Header Ads

  • Breaking News

    Trần Gia Phụng - Phan Châu Trinh và công cuộc vận động duy tân

    Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông đậu cử nhân trường thi Thừa Thiên năm 1900, đỗ phó bảng năm 1901, và bắt đầu làm thừa biện bộ Lễ năm 1903. Tuy nhiên, năm 1904, Phan Châu Trinh quyết định từ quan.

    Trần Gia Phụng - Phan Châu Trinh và công cuộc vận động duy tân

    Ông từ bỏ hoạn lộ, lúc bấy giờ là một con đường có thể dẫn ông đến vinh hoa phú quý. Ông dấn thân bước vào sinh hoạt chính trị đầy gian khổ, chông gai và bất định. Ông về Quảng Nam, cùng hai người bạn thân là Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) và Trần Quý Cáp (1870-1908) tổ chức cuộc du hành về phương nam năm 1905, vừa để tìm hiểu tình hình, vừa để cổ xuý tân học.

    Tại sao về phương nam trước? Chưa có tài liệu nào giải thích cụ thể việc chọn lựa nầy. Chúng ta chỉ có thể suy đoán là lúc đó Nam Kỳ nằm dưới chế độ thuộc địa trực trị của chính quyền Pháp, có thể có nhiều thay đổi rộng lớn hơn miền Bắc đang ở trong hệ thống bảo hộ của Pháp, như miền Trung là nơi các ông đang sinh sống, nên các ông muốn tìm hiểu tại chỗ những thay đổi của Nam Kỳ.

    Khi đi ngang qua Bình Định, chính quyền tỉnh đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh, cả ba ông đều vào dự thi, lấy tên chung là Đào Mộng Giác. Đề thi bài thơ là “Chí thành thông thánh” và đề thi bài phú là “Danh sơn lương ngọc” (dùng vần: Cầu lương ngọc tất danh sơn). Phan Châu Trinh làm bài thơ, còn Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú. Cả hai bài nầy đều đả kích lối học từ chương khoa cử, thức tỉnh đồng bào ra khỏi sự mê muội của hệ tư tưởng Tống Nho, vạch trần sự bất lực của triều đình Việt Nam, lên án chế độ bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp, kêu gọi lòng yêu nước của sĩ phu. Hai bài nầy có thể xem là lời tuyên cáo của phong trào Duy tân theo đường lối Phan Châu Trinh.


    Cả hai bài thơ và phú được một thanh niên người Bình Thuận là Nguyễn Quý Anh, con của Nguyễn Thông, em của Nguyễn Trọng Lội, dự thi trong kỳ tuyển sinh nầy, phổ biến rộng rãi trong giới thí sinh, là giới trí thức tinh hoa của tỉnh Bình Định lúc đó, đã gây một tiếng vang rất lớn trong dân chúng. Đây là một cách thức tuyên truyền tân kỳ trong suốt một ngàn năm khoa cử nước ta, trước khi có phong trào bãi khóa, bãi thi thời tân học sau nầy. Chính quyền Bình Định ra lệnh truy tìm tác giả, nhưng vô hiệu. Cả ba ông đã cao bay xa chạy.

    Tiếp tục cuộc hành trình vào nam, ngang qua Khánh Hòa, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp giả làm những người bán hàng rong lên thăm chiến hạm Nga đang tránh bão, neo thuyền tại vịnh Cam Ranh. Ba nhà đại khoa bảng Nho học tò mò lên tàu sắt của Nga để quan sát, học hỏi.

    Do sự giới thiệu của Nguyễn Quý Anh, ba ông vào Phan Thiết gặp các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội, cùng nhau bàn chuyện duy tân, thành lập công ty Liên Thành và mở trường Dục Thanh. Tại đây, Phan Châu Trinh lâm bệnh, phải ngưng cuộc nam du, ở lại trị bệnh, còn hai ông Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp về Quảng Nam trước. Ngoài lý do bệnh tật, không thấy có tài liệu nào nói rõ thêm vì sao các ông ngưng ngang cuộc nam du ở đây. Phải chăng khi đến Phan Thiết, cửa ngỏ nhìn xuống Nam Kỳ, trao đổi được các ông Nguyễn Trọng Lội, Trương Gia Mô là những người hiểu rõ tình hình Nam Kỳ, nên nhân vì Phan Châu Trinh bị bịnh, các ông thấy chẳng cần tiếp tục xuống phía nam nữa?

