phải “thân Nhật” thì cũng “thân Pháp” hay “thân Mỹ”. Tương tự, không một lãnh tụ cách mạng nào xứng đáng hơn Hồ Chí Minh. Một “Phan Chu Trinh yêu nước nhưng cải lương”, một “Phan Bội Châu nhiệt tình nhưng vọng ngoại”, một “Nguyễn Hải Thần bám Tàu lâu đến nỗi quên cả tiếng Việt”, chỉ có Hồ Chí Minh là suốt đời “vì dân vì nước”.

    Đảng đã cụ thể hóa và cơ cấu hóa lý luận về “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” thành các đoàn thể phụ thuộc như Trí thức Yêu nước, Phật giáo Yêu nước, Công giáo Yêu nước, Liên hiệp Thanh niên Sinh viên v.v… Cơ cấu trung ương tập quyền trong chế độ Cộng sản vận hành như một thái dương hệ. Đảng là mặt trời và các tổ chức, đoàn thể là những thiên thể chung quanh, mỗi thiên thể có quỹ đạo riêng, có vệ tinh riêng, có vòng trong, vòng ngoài nhưng cùng bị chi phối bởi cùng một lực hấp dẫn của mặt trời.

    Từ sau hiệp định Geneve đến nay, không biết bao nhiêu giấy mực Đảng đổ ra để biện minh cho việc cưỡng chiếm miền Nam bằng súng đạn của Nga Tàu, với lý do chính vẫn là Việt Nam Cộng hòa từ chối tổng tuyển cử. Tuy nhiên, cốt tủy của vấn đề không phải bên nào ký bên nào không, bên nào chủ trương tổng tuyển cử, bên nào từ chối tổng tuyển cử, mà là sự chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản.

    Miền Nam, với một quân đội mới được chuyển giao chỉ vài tiểu đoàn, một chính quyền còn đang chập chững bước thấp bước cao trên con đường dân chủ, một xã hội còn đang bị khoanh vùng bằng phe phái, giáo phái, và đại đa số người dân vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa Việt Minh và Cộng sản thì làm sao Việt Nam Cộng hòa có thể thắng Đảng Cộng sản, một tổ chức quy cũ, dạn dày kinh nghiệm lọc lừa và có một bộ máy tuyên truyền biến trắng thành đen vô cùng lợi hại.

    Và giả thiết có bầu cử và Việt Nam Cộng hòa thắng, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ giải thể hệ thống chính ủy, đảng bộ trong quân đội, giao nộp vũ khí, sáp nhập vào quân đội chính phủ, giải tán bộ máy công an, dẹp bỏ bộ máy tuyên truyền, tự nguyện đặt mình trong khuôn khổ luật pháp và hoạt động một cách công khai như các chính đảng khác? Một người có nhận thức chính trị căn bản cũng biết những chuyện đó còn khó xảy ra hơn chuyện mặt trời mọc ở phương tây và lặn ở phương đông.

    Với các lãnh đạo Cộng sản miền Bắc, cộng sản hóa Việt Nam là canh bạc của đời họ. Những năm tháng trui rèn ngoài Côn Đảo hay trốn tránh ở Liên Xô, Trung Cộng, họ cũng chỉ nghiền ngẫm một mục tiêu Cộng sản duy nhất đó. Nếu có tổng tuyển cử thì tốt. Họ sẽ chiếm miền Nam không cần súng đạn. Nếu không có tổng tuyển cử cũng không sao. Họ vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng bạo lực. Dù qua phương cách gian lận bầu cử hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi. Sinh mạng của nhiều triệu người Việt, tương lai bao nhiêu thế hệ Việt Nam, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại không nằm trên bàn tính của Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

    Bài học chiến tranh Triều Tiên chưa phai mùi thuốc súng với hơn 3 triệu người thiệt mạng chỉ trong vòng 37 tháng đánh nhau không làm Đảng phân vân. Khả năng Mỹ trực tiếp đưa quân tham chiến và nhiều triệu tấn Napalm sẽ được ném xuống hai miền không khiến Đảng do dự. Đảng chỉ cần chiến thắng, dù là chiến thắng trên máu xương của đồng bào ruột thịt, trên xác đám trẻ thơ vừa mới chào đời, trên cảnh tương tàn phân hóa tận cùng của đất nước.

    Nếu ai cho rằng nhận xét như thế là một chiều và quá đáng, hãy đọc lại các chính sách của Đảng và việc thực hiện các chính sách đó từ 1954 tại miền Bắc, và từ 1975 trên phạm vi cả nước đối với các tầng lớp nhân dân, các thành phần dân tộc không Cộng sản.

