Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 29 tháng 9 năm 2021

    Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã chiến thắng trong cuộc tranh ghế chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 29 tháng 9 năm 2021

    Với chiến thắng này ông Fumio Kishida trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Suga Yoshihide, người đã quyết định từ chức chỉ sau hơn 1 năm.

    Ông Kishida sẽ là thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản. Chính trị gia 64 tuổi sẽ chính thức được bầu làm thủ tướng trong một phiên họp quốc hội dự định ​​khai mạc vào ngày 4 tháng 10.

    Nhiệm vụ đầu tiên của ông trên cương vị thủ tướng Nhật Bản sẽ là dẫn dắt LDP giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

    Theo Nikkei, ông Kishida đã được chuẩn bị để trở thành người kế nhiệm tiềm năng trong chính quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Ông giữ chức bộ trưởng ngoại giao từ năm 2012-2017 và là người đứng đầu chính sách LDP từ năm 2017-2020.

    Giữ quan điểm ôn hòa về nhiều vấn đề bao gồm điện hạt nhân và chính sách đối ngoại, ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các phe phái chính của LDP và lãnh đạo đảng.

    Sự hậu thuẫn vững chắc này đã giúp ông đánh bại ứng viên sáng giá Taro Kono trong cuộc đua trở thành lãnh đạo LDP. Các cựu Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi và Seiko Noda, đều là phụ nữ, bị loại ngay từ vòng đầu.

    Tình trạng thiếu hụt khí đốt toàn cầu

    Các nhà kinh tế thường lo lắng về giá dầu nếu lạm phát tăng. Không còn nữa. Giờ đây có một vấn đề mới là giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đặc biệt ở châu Âu, nơi nó đã tăng gần 500% trong năm qua và tăng 4,5% trong tuần qua.

    Nguyên nhân chủ yếu vì dự trữ thấp, xuất khẩu chậm từ Na Uy và Nga cũng như giá cao ở châu Á. Các nhà máy tiêu thụ khí đốt, chẳng hạn như nhà máy phân bón, cũng đang bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu hụt các sản phẩm quan trọng như carbon dioxide, vốn được dùng trong sản xuất và vận chuyển thực phẩm. Và nếu mùa đông này đặc biệt lạnh có thể sẽ có mất điện và mất gas.

    Hơn nữa giá xăng cũng khó có thể sớm hạ xuống. Khí đốt ở Mỹ vẫn rẻ hơn châu Á và châu Âu, song không thể xuất khẩu nhiều hơn do năng lực cảng hạn chế. Dù rẻ hơn, giá ở Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất kể từ 2014.

    Haiti chìm trong khủng hoảng

    Thủ tướng Haiti Ariel Henry cho biết ông không liên quan gì đến vụ ám sát tổng thống Jovenel Moïse hồi tháng Bảy. Nhưng ông lại đặc biệt đáng ngờ. Tháng này, ông Henry sa thải một công tố viên buộc tội ông đồng lõa giết tổng thống. Sau đó ông cách chức cả bộ trưởng tư pháp. Và mới hôm thứ Hai, ông đã giải tán một hội đồng được ủy quyền tổ chức bầu cử tổng thống và bầu cử cơ quan lập pháp. Vẫn chưa biết khi nào sẽ bầu các nghị sĩ mới; vì các cuộc bầu cử được lên kế hoạch cho tháng 11 đã bị hoãn vô thời hạn.

    Haiti đang vô cùng khó khăn. Hơn 2.000 người đã chết trong một trận động đất hồi tháng 8. Người dân Haiti phải chịu nghèo đói gia tăng lẫn bạo lực băng đảng. Trong khi đó, chính quyền Biden lại trục xuất hàng nghìn người di cư về Haiti, với nhiều người trong số họ đã rời đi từ nhiều năm qua. Mới tuần trước thế giới đã bị sốc trước những hình ảnh từ Del Rio, Texas, cho thấy lính biên phòng Mỹ săn đuổi người di cư Haiti. Song đó chỉ là một trong rất nhiều khó khăn mà người Haiti đang đối mặt.