    Sau khi lành bệnh, trên đường trở ra Quảng Nam, Phan Châu Trinh ghé lại Quảng Ngãi thăm Lê Khiết, một thuộc hạ thân cận của Nguyễn Thân. Phan Châu Trinh thuyết phục Lê Khiết ra hoạt động duy tân. Về sau Lê Khiết là một trong những nhân vật chính trong vụ biểu tình nổi dậy chống thuế ở Quảng Ngãi năm 1908.

    Năm 1906, Phan Châu Trinh ra Hà Nội gặp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, giúp các ông thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Châu Trinh lên Yên Thế thăm Hoàng Hoa Thám nhờ sự hướng dẫn của Ông Ích Đường. Nguyên Ông Ích Đường, con của Ông Ích Kiền, cháu nội của Ông Ích Khiêm (1832-1884), có người chú ruột là Ông Ích Thọ, con Ông Ích Khiêm với bà vợ người Hà Đông. Nhân ra bắc thăm quê ngoại, Ông Ích Thọ lên Yên Thế theo Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa. Ông Ích Đường đem theo gia phả nhà mình cùng Phan Châu Trinh lên Yên Thế gặp Ông Ích Thọ để nhận ra chú cháu. Thọ đưa Phan Châu Trinh vào gặp Hoàng Hoa Thám. Phan Châu Trinh không đồng ý với đường lối bạo động của Hoàng Hoa Thám, vì theo Phan Châu Trinh càng bạo động, người Pháp càng có lý do để đàn áp, trong khi người Việt Nam còn quá yếu kém so với sức mạnh quân sự của Pháp.

    Phan Châu Trinh tiếp tục đi sang Trung Hoa, gặp Phan Bội Châu (1867-1940), lúc đó đang ở Quảng Châu. Phan Châu Trinh đã quen biết với Phan Bội Châu khi ông Châu vào Huế năm 1903 ở lại trường Quốc tử giám để tìm cách liên lạc với các nhân sĩ Trung Kỳ. Lúc ở Huế, Phan Châu Trinh cũng đã đọc "Lưu Cầu huyết lệ tân thư" của Phan Bội Châu.

    Tại Nhật, hai ông cùng nhau bàn thảo cách thức tranh đấu giành độc lập cho xứ sở, nhưng mỗi người một ý khác nhau. Phan Bội Châu lúc đó vẫn còn vương vấn quan niệm quân chủ theo kiểu quân chủ lập hiến, và nhất là muốn nhờ Nhật Bản viện trợ để chống Pháp. Quan niệm của Phan Bội Châu được các nhân sĩ quan trọng Nhật Bản như tử tước Inukai Ki và bá tước Okuma Shigonebu khuyến khích, vì Nhật Bản đang theo chế độ quân chủ. Phan Châu Trinh cho rằng quan niệm của Phan Bội Châu vẫn còn cổ hủ, chưa thoát khỏi vòng khuôn sáo cũ.

    Sau khi đi Nhật về, Phan Châu Trinh khẳng định lập trường của ông: "Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được." Phan Châu Trinh là nhà họat động chính trị Việt Nam đầu tiên đề xướng thuyết dân quyền trước công luận nước nhà. Để vận động dân quyền, Phan Châu Trinh quyết định hoạt động công khai trong khuôn khổ luật pháp của nhà cầm quyền, dù đó là nhà cầm quyền thực dân đang bảo hộ Việt Nam, không gia nhập và hoạt động trong bất cứ một tổ chức bí mật nào. Tiến trình vận động tuy ôn hòa, không nguy hiểm nhưng chậm chạp, khó khăn vì phải thuyết phục dân chúng thay đổi não trạng trong khung cảnh vân hóa Nho giáo quân chủ lâu đời, chuyển qua nếp suy nghĩ dân chủ dân quyền của nền văn hóa tân tiến chịu nhiều ảnh hưởng của Tây phương.

