Header Ads

  • Breaking News

    Trần Đình Hoành - Can đảm của người trí thức

    Chữ “sĩ” trong tứ dân – sĩ, nông, công, thương – đồng nghĩa với chữ “trí thức” ngày nay. Chúng ta có thể nói sĩ nông công thương là 4 giai cấp xã hội trong xã hội Việt Nam cổ, hay nếu ta không đồng ý với khái niệm giai cấp, thì đó 4 loại ngành nghề của xã hội Việt Nam cổ. Dù là giai cấp đầu hay nghề đầu, thì sĩ vẫn thường được xem là đứng đầu. Và xã hội Việt Nam đến ngày nay vẫn trọng sĩ, như là bác sĩ, nha sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, tráng sĩ, tu sĩ, giáo sĩ… và sĩ diện (mặt kẻ sĩ) là chuyện lớn của mỗi người.

    Trần Đình Hoành - Can đảm của người trí thức

    Thay thế chữ “sĩ” bằng chữ “trí thức” thì chúng ta sẽ thấy được mọi đức tính và vinh dự được xã hội Việt Nam dành cho người trí thức. Đó cũng là lẽ tất nhiên, vì sĩ hay trí thức có nghĩa đầu tiên là người sống với cái đầu là chính – suy tư, suy nghĩ, tính toán, chiến lược, giáo dục… Mà cái đầu thì luôn rất quan trọng cho chúng ta, vì mất tay mất chân thì còn sống được, nhưng mất đầu thì thành ma tức thì. (Lại là ma không đầu, chứ chẳng được là ma lành lặn )

    Người trí thức rất quan trọng cho đất nước, vì người trí thức là tế bào chất xám của đất nước. Chúng ta cũng chẳng cần phải quan tâm nhiều đến định nghĩa chính xác ai là người trí thức. Hãy tạm dùng từ này thoải mái như là “người làm việc bằng cái đầu hơn là chân tay thì người đó là người trí thức.” Hoặc một cách khác tàm tạm là “những người đã xong đại học có thể được xem là người trí thức.” (Đương nhiên các bạn thỉnh thoảng có thể nghe người ta nói: “Thằng ấy có 3 bằng tiến sĩ trong túi, nhưng cái đầu hắn thì không thể gọi là trí thức được, mà phải gọi là láu cá vặt.” Phiên phiến vậy, đòi hỏi định nghĩa chặt chẽ quá thì rốt cuộc chính mình phải hỏi mình: “Mình có phải là trí thức không ta?” Mệt lắm, bàn luận không được).

    Người trí thức là tế bào chất xám cho đất nước, làm việc suy nghĩ và tính toán cho đất nước. Và để làm được điều này – suy nghĩ và tính toán cho đất nước – người trí thức cần có một số đức tính sau:

    1. Can đảm tập trung vào đất nước. Mọi người thường có thói quen tập trung vào chính họ, hay gia đình họ, công ty họ, băng đảng họ, túi tiền họ… Người trí thức đúng nghĩa phải tập trung tư duy vào đất nước – mình là tế bào chất xám của đất nước thì tập trung tư duy vào đất nước, thay vì vào chính mình. Cái đầu thì phải tập trung tư duy vào cả con người, chẳng thể chỉ tập trung vào tay, hoặc chân, hoặc dạ dày… hoặc ông hàng xóm.

    2. Can đàm nhận (i) mình là người trí thức và (ii) mình có nhiệm vụ của người trí thức đối với đất nước. Đừng có thái độ: “Tui chỉ là phó thường dân quèn. Để chuyện lớn cho các quý vị lớn lo.” Đó không phải là khiêm tốn, mà là vô trách nhiệm. Chẳng có “quý vị lớn” hay nhỏ nào cả. Mọi quý vị đều như nhau, có trách nhiệm như nhau đối với đất nước.

    3. Can đảm nói lên tư duy của mình một cách chính xác và thành thật, dù rằng điều đó có thể có nhiều người không đồng ý và có thể xấu cho mình. Phục vụ đất nước nghĩa là phục vụ đất nước hết mình, dù mình thỉnh thoảng phải hy sinh đây đó.

    Đó là những điểm chính. Dĩ nhiên là khi thực hành thì mỗi người sẽ thực hành khác nhau môt chút, vì sống là một nghệ thuật. Mỗi người sẽ có cách nói khác nhau một chút, và người cẩn thận luôn suy nghĩ nói ra tư duy của mình cách nào để mọi người có thể nghe suôn tai nhiều nhất và đồng ý với mình nhiều chất (thay vì nói như dùi đục chấm nước mắm). Nhưng điều chính vẫn là can đảm nói lên tư duy thật trong lòng mình, vì quyền lợi của đất nước và đồng bào.

    Các bạn, nếu các bạn nhìn lại 3 điểm bên trên, điểm nào cũng bắt đầu với từ “can đảm”. Nghĩa là mọi điều người trí thức làm luôn bắt đầu với từ “can đảm” – can đảm quên mình và quyền lợi của mình, để phục vụ chỉ đất nước và đồng bào.

    Không có nhận xét nào