    Một số người có thể cho rằng nói như thế là đánh giá quá cao mục tiêu của Đảng Cộng sản mà bỏ qua nguyện vọng thống nhất đất nước là nguyện vọng thiêng liêng, phản ảnh truyền thống yêu nước mấy ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.

    Không. Không ai bỏ qua. Nguyện vọng thống nhất đất nước, tình dân tộc thiêng liêng là tình cảm có thật và vô cùng sâu sắc. Nhưng tình cảm đó chỉ có trong con người Việt Nam bình thường, có trong bác nông phu tay lấm chân bùn, có trong anh công nhân đầu tắt mặt tối, có trong hàng triệu thanh niên nam nữ miền Bắc phải lên đường vào Nam chiến đấu, nhưng không có trong trong đầu óc của giới lãnh đạo Cộng sản, những người thợ vẽ đã vẽ lên tâm hồn nóng bỏng của tuổi hai mươi trong sáng những chân trời không có thực.

    Nhà văn Nguyễn Khải, vào cuối đời đã viết về bản chất lừa dối của Đảng trong Đi tìm cái tôi đã mất:

    “Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Vẫn biết rằng nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không một ai tin nhưng vẫn cứ nói. Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về tập trung và dân chủ, về nhân dân là người chủ của đất nước còn người cầm quyền chỉ là nô bộc của nhân dân. Rồi nói về cần kiệm liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa Cộng sản. Nói dối lem lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra.”

    Mặc dù nhiều người đã biết dối trá thuộc về bản chất của chế độ Cộng sản, bài viết như lời trối của nhà văn Nguyễn Khải gây chấn động bởi vì ông ta là một người suốt đời sống, viết và chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng.

    Một câu hỏi thường được đặt ra, tại sao các nước Cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ mà Cộng sản tại các nước Á châu như Trung Cộng, Việt Nam, Lào, Miên không sụp đổ. Mặc dầu mỗi nhà phân tích chính trị có thể giải thích nguyên nhân một cách khác nhau tùy theo góc độ họ đứng và mục đích nghiên cứu, đa số đã đồng ý rằng các nước Cộng sản tại Á Châu có một điểm mà các nước Cộng sản Đông Âu không có, đó là sự ràng buộc lịch sử giữa dòng sống của đảng Cộng sản và dòng sống của đất nước nơi đảng ra đời. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập 1921 trong cuộc kháng chiến chống Nhật, đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 1930 trong cuộc kháng chiến Pháp. Đảng Cộng sản Việt Nam sao chép toàn bộ lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể cả việc lợi dụng mối liên hệ lịch sử ngắn ngủi giữa Đảng và dân tộc để giải thích tính chính danh của Đảng trong tương lai lâu dài của dân tộc.

    Đừng quên, trong thời điểm đó, không phải chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mà rất nhiều đảng, nhiều phong trào cách mạng khác ra đời từ nam đến bắc để cùng đánh đuổi Thực dân. Tuy nhiên, không có một phong trào nào, một đảng phái nào trong cương lĩnh đã tự cho rằng vì họ đánh Pháp nên đảng của họ có đặc quyền lãnh đạo cách mạng, đặc quyền lãnh đạo đất nước, không chỉ hôm nay và mãi mãi về sau như Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Con đường cách mạng Việt Nam lót bằng xương máu của hàng vạn người yêu đất nước từ mọi giới, mọi thế hệ. Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”

    Trong giây phút lịch sử đó, 13 đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam. Tuyệt nhiên không ai trong số họ kể cả Đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã hô Việt Nam Quốc dân Đảng. Điều này khác hẳn với những lãnh đạo Cộng sản như Nguyễn Thị Minh Khai trước giờ bị xử tử chỉ hô lớn “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!” để thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà ta đối với Đảng, cũng như Lê Hồng Phong, trong lời trăn trối cuối cùng ngoài Côn Đảo chỉ nguyện trung thành với Đảng.

    Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông, trong khi với Đảng Cộng sản, chiếc ghe lại chính là dân tộc.

    Sau 35 năm, lý luận gọi là “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” vẫn còn được Đảng lặp đi lặp lại để lừa gạt các thế hệ trẻ Việt Nam như đã từng lừa gạt các thế hệ cha chú họ. Không ít những người lớn tuổi thuộc thế hệ chiến tranh 1954 đến 1975 đã từng theo Đảng, dù biết lầm đường, vẫn tiếp tục bám vào lý luận đó và tự lừa dối chính mình rằng cuộc chiến gọi là “giải phóng miền Nam bằng võ lực” là đúng và kết quả, vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu. Họ tự lừa dối chỉ vì quyền lợi bản thân, chén cơm manh áo, chức quyền, và trong vài trường hợp chỉ là kỷ niệm của một thời trai trẻ đã qua.

    Sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản quốc tế, xu hướng phát triển dân chủ văn minh của nhân loại và quyền lợi bức thiết của dân tộc Việt Nam đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc và Đảng Cộng sản chưa rõ nét trong chiến tranh trở nên ngày càng sâu sắc sau cuộc chiến. Dù cho Đảng có ngụy biện và lừa dối bao nhiêu, đại đa số người dân hôm nay đã biết Đảng Cộng sản Việt Nam là vật cản lớn nhất của phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại Việt Nam, cũng như để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh một mất một còn chống chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng không thể nào tránh khỏi trong tương lai.

    Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam, việc tập trung sức mạnh dân tộc trên nền tảng một xã hội dân chủ trở thành một nhu cầu bức thiết hơn hôm nay.

    Khác với lý luận “cách mạng dân tộc dân chủ” có tính áp đặt, dựng trên những lọc lừa dối trá, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ngày nay là cuộc vận động toàn dân tộc, tận dụng mọi chất liệu, vốn liếng, tài năng của người Việt trong cũng như ngoài nước.

    Nội dung của cách mạng dân tộc dân chủ là tập trung sức mạnh dân tộc, gạt bỏ mọi bất đồng, vận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam đến thành công, thiết lập một chế độ dân chủ pháp trị, hiện đại hóa đất nước toàn diện làm nền tảng cho việc phục hồi chủ quyền đất nước, mở đường cho một Việt Nam thăng tiến lâu dài.

    Bởi vì, chỉ có một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thắng được bá quyền Trung Cộng.

    Trung Cộng không sợ USS George Washington hay bom nguyên tử mà sợ dân chủ. Ngọn đuốc dân chủ sẽ đốt cháy lây đến cơ chế trung ương tập quyền Trung Cộng một cách vô cùng nhanh chóng. Các tan vỡ trong cơ chế chính trị sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ cấu xã hội vốn đặt trên một nền tảng chính trị rất mong manh. Bài học đế quốc La Mã, Áo Hung trước đây hay Liên Xô, Nam Tư còn sờ sờ trước mắt. Chẳng những các dân tộc lớn như Mãn, Mông, Hồi, Tạng sẽ trở nên các quốc gia độc lập, mà ngay các tỉnh lớn trong nội bộ dân tộc Hán cũng có khả năng tuyên bố chủ quyền. Chẳng những Phật giáo, Pháp Luân Công mà cả Hồi giáo Tân Cương tuy ít nhưng có khuynh hướng bạo động, cũng là những đe dọa đối với Bắc Kinh. Một Trung Hoa mênh mông còn có nguy cơ tan thành từng mảnh, chủ quyền quốc gia trong lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi.

    Là một nước nhỏ, Việt Nam phải biết vận dụng mọi biến động chính trị của các nước lớn để phục hồi lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền. Đó là những kinh nghiệm tổ tiên ta đã đúc kết bằng xương máu. Một Mai Thúc Loan không thành công, một Ngô Quyền thành công, một Bà Trưng thành công, một Bà Triệu không thành công, nhưng lòng yêu nước, yêu độc lập tự chủ dân tộc trong lòng các vị vẫn giống nhau. Khát vọng đó qua nhiều thời đại đã trở thành một truyền thống và luôn âm ỉ cháy trong lòng người Việt dù đang sống ở đâu trên mặt đất này. Nếu không có truyền thống độc lập tự chủ đó, Việt Nam ngày nay không phải là nước Việt Nam mà có thể đã được gọi là Khu tự trị An Nam.