    Phan Châu Trinh gởi cho viên Toàn Quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Beau và viên Khâm Sứ Pháp ở Trung Kỳ là Fernand Lévecque một lá thư đề ngày 15-8-1906, thường được gọi là "Đầu Pháp chính phủ thư". Có nhiều người, nhất là cộng sản, dựa vào lá thư nầy để đả kích Phan Châu Trinh, cho rằng ông chủ trương hợp tác với Pháp. Từ đầu đến cuối của lá thư, Phan Châu Trinh trình bày hoàn cảnh bi đát của nhân dân Việt Nam, chỉ trích chính sách hà khắc của nhà cầm quyền bảo hộ Pháp, những tệ trạng của quan lại Việt Nam, và yêu cầu người Pháp hãy lắng nghe lời ông, để mưu cầu phúc lợi cho dân chúng Việt Nam. Lá thư nầy thật sự là một hành động trực diện công khai tố cáo chế độ bảo hộ Pháp tại Việt Nam..

    Phan Châu Trinh cho rằng muốn đề cao dân quyền, phải nâng cao dân trí; muốn nâng cao dân trí phải chấn hưng giáo dục, đề cao dân khí. Trong một bài diễn thuyết tại Hà Nội, Phan Châu Trinh kêu gọi: "Không nên trông người ngoài, trông người ngoài là ngu. Không nên bạo động, bạo động thì chết. Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào, không gì bằng học." Nhưng học như thế nào? Phan Châu Trinh chủ trương bãi bỏ chữ Nho, không bãi bỏ chữ Nho thì không cứu được nước. Phan Châu Trinh khuyến khích học Quốc ngữ vì Quốc ngữ dễ học, dễ viết, có thể phổ cập đến đại đa số quần chúng, nhờ thế mới có thể mở mang giáo dục, truyền bá được rộng rãi những kiến thức hiểu biết về mọi mặt đến dân chúng. Những vị phó bảng, tiến sĩ Nho học, tức những nhà đại khoa bảng thời bấy giờ như Phan Châu Trinh, Hùynh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp mà lại đứng ra kêu gọi bỏ chữ Nho, tức là bỏ luôn cả những bằng cấp cao cấp có thể đem đến cho các vị chức tước, áo cơm, vinh hoa phú quý, quả là một sự đoạn tuyệt hết sức can đảm và ngoạn mục.

    Chẳng những thế, Phan Châu Trinh còn chủ trương hướng việc giáo dục vào thực tế, dạy thêm cho thanh niên đủ các nghề từ công nghiệp đến thương mại. Phan Châu Trinh và những người cùng chí hướng với ông chủ trương phú dân bằng hiệp thương, giáo dân bằng tân văn hóa, nâng cao dân trí, phổ biến dân quyền. Đi đến đâu, các ông đều kêu gọi mở trường dạy chữ Quốc ngữ, mở thương hội, nông hội. Những trung tâm hoạt động náo nhiệt nhất là Hà Nội, Quảng Nam và Bình Thuận trong đó nổi tiếng nhất là Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội.

    Những hoạt động của Phan Châu Trinh làm cho người Pháp rất lo ngại. Louis Bonhoure (quyền toàn quyền Đông Dương từ 28-2-1908 đến 23-9-1908) đã nhận xét rằng thơ văn Phan Châu Trinh tuy không tỏ ra bạo động như Phan Bội Châu, nhưng xảo quyệt và nguy hiểm hơn cho sự thống trị của người Pháp. Nhân vụ Trung Kỳ dân biến bùng nổ ở Quảng Nam năm 1908, khâm sứ Trung Kỳ là Fernand Lévecque gởi công điện ngày 29-3-1908 yêu cầu thống sứ Bắc Kỳ là Joseph de Mirabel bắt Phan Châu Trinh. Ngày 10-4, ông Phan bị Pháp bắt giải về Huế.

    Trung Kỳ dân biến là phong trào tự phát của nhân dân miền Trung đứng lên đòi hỏi chính quyền phải giảm xâu, giảm thuế, khởi đầu từ Quảng Nam vào tháng 3 năm 1908, rồi lan truyền ra khắp Trung Kỳ. Đây là kết quả trực tiếp của công cuộc vận động duy tân và dân quyền của Phan Châu Trinh và các sĩ phu cùng chí hướng, nhưng Trung Kỳ dân biến không do các ông trực tiếp tổ chức và lãnh đạo.