    Brazil nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân

    Các tàu ngầm hạt nhân mang đến sức mạnh quân sự to lớn đến mức Mỹ chưa bao giờ chia sẻ công nghệ cần thiết với bất kỳ đồng minh nào ngoài Anh. Nhưng đó là thời kỳ cho đến hai tuần trước, khi Mỹ và Anh ký thỏa thuận với Australia để giúp nước này xây dựng tàu ngầm của riêng mình. Giờ đây đến lượt các nước khác ganh tỵ. Vào Chủ nhật, hai trong số bốn ứng viên đang chạy đua làm lãnh đạo đảng cầm quyền của Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ phát triển tàu ngầm hạt nhân.

    Nhưng nước đã tiến gần nhất tới công nghệ này là Brazil, vì họ đã nghiên cứu từ những năm 1970. Tiến độ không được nhanh lắm. Họ xây dựng một mẫu lò phản ứng vào năm ngoái. Các quan chức Brazil nói chương trình này là cần thiết để bảo vệ bờ biển dài 8.000 km của đất nước (được gọi là “Amazon Xanh”) và tiềm lực kinh tế của nó. Nhưng nếu chỉ để bảo vệ cá, bảo vệ các giàn khoan dầu và xua đuổi tàu chiến Argentina thì không cần đến công nghệ hạt nhân.

    Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đúng thời điểm nhạy cảm


    Ngày 28/09, Quân đội Hàn Quốc cáo buộc quân đội Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa tầm ngắn xuống biển, trong khi đại sứ Liên Hợp Quốc của Bình Nhưỡng khẳng định quốc gia này có quyền không thể phủ nhận trong việc thử nghiệm vũ khí của mình, trang Taipei Times cho hay.

    Tham mưu trưởng liên quân phía Nam Hàn Quốc cho biết quả tên lửa được bắn từ phía bắc tỉnh Jagang vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông.

    Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết nó “có vẻ là một tên lửa đạn đạo”.

    Chưa đầy một giờ sau, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York rằng: “Không ai có thể từ chối quyền tự vệ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

    Đây là thông điệp mới nhất trong một loạt các thông điệp không nhất quán từ chính quyền Bình Nhưỡng, diễn ra chỉ vài ngày sau khi em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, cố vấn chính của ông Kim, đưa ra triển vọng về một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

    Tuy nhiên, cần phải có “sự công bằng” và tôn trọng lẫn nhau, bà nói, đồng thời kêu gọi Hàn Quốc “chấm dứt những phát biểu quá khích”.

    Bà lên án là các lệnh cấm và sự chỉ trích của Hàn Quốc và Hoa Kỳ đối với sự phát triển quân sự của Triều Tiên, trong khi các đồng minh khác có thể tự xây dựng năng lực quân sự của họ.

    Chính quyền Washington lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, gọi đây là “mối đe dọa” đối với các nước láng giềng của Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế.

    “Vụ phóng này vi phạm nhiều Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

    Họ nói thêm: “Cam kết của chúng tôi đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn không thay đổi”.

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người chỉ còn vài tháng tại vị, nhắc lại tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lời kêu gọi của ông về việc tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

    Triều Tiên tiến hành tấn công miền Nam, tức Hàn Quốc vào năm 1950 và các hành động thù địch chấm dứt ba năm sau đó với một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, thực tế mà nói, cả hai vẫn ở trong tình trạng xung đột.

    Bình Nhưỡng đang chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

    Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, ông Kim Song cho biết Triều Tiên có quyền “phát triển, thử nghiệm, sản xuất và sở hữu” các hệ thống vũ khí tương đương với các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ.

    Bình Nhưỡng đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa trong tháng này, một vụ liên quan đến tên lửa hành trình tầm xa và một vụ khác mà quân đội Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

    Chính quyền Seoul cũng lần đầu tiên bắn thử thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, trở thành một trong số ít các quốc gia đạt được công nghệ tiên tiến này.

    Các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington phần lớn đi vào bế tắc kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh năm 2019 ở Hà Nội giữa nhà lãnh đạo Kim và tổng thống khi đó là Donald Trump sụp đổ vì biện pháp trừng phạt và những gì Triều Tiên sẽ sẵn sàng từ bỏ để đổi lại.

    Kể từ đó, Triều Tiên đã liên tục khiêu khích Hàn Quốc và tổng thống Moon Jae In, đồng thời cho nổ tung một văn phòng liên lạc ở bên cạnh biên giới mà Seoul đã xây dựng.