    Chính sách của Trung Cộng đối với cuộc tranh chấp Biển Đông thể hiện chỗ yếu của Trung Cộng nhiều hơn thế mạnh. Trung Cộng chỉ giỏi ăn hiếp những ngư dân Hòa Lộc không một tấc sắt trong tay trên những chiếc ghe đánh cá bằng gỗ mỏng vì họ biết không có một Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nào rảnh rỗi để thảo luận hay ra nghị quyết lên án Trung Cộng về việc bắn một chiếc ghe hay đưa một đoàn du lịch đi thăm viếng Trường Sa. Nhưng Trung Cộng rất tránh đụng những vấn đề nhạy cảm và có ảnh hưởng quốc tế. Ngay cả đồng minh và khách hàng lớn nhất của Trung Cộng trong thế giới Hồi giáo là Iran mà còn gọi Trung Cộng là con cọp giấy khi không dám phủ quyết quyết nghị của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kết án chính sách nguyên tử của Iran. Nhiều người lo ngại một ngày Trung Cộng có thể sẽ “dạy Việt Nam một bài học” nữa. Tuy nhiên đừng quên, năm 1979 Trung Cộng không có gì để mất, nhưng năm 2010 trở về sau Trung Cộng có khả năng mất tất cả dù thắng hay bại trong chiến tranh với Việt Nam. Ngay trong chiến tranh biên giới 1979, khi tuyên bố cuộc chiến với Việt Nam là “chiến tranh giới hạn” trong bụng Đặng Tiểu Bình cũng đã dọn đường cho việc rút quân. Với bản chất tiểu nhân của giới lãnh đạo Trung Cộng, họ có thể sẽ thực hiện vài hành động khiêu khích trong vùng Biển Đông để đo lường phản ứng của Mỹ, nhưng cho ăn vàng cũng không dám xua 300 ngàn quân sang biên giới như họ đã làm trong 1979.

    Dân tộc Việt Nam cần một kẻ thù và đang có một kẻ thù. Đó là chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Cộng. Kẻ thù này chẳng những đã được nhân dân trong cũng như ngoài nước xác định mà một bộ phận lãnh đạo trung ương của Đảng, vì lý do gì đó, cũng đã xác định. Nhưng để thắng Trung Cộng, đoàn kết nội bộ dân tộc chưa đủ mà phải vận dụng được các lợi thế quốc tế trên cơ sở của một chế độ dân chủ.

    Về lâu dài, vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Mỹ muốn thấy Trung Cộng trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định. Trung Cộng là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, sự khủng hoảng chính trị Trung Cộng sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nên kinh tế thế giới không thể đo lường được.

    Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát thanh 9 giờ một ngày bằng Hoa Ngữ hướng về lục địa Trung Quốc qua hai đài chuyển vận, một đặt ở Thái Lan và một đặt ở Philippines. Ngoài ra, mặc dù mối quan hệ kinh tế phức tạp giữa hai nước đã làm nhẹ các yếu tố khác, chính phủ Mỹ luôn đưa vấn đề nhân quyền trong mọi cuộc gặp gỡ cao cấp giữa hai nước. Trong biến cố Thiên An Môn, nhiều ngàn sinh viên từ Thượng Hải đến Bắc Kinh để tham gia biểu tình cũng nhờ nghe tin tức trên đài VOA. Trong những ngày đầu các cơ quan thông tin của Đảng im lặng coi như không có gì xảy ra, nhưng vì VOA cập nhật tin tức sốt dẻo hàng giờ và sinh viên từ các thành phố tiếp tục ồ ạt kéo về, hệ thống đài của Đảng buộc phải lên tiếng tố cáo “âm mưu nước ngoài”, nhưng đó cũng là cách thú nhận biến động chính trị lớn đang diễn ra tại Bắc Kinh.

    Tương tự, Mỹ cũng muốn thấy Việt Nam trở thành một nước tự do dân chủ trong một Đông Nam Á hòa bình và ổn định. Nhưng dân chủ không phải là món quà mà ông thần tài Uncle Sam đem đặt trước cửa nhà của mỗi gia đình người Việt, mà phải bằng nỗ lực của chính dân tộc Việt Nam. Mỹ bỏ 900 tỉ Dollar hay 3 ngàn tỉ tùy theo cách tính và 4500 nhân mạng để lật đổ Sadam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trước mắt để trong vài năm nữa trở thành một cường quốc trong thế giới Ả Rập.

    Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, ai cũng nghĩ kẻ có lợi nhiều nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Saddam Hussein đã tàn sát không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự bàng quan của Mỹ. Đa số các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng trong tập thể 35 triệu người Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á. Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ.

    Bởi vì, chỉ có một dân tộc Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới có khả năng làm cho đất nước giàu mạnh.

    Khi nói đến phát triển kinh tế, Đảng thường nêu lên những thành tựu giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân so với thời kỳ bao cấp. Ba mươi lăm năm rồi, những bài hát trên chiếc đĩa nhựa 45 vòng đó không còn nghe được nữa. Nhân loại đã bỏ Việt Nam quá xa. Hãy nhìn sang các nước Đông Âu. Họ chỉ thoát ra khỏi xích xiềng Cộng sản chưa được 20 năm nhưng nền kinh tế đã tăng gấp nhiều chục lần so với thời kỳ Cộng sản. Một Ba Lan, một Hungary ngày nay hoàn toàn khác với một Ba Lan, một Hungary khi còn là những nước Cộng sản chư hầu.