    Lúc mới bị giải từ Hà Nội về Huế, Phan Châu Trinh bị giam ở tòa khâm sứ Pháp (nằm ở khu vực trường Đại Học Sư Phạm), phía hữu ngạn sông Hương. Ông tuyệt thực để phản đối. Pháp bối rối, liền đẩy trách nhiệm cho triều đình Huế, đưa ông qua giam ở nhà lao Hộ thành trong thành nội (khu vực Nữ Trung Học Thành Nội trước 1975). Theo yêu cầu của Lévecque, triều đình Huế quyết định lên án tử hình Phan Châu Trinh ngày 13-4-1908.

    Khi Phan Châu Trinh mới bị bắt ở Hà Nội, Ernest Babut, một hội viên hội Nhân Quyền Pháp (Ligue des Droits de l’Homme), và là bạn thân của Phan Châu Trinh, chủ bút Đăng Cổ Tùng báo (tờ báo Phan Châu Trinh cộng tác viết bài), can thiệp mạnh mẽ, nên khâm sứ Lévecque có phần dè dặt, đã đổi án tử hình thành án khổ sai chung thân đày Côn Lôn (sau nầy có tên là Côn Đảo) ngày 14-4-1908.

    Khi lính dẫn ra khỏi nhà giam, Phan Châu Trinh đinh ninh mình bị đưa đi chém. Thông thường tử tù ra cửa bắc hoàng thành vì pháp trường nằm ở An Hòa, một làng nằm về phía bắc Huế, nhưng Phan Châu Trinh lại thấy mình được dẫn về cửa nam. Ông bèn hỏi người lính áp giải, mới biết mình không bị ra pháp trường, mà chỉ bị đày đi Côn Lôn, liền ứng khẩu đọc bài tứ tuyệt:

    "Luy luy già tỏa xuất đô môn,
    Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn,
    Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy,
    Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn."
    Huỳnh Thúc Kháng dịch :
    "Xiềng gông cà kê biệt đô môn,
    Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn,
    Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn,
    Thân trai nào sợ cái Côn Lôn."

    Việc Pháp vội vã đày Phan Châu Trinh ra Côn Lôn vào tháng 4-1908, ngay khi Trung Kỳ dân biến chưa chấm dứt, cho thấy Pháp rất sợ sự hiện diện của Phan Châu Trinh trong lúc tình hình chính trị miền Trung càng ngày càng phức tạp. Khi một số lớn sĩ phu bị bắt trong vụ Trung Kỳ dân biến bị đày ra Côn Lôn tháng 8-1908, thì Pháp đưa Phan Châu Trinh đi an trí biệt lập tại An Hải, một làng chài nhỏ ven biển, phía ngoài trại tù, nghĩa là dù ở Côn Lôn, ông cũng bị tách biệt hẳn khỏi mọi người.

    Trong khi đó, tại Pháp, hội Nhân Quyền tiếp tục can thiệp cho Phan Châu Trinh. Chính phủ Pháp ra lệnh cho tân toàn quyền Đông Dương là A. Klobukowsky đưa Phan Châu Trinh trở về đất liền năm 1910.

    Tại Sài Gòn, năm 1911, Pháp lập một Hội đồng do tham biện (tức tỉnh trưởng) Mỹ Tho là Couzineau chủ toạ lễ phóng thích. Trong buổi lễ nầy, Phan Châu Trinh đưa ra ba yêu cầu: ân xá toàn thể quốc sự phạm, trị tội kẻ đã giết Trần Quý Cáp là Phạm Ngọc Quát, và xin đi Pháp. Pháp đưa Phan Châu Trinh về Mỹ Tho giam lỏng một thời gian, và chỉ đáp ứng yêu cầu thứ ba của ông, là để cho ông qua Pháp cùng với người con trai là Phan Châu Dật.