    Sau cuộc họp khẩn cấp, Ủy ban An ninh Quốc gia của Hàn Quốc hôm qua đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ “lấy làm tiếc về vụ phóng tên lửa đúng vào thời điểm cần sự ổn định chính trị trên Bán đảo Triều Tiên”.

    “Có vẻ như Triều Tiên muốn xem sự chân thành của Seoul như thế nào trước khi sẵn sàng cải thiện quan hệ liên Triều – và chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên”, giáo sư Yang Moo-jin của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên cho biết.

    “Bình Nhưỡng sẽ theo dõi và nghiên cứu phản ứng của ông Moon sau vụ phóng tên lửa hôm nay và quyết định xem họ muốn làm gì trong những việc như khôi phục đường dây nóng liên Triều”, ông nói thêm.

    New York: Bệnh viện sa thải nhân viên không chịu chích ngừa COVID


    Các bệnh viện ở New York đầu tuần này bắt đầu sa thải hay đình chỉ công tác nhân viên y tế không tuân hành lệnh tiểu bang về việc tiêm vaccine COVID-19, dẫn tới việc thiếu nhân viên khiến một số bệnh viện phải hoãn các cuộc giải phẫu hay cắt giảm dịch vụ.

    Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio, bày tỏ lo ngại về các khu vực khác của tiểu bang New York nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn.

    Việc đẩy mạnh tiêm chủng ở New York diễn ra trong lúc Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo chính trị liên bang và các tiểu bang khác đang tăng cường áp lực lên những ai chưa chịu tiêm chủng, một số người từ chối chích ngừa vì lý do tôn giáo hay sức khỏe.

    Sở Y tế tiểu bang New York tháng trước ra lệnh bắt buộc tất cả nhân viên y tế tới ngày 27/9 phải tiêm ít nhất một mũi vaccine, khiến các bệnh viện đổ xô tiêm chủng cho nhân viên.

    Trong số 43.000 nhân viên của 11 bệnh viện công tại thành phố New York, có khoảng 5.000 nhân viên chưa chích ngừa, bác sĩ Mitchell Katz, người đứng đầu Y tế và Bệnh viện Thành phố New York, cho biết.

    Hôm 25/9, Thống đốc tiểu bang New York, Kathy Hochul, cho hay đang tính chuyện dùng Vệ binh Quốc gia và nhân viên y tế ngoài tiểu bang để bù đắp khoảng trống thiếu hụt nhân viên y tế trong bang.

    16% trong số 450.000 nhân viên bệnh viện trong tiểu bang chưa được tiêm chủng hoàn toàn.

    Các nhân viên y tế bị sa thải vì không chịu chích ngừa COVID sẽ không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp trừ phi họ có giấy chứng nhận lý do sức khoẻ không cho phép tiêm vaccine COVID.

    TQ thị uy sức mạnh quân sự trên không tại Quảng Đông

    Trung Quốc đang phô trương những sức mạnh mới trên không của mình trong hội chợ triển lãm hàng không lớn nhất, được tổ chức tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.

    Trong ngày khai mạc 28/9, đã có một màn nhào lộn đầy sắc màu trên không do các phi công thuộc Lực lượng Không quân Trung Quốc thực hiện.

    Các màn trình diễn được thực hiện với một số sản phẩm mà Trung Quốc muốn xuất khẩu, trong đó có AG600, loại thủy phi cơ lớn nhất thế giới, được thiết kế nhằm đảm nhiệm công tác cứu hỏa và cứu hộ trên biển.

    Hai thiết bị bay không người lái, Dực Long II (Wing-Loong II), là loại drone có thể gắn vũ khí, tương đương với MQ-9 Reaper của Mỹ, và Bọ cạp đuôi kép (Twin-Tailed Scorpion), cũng được giới thiệu nổi bật tại hội chợ.

    Hơn 100 máy bay đã được đăng ký tham gia trong kỳ Triển lãm Hàng không Trung Quốc, tổ chức từ ngày 28/9 đến 3/10.

    Là sự kiện diễn ra hai năm một lần, triển lãm lần này đã bị hoãn lại một năm do đại dịch Covid-19, và chủ yếu gồm các sản phẩm nội địa của Trung Quốc, do lệnh cách ly nghiêm ngặt vẫn đang được áp dụng.

    Không có nhận xét nào