Lần đầu tiên, Pháp và Úc tổ chức hội nghị bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng (2+2) ngày 30/08/2021, dưới hình thức trực tuyến. Trong thông cáo chung, hai nước đã « bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông » và ủng hộ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Dù không bị nêu đích danh, có thể thấy hầu hết những bất ổn được hai nước nêu lên là có liên quan đến Trung Quốc.
Về tình hình Biển Đông, bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Pháp, Úc « kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng ». Theo thông cáo chung, « mọi bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển » (UNCLOS). Ngoài ra, bốn bộ trưởng còn « tái khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế » ở Biển Đông.
Phần « an ninh quốc tế và vùng » Ấn Độ-Thái Bình Dương chiếm 1/3 số điểm được nêu trong thông cáo (gồm 25 điểm). Pháp và Úc sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược của mỗi bên về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời giữ vững cam kết với các đối tác trong vùng, trong đó có Hoa Kỳ, để bảo đảm một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, toàn vẹn và tự do. Ở điểm này, Úc và Pháp tái khẳng định rằng « ASEAN và các cơ chế của hiệp hội cần đóng một vai trò trung tâm trong kiến trúc khu vực phục vụ cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ».
Ngoài hợp tác song phương, các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Pháp, Úc cũng nhấn mạnh đến tăng cường hợp tác ba bên với Ấn Độ trong các lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải, cũng như về môi trường biển. Vai trò quan trọng của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương được Úc và Pháp đánh giá cao, nhưng bốn bộ trưởng cũng nhất trí phải tăng cường đối thoại với các đảo quốc ở Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh không ngừng gia tăng ảnh hưởng.
Đây là lần đầu tiên Pháp và Úc họp theo hình thức 2+2, quy tụ ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và đồng nhiệm Úc Marise Payne, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly và đồng nhiệm Úc Petter Dutton. Theo bộ Ngoại Giao Pháp, cuộc họp này thể hiện cấp độ cao trong hợp tác chiến lược và tác chiến giữa Pháp và Úc.
Trung Quốc ra luật bảo mật dữ liệu mới
Việc thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu ở Trung Quốc sắp trở nên phức tạp hơn. Từ hôm nay, một luật bảo mật dữ liệu mới sẽ có hiệu lực. Dù chưa thi hành nhưng chúng đã rất khó hiểu.
Chúng bao gồm các danh mục dữ liệu mới được xếp hạng theo mức độ quan trọng, bao gồm khái niệm mới “dữ liệu cốt lõi quốc gia,” mà nếu xử lý sai có thể dẫn tới khoản phạt 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu đô la) và thu hồi quyền kinh doanh ở Trung Quốc. “Dữ liệu cốt lõi quốc gia” bao gồm dữ liệu có liên quan đến an ninh quốc gia hoặc tài chính, song khá mơ hồ về chi tiết.
Cũng như luật an ninh quốc gia Hồng Kông, vốn có hiệu lực từ năm ngoái, sự mơ hồ có thể là công cụ hữu hiệu cho chính phủ Trung Quốc. Vì e ngại vi phạm, các công ty sẽ cư xử rất thận trọng. Chẳng ai muốn chọc tức Đảng Cộng sản Trung Quốc cả.
Chính phủ Nhật Bản quyết tâm số hóa dịch vụ công
Thủ tục hành chính ở Nhật Bản vốn khét tiếng là chậm tiến. Tính đến năm 2019, chỉ 7,5% trong số gần 56.000 quy trình hành chính của chính phủ trung ương có thể được hoàn thành online. Các nhà nghiên cứu cho rằng số hóa có thể giúp tăng GDP đầu người thêm 1%. Song các quan chức không thích thay đổi. Chẳng hạn, đã xảy ra chống đối khi chính phủ Suga Yoshihide, đầy nhiệt huyết số hóa, tìm cách loại bỏ máy fax.
Song nỗ lực của ông Suga nhằm hiện đại hóa dịch vụ công của Nhật Bản tiến đến cột mốc quan trọng vào hôm nay với việc ra đời một cơ quan kỹ thuật số mới. Nhiệm vụ của nó là số hóa các thủ tục hành chính và cải tổ các phương thức mua sắm công lãng phí. Trên lý thuyết, nó thậm chí có thể quản lý các bộ vốn nhiều quyền lực của Nhật Bản. Việc thể chế hóa chương trình số hóa cũng có thể giúp tiến trình này không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ ủng hộ xuống thấp của ông Suga trong bối cảnh ca nhiễm covid-19 gia tăng. Dù thế nào, Nhật Bản là vùng đất nơi thay đổi xảy ra chậm, ngay cả khi có thời cơ tốt nhất. Vì vậy, các nhân viên bán máy fax không nên quá lo lắng.