    Tại Paris, Phan Châu Trinh sống bằng nhiều nghề lao động phổ thông rất cực khổ, nhưng ông vẫn kiên trì tiếp tục hoạt động chính trị. Phan Châu Trinh viết liền sách Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, tường thuật lại đầu đuôi câu chuyện dân chúng nổi dậy tại Trung Kỳ năm 1908, và đòi hỏi chính quyền phải giải quyết thỏa đáng vụ án nầy, nhất là vụ án Trần Quý Cáp. Sau đó Phan Châu Trinh viết Đông Dương chính trị luận, lên án thực dân Pháp tại Đông Dương về nhiều tệ nạn gần như có hệ thống, như cách dùng người, quan lại Pháp Việt gian tham, cách bóc lột trong các ngành thương mại, tài chánh, thuế khóa, sưu dịch, công chính, canh nông. Sau khi dẫn chứng đầy đủ, Phan Châu Trinh nhận định rằng nền chính trị của Pháp tại Đông Dương chỉ nhắm làm ngu dân, bần cùng hóa dân chúng, và nhắm làm giàu cho một số người Pháp và tay sai mà thôi.

    Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn viết Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân thư, trình bày quan niệm của ông về một đường lối chính trị thi hành việc liên hiệp Pháp Việt. Muốn thế, ông yêu cầu thực hiện những biện pháp cải cách cụ thể, "khai trí trị sinh".

    Khi thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, Pháp vu tội Phan Châu Trinh làm gián điệp cho Đức, bắt giam ông vào ngục La Santé tháng 9-1914. Đảng Xã Hội Pháp và hội Nhân Quyền Pháp một lần nữa tranh đấu ráo riết xin thả Phan Châu Trinh. Nhờ đó, Phan Châu Trinh ra khỏi ngục La Santé tháng 7-1915.

    Năm 1922, vua Khải Định (trị vì 1916-1925) sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo quốc tế tại Marseille (nay thường được gọi là hội chợ triển lãm). Nhân cơ hội nầy, Phan Châu Trinh gởi cho vua Khải Định một lá thư dài, đề ngày 15-7-1922 bằng chữ Nho, thường được gọi là thư Thất Điều, kể bảy tội của nhà vua. Bảy điều đó là: “Tôn bậy quân quyền, lạm hành thưởng phạt, thích chuộng sự quỳ lạy, xa xĩ quá độ, ăn bận không phải lối, tội chơi bời, chuyến đi Tây có sự ám muôi”. Đây là một vụ đột kích thẳng vào chế độ quân chủ Việt Nam. Thư Thất Điều được các báo Pháp dịch đăng ở Paris, gây một tiếng vang rất lớn trong dư luận thời đó.

    Năm 1924, Liên minh tả phái thắng thế trong cuộc bầu cử quốc hội. Tân chính phủ Xã hội thay đổi phần nào chính sách thuộc địa. Phan Châu Trinh xin trở về Việt Nam vào tháng 6-1925. Trong một bài diễn thuyết rất quan trọng trình bày tại Nhà Hội Thanh Niên ở Sài Gòn với đề tài "Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa", Phan Châu Trinh cho rằng chế độ quân chủ là một chế độ có tính cách nhân trị, nghĩa là con người cai trị theo ý kiến chủ quan của con người, chứ không dựa trên một căn bản pháp luật nào cả. Nếu gặp một vị vua sáng suốt thì nền cai trị đó sẽ tốt đẹp, nhưng nếu gặp một kẻ làm vua hôn ám thì nền chính trị sẽ đen tối, và chắc chắn nhân dân sẽ lầm than cơ cực. Phan Châu Trinh còn tố cáo nền quân chủ Việt Nam lúc đó đã lợi dụng Nho giáo, và cố tình giải thích sai Nho giáo theo kiểu Tống Nho, để củng cố vương quyền. Điểm cần lưu ý là Phan Châu Trinh chỉ đả kích những ai "nói theo đạo Nho đó kỳ thật không có thi hành một chút đạo Nho nào, chỉ còn sót lại một hai điều trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mấy ông vua chuyên chế dựa vào đạo Nho để đè nén dân "(lời Phan Châu Trinh). Phan Châu Trinh không chủ trương chống lại nền Nho giáo chân chính. Ông cho rằng nền quân chủ Việt Nam vào lúc đó đã làm cho nhân dân có cảm tưởng đất nước nầy là của riêng nhà vua, chứ không phải của người Việt Nam, nên "...tôi nghĩ rằng vì cái độc quân chủ nó giết hẳn cái lòng ái quốc của dân tộc Việt Nam ta..."(nguyên văn lời Phan Châu Trinh).