    Hai mươi năm trước, có lẽ không bao nhiêu người biết trên trái đất này có một xứ gọi là Lithuania. Như một quốc gia nhỏ nằm sát biên giới Liên Xô, Lithuania là nạn nhân của hiệp ước mật giữa Hitler và Stalin ký kết 1939. Dân tộc Lithuania sau khi bị Stalin cưỡng chiếm, đã chịu đựng những hy sinh vô bờ bến dưới ách Cộng sản. Nhưng ngày nay, đôi cánh tự do dân chủ đã giúp cho dân tộc Lithuania có dân số chưa bằng một phần hai mươi của Việt Nam trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất Châu Âu, là hội viên đầy kính trọng của NATO và Cộng đồng châu Âu. Việt Nam có tất cả phương tiện tài nguyên, nhân lực và thậm chí nhiều hơn những gì Lithuania đã có trước đây, ngoại trừ đôi cánh. Việt Nam không thể bay ra biển lớn như khẩu hiệu Đảng thường rêu rao nếu chỉ biết nhìn quanh trong nhà, nhìn xuống ruộng, nhìn về quê, nhưng phải thật sự nhìn ra biển, phải biết chọn một hướng đi đúng với thời đại.

    Bởi vì chỉ có đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một Việt Nam hòa hợp lâu dài.

    Tội lỗi của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam cả hai miền nam bắc không thể kể hết. Dù Đảng có tung ra hàng trăm nghị quyết 36 cũng không tập hợp được mấy trăm ngàn chuyên gia Việt Nam đang làm việc trong các ngành nghề chuyên môn khắp thế giới và cũng không thuyết phục được khối người Việt hải ngoại đã từng sống, từng chịu đựng, từng bị đày ải dưới chế độ Cộng sản. Như tôi có dịp trình bày trước đây nhiều lần, hòa giải hòa hợp không chỉ là một tình cảm mà phải dựa trên các nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết, và các nền tảng đó chính là sự thật, tự do, dân chủ và bình đẳng giữa những con người cũng như giữa các thành phần trong xã hội. Và điều đó không thể xảy ra khi nào Đảng Cộng sản còn nắm quyền lãnh đạo đất nước.

    Nhưng làm thế nào và ai sẽ là người thực hiện cuộc cách mạng dân chủ đích thực trong tình hình mới?

    Cách đây hai hay ba năm, tôi không nhớ chính xác, chỉ còn nhớ hôm đó trời đang vào thu như hôm nay. Những hàng cây phong sau vườn của nhà sắp sửa ngả vàng. Hôm đó, tôi đến dự một bữa cơm chia tay. Nhân vật chính trong của buổi tiễn đưa là một bạn trẻ vừa học xong và sắp trở lại Việt Nam. Ăn trưa xong, chúng tôi ra vườn sau ngồi ôn lại khoảng thời gian người bạn trẻ đã học ở Mỹ với những đổi thay về tuổi tác, vóc dáng, đời sống, nhưng nhiều nhất vẫn là nhận thức. Một lúc sau, người bạn trẻ nhìn tôi và hỏi: “Theo anh, em nên làm gì khi trở lại Việt Nam?”

    Tôi biết ý em không phải làm nghề gì để sống, làm cách nào kiếm được nhiều tiền, nhưng là cách nào hữu hiệu nhất để đóng góp vào xã hội Việt Nam đang thiếu thốn quá nhiều. Tôi trả lời, đại ý, xã hội Việt Nam phân hóa và suy thoái đến mức lãnh vực nào cũng cần thay đổi. Nhiều người phải có một tổ chức mới đóng góp được nhưng cũng có người làm việc hữu hiệu hơn khi hoạt động độc lập. Tuy nhiên, dù có tổ chức hay độc lập, một điều mà thế hệ Việt Nam hôm nay phải hiểu, dân chủ là đôi cánh của dân tộc, và nỗ lực của em dù trong chức vụ gì, trong ngành nghề gì cũng nên tác động và thúc đẩy mục tiêu thời đại đó.

    Không ai nói con đường cách mạng dân tộc dân chủ là con đường tráng nhựa, sẽ đến chiều nay hay sáng mai, nhưng chắc chắn sẽ đến, miễn là mỗi người Việt còn đang nghĩ đến an nguy dân tộc, bỏ ra một chút công sức, đóng góp một ít tài năng. Dăm giọt nước không đầy sông nhưng dòng sông không phải tự nhiên có mà là tích lũy từ nhiều giọt nước.

    http://www.trantrungdao.com/

    Không có nhận xét nào