Tổng thống Ukraine thăm Mỹ
Khi tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp người đồng cấp Mỹ tại Washington vào hôm nay, phần lớn nội dung thảo luận sẽ là về Nga. Ukraine đã bị Nga tấn công và chiếm đóng một phần trong bảy năm qua. Ông Zelensky sẽ cảm ơn tổng thống Joe Biden vì Mỹ giúp cung cấp thiết bị quân sự và hỗ trợ kinh tế. Còn ông Biden sẽ ca ngợi Ukraine kiên quyết bảo vệ độc lập. Song những lời tốt đẹp chỉ che giấu tâm lý quan ngại ngày càng tăng về cam kết của Mỹ đối với Ukraine.
Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, ông Zelensky muốn được đảm bảo Mỹ sẽ không bỏ rơi Ukraine. Tuy nhiên việc Mỹ quyết định không trừng phạt dự án Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt nối Nga và châu Âu mà Ukraine phản đối, lại đi ngược lại mong muốn của ông Zelensky.
Ông Biden biết rõ những điểm yếu của Ukraine và sẽ đặc biệt quan tâm đến kết quả cụ thể của cuộc chiến chống tham nhũng của ông Zelensky. Phải thành công trên mặt trận đó mới có thể đẩy lùi được Điện Kremlin.
Scandal của tổng thống Argentina
Tổng thống Argentina không có tâm trạng ăn mừng vào hôm nay. Thay vào đó, ông Fernandez sẽ hồi hộp chờ đợi quyết định của công tố viên xem họ có hủy các cáo buộc ông vi phạm quy tắc chống covid-19 do chính ông ban hành hay không. Người ta nói ông đã tổ chức sinh nhật cho bạn gái ngay giữa đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất thế giới.
Bữa tiệc này, được tổ chức tại dinh thự của ông vào tháng 7 năm ngoái, trở thành scandal sau khi xuất hiện những bức ảnh chụp các vị khách không đeo khẩu trang và không giãn cách xã hội. Ông Fernandez xin lỗi và đề nghị nộp phạt. “Tôi rất hối hận về những gì đã xảy ra, nó sẽ không xảy ra nữa,” ông nói trong tháng này. Hiện ông đã đệ đơn dài 36 trang nhằm bác bỏ cáo buộc, với lập luận không có vị khách nào bị nhiễm trước và sau bữa tiệc. Scandal xảy đến đúng lúc Argentina chuẩn bị tổ chức bỏ phiếu sơ bộ vào ngày 12 tháng 9 trong cuộc bầu cử giữa kỳ, với tỉ lệ ủng hộ của tổng thống xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Texas ra luật cấm phá thai mới hết sức hà khắc
Hôm nay, một luật hạn chế phá thai hà khắc ở Texas bắt đầu có hiệu lực. Nó cấm phá thai nếu thai nhi đã có nhịp tim, tức khoảng sáu tuần sau khi mang thai — tức trước khi nhiều phụ nữ nhận ra là họ đang mang thai. Các nhà cung cấp dịch vụ y tế tính toán rằng ít nhất 85% bệnh nhân trong bang sẽ không được chăm sóc y tế và buộc phải đi đến bang khác nếu có đủ khả năng chi trả.
Luật này vi phạm phán quyết Roe v Wade, một án lệ của Tòa án Tối cao cho phép phá thai trước khoảng 22 tuần. Điều khác biệt của nó với các luật khác là nó quy định mọi người bình thường đều có quyền thực thi. Bất kỳ người nào cũng có thể kiện người khác tội “hỗ trợ và tiếp tay” phá thai và yêu cầu “bồi thường thiệt hại” 10.000 đô la.
Điều này gây khó cho việc thách thức luật này, vì không rõ sẽ phải đi kiện ai. Hôm thứ Hai, các nhà cung cấp dịch vụ phá thai đã yêu cầu Tòa án Tối cao ngăn chặn luật này nhưng thất bại. Cuộc chiến pháp lý sẽ còn kéo dài.