    Phan Châu Trinh hô hào thiết lập chế độ dân chủ với tam quyền phân lập theo kiểu tây phương, được phân định rõ ràng bằng hiến pháp. Hiến pháp do quốc hội soạn, quốc hội do dân chúng tự do bầu ra. Nền dân chủ có tính cách pháp trị rõ ràng và bình đẳng."...Từ ông tổng thống cho đến người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như nhau..." và "...Khi nào dân đã hiểu như thế thì nó mới biết thương nước. Mà nó có biết thương nước thì một ngày kia mới mong độc lập tự do, chứ không thế thì cứ đời đời làm tôi mọi mãi...” (lời Phan Châu Trinh). Trong bài thuyết trình cuối đời, "Đạo dức và luân lý đông tây", Phan Châu Trinh có nhắc đến chủ nghĩa xã hội, nhưng theo ông, chủ nghĩa nầy chưa thể áp dụng tại nước ta được.

    Bệnh tình Phan Châu Trinh càng ngày càng trầm trọng; lúc đầu là viêm mũi, sau biến chứng qua phổi. Phan Châu Trinh từ trần tại Sài Gòn lúc 9g30 tối 24-3-1926, hưởng dương 54 tuổi. Tin Phan Châu Trinh từ trần được loan báo khắp nơi, đồng bào rất xúc động. Tang lễ không phải chỉ được cử hành ở Sài Gòn, mà hầu như các tỉnh thành lớn trên toàn quốc đều tự động để tang Phan Châu Trinh, tạo thành một phong trào rộng lớn trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

    Tại Sài Gòn, ngày 4-4-1926, khoảng 100,000 người đã đến tiễn đưa nhà chí sĩ họ Phan đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là một số lượng rất lớn so với dân số Sài Gòn lúc đó chỉ khoảng 300,000 người. Huỳnh Thúc Kháng, một chiến hữu của Phan Châu Trinh, người tù trong vụ Trung kỳ dân biến trở về sau cùng từ Côn Lôn năm 1921, cũng có mặt trong cuộc đưa tiễn nầy. Đám tang có tính cách tự phát vĩ đại, chứ không phải do chính quyền đứng ra tổ chức, làm cho chẳng những nhà cầm quyền Pháp, mà bất cứ một nhà cầm quyền nào cũng phải tự suy nghĩ. Nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn, và chỉ biết ơn những người nào đã thực sự vì nhân dân mà hy sinh.

    Bên cạnh những hoạt động chính trị, Phan Châu Trinh đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm đủ loại: thơ, tuồng, văn, nhất là văn chính luận. Ngoài khoảng năm mươi bài thơ bằng chữ Nho (theo lời Huỳnh Thúc Kháng), những tác phẩm khác là : Đầu Pháp chính phủ thư (1906), Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907), Tỉnh quốc hồn ca (1907), tuồng Trưng Nữ Vương (soạn chung với Huỳnh Thúc Kháng và Phan Thúc Duyện tại Côn Lôn năm 1910), Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký (1911), Giai nhân kỳ ngộ (1913-1915), Tây Hồ Santé thi tập (1914-1915), Ký Khải Định hoàng đế thư (1922), Bức thư trả lời cho người học trò tên Đông (1925), Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa (1925), Đạo đức và luân lý đông tây (1925). Ngoài ra, còn có một số bản thảo chưa xuất bản do gia đình con gái của Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng cất giữ.

    Kỷ niệm 95 năm húy nhật Phan Châu Trinh, xin hãy cùng nhau nhớ lại câu nói tiêu biểu cho chủ trương của ông: "Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được." Câu nầy đã được Phan Châu Trinh phát biểu cách đây đúng một trăm năm, nhưng ngày nay cũng còn thật đầy đủ ý nghĩa, khi chế độ cộng sản toàn trị, một chế độ đã bị lên án trong nghị quyết 1481 ngày 25-1-2006 của Hội đồng Âu Châu, vẫn còn độc quyền thao túng trên quê hương yêu dấu của chúng ta.

    Không có nhận xét nào