Thủ tướng Thái Lan bị quốc hội chất vấn khi các cuộc biểu tình kéo dài
Hãng tin Reuters cho biết các nhà lập pháp Thái Lan bắt đầu cuộc tranh luận bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hôm 31/8, khi những người phản đối đe dọa sẽ tăng cường các cuộc biểu tình trên đường phố vì thất vọng trước việc chính phủ của ông xử lý khủng hoảng COVID-19.
Phe đối lập chính trị cáo buộc cựu tổng tư lệnh quân đội và 5 bộ trưởng trong nội các của ông, bao gồm cả phó thủ tướng kiêm bộ trưởng y tế Anutin Charnvirakul, về việc tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém và ứng phó tệ hại với dịch bệnh.
Những người biểu tình đe dọa sẽ tuần hành trên toàn quốc trong lúc phe đối lập chất vấn ông Prayuth tại quốc hội.
“Cứ 7 phút lại có một người Thái chết vì cách quản lý chống dịch COVID-19 sai lầm”, thủ lĩnh phe đối lập Sompong Amornwiwat của Đảng Pheu Thai cho biết khi mở đầu cuộc tranh luận.
“Gây thiệt hại kinh tế 8 tỷ baht (247,60 triệu đôla) mỗi ngày do thiếu quản lý và các biện pháp phong tỏa đã thất bại”, ông Sompong nói.
Ông Prayuth nói với quốc hội rằng chính phủ luôn hoạt động vì lợi ích công.
Ông Prayuth, người theo chủ nghĩa bảo hoàng đã lên nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và vẫn giữ chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm 2019, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo Thái Lan tại vị lâu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Các cuộc biểu tình chống lại ông ta, vốn bị đặt ngoài vòng pháp luật theo các hạn chế của dịch bệnh đã sôi sục trong những tuần gần đây bất chấp các cuộc đụng độ thường xuyên, đôi khi bạo lực với cảnh sát, những người đã đáp trả bằng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng.
Nghiên cứu: Nọc rắn độc có thể trở thành công cụ trị COVID
Tín đồ Hindu Ấn Độ đổ sữa lên tượng rắn mang bành tại lễ hội "Nag Panchami" tại một đền thờ Amritsar, ngày 13/8/2021.
Các nhà nghiên cứu Brazil phát hiện một phân tử trong nọc rắn có thể ức chế việc sinh sản của virus corona trong tế bào của khỉ, bước đầu tiên có khả năng tiến tới một loại thuốc trị virus gây đại dịch COVID-19.
Cuộc nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Molecules trong tháng này phát hiện phân tử do rắn có nọc độc jararacussu sản xuất có thể ức chế khả năng nhân lên của virus corona trong tế bào khỉ đến 75%.
“Chúng tôi có thể chứng tỏ thành phần này trong nọc rắn có thể ức chế chất protein rất quan trọng trong virus,” ông Rafael Guido, một giáo sư tại Đại học Sao Paulo và là tác giả cuộc nghiên cứu, cho biết.
Phân tử vừa kể là một peptide, hay chuỗi amino acid, có thể kết nối với một enzyme của virus corona tên là PLPro (vốn thiết yếu cho việc sinh sản của virus) mà không làm tổn thương đến các tế bào khác.
Từng được biết tiếng về các phẩm chất kháng khuẩn, peptide có thể được tổng hợp trong phòng thí nhiệm, ông Guido nói, nghĩa là không cần thiết phải bắt hay nuôi loại rắn này để lấy nọc.
“Chúng tôi biết có người đi săn bắt rắn jararacussu xung quanh Brazil, nghĩ rằng họ đang cứu thế giới…Không phải vậy!” ông Giuseppe Puorto, một nhà nghiên cứu các loài bò sát thuộc Viện thu thập sinh học Butantan ở Sao Paulo, nói. “Không phải tự chính nọc độc có thể chữa được virus corona.”
Bước kế tiếp, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá tính hiệu nghiệm của những liều phân tử khác nhau và xem liệu chúng ngay từ đầu có thể ngăn chặn virus corona xâm nhập tế bào hay không, theo một tuyên bố của Đại học Quốc gia Sao Paulo cũng liên hệ đến cuộc nghiên cứu.
Họ hy vọng sẽ thử nghiệm chất này trên tế bào con người, nhưng không cho biết thời điểm.
Jararacussu là một trong những loài rắn lớn nhất tại Brazil, có thể dài đến 2 mét. Chúng sống trong Rừng Đại Tây Dương dọc bờ biển và cũng có mặt ở Bolivia, Paraguay, và Argentina.
Đầy hoảng sợ, người Afghanistan tìm cách vượt biên
Người dân Afghanistan vào Pakistan qua chốt kiểm soát ở Chaman, Pakistan.
Các đám đông tìm cách chạy trốn khỏi Afghanistan đã đổ về biên giới của nước này trong khi những người khác xếp hàng dài tại các ngân hàng vào hôm thứ Tư 1/9.
Khoảng trống về hành chính sau khi Taliban tiếp quản khiến các nhà tài trợ nước ngoài chưa rõ sẽ ứng phó thế nào với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm ẩn.
Lực lượng dân quân Hồi giáo tập trung duy trì hoạt động của các ngân hàng, bệnh viện và bộ máy chính phủ sau khi lực lượng Hoa Kỳ cuối cùng rút lui hôm 30/8, chấm dứt một cuộc không vận lớn những người Afghanistan đã giúp đỡ các quốc gia phương Tây trong cuộc chiến kéo dài 20 năm.
Với việc sân bay Kabul không thể hoạt động, một số người có những nỗ lực riêng tập trung vào giúp những người Afghanistan lo sợ bị Taliban trả thù để họ đi qua biên giới một cách an toàn sang Iran, Pakistan và các quốc gia Trung Á. Afghanistan chỉ có biên giới trên bộ, không tiếp giáp với biển.
Tại Torkham, một cửa khẩu chính với Pakistan nằm ở phía đông của đèo Khyber, một quan chức Pakistan cho biết: "Một số lượng lớn người dân ở bên phía Afghanistan đang chờ đợi việc mở cửa khẩu".
Các nhân chứng cho biết hàng nghìn người cũng tập trung tại đồn biên phòng Islam Qala giữa Afghanistan và Iran.
Hơn 123.000 người đã được sơ tán khỏi Kabul trong cuộc không vận do Mỹ dẫn đầu sau khi Taliban chiếm giữ thành phố vào giữa tháng 8, nhưng hàng chục nghìn người Afghanistan có nguy cơ vẫn còn bị bỏ lại.
Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc UNHCR tuần trước cho biết có tới nửa triệu người Afghanistan có thể rời bỏ quê hương vào cuối năm nay.
Thêm 7 nhà dân chủ Hồng Kông lãnh án tù
Theo hãng tin Reuters, hôm nay, 01/09/2021, tư pháp Hồng Kông đã tuyên án từ 11 đến 16 tháng tù giam đối với 7 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông vì tội tham gia cuộc biểu tình bất hợp pháp hồi năm 2019.
Các bị cáo bao gồm các nhà đấu tranh Trần Hạo Hoàn (Figo Chan) 25 tuổi, Hoàng Hạo Minh (Raphael Wong), Ngô Văn Viễn (Avery Ng) thuộc đảng Liên Đoàn Xã Hội Dân Chủ, và một số cựu dân biểu Hồng Kông như bà Hà Tú Lan (Cyd Ho), ông Hà Tuấn Nhân (Alber Ho), cựu dân biểu Dương Sâm (Yeung Sum), 73 tuổi, và nhân vật được mệnh danh là tóc dài Lương Cao Hùng (Leung Kwok Hung).
Phát biểu sau phán quyết của tư pháp Hồng Kông, chủ tịch Liên Đoàn Xã Hội Dân Chủ, bà Trần Bảo Anh (Chan Po Ying), vợ ông Lương Cao Hùng, nói với hãng tin Reuters bà « hy vọng, với những bản án vừa tuyên, mọi người đều hiểu rằng đầy là một phiên tòa mang tính chính trị ».
Một nhà trí thức Hồng Kông bị bắt tại Hoa Lục
Cũng trong ngày hôm nay, thân nhân của Phương Nhiên (Fang Ran), một nghiên cứu sinh thuộc đại học Hồng Kông, báo động là anh đã mất tích từ 5 ngày qua và đang bị bắt giữ tại Hoa Lục. Làm việc trong ngành xã hội học, Phương Nhiên đang nghiên cứu về các phong trào lao động ở Trung Quốc. Theo AFP, một tin nhắn trên mạng xã hội được cho là của thân phụ Phương Nhiên cho biết nghiên cứu sinh này bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Đại học Hồng Kông cho biết đang tìm kiếm thêm thông tin, và trong khi chờ đợi, họ sẵn sàng hỗ trợ gia đình sinh viên 26 tuổi này.
Không có nhận xét nào